6 hiện tượng lạ xảy ra với cơ thể khi bơi lội: Có gây hại cho sức khỏe hay không?

Bơi lội là một trong những hoạt động thể dục tốt nhất cho sức khỏe, mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho cơ thể. Nhưng bạn có biết rằng bơi lội cũng có thể gây ra một số hiện tượng bất thường như tóc đổi màu, đau đầu gối và đau tai? Những hiện tượng này có nguy hiểm hay không và làm cách nào để phòng tránh? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bơi lội có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tuyệt vời của bơi lội đối với sức khỏe con người. Ví dụ một nghiên cứu được đăng trên BioMedical Engineering OnLine năm 2016 cho thấy rằng 8 tuần bơi ở cường độ trung bình có tác dụng tích cực đối với số đo huyết áp, độ cứng của thành động mạch và tỷ lệ mỡ trong cơ thể – tất cả những yếu tố này đều liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim.

Bơi lội là một trong những cách tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

Bơi lội cũng rất tốt cho sức khỏe xương khớp. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Thấp khớp học năm 2016 cho thấy rằng: bơi 45 phút trong 3 ngày một tuần và duy trì 12 tuần giúp giảm đáng kể triệu chứng cứng khớp và đau khớp ở người lớn tuổi bị viêm xương khớp. Những người tham gia nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng vận động thể chất của mình được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên bơi lội cũng có thể gây ra một số hiện tượng kỳ lạ cho cơ thể của chúng ta. Hãy cùng xem những vấn đề này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và làm cách nào để phòng tránh nhé.

Những ảnh hưởng kỳ lạ của bơi lội đối với cơ thể

1. Tóc đổi màu

Bơi lội có thể ảnh hưởng tới mái tóc theo nhiều cách. Ví dụ nếu tóc của bạn có màu sáng thì có thể sẽ bị chuyển sang màu xanh lục sau khi bơi trong hồ nước có khử trùng bằng clo, nhất là khi bạn đi bơi liên tục nhiều ngày liền.

Tóc bị ngả màu xanh lục sau khi đi bơi (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia thì đây là hiện tượng khá phổ biến, nguyên nhân do các hợp chất của đồng tích tụ trong nước. Các chất này xuất hiện do xử lý nước bằng các chất ion khoáng có chứa đồng. Khi đồng tiếp xúc với nước và clo, nó sẽ bị oxy hóa và liên kết với các protein trong sợi tóc. Phản ứng này xảy ra không phụ thuộc vào màu tóc nhưng màu xanh của hợp chất đồng chỉ nhìn thấy rõ trên nền tóc màu sáng.

Ngoài hiện tượng tóc xanh, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), clo được sử dụng để khử trùng trong bể bơi cũng có tính tẩy trắng nên bạn có thể thấy tóc mình trông nhạt màu hơn sau khi bơi, bất kể màu tóc ban đầu là gì.

Cách khắc phục là gì?

Hãy tắm lại bằng nước sạch ngay sau khi bước ra khỏi hồ bơi, chỉ cần dội nước sơ qua cũng có tác dụng rửa trôi bớt những chất còn dính trên tóc. Hóa chất bám trên sợi tóc càng lâu thì càng có khả năng gây ra những vấn đề khó chịu như đổi màu hay mất màu, đặc biệt nếu tóc bị phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ càng tăng thêm tác dụng tẩy trắng của clo.

Dùng mũ bơi để bảo vệ tóc khỏi các hóa chất trong nước hồ (Ảnh: Internet)

Tốt nhất là bạn hãy trang bị cho mình một chiếc mũ bơi để giữ cho tóc không tiếp xúc với các hóa chất trong nước hồ cũng như tóc không dính vào mặt trong lúc bơi. Một số người cảm thấy mũ silicone thoải mái hơn, trong khi những người khác thích loại mũ Lycra hơn, chúng được làm bằng vật liệu vải mềm và không gây cảm giác bó chặt vào đầu như mũ silicon.

2. Da có mùi clo

Một vấn đề mà những người đi bơi thường xuyên gặp phải là cơ thể có mùi giống như nước hồ kéo dài tới nhiều ngày sau. Một số người phát hiện mùi lạ khi cơ thể đổ mồ hôi, trong khi những người khác lại thấy mùi khi đi tắm.

Bạn có thấy cơ thể mình có mùi lạ sau khi đi bơi? (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân của hiện tượng này cũng là clo. Khi clo được cho vào nước để khử trùng, nó tạo ra một mùi đặc biệt và mùi này càng nặng hơn khi hỗn hợp clo và nước phản ứng với các vi sinh vật như vi khuẩn, virus tồn tại trong nước hồ bơi. Phản ứng sinh ra các phân tử dễ liên kết với lipid (chất béo) trong da của chúng ta, các phân tử đó nằm trong lỗ chân lông cho đến khi da đổ mồ hôi và chúng bị đẩy ra ngoài. Đó cũng là lý do mùi lạ này có thể tồn tại kéo dài sau khi đi bơi.

Làm cách nào để khắc phục?

Các hóa chất được sử dụng trong hồ bơi có đặc tính rất mạnh, vì vậy rất khó để loại bỏ hoàn toàn mùi khó chịu bám trên da khi đi bơi. Nếu bạn muốn tránh mùi thì hãy giảm bớt thời gian ngâm mình trong nước hồ, và sau khi ra khỏi hồ hãy tắm lại bằng nước thường, có thể dùng thêm sữa tắm dịu nhẹ để tẩy sạch các hóa chất bám trên da.

3. Đầu gối bị đau

Bơi lội được coi là bài tập thể dục nhẹ nhàng rất tốt cho xương khớp, đồng thời tăng cường sức mạnh toàn thân và sức bền tim mạch. Nhưng cũng giống như bất kỳ hoạt động thể chất nào yêu cầu động tác lặp đi lặp lại, bơi lội cũng có nguy cơ gây chấn thương, ví dụ như nghiên cứu cho thấy bơi lội có thể gây viêm bên trong đầu gối.

Bơi cũng có thể gây chấn thương cho đầu gối (Ảnh: Internet)

Hiện tượng này được gọi là “đầu gối của người bơi lội” và thường xảy ra ở những người bơi ếch. Các chuyên gia giải thích: bơi ếch đòi hỏi vận động xoay mạnh của khớp hông hướng ra phía ngoài, trong khi xương đùi lại bị hạn chế khả năng xoay ngoài nên tạo áp lực lớn cho đầu gối khi thực hiện động tác đạp chân. Điều đó có thể khiến đầu gối cử động mạnh vượt quá sức chịu đựng của dây chằng. Chấn thương này thường liên quan đến bơi ếch nhưng cũng có thể xảy ra ở các kiểu bơi khác.

Nếu bạn chỉ bơi ở mức độ vừa phải và kết hợp nhiều kiểu bơi khác nhau thì sẽ tránh được vấn đề này, nhưng cần chú ý cẩn thận nếu khớp hông của bạn đã bị hạn chế khả năng vận động do bẩm sinh hoặc đã có chấn thương khác từ trước. Theo các chuyên gia, đầu gối bị đau thường gặp ở các vận động viên tập luyện cường độ cao liên tục, nhất là những người tập trung vào bơi ếch, và đôi khi cũng xuất hiện ở các vận động viên bắt đầu tập luyện khi đã ở độ tuổi lớn hơn.

Cách khắc phục là gì?

Các chuyên gia khuyên rằng nên tập tăng sức mạnh cho các cơ vùng mông có thể giúp tăng cường lực xoay của khớp hông và do đó giảm nguy cơ chấn thương ở đầu gối. Ngoài ra cũng nên tăng cường các nhóm cơ xoay đùi và cơ đùi trước bằng các bài tập như tư thế cây cầu.

Nếu bạn cảm thấy đau đầu gối khi bơi thì hãy thử chuyển sang kiểu bơi khác ở buổi tập sau, dành ra vài ngày không tập lại kiểu bơi đã gây ra cơn đau đó. Nếu bị đau tái phát nhiều lần thì tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được đánh giá cẩn thận, vì nếu cố chịu đựng để tiếp tục bơi có thể sẽ khiến chấn thương trở nên nặng hơn.

4. Cơ thể bị nóng quá mức

Có thể bạn đã biết rằng khi ngâm mình trong nước quá lâu sẽ khiến cơ thể bị mất nhiệt, nhất là khi nhiệt độ không khí cũng lạnh như trong mùa đông. Nhưng ít người chú ý rằng bơi trong nước ấm cũng gây nguy hiểm vì cơ thể chúng ta không thể tự làm mát khi môi trường xung quanh là nước nóng.

Hồ nước quá nóng có thể gây nguy hiểm khi bơi (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia, khi tập luyện bơi cường độ cao thì điều quan trọng là phải đảm bảo nước hồ có nhiệt độ thích hợp. Khi cơ thể bị quá nóng hay còn gọi là tình trạng tăng thân nhiệt sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề như chuột rút, kiệt sức, phát ban, căng thẳng và say nóng. Khi gặp các triệu chứng nhẹ như chuột rút và phát ban cũng không được chủ quan vì có thể dẫn đến các tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng như kiệt sức và say nóng, theo Cleveland Clinic.

Cách khắc phục là gì?

Theo Mayo Clinic, nhiệt độ nước lý tưởng để bơi là khoảng 28 đến 30°C, đối với hồ nước để trị liệu thường ấm hơn. Thông thường các hồ bơi ngoài trời dễ bị nóng hơn so với hồ bơi trong nhà, nhất là trong những ngày trời nắng nóng.

Dù bạn có biết chính xác nhiệt độ nước mà mình đang bơi hay không thì hãy luôn chú ý đến cảm giác của bản thân trong lúc bơi. Nếu bạn thấy xuất hiện mẩn đỏ trên mặt, ngực, lưng hoặc bị chuột rút thì hãy nghỉ bơi, hoặc nếu cảm thấy mệt mỏi, khát nước, đau đầu, chóng mặt thì cũng ngừng bơi ngay lập tức, ra khỏi hồ bơi và uống một ly nước, sau đó tắm lại bằng nước mát. Một số hồ bơi ngoài trời được trang bị máy phun sương làm mát dành cho những trường hợp cần thiết.

5. Ngón tay ngón chân bị nhăn nheo

Khi ngâm mình ở dưới nước lâu, bạn sẽ thấy da ngón tay và ngón chân bị nhăn nheo, càng ngâm nước lâu thì các nếp nhăn càng rõ rệt.

Da bị nhăn khi ngâm nước có nguy hiểm gì không? (Ảnh: Internet)

Các nhà khoa học hiện nay vẫn không chắc chắn tại sao lại có hiện tượng này. Suốt một thời gian dài trước đây họ cho rằng đó chỉ đơn giản là sự thẩm thấu, do các phân tử nước thấm vào da làm cho da bị giãn ra và nhăn nheo. Mặc dù trên bề mặt da được bao phủ một lớp dầu nhờn có khả năng chống thấm nước nhẹ nhưng khi ngâm nước lâu sẽ khiến lớp dầu bị rửa trôi và da bị ngấm nước.

Nhưng nếu do nước thẩm thấu vào bên trong thì lẽ ra ngón tay và ngón chân phải sưng phù lên mới đúng? Như vậy nguyên nhân thật sự vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà khoa học hiện nay cho rằng đó là phản ứng của hệ thần kinh tự động, làm cho da nhăn để giúp cầm nắm các vật bị ướt dễ dàng hơn.

Hiện tượng da bị nhăn không gây hại gì cho sức khỏe nên bạn không cần lo lắng. Các nếp nhăn sẽ nhanh chóng biến mất khi không còn ngâm nước và làn da sẽ được bổ sung chất nhờn bảo vệ như cũ.

6. Tai bị nhiễm trùng

Nước đọng lại trong tai lâu dài có thể dẫn đến viêm nhiễm (Ảnh: Internet)

Khi đi bơi, bạn sẽ tiếp xúc nguồn nước chung với rất nhiều người khác nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mầm bệnh, nhất là trong trường hợp nồng độ clo và độ pH của hồ bơi không đảm bảo khử trùng tốt hoặc có quá đông người cùng bơi. Loại bệnh thường gặp do nước hồ bơi không đảm bảo vệ sinh là nhiễm trùng tiêu hóa gây tiêu chảy do norovirus hoặc ký sinh trùng giardia.

Tuy nhiên ngay cả những hồ bơi được xử lý cẩn thận và đúng cách vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nước hồ bơi có thể đọng lại trong tai của bạn qua thời gian dài tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến tình trạng đau nhức được gọi là “tai của người bơi lội”.

Ban đầu các triệu chứng của tai thường nhẹ như ngứa trong ống tai, hơi đỏ da bên trong, chảy dịch và hơi khó chịu, nhưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn gãi, kéo tai hoặc dùng các vật chọc vào tai.

Tai bị đau ngứa do nhiễm trùng (Ảnh: Internet)

Cách khắc phục là gì?

Nếu bạn phát hiện các triệu chứng bất thường của tai từ lúc còn sớm và nhẹ thì hãy đến gặp bác sĩ để được làm sạch ống tai và kê đơn thuốc nhỏ tai giúp ngăn nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn và thậm chí để lại hậu quả vĩnh viễn.

Để ngăn ngừa các vấn đề khó chịu xảy ra với tai, hãy luôn nhớ làm khô tai sau khi ở dưới nước lên. Nghiêng đầu sang hai bên để nước thoát ra khỏi ống tai và chỉ lau tai ngoài bằng khăn mềm. Không dùng ngón tay hoặc tăm bông chọc vào tai vì có thể làm tổn thương lớp da nhạy cảm lót mặt trong ống tai và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nhiều hơn.

Trên đây là những hiện tượng bất thường mà bạn cần lưu ý khi đi bơi để bảo vệ sức khỏe, để bơi lội thực sự mang đến những tác dụng tốt cho cơ thể. Bạn có thích bơi và thường xuyên đi bơi không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *