Bạn hay cảm thấy bồn chồn, bạn có những thói quen khó bỏ và cảm thấy hay lo xa những chuyện “trên trời dưới bể” trong khi bạn bè của mình thì không? Bạn có thể đã mắc phải chứng lo âu. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt là do đại dịch COVID-19, bạn cần được đánh giá và can thiệp kịp thời trước khi các dấu hiệu này ngày càng nặng hơn!
Dưới đây là một số thói quen, cử chỉ mà có thể bạn hay mắc phải:
- Rung chân
- Gõ ngón tay
- Rùng mình khi chạm vào tai
- Nghịch tóc
- Táy máy ngón tay
- Cắn móng tay
Nếu bạn có 2 đến 3 thói quen trên, bạn cần phải biết cách để vượt qua chúng và đó là biểu hiện của lo âu, một hội chứng ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ.
- Nguyên nhân của Lo âu là gì? Cùng tìm hiểu tại đây!
- Điều trị lo âu như thế nào ở tất cả các nhóm tuổi và đối tượng mắc phải, cùng xem tại đây.
Được rồi, giờ hãy xem qua list 13 dấu hiệu này và các biện pháp khắc phục chúng nhé!
1. Cắn móng tay
Một trong những thói quen lo âu, lo lắng phổ biến nhất ở giới trẻ, những bạn chưa đủ tự tin về việc học và công việc, là hành động cắn móng tay. Người cắn móng tay thậm chí có thể không nhận ra rằng họ làm điều này bởi vì nó đã trở thành thói quen và sẽ lặp đi lặp lại không tự kiểm soát được, vô thức làm.
Mặc dù trông có vẻ giống như một hành động tự xoa dịu bản thân, nhưng nó không có tác dụng gì ngoài việc khiến móng tay nham nhở, dễ bị nhiễm trùng và viêm quanh móng.
Cắn móng tay có thể biểu hiện qua hành vi mút ngón tay cái hoặc thậm chí là một hành vi được di truyền hoặc bắt chước từ người thân trong gia đình. Một số cách bạn có thể hạn chế thói quen này là:
- Giữ tay và móng tay sạch sẽ, đeo găng tay khi có thể.
- Có thể xịt, sơn một chất có mùi vị khó chịu, đắng lên móng tay để tự ngăn mình cắn. Điều này làm cho móng tay có vị khó chịu nhưng 100% an toàn cho trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi. Sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường là Mavala Stop.
- Thường xuyên làm móng hoặc phủ sơn bóng lên móng để giúp móng phát triển và khuyến khích bản thân phải giữ cho móng trông khỏe mạnh.
- Tự thưởng cho bản thân khi bạn không cắn móng tay trong một thời gian thử thách.
2. Tránh giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là một dấu hiệu của sự tôn trọng, nhất là với người phương Tây – Âu Mỹ. Bạn có thể bị coi là thiếu tự tin, thiếu tôn trọng hoặc thô lỗ khi lướt mắt xuống dưới hoặc nhìn ra xa, né tránh khi đang nói chuyện. Nếu bạn lo lắng, lo âu và không muốn nhìn trực tiếp vào ánh mắt của người đối diện, thì đây là một số điều có thể hữu ích:
- Hãy nhìn vào đỉnh xương gò má, mũi hoặc môi của họ thay vì nhìn vào ánh mắt trực tiếp. Họ có thể sẽ không biết rằng bạn đang tương tác bằng mắt vì bạn vẫn đang nhìn vào mặt họ.
- Hãy cố gắng giao tiếp bằng mắt khi gặp ai đó lần đầu. Nhìn vào mắt chỉ diễn ra trong vài giây và không có hại gì, không làm tổn thương bạn hay ai đó quá nhạy cảm. Bạn không mất mát gi khi giao tiếp bằng mắt.
- Khi trò chuyện, hãy để điện thoại chế độ rung hoặc im lặng và cất nó ra xa để bạn tập trung vào cuộc hội thoại và thấy thoải mái hơn
- Cố gắng nhắc nhở bản thân tránh nhìn xuống hoặc nhìn ra xa trong thời gian dài.
3. Hút thuốc
Như tất cả chúng ta đều biết, nicotine là một chất kích thích gây nghiện thực sự khiến bạn lo lắng hơn, nhưng một số người hút thuốc khi họ cảm thấy lo lắng, lo âu về một vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề là, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn để giảm căng thẳng, lo âu cho những chuyện trong cuộc sống.
Hầu hết những người hút thuốc đều hình thành thói quen xấu này khi cứ đến thời gian nghỉ ngơi là hút thuốc, đây là thời điểm duy nhất họ có thể hút thuốc và thoát khỏi các tình huống lo lắng quá thái, mệt mỏi. Để loại bỏ thói quen xấu hút thuốc, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia và sử dụng các biện pháp thay thế có tác dụng làm giảm lo lắng với cơ chế tương tự như hút thuốc như: liệu pháp thôi miên, thuốc viên, kẹo cao su nicotine.
Khi bạn đã bỏ hẳn hoặc giảm hút thuốc, đã đến lúc bắt đầu tìm kiếm một giải pháp khác cho sự lo âu của bạn. Hút thuốc cũng là một trong những thói quen thâm căn cố đế mà những người gặp stress cố gắng loại bỏ. Nếu bạn muốn thử một lần nữa để loại bỏ thói quen này, thì hãy tìm hiểu các chiến lược loại bỏ thói quen này nhé.
Bạn có thể tìm hiểu về cách cai thuốc lá tại đây!
4. Nghiến răng
Một số người khi lo lắng, căng thẳng quá độ sẽ vô thức nghiến răng và việc này cứ lặp đi lặp lại đến mức họ không còn nhận ra là họ đang phá hủy hàm răng của mình không chủ đích. Chứng nghiến răng khi ngủ thường chỉ kéo dài trong 30 giây hoặc ít hơn nhưng vẫn có thể có các biến chứng lâu dài, nhưng nghiến răng khi căng thẳng, lo âu có thể xảy ra khi bạn ngủ hoặc thức.
Tác hại của nghiến răng có thể là khiến răng bị mòn, thay đổi hướng mọc răng, quặp vào bên trong, răng lung lay, nứt, vỡ răng, tụt nướu và đau đầu. Điều này thực sự sẽ làm cho tình trạng căng thẳng của bạn trở nên tồi tệ hơn nếu không thay đổi.
Khi nhận thấy mình đang nghiến răng, hãy dừng lại và hít thở sâu, đồng thời lưu ý đến tâm trạng và môi trường xung quanh. Căng thẳng và lo lắng có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm tật nghiến răng. Hãy tìm sự trợ giúp từ nha sĩ đối với chứng nghiến răng về đêm, nha sĩ có thể đánh giá, xem xét chứng nghiến răng và sử dụng các dụng cụ, liệu pháp điều trị cho chứng nghiến răng của bạn.
Tránh uống quá nhiều rượu và tránh nhai kẹo cao su cũng là cách để bớt nghiến răng, cả hai thói quen này đều được cho là làm trầm trọng thêm nghiến răng.
5. Nói nhanh và vội vàng, lắp bắp
Một thói quen mà khi bạn lo âu, lo lắng quá sẽ xuất hiện là tình trạng nói lắp bắp, vội vàng, nhanh và không diễn tả được điều bạn muốn nói. Điều này có hại vì mọi người sẽ không hiểu bạn và làm bạn mất tự tin.
Khi nói nhanh và vội vàng, cuộc hội thoại cũng có thể bị phá hỏng vì mọi người sẽ đề nghi bạn nói chậm và nhắc lại những điều đã nói trước đó. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng cho họ, thất vọng trong chính bạn, tăng tình trạng lo âu, căng thẳng. Nếu thỉnh thoảng bạn cần phải vào cuộc họp quan trọng, phát biểu và trình bày hội thảo, hãy thực hiện những việc sau đây:
- Hít thở sâu một vài lần trước khi trả lời câu hỏi hoặc bắt đầu bài thuyết trình.
- Tập trước những điều cần nói trước đám đông, nhiều lần. Ghi âm bản thân nói chuyện và nghe lại xem mình có lúng túng, vấp chỗ nào. Cần chắc chắn rằng bạn nói chậm và hiểu rõ từng từ.
- Nếu chỗ nào trong bài thuyết trình cần nói qua, nói nhanh để bao quát được hết các chủ đề trong khoảng thời gian thích hợp, hãy cắt bớt bài phát biểu hoặc ghi chú lại ngay trên font trình bày, sổ tay, giấy note.
- Đặt một số lời nhắc nhở “Chậm lại!” hoặc thẻ gợi ý nhắc bạn cần nói từ từ hơn, hít thở sâu.
- Đặt lời nhắc trên điện thoại của bạn mỗi phút (ở chế độ rung), điều này sẽ giúp nhắc bạn giảm tốc độ trong khi trò chuyện.
6. Ngậm và nhai đầu bút
Đây là một thói quen xấu có thể đã bắt đầu từ thời thơ ấu, có thể dai dẳng thời niên thiếu và khó bỏ khi trưởng thành.
Việc này không hợp vệ sinh. Việc nhai và ngậm bút có vẻ là nhỏ nhặt nhưng có những tác hại khiến bạn nên loại bỏ thói quen này. Nếu bạn đã quen lấy bút và đưa vào miệng, một ngày nào đó bạn có thể lấy bút của người khác và nhai mà không ý thức được việc đó. Vi khuân từ đồ vật, chân tay vào miệng rồi đến đường hô hấp, từ đó hình thành bệnh tật. Bạn sẽ không muốn trở thành người mà không ai dám cho mượn bút, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của bạn ngoài chuyện răng miệng và vệ sinh.
Dưới đây là một số cách giúp bạn bỏ thói quen này:
- Hãy tập dùng máy tính hoặc điện thoại để ghi chú thay vì dùng bút.
- Chọn dùng bút có đầu khó nhai, hoặc bút chì có kèm tẩy trên đầu bút.
- Sơn một chất an toàn nhưng có mùi vị khó chịu lên đầu bút, dùng băng dính che hoặc dùng vật gì có lông che phủ.
- Để sẵn một ít đồ ăn nhẹ gần bạn, khi cần hãy lấy chúng.
- Hãy dùng vật dụng khác, thay vì cái bút.
7. Rung chân, gõ sàn khi ngồi
Thi thoảng đi đâu đó, ngồi làm việc văn phòng, bạn sẽ bắt gặp những người có thói quen rung chân, rung đùi khi ngồi. Gõ sàn, rung chân là một thói quen lo lắng, lo âu có thể do chính người đó cảm thấy căng thẳng nên hình thành nên và cảm thấy như thế sẽ đỡ lo lắng hơn. Thói quen này có thể được coi là dấu hiệu cáu kỉnh hoặc thiếu kiên nhẫn, nó ảnh hưởng đến người khác, làm người xung quanh khó chịu khi cảm nhận được.
Bạn có thể đứng lên hoặc giữ nguyên tư thế trong khi trò chuyện, hoặc dựa vào đâu đó để thoải mái hơn, không nên ngồi không thì sẽ bị việc rung chân cám dỗ. Một cách khá hay để giúp bạn không rung chân, gõ sàn là: khi ngồi, hãy đặt cả hai bàn chân của bạn xuống đất và thỉnh thoảng kiểm tra chúng. Nếu bạn muốn gõ nhẹ, hãy giữ lòng bàn tay của bạn trên chân hoặc thử bắt chéo chân.
Cách hay hơn là hãy đứng dậy đi lại mỗi 45 phút làm việc liên tục để không bị quá cuồng chân.
8. Vân vê và vò tóc
Vân vê và vò tóc không phải là vì yêu thích mái tóc mà còn là biểu hiện của việc quá bối rối, muốn xoa dịu bản thân và thể hiện sự bất lực trong công việc, cuộc sống. Trong một số trường hợp, tình trạng vân vê, vò tóc trở nên nghiêm trọng tới mức bạn muốn kéo tóc liên tục cho đến khi tóc bị đứt gãy.
Hành động này phổ biến hơn ở nữ vì phái đẹp hay để tóc dài và có nhiều cử chỉ biến tấu khác: vén tóc sau tai, xoắn tóc và vuốt xuống hoặc vỗ nhẹ vào tóc. Nếu việc nghịch tóc này ám ảnh và lặp đi lặp lại, đó có thể là dấu hiệu của sự lo lắng, căng thẳng thái quá.
Bạn hãy tự đánh giá, hãy thử để ý thói quen và đếm số lần bạn “nghịch tóc” trong các tình huống căng thẳng, áp lực như họp đối tác, thuyết trình, chạy deadline.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp các nhà tư vấn tâm lý, nói chuyện với bạn bè, người thân. Nếu bạn nhận thấy chuyện này không quá nghiêm trọng thì hãy tự theo dõi và giảm hành động này lại ngay nếu không muốn mái tóc mình bị tổn hại và mất hình tượng nơi làm việc.
9. Bẻ khớp ngón tay
Bẻ khớp ngón tay “cạch, cạch” nghe có vẻ dễ chịu, đây là một thói quen rất phổ biến để giảm căng thẳng ở nhiều người nhưng có mặt trái là làm nứt, vỡ các khớp ngón tay. Bên cạnh đó, nó có thể rất khó chịu đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cơ quan. Sức tay nắm sẽ bị giảm khi bạn bẻ khớp ngón tay quá thường xuyên.
Dưới đây là một số cách để giúp bạn giảm bớt bẻ ngón tay:
- Tự đánh giá xem bạn bẻ khớp ngón tay bao nhiêu lần? Nếu bạn tự nhận thấy mình giảm bẻ khớp thì hãy thưởng cho mình một món quà nho nhỏ cổ vũ.
- Làm cho đôi bàn tay của bạn bận rộn hoặc có một sở thích mới như sơn móng, thoa dưỡng ẩm, múa, yoga.
- Nhắc nhở bản thân bằng ghi chú, lời nhắc điện thoại
- Cầm bút hoặc đồ ăn nhẹ trong những tình huống lo lắng, căng thẳng.
10. Sờ vào mặt
Một thói quen lo lắng, lo âu không hợp vệ sinh nữa là chạm, sờ vào mặt. Khi căng thẳng, đôi khi bạn sẽ cảm thấy muốn sờ, chạm, gãi ngứa các bộ phận trên khuôn mặt của mình. Sờ mặt có thể được coi là một cử chỉ tự điều chỉnh khi chúng ta không cảm thấy an toàn hoặc đang che giấu tâm trạng nào đó.
Trước bất kỳ cuộc họp, cuộc hội thoại, bài trình bày, bạn hãy tự soi gương và nhắc nhở bản thân rằng khuôn mặt của bạn không có vấn đề gì và không cần phải gãi hoặc sờ vào mặt để tránh làm da bị nhiễm khuẩn từ bàn tay và gây mụn. Bạn cũng có thể thử cầm bút hoặc giấy note hoặc làm gì đó để tay của bạn bận rộn.
Một cách khác để hạn chế thói quen này là tự nhắc nhở bản thân rằng việc này vô cùng mất vệ sinh vì bàn tay không phải lúc nào cũng sạch sẽ và bạn có thể lây vi trùng từ tay mình sang người khác.
Hãy cắt tỉa móng tay thường xuyên, rửa tay sạch sẽ đối với những trường hợp nặng hơn (bao gồm cả những người bị mụn mãn tính), và nhất định không sử dụng gương phóng đại (gương soi mụn, lỗ chân lông) vì điều đó sẽ khiến bạn càng muốn chạm vào mụn hơn.
11. Bàn tay táy máy
Thói quen khó chịu này biểu hiện từ gõ ngón tay lên bàn, đập tay vào chân đến nghịch đồng hồ đeo tay hoặc vòng tay và gõ vào ghế ngồi. Điều này có thể cho người khác thấy rằng bạn là người không tập trung, không nghiêm túc, buồn chán hoặc đang quá lo lắng, căng thẳng, tự ti.
Mẹo để giúp những ngón tay của bạn khỏi táy máy:
- Tránh đeo đồng hồ hoặc vòng tay khi bạn sắp tham dự một cuộc họp quan trọng, nói trước nhiều người hoặc có cuộc gặp quan trọng.
- Dẹp bỏ các vật dụng để đảm bảo bạn không nghịch (bút, dây chun, kẹp giấy) hoặc dành một vị trí cho chúng và gọi đó là vùng không được đụng vào.
- Hãy hình dung và tưởng tượng các ngón tay của bạn được quấn băng hoặc gạc trước bất kỳ cuộc họp nào.
12. Cắn môi dưới, bặm môi
Cắn môi là hành vi cực kỳ phổ biến và cũng giống như nghịch tóc, thường được coi là dấu hiệu của sự ngại ngùng, thoải mái với người khác phái hoặc với crush. Nhưng nếu cắn môi đến bật máu, quá mức thì có thể gây hại, gây khô, nứt môi và chảy máu do môi tiếp xúc với nước bọt chứa các enzym trong miệng.
Để ngừng cắn môi, bặm môi, bạn hãy hít thở sâu để giữ bình tĩnh, giảm căng thẳng và tự tin trước bất kỳ sự kiện quan trọng nào. Một cách hữu hiệu là sử dụng son dưỡng ẩm chứa vitamin, dầu khoáng hoặc loại sáp nào đó có thể giúp giảm tình trạng cắn môi. Hãy thử sử dụng những loại có mùi hương (test dị ứng trước) và có thể làm đắng miệng khi cắn môi, từ đó nhắc nhở bạn ngừng cắn môi.
13. Cười một mình
Cười khi lo lắng là một phản ứng tự nhiên đối với sự lo âu. Để ngăn điều này, bạn cần được giúp đỡ để giải tỏa lo lắng. Ban đầu cười một mình có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng bạn có thể trông không nghiêm túc và nó có thể khiến bạn xấu hổ trong một số tình huống cần sự nghiêm túc và chuyên nghiệp như các cuộc họp hay khi nói về vấn đề nhạy cảm.
Dưới đây là một số mẹo giải quyết triệu chứng này mà bạn có thể thử:
- Xác định loại tình huống nào khiến bạn khó kiểm soát tiếng cười của mình. Có phải là những người nhất định nào đó, giới tính nào đó, những người có uy quyền hoặc những tình huống nào?
- Xác định những tình huống mà bạn biết rằng bạn sẽ không thể cười. Hãy nhớ rằng bạn là người kiểm soát và có thể nghiêm túc khi cần thiết.
- Khi bạn cảm thấy như mình sắp cười hoặc lo lắng quá, hãy nắm chặt lòng bàn tay và cố giữ nghiêm nghị.
- Tìm những nơi và thời gian để thoải mái cười và giảm đi nỗi lo lắng trong bản thân mình.
Làm thế nào để đối phó với thói quen lo âu
Sau khi thử các mẹo, phương pháp đã nêu ở trên và nhận trợ giúp từ các chuyên gia, nhà tư vấn tâm lý, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với chính mình và dần dần xây dựng sự tự tin và cảm thấy thoải mái hơn trong các tình huống xã hội, đi làm công sở, chuyên nghiệp hơn trong công việc. Điều quan trọng là bạn phải tự nỗ lực để loại bỏ thói quen lo âu vì một số trong đó có thể gây tác hại về lâu dài.
Dịch giả: Nguyễn Thị Thi Anh – Nguồn: ToMo – Learn Something New