8 điều cần biết về HPV – thủ phạm gây nhiều bệnh ung thư nguy hiểm

Virus HPV là tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến trên khắp thế giới, nhưng lại ít được chú ý phòng ngừa. Nếu bạn cũng đang thắc mắc về loại virus nguy hiểm này thì hãy cùng xem qua một số sự thật về HPV – từ cách lây truyền cho đến những người nào cần tiêm vaccine ngừa HPV.

HPV là gì và nguy hiểm như thế nào?

HPV là viết tắt của “human papillomavirus”, tức là virus gây u nhú ở người, là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục phổ biến trên thế giới.

Virus HPV gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (Ảnh: Internet).

Hầu hết những người bị nhiễm HPV không có triệu chứng gì ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng ở một số người có thể xuất hiện mụn cóc hoặc ung thư ở cơ quan sinh dục. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều trường hợp mắc ung thư hầu họng (vùng miệng và cổ họng) do HPV, theo một cuộc điều tra được đăng trên Tạp chí JAMA ngày 16/12/2021. Ngoài ra HPV còn là thủ phạm góp phần gây ra nhiều loại ung thư khác như ung thư cổ tử cung và ung thư hậu môn.

Thông thường có thể phòng ngừa nhiễm HPV bằng vaccine, nhưng rất nhiều người hiện nay vẫn chưa biết rõ về loại virus này, ví dụ như đường lây truyền, những ai có nguy cơ bị nhiễm, và làm thế nào để bảo vệ bản thân. Dưới đây là những sự thật về HPV được các chuyên gia cho biết, có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

1. Có thể bạn đã nhiễm HPV mà không hề hay biết

Bác sĩ William Robinson chuyên về ung thư phụ khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi (Mỹ) cho biết: “Nếu bạn đã từng hoạt động tình dục thì bạn có ít nhất 50% khả năng đã nhiễm loại virus này.” Tuy nhiên có rất nhiều chủng virus HPV khác nhau, và không phải loại nào cũng gây bệnh như nhau.

HPV thường không gây triệu chứng cho người bị nhiễm (Ảnh: Internet).

HPV có tới hơn 150 chủng khác nhau, và hầu hết đều tương đối vô hại đối với con người. Khoảng 40 chủng có thể nhiễm vào vùng sinh dục và chỉ một số ít chủng có thể gây bệnh mụn cóc hoặc ung thư sinh dục.

Hầu hết mọi người không hề biết mình đã mang HPV, bởi vì hầu hết các chủng virus không gây triệu chứng. Khoảng 90% trường hợp bị nhiễm sẽ tự hết virus trong vòng 2 năm nhờ hoạt động của hệ miễn dịch tự nhiên, theo CDC. Nhưng đối với những trường hợp HPV tồn tại lâu dài thì một số chủng có thể gây bệnh, kể cả ung thư. Đặc biệt là những người đã mắc HIV có nguy cơ nhiễm HPV lâu dài cao hơn và tăng nguy cơ ung thư do HPV.

2. Bao cao su không thể đảm bảo ngăn được HPV hoàn toàn

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục chỉ có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HPV chứ không thể đảm bảo chắc chắn không bị nhiễm.

Bao cao su không thể ngăn hoàn toàn HPV (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Barbara Goff chuyên về ung thư phụ khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Washington (Mỹ) cho biết: “Virus có thể sống trong bìu và những vùng có lông của bộ phận sinh dục.” Như vậy chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục cũng có thể lây truyền HPV, tương tự như các hình thức quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo và hậu môn.

Bác sĩ Goff nói thêm: “Đó là lý do tại sao những người trẻ tuổi phải tiêm vaccine ngừa HPV đầy đủ trước khi có hoạt động tình dục.”

3. Nếu bạn bị nhiễm HPV thì chưa chắc là do vợ hoặc chồng hiện tại của bạn

Nếu bạn được làm xét nghiệm HPV và phát hiện có virus thì cũng đừng vội kết luận nguồn lây bệnh. Theo bác sĩ Robinson, có những người bệnh cho rằng vợ/chồng hiện tại của họ là nguồn lây, nhưng thực ra chưa chắc. Những phụ nữ phát hiện ung thư cổ tử cung ở tuổi trung niên có thể đã bị nhiễm HPV từ bạn tình khác lúc còn trẻ.

Dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung (Ảnh: Internet).

Loại virus này có thể “ngủ yên” rất nhiều năm rồi mới bắt đầu gây tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư. Bệnh ung thư do HPV có thể xuất hiện sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm sau khi bị nhiễm virus.

4. HPV có thể gây nhiều bệnh ung thư khác nhau ngoài ung thư cổ tử cung

Khi nhắc đến HPV, hầu hết mọi người đều nghĩ đến ung thư cổ tử cung, nhưng loại virus này cũng góp phần gây ra nhiều dạng ung thư khác và tỷ lệ ngày càng tăng, trong đó có ung thư hầu họng, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn và dương vật. Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ từng mắc ung thư cổ tử cung hoặc những tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung sẽ tăng nguy cơ mắc các dạng ung thư ở vị trí khác trên cơ thể có liên quan với HPV.

HPV có thể gây nhiều dạng ung thư khác nhau (Ảnh: Internet).

Phần lớn các trường hợp ung thư ở những vị trí nêu trên là do HPV. Theo ước tính của CDC, có tới 91% ung thư cổ tử cung là do HPV, ung thư hậu môn là 91%, ung thư âm hộ là 69% và ung thư dương vật là 63%.

Hiện nay chưa có hướng dẫn tầm soát các bệnh ung thư liên quan đến HPV ngoài ung thư cổ tử cung, nhưng các chuyên gia y tế đang tìm hiểu những đối tượng nào có nguy cơ mắc các bệnh này, từ đó tìm cách chẩn đoán và điều trị sớm.

5. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư liên quan đến HPV

Bác sĩ Sharyn Lewin chuyên về ung thư phụ khoa tại Trung tâm Y tế Holy Name (Mỹ) cho biết: “Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, có thể cho phép HPV phát triển mạnh hơn.” Để tránh tạo điều kiện cho HPV hoạt động và gây tổn thương có thể dẫn đến ung thư, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

6. Vaccine ngừa HPV không chỉ dành cho nữ

Vaccine ngừa HPV có tác dụng rất cao đối với nữ: gần 100% ngừa ung thư cổ tử cung do HPV chủng 16 và 18 – đó là các chủng virus gây ra 70% các ca ung thư cổ tử cung. Nhưng vaccine còn có tác dụng với cả nam giới, trong đó có phòng ngừa mụn cóc sinh dục do HPV.

Vaccine ngừa HPV có tác dụng cho cả nam và nữ (Ảnh: Internet).

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định nhưng các nhà khoa học cho rằng tiêm vaccine cho trẻ em trai cũng có thể ngừa ung thư hầu họng và các dạng ung thư khác do HPV.

  • CDC khuyến cáo nên tiêm ngừa HPV cho tất cả trẻ nam và nữ ở tuổi 11 hoặc 12, hoặc có thể từ 9 tuổi nếu muốn.
  • Tất cả mọi người từ 26 tuổi trở xuống cũng được khuyến cáo tiêm ngừa HPV.
  • Đối với người từ 27 đến 45 tuổi, CDC hướng dẫn rằng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đánh giá nguy cơ nhiễm HPV và lợi ích của việc tiêm chủng.

7. Bạn vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung khi đã tiêm vaccine ngừa HPV

Mỗi loại vaccine chỉ ngăn được một vài chủng HPV nhất định, và cũng không thể tiêu diệt được virus đã nhiễm vào người từ trước khi tiêm. Vì vậy những phụ nữ đã tiêm ngừa vẫn phải làm xét nghiệm tầm soát định kỳ.

Gardasil 9 là loại vaccine ngừa HPV đang được dùng hiện nay ở Mỹ, có tác dụng ngăn được các chủng HPV 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 – đó là những chủng có thể gây ung thư, cùng với chủng 6 và 11 có thể gây mụn cóc sinh dục. Các loại vaccine khác là Cervarix và Gardasil ngừa được ít chủng hơn.

8. Vaccine ngừa HPV không có tác dụng điều trị HPV

Vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt virus đã xâm nhập vào cơ thể. Đó là một trong những lý do các cơ quan y tế khuyến cáo tiêm vaccine ngừa HPV cho trẻ em và thanh thiếu niên, vì càng lớn tuổi hơn thì càng có khả năng cơ thể đã tiếp xúc với HPV nên vaccine không còn hiệu lực nữa.

Hiện chưa có phương pháp đặc hiệu để tiêu diệt hoàn toàn HPV, mặc dù nhiều trường hợp có thể tự khỏi. Những phụ nữ đã phát hiện nhiễm HPV hoặc có các tổn thương liên quan với HPV thường phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu kiểm tra kỹ hơn, tiến hành điều trị để loại bỏ các tổn thương, hoặc theo dõi và xét nghiệm lại sau 3 đến 6 tháng.

Trên đây là những điều cần biết về HPV để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm do loại virus này gây ra. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *