10 tip chăm sóc da khỏe đẹp bạn cần nhớ trong mùa đông thời tiết khô lạnh

Thời tiết thay đổi ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chúng ta, trong đó làn da là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tác động. Mùa đông đến mang theo không khí lạnh khô có thể khiến da bị ngứa, mẩn đỏ và kích ứng. Làm cách nào để bảo vệ làn da vào mùa đông? Hãy cùng xem những lời khuyên của chuyên gia giúp chăm sóc da và duy trì độ ẩm tự nhiên cho da của bạn nhé.

Tại sao da bị xấu vào mùa đông?

Mùa đông là kẻ thù của sức khỏe và làn da bởi nhiệt độ lạnh và không khí hanh khô khiến da bị đỏ và sần sùi, nhưng nếu sưởi ấm ở trong nhà cũng có thể làm mất độ ẩm của không khí và của da. Theo Viện Da liễu Mỹ (AAD), những biện pháp dùng hơi nóng như ngồi bên đống lửa cũng có thể làm khô da. Tương tự, theo Trung tâm Y tế Đại học Tennessee, tắm nước nóng giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu nhưng cũng làm mất lớp dầu tự nhiên trên da có tác dụng giữ ẩm và ngăn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào da.

Mùa đông rất dễ khiến da bị khô (Ảnh: Internet).

Nhưng đừng lo vì có nhiều cách giúp bạn tránh bị khô da và giữ cho làn da khỏe đẹp qua mùa đông khó chịu, với những biện pháp rất dễ thực hiện trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cùng xem 10 tip đơn giản được chuyên gia da liễu khuyến cáo dưới đây nhé.

10 tip hiệu quả giúp bảo vệ làn da khỏe mạnh trong mùa đông

1. Dùng máy tạo độ ẩm để tránh khô da

Vào những tháng mùa đông lạnh giá, không khí ngoài trời thường giảm độ ẩm và trở nên khô hơn. Theo Cleveland Clinic, dùng máy tạo độ ẩm trong nhà hoặc trong phòng làm việc sẽ giúp khôi phục độ ẩm cho không khí, từ đó giúp giữ ẩm cho làn da của bạn.

Bạn có thể mua máy tạo độ ẩm tại đây

Máy tạo độ ẩm là thiết bị rất cần thiết vào lúc không khí khô như mùa đông (Ảnh: Internet).

Nên bật máy tạo độ ẩm cho toàn bộ ngôi nhà hoặc trong những phòng mà bạn dành thời gian nhiều nhất, và duy trì mức độ ẩm của không khí trong nhà khoảng 30 đến 50%. Một cách hợp lý là bật máy qua đêm trong lúc bạn đang ngủ. Nếu muốn kiểm tra chính xác độ ẩm trong không khí, bạn có thể mua máy đo độ ẩm tại đây.

2. Duy trì nhiệt độ trong nhà ở mức mát mẻ và thoải mái

Nếu bạn vừa đi từ ngoài trời lạnh vào nhà thì thường sẽ muốn bật nhiệt độ trong nhà ấm lên ngay để cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng theo Đại học Da liễu Mỹ (AOCD), nhiệt độ cao có thể khiến không khí trong nhà trở nên khô hơn. Tốt nhất là nên chỉnh nhiệt độ mát mẻ nhưng đủ thoải mái giúp bảo vệ da không bị khô thêm, AOCD khuyến cáo nên đặt ở mức 20 đến 24°C là hợp lý.

Đặt nhiệt độ ở mức mát mẻ, không nên quá nóng (Ảnh: Internet).

3. Dùng nước mát để tắm và rửa tay

Tắm nước nóng thật lâu là lựa chọn của nhiều người khi trời lạnh và hanh khô để đem lại cảm giác thư giãn cực kỳ dễ chịu, nhưng nước quá nóng có thể làm khô da nhiều hơn. Theo AAD khuyến cáo, chỉ nên tắm nước ấm với thời gian từ 5 đến 10 phút thay vì nước nóng để tránh làm nặng thêm tình trạng khô da.

Vậy nước bao nhiêu độ là đủ? Một nguyên tắc đơn giản là nếu da bạn bị ửng đỏ tức là nước quá nóng cần phải giảm xuống bớt, theo Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh.

Tắm nước nóng khiến da bị khô (Ảnh: Internet).

Cũng không nên dùng nước quá nóng khi rửa tay, đặc biệt là với những người mà da tay dễ bị đỏ, ngứa và đóng vảy – đó có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh chàm ở da tay, theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia Mỹ. Đối với những người bị bệnh chàm, việc tiếp xúc với nước nóng hoặc không khí lạnh của mùa đông đều có thể là nguyên nhân làm bùng phát bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), nước mát có hiệu quả rửa sạch mầm bệnh trên da giống như nước ấm nhưng ít gây kích ứng da hơn.

4. Chọn các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hương liệu

Sữa rửa mặt không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân làm hại da (Ảnh: Internet).

Các chuyên gia cho biết xà phòng có thể làm nặng thêm tình trạng khô da vì nó rửa trôi lớp dầu tự nhiên và phá vỡ hệ vi sinh vật sống trên da. Đối với những người có làn da khô, lời khuyên là nên sử dụng sữa tắm thay cho xà phòng và chọn những sản phẩm được dán nhãn “dành cho da nhạy cảm” hoặc không chứa thuốc nhuộm và chất tạo mùi hương. Những sản phẩm như vậy thường chứa ít thành phần gây khô da hơn và có nhiều chất dưỡng ẩm hơn như axit hyaluronic, ceramide, dầu, bơ hạt mỡ và yến mạch.

AAD cũng khuyên rằng nên chọn các sản phẩm được dán nhãn “không có chất tạo mùi”, bởi nếu chỉ là “không mùi” thì thực ra chúng có thể chứa các hóa chất làm trung hòa mùi hương và vẫn có thể gây kích ứng da.

Bạn có thể mua sữa rửa mặt dịu nhẹ tại đây

5. Điều chỉnh chế độ chăm sóc da theo mùa

Nếu da của bạn bị khô và ngứa, các chuyên gia khuyên rằng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa axit alpha-hydroxy (AHA) và retinoid cho da mặt vì chúng có thể khiến các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn đến viêm da kích ứng – tình trạng phản ứng xảy ra khi da tiếp xúc lâu với chất gây kích ứng.

Sau khi chờ một thời gian để da hết khô và ngứa, bạn có thể sử dụng lại retinoid và AHA một cách từ từ để đánh giá tình hình.

Kiểm tra kỹ thành phần của kem để chọn đúng sản phẩm phù hợp cho da (Ảnh: Internet).

Ngoài AHA và retinoid, AAD cũng khuyên rằng nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa cồn và nước hoa khi da đang bị khô để tránh làm mất lớp dầu tự nhiên trên da. Thay vào đó bạn nên dùng các loại dầu và kem để chăm sóc da vào mùa đông và có thể thoa kem dưỡng ẩm lên trên lớp toner nếu toner gây khô da.

Vào ban đêm hãy dùng kem dưỡng ẩm nhiều hơn trên cơ thể, bao gồm cả cánh tay, chân và phần thân. Các chuyên gia khuyên rằng nên chọn sản phẩm có chứa các thành phần như petrolatum, squalene và bơ hạt mỡ vì chúng có tác dụng giúp giữ ẩm bằng cách hình thành một lớp màng bảo vệ trên da. Ngoài ra các chất thực sự giữ ẩm như axit hyaluronic và glycerin cũng phù hợp cho da mặt, vì chúng cho phép da được thông thoáng và không có nguy cơ gây mụn.

Các chuyên gia lưu ý rằng vào mùa đông nên chọn các loại kem đặc được sản xuất ở dạng lọ hoặc tuýp thay vì dạng vòi bơm, bởi vì kem dạng vòi bơm thường loãng hơn và nhiều nước hơn nên dễ bay hơi khỏi bề mặt da sau khi thoa và không đủ độ dày để giữ ẩm.

Đối với môi, AAD khuyến cáo nên dùng các loại dầu dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ để bảo vệ môi khỏi bị khô nẻ trong mùa lạnh.

6. Dưỡng ẩm da tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi rửa tay

CDC lưu ý rằng rửa tay là rất quan trọng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như mùa đông là lúc điều kiện thuận lợi cho cảm cúm lây lan. Nhưng rửa tay quá nhiều cũng có thể làm hại da tay, do đó các chuyên gia khuyên rằng nên thoa kem dưỡng da sau mỗi lần rửa tay đồng thời đeo găng chống thấm nước để bảo vệ tay khi rửa chén, giặt đồ hoặc làm những việc tiếp xúc với nước khác.

Ngoài ra bạn có thể đeo găng tay cotton sau khi thoa kem dưỡng ẩm để giúp da hấp thụ kem tốt hơn.

7. Bôi kem chống nắng – kể cả trong những ngày mùa đông âm u

Tại sao phải bôi kem chống nắng kể cả khi trời mát (Ảnh: Internet).

Theo Tổ chức Ung thư Da, vào những ngày mùa đông có nắng, băng tuyết giống như tấm gương phản chiếu ánh sáng mặt trời khiến chúng ta có nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím nhiều hơn. Tia UV đã được biết là có liên quan với các vấn đề nghiêm trọng như ung thư da, cháy nắng và lão hóa da sớm biểu hiện bằng nếp nhăn, da sần sùi và đốm. Điều đó có nghĩa là việc thoa kem chống nắng vào mùa đông cũng quan trọng không kém gì mùa hè.

Nhưng đáng chú ý hơn nữa là những ngày nhiều mây và không có nắng cũng không phải là an toàn cho da. Theo Tổ chức Ung thư Da, có tới 80% tia UV có hại từ mặt trời có thể xuyên qua các đám mây và vẫn gây ảnh hưởng tới da. Vì vậy trước khi ra ngoài trời, bạn hãy thoa kem chống nắng cho tất cả những vùng da không được che kín, nên dùng kem phổ rộng có SPF từ 30 trở lên với khả năng chống nước và chứa các thành phần dưỡng ẩm như lanolin hoặc glycerin.

8. Mặc quần áo phù hợp, thoải mái, không kích ứng da

Nhiều loại vải chuyên dùng trong thời tiết lạnh có thể làm nặng thêm tình trạng khô da mùa đông. Các chuyên gia khuyên rằng không nên mặc đồ len và các loại vải thô ráp cọ xát trực tiếp vào da vì có thể khiến da khô bị kích ứng và ngứa. Thay vào đó, hãy chọn những loại vải nhẹ được làm từ chất liệu mềm và thoáng khí như bông hoặc lụa mặc trực tiếp lên da, sau đó có thể khoác thêm áo len bên ngoài để giữ ấm, theo khuyến cáo của AAD.

Đồ len chỉ nên mặc bên ngoài để giữ ấm (Ảnh: Internet).

Cũng đừng quên bảo vệ bàn tay của bạn khỏi không khí lạnh mùa đông bằng cách đeo găng tay. Nếu bạn cảm thấy găng tay bằng len có cảm giác khó chịu thì hãy thử găng tay da.

9. Ăn uống hợp lý và uống đủ nước

Bên cạnh những sản phẩm chăm sóc da từ bên ngoài thì bạn có thể dưỡng ẩm cho làn da từ bên trong, mặc dù hiệu quả sẽ chậm hơn. Điều quan trọng vào mùa đông là giữ cho cơ thể và làn da đủ nước bằng cách uống nhiều nước – đây là một trong những cách đơn giản nhất để tránh bị khô da.

Uống đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể vào mùa đông (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu quy mô nhỏ được đăng trên tạp chí Clinical, Cosmetic, and Investigational Dermatology vào tháng 8/2015 cho thấy chúng ta có thể giữ ẩm cho da hiệu quả hơn bằng cách uống nhiều nước hơn (cụ thể trong nghiên cứu này là uống thêm 2 lít nước so với thường ngày).

Chế độ ăn uống cũng góp phần bảo vệ da. Nên tránh các món chế biến sẵn và chứa nhiều đường, thay vào đó là ăn nhiều thực phẩm toàn phần nguyên chất giàu vitamin, khoáng chất và axit béo thiết yếu giúp cho cơ thể và làn da khỏe mạnh.

10. Vỗ nhẹ để làm khô da, sau đó khóa ẩm

Các chuyên gia khuyên rằng nên làm khô da tay bằng cách vỗ nhẹ sau khi rửa hoặc dùng khăn thấm nhẹ nhàng thay vì chà mạnh. Cách này sẽ giúp giữ ẩm cho da tốt hơn. Tương tự đối với sau khi tắm, bạn nên dùng khăn thấm nhẹ cho khô da rồi thoa kem dưỡng ẩm dày trong vòng vài phút ngay sau đó để giữ cho da không bị khô.

Tổng kết

Nếu bạn vẫn cảm thấy da bị khô, khó chịu và kích ứng sau khi áp dụng những cách trên đây thì các chuyên gia gợi ý có thể sử dụng kem hydrocortisone 1% không cần kê đơn. Sau đó nếu bạn vẫn không thấy tình hình cải thiện trong vài ngày thì hãy đến gặp bác sĩ để khám và có thể được kê đơn các loại kem dưỡng ẩm mạnh hơn để khắc phục các vấn đề của da trong mùa đông, hoặc tìm ra các nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn gây ra triệu chứng khô da.

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *