6 dấu hiệu cảnh báo hồ bơi không an toàn, nên tránh xa ngay lập tức

Bạn rất thích đi bơi nhưng không biết hồ bơi có đảm bảo an toàn hay không? Bạn thường xuyên bị khó chịu, thậm chí phát bệnh sau khi đi bơi về? Hãy chú ý những dấu hiệu cảnh báo chất lượng hồ bơi không tốt để tránh xa ngay nhé!

Kích ứng mắt, phát ban da hay nhiễm trùng tiêu hóa là một vài trong số rất nhiều tác hại có thể xảy ra nếu bạn bơi trong nước bẩn, vì vậy chọn đúng hồ bơi đảm bảo an toàn là rất quan trọng. Nhưng trong thực tế hồ bơi luôn có độ “bẩn” nhất định ở mức cho phép, vậy làm sao nhận biết được khi nào thì quá bẩn và không nên bơi? Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo.

1. Nước hồ bơi bị đục

Nước đục là dấu hiệu dễ thấy nhất (Ảnh: Internet).

Nước bị đục nói lên rằng có nhiều hạt vật chất lơ lửng trong nước. Đó có thể là các chất có nguồn gốc từ cơ thể người như kem chống nắng, kem dưỡng da, mồ hôi, dịch cơ thể, protein và chất nhờn của da, v.v. hoặc các chất tự nhiên trong môi trường (rêu tảo, phấn hoa, cát, bụi, v.v.) hoặc chất hóa học nhân tạo (clo, canxi cacbonat, canxi hypoclorit, chất khử trùng nước).

Nước đục thường dễ xuất hiện ở các hồ bơi không có mái che vì nước mưa có thể mang theo các chất gây ô nhiễm từ môi trường rơi vào. Hiện tượng này không chỉ làm mất thẩm mỹ mà các chất bẩn làm đục nước có thể gây hại cho sức khỏe con người. Nếu bạn nhận thấy nước trong hồ bơi bị đục thì hãy tránh xa, đừng bơi ở đó.

2. Nhiều rêu tảo trong nước

Tảo phát triển cho thấy môi trường nước có nhiều chất bẩn (Ảnh: Internet).

Kể cả khi nước không bị đục thì tảo cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước hồ bơi đã bẩn. Tảo thường có dạng nhớt hoặc sợi dài như chùm lông, có nhiều màu sắc khác nhau như xanh lá cây, vàng, đen, nâu hoặc hơi hồng, thường mọc nhiều trên các các góc của hồ bơi hoặc bậc thanh lên xuống.

Một số loại tảo không có hại cho con người, nhưng có những loại khác có thể gây kích ứng da, bệnh tiêu hóa và nhiễm trùng tai. Một số loại tảo thậm chí độc đến mức có thể gây tử vong.

Tảo màu đen mọc ở góc hồ bơi (Ảnh: Internet).

Nếu bạn thấy có tảo trong nước hoặc xung quanh hồ thì đừng bơi ở đó. Nếu đó là hồ ở nhà thì hãy diệt tảo ngay lập tức và chạy máy bơm lọc nước thường xuyên, thậm chí có thể phải “làm sốc” hồ bơi, tức là dùng thật nhiều clo để diệt tảo hoàn toàn. Ngoài ra cũng phải dọn sạch cặn bẩn dưới đáy và các vật không cần thiết trong hồ. Nếu những cách đó không làm nước sạch trở lại thì hãy gọi cho dịch vụ chuyên nghiệp và tạm ngừng bơi cho đến khi diệt hết tảo.

3. Hồ bơi bị “quá tải”, đặc biệt là có nhiều trẻ nhỏ

Nếu hồ bơi trông có vẻ sạch nhưng có nhiều người bơi trong đó, hoặc nếu bạn sử dụng hồ bơi ở nhà quá thường xuyên thì vẫn phải kiểm tra kỹ chất lượng nước, nếu không thì những dấu hiệu nhiễm bẩn rõ ràng khác có thể sẽ sớm xuất hiện.

Hồ bơi càng đông người thì nước càng dễ bị ô nhiễm (Ảnh: Internet).

Các em bé thường rất thích bơi, nhưng nếu trẻ chưa được tập cách đi vệ sinh thì có thể gây ô nhiễm cho nước hồ. Chất thải của trẻ nhỏ rất dễ thấm ra từ tã làm ô nhiễm toàn bộ hồ bơi, đặc biệt có thể chứa ký sinh trùng Giardia lamblia nếu xâm nhập vào cơ thể người khác có thể gây tiêu chảy và nôn ói nghiêm trọng.

Để giữ cho hồ bơi không bị bẩn quá mức khi có nhiều người cùng sử dụng, mọi người nên tắm sơ trước khi xuống hồ. Tắm bằng vòi hoa sen hoặc ít nhất là xả nước cho sạch người bằng vòi tưới cây để loại bỏ bớt bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn trên người, giữ cho nước hồ ít bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, tắm sơ trước khi xuống hồ cũng giúp tạo ra một lớp bảo vệ trên cơ thể giúp cho da và tóc ít bị khô và kích ứng do nước hồ bơi.

4. Hồ bơi có mùi hóa chất nồng

Tất cả những hồ bơi được khử trùng bằng clo đều sẽ có mùi hóa chất đặc trưng ở mức độ nhất định. Nhưng khi mùi này quá nồng thì có thể là dấu hiệu cho thấy nước hồ bơi có chứa cloramin hoặc các hợp chất hóa học khác được hình thành do clo kết hợp với các chất hữu cơ, chứng tỏ hồ bơi không đảm bảo vệ sinh.

Hồ bơi có mùi clo là bình thường, nhưng mùi quá nồng thì hãy tránh xa (Ảnh: Internet).

Clo giúp tiêu diệt các vi sinh vật gây hại trong hồ bơi là thủ phạm gây nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa và nhiều tác hại khác cho sức khỏe. Khi nước có mùi hóa chất nồng thì không phải là do dư thừa clo, mà ngược lại là do không có đủ clo để diệt vi trùng nên mới tạo ra các hợp chất có mùi.

Nếu hồ bơi ở nhà bạn có mùi nồng hơn bình thường thì hãy khử trùng bằng cách dùng nhiều clo để phân hủy chất cloramin trong nước cũng như các hợp chất hữu cơ tạo ra nó.

5. Không có rào chắn bảo vệ quanh hồ

Hồ bơi phải có rào chắn để bảo đảm an toàn cho mọi người, nhất là trẻ em (Ảnh: Internet).

Tất cả các hồ bơi công cộng dành cho trẻ em đều phải có rào chắn để đảm bảo an toàn. Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ, phải có hàng rào cao ít nhất 4 feet (khoảng 1,2 m) bao quanh tất cả các phía của hồ bơi, và phải thiết kế sao cho trẻ nhỏ không leo lên được. Một số hồ bơi cũng có nhân viên giám sát và nhân viên cứu hộ túc trực mọi lúc để phát hiện sự cố nếu có xảy ra.

6. Cơ thể cảm thấy khó chịu sau khi tắm hồ bơi

Hồ bơi bị dơ có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe, nhẹ nhất là kích ứng tạm thời ở mắt và da, nếu nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, phát ban da, đau bụng, tiêu chảy và nôn ói.

Hãy để ý những triệu chứng bất thường sau khi đi bơi về (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó là do mầm bệnh có trong nước hồ bơi như vi khuẩn E. coli, Salmonella, ký sinh trùng Cryptosporidium, Giardia, virus viêm gan A, v.v. Tiếp xúc lâu dài với những mầm bệnh này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, do đó phải làm sạch hồ bơi ngay khi nhận thấy cơ thể bị khó chịu.

Trên đây là những dấu hiệu cảnh báo hồ bơi không an toàn và nên tránh xa. Bạn có gặp trường hợp nào như vậy không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *