Đa phần chúng ta đều có thói quen bảo quản thực phẩm trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Tuy nhiên có nhiều loại thực phẩm chỉ nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát hay nhiệt độ phòng mà thôi. Trong bài viết này Kinhnghiem360.edu.vn sẽ chia sẻ đến bạn 6 loại thực phẩm chỉ nên bảo quản ở nhiệt độ phòng. Cùng xem nhé!
1. Khoai tây
Khi ở nhiệt độ lạnh, cụ thể là dưới 7°C, tinh bột có trong khoai tây sẽ bị chuyển hóa thành đường. Điều này sẽ làm khoai tây giảm bớt vị tươi ngon, không còn “săn chắc” và có thể bị mềm nhũn. Như vậy khi chế biến, phần đầu của khoai tây dễ bị hư hỏng.
Cách tốt nhất để bảo quản khoai tây là cho vào trong một chiếc túi, đóng chặt và bảo quản trong chỗ tối ở nhiệt độ phòng. Bạn cũng cần tránh để ánh nắng mặt trời chiếu vào khoai tây vì sẽ khiến chúng bị héo, chuyển sang màu xanh hay thậm chí là mọc mầm.
2. Cà chua
Loại thực phẩm này cũng dễ bị mềm nhũn nếu bảo quản trong tủ lạnh quá lâu, vì thế với cà chua bạn cũng chỉ nên bảo quản ở nhiệt độ thường mà thôi. Bảo quản quá lạnh sẽ khiến cà chua mềm hơn, nhũn nhanh hơn và mất độ tươi ngon.
Đối với cà chua chín, bạn nên dùng giấy gói chúng lại và bảo quản ở nhiệt độ thường sẽ giúp cà chua giữ nguyên hương vị vốn có. Tuy nhiên bạn vẫn có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh nhưng phải đảm bảo cà chua được gói cẩn thận và chỉ để trong khoảng 2-3 ngày mà thôi.
3. Cà phê
Bạn không nên bảo quản hạt cà phê trong tủ lạnh, vì khi ở nhiệt độ lạnh, nước trong hạt cà phê có thể ảnh hướng đến chất lượng của chúng. Phần nước trong hạt có thể bị ngưng tụ lại khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Ngoài ra cà phê còn dễ bị ám mùi các loại thực phẩm khác nên khi sử dụng sẽ không còn hương vị như ban đầu.
4. Mật ong
Nhiều người lo ngại mật ong bảo quản ở nhiệt độ phòng dễ bị kiến bu và hương vị giảm đi, vì thế cất mật ong vào tủ lạnh. Tuy nhiên nếu cho vào ngăn mát tủ lạnh, mật ong dễ bị kết tinh và khó sử dụng hơn. Hơn nữa, mật ong kết tinh dễ bị biến chất nên hương vị không còn thơm ngon.
Bạn chỉ cần bảo quản chai mật ong bên ngoài, ở nhiệt độ phòng bằng cách cho chai vào trong chén nước. Như vậy kiến sẽ không bám quanh chai mật ong và vẫn giữ nguyên hương vị của mật.
5. Dưa hấu
Dưa hấu là loại quả có hàm lượng nước rất cao, lên đến 95%. Ngoài ra trong dưa hấu còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ sức khỏe. Khi được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, các hoạt chất này có thể bị giảm đi hay thậm chí là biến mất. Đây là lý do vì sao khi càng bảo quản dưa hấu trong tủ lạnh chúng càng dễ bị teo, héo và khô hơn.
Nhưng trong trường hợp bạn đã cắt dưa hấu thì vẫn nên bảo quản trong tủ lạnh và dùng càng sớm càng tốt để hạn chế vi khuẩn cũng như đảm bảo giữ được vị tươi ngon của dưa.
6. Bánh mì
Bánh mì là loại thực phẩm quen thuộc và cũng là món khoái khẩu của nhiều người. Thói quen bảo quản bánh mì trong tủ lạnh sẽ giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi, nhưng lại khiến cho độ ẩm mất đi. Đó là lý do vì sao khi bảo quản bánh mì trong tủ lạnh và lấy ra sử dụng thì bánh mì bị giòn hơn rất nhiều.
Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên bảo quản bánh mì ở nhiệt độ phòng từ 3-4 ngày và có thể tối đa 7 ngày nếu cất trong tủ lạnh. Tuy nhiên ăn bánh mì có độ mềm, tươi sẽ ngon hơn so với ăn bánh mì quá giòn và cứng. Vậy nên bạn hãy hạn chế bảo quản bánh mì trong tủ lạnh nhé!
Hy vọng bạn đã có cho mình những thông tin bổ ích về 6 thực phẩm chỉ nên bảo quản ở nhiệt độ phòng nhé!