Ung thư phổi chỉ có ở người hút thuốc lá? Hay người trẻ thì không cần lo về căn bệnh này? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá 7 sự thật về bệnh ung thư phổi mà không ít người vẫn đang lầm tưởng nhé!
1. Chỉ những người hút thuốc lá mới bị ung thư phổi?
Sự thật là: có một tỷ lệ khá lớn người không hút thuốc lá vẫn mắc phải bệnh này.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng làm tăng khả năng mắc ung thư phổi. Tuy nhiên có đến 20% số người Mỹ tử vong vì ung thư phổi lại chưa từng hút thuốc bao giờ.
Ngoài thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có liên quan đến căn bệnh chết người này, bao gồm ô nhiễm không khí, hút thuốc thụ động và đột biến gene. Một số yếu tố lại liên quan đến nghề nghiệp của bệnh nhân, chẳng hạn như những người làm việc trong xưởng đúc hay công nhân xây dựng tiếp xúc với chất amiang trong các vật liệu.
2. Ung thư phổi là “bản án tử” đối với bệnh nhân?
Sự thật là: nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống.
Ung thư phổi đúng là một căn bệnh chết người, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh ung thư ở cả hai giới nam và nữ tại Mỹ, theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) của nước này. Nguyên nhân là vì phần lớn người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khiến cho việc điều trị trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên đó không phải là bản án tử đối với tất cả mọi người.
Thống kê của NCI cho thấy: nếu được phát hiện khi khối u chưa lan rộng ra khỏi phổi thì tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm là 59%. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ chỉ có khoảng 17% bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn sớm như vậy.
Không giống như ung thư vú có thể phát hiện sớm bằng cách tự khám hoặc chụp nhũ ảnh tầm soát, ung thư phổi khó phát hiện hơn ở những giai đoạn đầu vì chúng ta không thể tự cảm nhận được phổi của mình do không có dây thần kinh cảm giác ở mô phổi.
Ung thư phổi chỉ biểu hiện rõ ràng khi khối u đã phát triển đến mức lan ra thành ngực và gây đau, hoặc xâm lấn đến mạch máu và đường thở gây ho ra máu. Nói cách khác, ung thư phổi có thể âm thầm tiến triển mà không gây ra triệu chứng gì.
3. Những người trẻ sẽ không sợ mắc ung thư phổi?
Sự thật là: người trẻ và phụ nữ cũng có thể mắc phải căn bệnh này.
Mặc dù nguy cơ mắc ung thư phổi tăng dần theo tuổi tác, nhưng thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) của Mỹ vẫn cho thấy có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh này nằm trong độ tuổi từ 35 tới 39 vào năm 2017. Chính quan niệm sai lầm rằng “còn trẻ không mắc ung thư phổi” khiến cho những người trong độ tuổi này không tìm tới bác sĩ khi có các triệu chứng nghi ngờ, đến khi không thể chịu đựng được nữa thì bệnh cũng tiến triển nặng rồi.
Đặc biệt trong thời gian gần đây đã có nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở người trẻ và nữ giới đang có xu hướng tăng cao. Do đó đừng bao giờ chủ quan chỉ vì mình còn trẻ khỏe bạn nhé!
4. Nếu đã chẳng may mắc ung thư phổi thì bỏ thuốc lá cũng chẳng ích gì?
Sự thật là: bỏ thuốc lá luôn có lợi kể cả khi đã mắc bệnh.
Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng bỏ thuốc lá có liên quan tới giảm tỷ lệ tử vong 25% đối với những bệnh nhân mắc dạng ung thư phổi không tế bào nhỏ. Cai thuốc lá cũng giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt hơn và phẫu thuật có khả năng thành công cao hơn.
Ngoài ra, sau khi được chữa khỏi ung thư phổi thì những người tiếp tục hút thuốc sẽ có nguy cơ tái phát trở lại cao hơn. Bên cạnh đó, bỏ thuốc lá cũng giúp giảm bớt nguy cơ mắc các loại ung thư ở những cơ quan khác, chẳng hạn như vùng khoang miệng, họng, thực quản, tụy, thận, bàng quang.
5. Dùng thuốc lá điện tử là đảm bảo an toàn?
Sự thật là: thuốc lá điện tử vẫn gây hại cho sức khỏe, trong đó có nguy cơ ung thư phổi.
Trong vài năm gần đây thuốc lá điện tử đang trở thành một trào lưu rất hot đối với giới trẻ, tuy nhiên nếu cho rằng dùng loại thuốc lá này có thể yên tâm về sức khỏe thì bạn đã nhầm. Theo một nghiên cứu năm 2018, thuốc lá điện tử mặc dù ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống nhưng vẫn có nguy cơ gây ung thư phổi.
Các hạt khí dung của thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện và các hóa chất khác đã được chứng minh có khả năng gây ung thư. Đặc biệt những điếu thuốc này cực kỳ có hại đối với trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai, và cũng không được coi là một phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá truyền thống. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách cai thuốc lá tại bài viết: Làm thế nào để cai thuốc lá thành công? Hãy áp dụng những lưu ý nhỏ sau đây!
6. Người già sẽ không chịu được quá trình điều trị ung thư phổi?
Sự thật là: người già nếu có sức khỏe tốt vẫn có thể được điều trị khỏi căn bệnh này.
Con số tuổi tác đơn thuần không nói lên được khả năng chịu đựng của cơ thể. Những người cao tuổi nhưng sức khỏe tốt vẫn có thể chịu được hóa trị giống như người trẻ và có chất lượng cuộc sống tương tự sau khi phẫu thuật. Các bác sĩ có nhiều chỉ số để đánh giá sức khỏe thể chất của mỗi bệnh nhân xem họ có thể chịu đựng được các phương pháp điều trị hay không, thay vì chỉ nhìn vào số tuổi.
7. Phẫu thuật làm cho ung thư phổi phát tán rộng hơn?
Sự thật là: cuộc mổ được thực hiện đúng kỹ thuật sẽ không làm ung thư lan rộng, mà trái lại còn giúp cắt bỏ khối u.
Có những lời đồn nói rằng nếu khối u bị phơi bày ra môi trường không khí thì các tế bào ung thư có thể phát tán đến nơi khác, và do đó phẫu thuật sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn. Tuy nhiên đây là lời đồn vô căn cứ.
Phẫu thuật được thực hiện đúng cách sẽ không làm ung thư phát tán, và trong những giai đoạn sớm của bệnh thì đây là phương pháp có khả năng điều trị triệt để, cắt trọn khối u.
Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về ung thư phổi, căn bệnh không hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm nếu không được hiểu đúng và phát hiện kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để góp phần xóa đi những quan niệm sai lầm bạn nhé!
Chúc bạn luôn nhận được những thông tin bổ ích và hấp dẫn tại Kinhnghiem360.edu.vn nhé!