7 quan niệm sai lầm thường gặp về đậu nành – Ăn nhiều đậu nành có bị vô sinh?

Đậu nành là thực phẩm phổ biến và có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng cũng có một số quan niệm khiến nhiều người lo sợ như đậu nành gây vô sinh cho nam giới hay đậu nành không tốt cho trẻ nhỏ. Vậy những điều này có đúng hay không? Hãy cùng khám phá sự thật nhé!

Đậu nành có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Đậu nành và các sản phẩm được làm từ nó như đậu phụ, tempeh và sữa đậu nành là những món ăn cực kỳ phổ biến ở khắp mọi nơi nhưng cũng gây ra nhiều cuộc tranh luận về tác dụng của chúng đối với sức khỏe.

Các thực phẩm từ đậu nành rất phổ biến ở khắp mọi nơi (Ảnh: Internet)

Một trong những nguyên nhân khiến các chuyên gia chưa thể kết luận về lợi-hại của đậu nành là vì các chất dinh dưỡng như estrogen thực vật, isoflavone và protein đậu nành có thể ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi người, tùy vào trạng thái hormone của cơ thể cũng như loại thực phẩm cụ thể. Ngoài ra có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên động vật không thể áp dụng hoàn toàn cho con người.

Mặc dù vậy, đã có một số bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các loại thực phẩm từ đậu nành không có khả năng gây hại mà còn thực sự tốt cho sức khỏe của chúng ta. Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết thực phẩm từ đậu nành là an toàn và lành mạnh, trong khi Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nên sử dụng vì chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Đậu nành có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

Nghiên cứu đã cho thấy đậu nành có liên quan với giảm cholesterol trong máu và kiểm soát huyết áp ở mức bình thường. Thậm chí một chế độ ăn có đậu nành thường xuyên có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý. Thêm vào đó, các loại thực phẩm từ đậu nành thường chứa nhiều protein, canxi, magiê và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.

Tuy nhiên bên cạnh những tác dụng tuyệt vời như vậy cũng có không ít quan niệm cho rằng đậu nành không tốt cho cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng tới hormone và chức năng sinh sản. Vậy hãy cùng khám phá sự thật về những điều này nhé.

7 quan niệm sai lầm thường gặp về đậu nành

1. Đậu nành gây vô sinh?

Đậu nành được cho là có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của con người vì có chứa nồng độ cao các chất được gọi là phytoestrogen hay estrogen thực vật. Một nghiên cứu cho thấy khi dùng đậu nành với lượng rất nhiều trong chế độ ăn có thể gây rối loạn chức năng buồng trứng của phụ nữ. Cụ thể, lượng rất nhiều được định nghĩa là hơn 100 mg isoflavone đậu nành mỗi ngày, trong khi một khẩu phần đậu phụ 85 g chỉ chứa khoảng 20 mg isoflavone.

Ăn nhiều đậu nành có bị vô sinh không? (Ảnh: Internet)

Những phát hiện như vậy đã khiến các cặp vợ chồng muốn có con cảm thấy e ngại. Nhưng chỉ một nghiên cứu riêng lẻ không đủ để kết luận chắc chắn. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khác đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa đậu nành và chức năng sinh sản. Một bản đánh giá được đăng trên Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng vào tháng 3/2022 cho thấy đậu nành thực sự có thể giúp ích cho việc mang thai khi sử dụng với liều lượng khoảng 6 đến 40 gam mỗi ngày.

Bác sĩ Aaron Styer, giám đốc y khoa tại CCRM Fertility ở Boston (Mỹ) cho biết: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc dùng đậu nành thường xuyên trong chế độ ăn (ăn chay hoặc không ăn chay) làm phá vỡ sự cân bằng hormone sinh sản nữ hoặc làm tăng nguy cơ vô sinh. Dùng đậu nành trong chế độ ăn là an toàn và không gây ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào đáng lo ngại.”

2. Đậu nành không phải là nguồn protein chất lượng cao?

Với thói quen ăn nhiều thịt lâu đời, người phương Tây thường không tin tưởng vào các loại protein có nguồn gốc thực vật, ví dụ như cho rằng protein đậu nành không cung cấp đủ các loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Các axit amin này rất quan trọng để tạo ra protein, sửa chữa các mô và tế bào, hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Thực phẩm từ đậu nành có cung cấp đủ protein cần thiết cho cơ thể? (Ảnh: Internet)

Tất nhiên một miếng đậu phụ không có thành phần dinh dưỡng giống hệt như một miếng thịt bò, nhưng về protein thì đậu nành là một nguồn dinh dưỡng tốt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đậu nành hoàn toàn được coi là một loại protein chất lượng cao, thậm chí là một trong số ít protein thực vật chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu.

3. Đậu nành gây ung thư vú?

Đây là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất: dùng đậu nành quá nhiều có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Lý do được đưa ra là vì đậu nành có thể chứa các hợp chất có đặc tính tương tự như hormone estrogen, có thể kích thích sự phát triển của các tế bào có thụ thể estrogen và từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư vú.

Nhưng trên thực tế đã có các nghiên cứu theo dõi lượng đậu nành tiêu thụ của phụ nữ theo thời gian và không phát hiện nguy cơ ung thư vú tăng lên. Thậm chí một số nghiên cứu cho thấy những người dùng nhiều đậu nành hơn có ít nguy cơ mắc bệnh này hơn.

Đậu nành không làm tăng nguy cơ ung thư vú (Ảnh: Internet)

Ví dụ: Một nghiên cứu theo dõi hơn 300.000 phụ nữ được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu vào tháng 6/2020 đã phát hiện rằng: khi tăng thêm 10 g đậu nành mỗi ngày có thể làm giảm thêm 3% nguy cơ mắc ung thư vú.

4. Đậu nành gây sa sút trí tuệ và mất trí nhớ?

Sa sút trí tuệ là một nhóm các tình trạng phức tạp mà các nhà khoa học vẫn chưa thực sự hiểu rõ, vì vậy cũng chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của đậu nành trong vấn đề này và kết quả cũng không thống nhất.

Ví dụ một nghiên cứu được đăng trên Medical Hypotheses năm 2014 gợi ý rằng đậu nành (đặc biệt là giống đậu được sản xuất công nghiệp) có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, trong khi một bài đăng trên tạp chí Translational Research & Clinical Interventions vào tháng 10/2020 cho biết ăn nhiều đậu nành có thể ngăn ngừa sa sút trí tuệ.

Đậu nành có ảnh hưởng đến trí óc hay không? (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên có một điều chắc chắn: không có bằng chứng cho thấy thực phẩm từ đậu nành có liên quan với tăng nguy cơ suy giảm trí tuệ. Thực tế đậu nành đã được chứng minh có đặc tính chống oxy hóa cao nên nhiều chuyên gia cho rằng nó có thể giúp ích cho bộ não và chức năng trí tuệ. Nhưng dựa trên các nghiên cứu hiện tại vẫn chưa thể kết luận rõ ràng về vấn đề này.

5. Đậu nành làm cho nam giới bị yếu sinh lý và “nữ hóa”?

Có lẽ bạn đã nghe thấy điều này khá phổ biến, do đậu nành chứa các chất estrogen thực vật nên nhiều người cho rằng ăn đậu phụ hay uống sữa đậu nành quá nhiều có thể làm rối loạn hormone của nam giới và xuất hiện các triệu chứng “nữ hóa” như ngực to, yếu cơ, thậm chí rối loạn cương dương.

Nam giới dùng đậu nành thường xuyên có sao không? (Ảnh: Internet)

Nhưng trên thực tế quan niệm này hoàn toàn không đúng. Các nghiên cứu trên người đã cho thấy dùng đậu nành không ảnh hưởng đến nồng độ hormone testosterone và chức năng sản xuất tinh dịch ở nam giới.

Một bản đánh giá được đăng trên Tạp chí Độc chất học Sinh sản vào tháng 3/2021 đã tổng hợp 38 nghiên cứu khác nhau về đậu nành và hormone nam và kết luận rằng: ngay cả khi dùng đậu nành với lượng nhiều hơn chế độ ăn bình thường của người Nhật, đậu nành và chất isoflavone của nó cũng không ảnh hưởng đến lượng hormone của nam giới gồm testosterone, estradiol và estrone.

Như vậy có thể kết luận: không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy đậu nành làm thay đổi ngoại hình và chức năng sinh lý của nam giới.

6. Đậu nành nguy hiểm cho trẻ nhỏ?

Các loại sữa công thức đậu nành đã bị cảnh báo vì nhiều người lo ngại rằng isoflavone của nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Ví dụ như một nghiên cứu trên tạp chí Human Reproduction năm 2019 cho thấy isoflavone có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe khi trẻ lớn lên như đau bụng kinh, và một nghiên cứu khác trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa tháng 5/2018 cho biết các chất này có thể gây ra thay đổi của các tế bào trong cơ quan sinh sản.

Đậu nành có an toàn cho trẻ nhỏ hay không? (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên sự thật là trẻ nhỏ vẫn có thể ăn đậu nành mà không sợ nguy hiểm gì. Các nghiên cứu không kết luận về tác động lâu dài của sữa công thức đậu nành đối với trẻ, và một bản đánh giá được đăng trên tạp chí Frontiers in Nutrition vào tháng 11/ 2018 cho thấy loại sữa này không liên quan đến các bất thường về phát triển của trẻ.

Hơn nữa, vào năm 2009 một nhóm chuyên gia của Chương trình Độc chất Quốc gia Mỹ đã kết luận rằng những tác động xấu của sữa công thức đậu nành đối với sự phát triển của trẻ nhỏ là không đáng kể. Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo nên dùng sữa công thức đậu nành nếu trẻ bị rối loạn di truyền như galactosemia (rối loạn chuyển hóa đường galactose) hay thiếu men lactase di truyền (không tiêu hóa được sữa bò) hoặc nếu cha mẹ muốn cho trẻ dùng sữa công thức không làm từ động vật.

Các chuyên gia kết luận rằng các bậc cha mẹ có thể cho trẻ dùng sữa công thức đậu nành một cách an toàn và đầy đủ dưỡng chất, thậm chí các loại sữa được tăng cường thêm chất dinh dưỡng có thể tương đương với sữa công thức từ sữa bò.

7. Đậu nành ngăn cản sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác?

Ăn đậu nành có ảnh hưởng tới các loại thực phẩm khác không? (Ảnh: Internet)

Nếu bạn là người quan tâm tới dinh dưỡng và chế độ ăn thì có thể đã nghe nói về “chất kháng dinh dưỡng”. Đó là những chất có sẵn trong thực phẩm (bao gồm cả đậu nành) được cho là ức chế khả năng hấp thu một số vitamin và khoáng chất trong đường tiêu hóa. Trên thực tế đậu nành có chứa phytat, oxalat và lectin là những chất có khả năng làm giảm sự hấp thu sắt, canxi và kẽm.

Tuy nhiên chất kháng dinh dưỡng trong đậu nành không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng vào tháng 10/2020 cho biết rằng vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của đậu nành đối với việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Đậu nành không làm giảm đáng kể các chất dinh dưỡng của cơ thể, trừ khi bạn ăn liên tục với lượng lớn.

Hầu hết mọi người chỉ ăn đậu nành với lượng ít nên hầu như không có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng do kém hấp thu. Nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ cao làm giảm lượng oxalat và lectin trong thực phẩm, vì vậy bạn có thể nấu chín đậu nành để giảm bớt các chất kháng dinh dưỡng này.

Tóm lại, nguy cơ thiếu dinh dưỡng do đậu nành không đáng kể so với giá trị dinh dưỡng mà nó cung cấp.

Trên đây là những sự thật về giá trị dinh dưỡng của đậu nành – loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và không hề độc hại như quan niệm sai lầm. Bạn có dùng đậu nành thường xuyên không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *