8 dấu hiệu của làn da cảnh báo bạn đang bị stress, tuyệt đối đừng chủ quan

Stress ảnh hưởng đến mọi cơ quan trên cơ thể, trong đó có cả làn da. Nếu bạn thấy da mình xuất hiện vấn đề như mụn trứng cá hay viêm nhiễm thì có thể đó là dấu hiệu của stress. Vậy làm thế nào để bảo vệ da khỏi tác hại của tình trạng căng thẳng? Hãy cùng khám phá nhé!

Stress có thể biểu hiện qua các vấn đề của da

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, và các vấn đề của da có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe toàn thân không tốt. Các loại mỹ phẩm dưỡng da có thể giúp mang lại vẻ đẹp và làm dịu ở mức độ nào đó nhưng không đủ để chữa lành nguyên nhân stress bên trong làm hại tới làn da.

Stress có thể tàn phá làn da vô cùng nghiêm trọng (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân stress ảnh hưởng tới da là vì hormone cortisol được tiết ra khi căng thẳng có thể làm rối loạn tín hiệu của dây thần kinh ở da, dẫn đến nhiều vấn đề như nổi ban hay nếp nhăn. Các nghiên cứu đã phát hiện có mối liên hệ chặt chẽ giữa stress với làn da. Bên cạnh chế độ ăn và các sản phẩm chăm sóc da, stress cũng là một thủ phạm tiềm ẩn cần phải đặc biệt chú ý, nhất là nếu da bị phát ban không rõ nguyên nhân hoặc tồn tại lâu dài mặc dù đã thử các biện pháp điều trị.

8 dấu hiệu của da cảnh báo tình trạng stress và cách khắc phục

Dưới đây là 8 dấu hiệu đã được chứng minh cho thấy căng thẳng về tinh thần, thể chất và nội tiết tố có thể ảnh hưởng tới làn da của bạn. Và quan trọng hơn, hãy xem cách làm thế nào để chữa lành những vấn đề đó nhé.

1. Ánh nắng mặt trời làm suy yếu khả năng bảo vệ của da

Bức xạ tia cực tím (UV) có thể gây stress về thể chất và làm suy yếu khả năng bảo vệ tự nhiên của da. Tia UV được coi là tác nhân gây ung thư rất nguy hiểm cho da.

Tia UV là kẻ thù số một gây stress cho da (Ảnh: Internet)

Tia UV có trong ánh sáng mặt trời tự nhiên hay các nguồn nhân tạo khác như giường tắm nắng sẽ kích thích các tế bào máu tập trung đến vùng da bị tổn thương để chữa lành, gây ra triệu chứng giống như cháy nắng.

Tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể làm xuất hiện các vết thâm đen, nốt ruồi và thậm chí ung thư da. Cách tốt nhất để chống lại tia UV và stress do ánh nắng mặt trời là thoa kem chống nắng vào mỗi buổi sáng.

Ngoài kem chống nắng, bạn cũng có thể bảo vệ làn da từ bên trong. Các nghiên cứu đã phát hiện một số chất dinh dưỡng nhất định giúp tăng cường khả năng chống nắng tự nhiên cho làn da, ví dụ như limonene là một chất hóa học có trong vỏ cam quýt đã được nghiên cứu để sử dụng trong các loại thuốc phòng chống ung thư. Ăn vỏ cam quýt cũng có thể giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng.

Limonene trong vỏ cam quýt được sử dụng để chăm sóc da (Ảnh: Internet)

Các loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C (như dâu tây và lựu) có khả năng bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do được sinh ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Điều quan trọng cần nhớ là thực phẩm không thể thay thế hoàn toàn cho kem chống nắng. Bạn vẫn nên thoa kem chống nắng kết hợp với ăn các loại thực phẩm chứa nhiều limonene, vitamin C và các chất chống oxy hóa khác.

2. Da bị viêm và kích ứng nặng

Phát ban, bệnh vảy nến, bệnh chàm, viêm da và bệnh đỏ da (rosacea) thường có nguyên nhân do viêm, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng khi não bị căng thẳng quá mức cũng có thể làm tổn hại khả năng bảo vệ của da. Nói cách khác, căng thẳng khiến làn da khó tự điều tiết và cân bằng hơn.

Căng thẳng khiến da bị kích ứng và có thể phát ban, nổi mụn (Ảnh: Internet)

Nhiều người dễ bị nổi mụn sau vài ngày thiếu ngủ hoặc sau những trận cãi nhau căng thẳng. Viêm cũng có thể gây ra mụn trứng cá, nhưng một số bệnh khác của da như rosacea cũng có thể biểu hiện giống như mụn trứng cá. Điều quan trọng là phải xác định đúng bệnh và nguyên nhân khiến da bị kích ứng như do căng thẳng, dị ứng hay các chất có hại từ môi trường.

Để tránh tác hại của viêm do stress, quan trọng là phải loại bỏ nguyên nhân và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng cho cơ thể như:

  • Thư giãn tinh thần bằng các bài tập như thiền hoặc yoga.
  • Tránh các loại thực phẩm nhân tạo, chế biến sẵn
  • Dùng trái cây thay vì chất ngọt nhân tạo, dầu ô liu thay cho bơ thực vật, ăn cá thay cho thịt đỏ.

3. Da tăng tiết nhờn và mụn trứng cá

Khi đối mặt với những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như áp lực công việc hay tình cảm tan vỡ, chúng ta thường bị nổi mụn. Căng thẳng có liên quan đến mụn trứng cá, nhất là ở phụ nữ, vì nó có thể làm rối loạn các tín hiệu thần kinh ở da, gây mất cân bằng hormone và các chất hóa học, làm tăng tiết nhờn.

Bạn có hay bị nổi mụn khi gặp stress? (Ảnh: Internet)

Không thể loại bỏ hoàn toàn stress trong cuộc sống nhưng có nhiều cách để giảm bớt nó, ví dụ như các thủ thuật giảm căng thẳng nhanh trong vài phút, hay các phương pháp kiểm soát lâu dài như tập thể dục.

Hầu hết mụn trứng cá cũng đáp ứng tốt với các loại thuốc bôi tại chỗ. Thành phần hoạt tính chủ yếu trong các sản phẩm trị mụn thường là axit salicylic, một chất tan trong dầu có thể thâm nhập vào lỗ chân lông để làm sạch hiệu quả. Tuy nhiên phải lưu ý tránh tác dụng phụ của axit salicylic: nếu dùng quá nhiều hoặc quá mạnh có thể làm khô da, thậm chí gây kích ứng da.

Nếu áp dụng đúng cách và cẩn thận, các loại thuốc bôi hàng đêm sẽ giúp điều trị hiệu quả các vùng da có vấn đề mà không gây hại cho da xung quanh.

4. Da đầu nhiều gàu, tóc rụng và móng tay dễ gãy

Bạn đã bao giờ vô thức giật tóc hay cắn móng tay khi gặp căng thẳng? Nguyên nhân có thể là do hormone căng thẳng cortisol kích hoạt phản ứng của cơ thể đối phó với stress. Tuy nhiên cần phải đi khám để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng về tóc và móng tay, ví dụ như da đóng vảy hoặc bong tróc có thể là bệnh chàm, rụng tóc và móng tay yếu có thể do ăn kiêng thiếu dinh dưỡng.

Rụng tóc cũng là một dấu hiệu của da bị stress (Ảnh: Internet)

Khi có các triệu chứng trên, bạn nên tránh tắm nước quá nóng để không gây tổn thương thêm cho làn da. Quan trọng hơn là kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng gồm nhiều trái cây và rau quả.

5. Da mỏng và nhạy cảm hơn

Da có thể bị mỏng hơn do hormone cortisol tăng cao bất thường. Cortisol gây phân hủy các protein của da, có thể khiến da mỏng đi đáng kể và dễ bị bầm tím, trầy xước.

Stress có thể khiến da bị mỏng và dễ tổn thương (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên triệu chứng mỏng da thường liên quan đến hội chứng Cushing nhiều hơn, đó là tình trạng tăng cortisol gây ra nhiều triệu chứng khác như tăng đường huyết, yếu cơ và suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng.

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị hội chứng Cushing, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác.

6. Vết thương chậm lành

Khi đối mặt với stress nặng, lớp biểu bì của da có thể nhanh chóng bị suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài, đồng thời cũng làm chậm khả năng chữa lành vết thương, lành sẹo và mụn trứng cá.

Stress khiến da chậm lành vết thương (Ảnh: Internet)

Để giúp hồi phục lại hàng rào bảo vệ của da, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa glycerin và axit hyaluronic. Ngoài ra các biện pháp chống nắng cũng có tác dụng trong trường hợp này, ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp chữa lành cho da từ bên trong.

Ngoài việc uống nước để giữ ẩm cho da từ bên trong, cũng nên sử dụng các sản phẩm có chứa kẽm, sal (Shorea robusta) và dầu hạt lanh. Những thành phần này đã được chứng minh có tác dụng giữ ẩm và giúp làn da chữa lành vết thương một cách hiệu quả.

7. Quầng thâm quanh mắt

Chúng ta đều biết thiếu ngủ là nguyên nhân chủ yếu gây ra quầng thâm quanh mắt, đó cũng là một dạng stress khiến cho hormone adrenaline duy trì ở mức cao kể cả vào ban đêm.

Quầng thâm mắt báo hiệu cơ thể bị stress do thiếu ngủ (Ảnh: Internet)

Bạn có thể áp dụng nhiều cách giúp dễ ngủ như thiền và yoga, dùng tinh dầu, tiếng ồn trắng, và không sử dụng các màn hình điện từ trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.

Đối với các chứng rối loạn đặc biệt như mất ngủ và ngưng thở khi ngủ, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu.

8. Da nhiều nếp nhăn

Các biểu cảm khuôn mặt do căng thẳng tâm lý như nhíu mày và nhăn trán cũng có thể khiến da bị nhăn sớm hơn. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể tập các động tác yoga cho mặt thay vì tiêm Botox có thể gây tác dụng phụ. Yoga mặt có thể cho hiệu quả tương tự nhưng việc duy trì thực hiện mỗi ngày có thể khó hơn.

Các bài tập này tác động vào các cơ mặt mà chúng ta sử dụng hàng ngày một cách tự nhiên, thông qua các kỹ thuật xoa bóp ở những vùng da căng như trán, lông mày và hàm, giúp ngăn sự hình thành nếp nhăn và tăng độ đàn hồi cho da.

Để tăng thêm tác dụng, bạn có thể dùng con lăn mát xa mặt để kích thích hệ thống bạch huyết, cách này cũng có thể làm giảm bọng mắt và ngăn xuất hiện các tổn thương do căng thẳng trên da.

Trên đây là những dấu hiệu cho thấy làn da đang bị ảnh hưởng bởi stress và những cách giúp bạn lấy lại vẻ đẹp cho da. Bạn có đang áp dụng những cách này tại nhà không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *