Chảy máu cam (chảy máu mũi) là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, nhất là các trẻ từ 2 đến 10 tuổi, xuất hiện khi các mạch máu nhỏ trong mũi bị vỡ và gây chảy máu. Khi trẻ bị chảy máu cam, máu chảy ra nhiều khiến trẻ và cả cha mẹ cảm thấy lo lắng, luống cuống, chưa biết làm thế nào để xử lý cho phù hợp. Vậy chảy máu cam nguyên nhân do đâu, trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì, sơ cứu, xử trí và phòng ngừa như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu do tổn thương màng mạch ở vách ngăn mũi gây ra. Có nhiều trường hợp trẻ chảy máu cam về đêm, nhưng thường hay gặp vào ban ngày hơn – khi trẻ đang vui chơi, chạy nhảy và sinh hoạt. Các nguyên nhân phổ biến gây chảy máu cam:
- Do tác động cơ học, chấn thương: Trẻ cho các mảnh đồ chơi, dị vật vào mũi, chạy nhảy, ngã và va đập phần mũi vào cạnh tường hay bàn ghế.
- Thời tiết: Thời tiết khô hanh và độ ẩm không khí thấp khiến lớp màng nhầy ở vách mũi kém đàn hồi, giảm khả năng co giãn và trở nên nhạy cảm hơn. Do đó, khi gặp các tác động mạnh, đột ngột như hắt xì, xì mũi, chạm, ngoáy mũi nhẹ, hay thậm chí rặn mạnh khi đi ngoài táo bón cũng có thể khiến lớp màng mạch tổn thương và gây chảy máu cam.
- Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí thấp do sử dụng điều hòa hay lò sưởi trong thời gian dài cũng làm mũi trẻ khô hơn và do đó làm mũi dễ bị tổn thương hơn và dẫn đến chảy máu cam.
- Ngoáy mũi: Nhiều trẻ hay cho tay vào ngoáy mũi, đặc biệt khi trẻ để móng tay dài, khi ngoáy mũi mạnh làm tổn thương màng mạch ở mũi gây chảy máu.
- Viêm mũi: Viêm mũi dẫn đến những thay đổi về hệ thống mạch máu trong mũi, các mạch máu dãn nở và dễ bị ảnh hưởng xấu khi gặp các tác động từ ngoại cảnh.
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn: Dinh dưỡng không đầy đủ, nhất là khi thiếu các loại vitamin và khoáng chất có tác dụng làm bền và bảo vệ thành mạch như vitamin P, vitamin C. Đặc biệt vitamin C có tác dụng tốt với hệ miễn dịch, giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Trẻ thiếu vitamin C dễ bị tấn công bởi vi khuẩn hơn, dẫn đến viêm nhiễm, hệ mao mạch bị ảnh hưởng và do đó khiến trẻ dễ bị chảy máu cam hơn.
- Bệnh lý và các yếu tố bẩm sinh: Nhiều trẻ sinh ra với các bất thường về cấu trúc thành mạch, thành mạch và vách ngăn mũi mỏng, yếu,…dễ bị chảy máu cam hơn các trẻ khác. Hay khi trẻ mắc các bệnh lý về máu, xuất huyết,…thì chảy máu cam cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết bệnh.
2. Phân loại
Chảy máu cam ở trẻ em, dựa theo vị trí gây chảy máu, chia thành 2 loại chính, gồm chảy máu cam mũi trước và chảy máu cam mũi sau.
- Chảy máu cam mũi trước: chiếm phần lớn các trường hợp (khoảng 90%), thường chảy máu chỉ ở một bên mũi và ít nguy hiểm hơn. Ở dạng này, máu chảy ra từ phía trước mũi, máu chảy không nhiều và dễ kiểm soát, thường xảy ra do độ ẩm không khí thấp và dị vật va chạm mạnh vào màng mũi.
- Chảy máu cam mũi sau: tỉ lệ mắc ít hơn (chỉ khoảng 10%), máu chảy ở cả 2 bên mũi và cũng khó kiểm soát hơn so với chảy máu mũi trước.
3. Cách chữa chảy máu cam ở trẻ em
Khi trẻ bị chảy máu cam, thực hiện các thao tác sơ cứu đúng cách có thể giúp máu ngừng chảy và không gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.
3.1. Xử trí khi trẻ đang bị chảy máu
Điều đầu tiên, cả cha mẹ và bé cần chú ý là cố gắng giữ bình tĩnh. Máu từ mũi trẻ chảy ra nhiều, đặc biệt khi trẻ phát hiện mình chảy máu cam, trẻ thường lấy tay lau dụi khiến máu loang ra các vùng xung quanh mặt khiến cha mẹ hết sức lo lắng, trở nên luống cuống, trẻ thấy vậy cũng căng thẳng, mất bình tĩnh và lấy tay lau nhiều hơn, các va chạm tại vùng mũi cũng nhiều hơn làm tình trạng chảy máu nặng thêm.
Tư thế: giữ lưng thẳng, đầu cổ hơi cúi về phía trước, tránh cho trẻ nằm ngửa đầu về phía sau, tránh máu chảy ngược xuống họng, chảy vào dạ dày gây buồn nôn.
Thao tác:
- Lấy ngón tay trỏ và ngón cái bóp chặt 2 bên cánh mũi, lưu ý bóp vào phần mũi mềm, tránh phần sống mũi. Bóp cả 2 bên cánh mũi, kể cả khi bé bị chảy máu mũi một bên, bởi khi chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây chảy máu cam, với các trường hợp chảy máu do bản chất mạch máu hay do bệnh lý, khả năng tổn thương mạch máu ở cả 2 bên đều như nhau, nên khi thao tác trên 1 bên hoàn toàn có thể tác động và gây chảy máu ở bên còn lại. Do vậy, việc giữ chặt cả 2 bên cánh mũi vừa ngăn máu chảy ở một bên, vừa phòng tránh máu có thể chảy ra ở bên còn lại.
- Giữ chặt tay khoảng 10 phút để cầm máu và giúp hình thành cục máu đông ngăn cho máu tiếp tục chảy. Các cha mẹ nên kiên nhẫn, tránh nóng lòng bỏ tay ra quá sớm để kiểm tra xem đã ngừng chảy máu hay chưa, bởi nếu máu chưa đông có thể khiến chảy máu kéo dài hơn.
- Có thể dùng đá hay khăn mát chườm đắp lên vùng cánh mũi để các mạch máu co lại, giúp cầm máu nhanh hơn.
- Với trường hợp máu chảy nhiều, cho trẻ nằm nghiêng. Khi máu chảy xuống họng, vào khoang miệng, cho trẻ nhổ, đẩy máu ra ngoài, tránh nuốt máu vào dạ dày.
- Cho trẻ uống chút nước mát hoặc súc miệng để loại bỏ sạch máu trong miệng.
Trong quá trình chờ đợi có thể an ủi, trấn an trẻ để trẻ bớt sợ hãi khi thấy máu. Sau 10 phút, máu ngừng chảy, cho trẻ nằm nghỉ ngơi. Nếu máu chưa ngừng hẳn, nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể và có biện pháp điều trị thích hợp.
3.2. Khi trẻ đã ngưng chảy máu
Sau khi trẻ ngưng chảy máu, việc duy trì, đảm bảo sức khỏe cho trẻ tránh tái phát là hết sức cần thiết. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ qua chế độ ăn được nhiều bậc cha mẹ quan tâm lưu ý. Vậy trẻ bị chảy máu cam nên cho ăn gì?
Nên cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho trẻ, cho trẻ ăn nhiều rau củ quả, các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C và canxi như cam, quýt, súp lơ, các loại cá biển,…Không cho trẻ ăn đồ ăn cay nóng, uống nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu. Cho trẻ bổ sung đủ nước để cân bằng độ ẩm với môi trường bên ngoài.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, để tránh chảy máu cam tái phát trở lại, trẻ nên hạn chế chạy nhảy, vận động mạnh và tắm nước nóng. Nên giải trí bằng các hoạt động nhẹ nhàng như xem tivi hay nghe nhạc, đọc sách, truyện.
4. Lưu ý khi xử trí trẻ bị chảy máu cam
Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau:
- Máu chảy kéo dài ngay cả khi đã sử dụng các biện pháp sơ cứu thông thường.
- Trẻ chảy máu cam nhiều lần, lặp lại trong thời gian ngắn.
- Trẻ chảy máu cam dễ gặp nguy hiểm khi lượng máu mất đi lớn (khoảng hơn một cốc đầy), trẻ cần được đưa đến bệnh viện để theo dõi và điều trị, tránh sốc do mất máu.
- Chảy máu cam sau khi dùng thuốc để điều trị bệnh lý đang mắc phải, hay chảy máu cam khi đang dùng thuốc chống đông máu.
- Máu vẫn chảy xuống họng, vào dạ dày ngay cả khi ở tư thế cúi đầu về phía trước.
- Chảy máu cam kèm theo các dấu hiệu bất thường khác của cơ thể như xuất huyết dưới da, vết bầm tím trên da, chảy máu chân răng, có lẫn máu trong phân,… Các biểu hiện này có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cụ thể nào đó, cần được kiểm tra và điều trị theo phác đồ phù hợp.
5. Phòng tránh chảy máu cam
Cũng như các bệnh lý thông thường khác, khi áp dụng các biện pháp phòng tránh thích hợp, có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ chảy máu cam ở trẻ em. Cụ thể:
- Vệ sinh mũi thường xuyên để niêm mạc mũi luôn khỏe mạnh. Tần suất vệ sinh không nên quá nhiều bởi có thể làm mất đi lớp nhầy bảo vệ ở niêm mạc. Số lần vệ sinh tiêu chuẩn thường là 2 lần/tuần với trẻ khỏe mạnh bình thường, còn với trẻ đang có viêm nhiễm mũi họng, số lần vệ sinh tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đảm bảo cân bằng độ ẩm. Không ngồi quá lâu trong điều kiện điều hòa hay lò sưởi. Ngoài ra, có thể dùng vaselin bôi lên niêm mạc mũi để đảm bảo độ ẩm.
- Sắp xếp đồ vật trong nhà hợp lý, tránh rơi đổ, hạn chế va chạm khi trẻ chạy nhảy hay vui chơi. Cho trẻ chơi các đồ chơi an toàn, ít góc cạnh.
- Tập cho trẻ thói quen không cho tay vào mũi, không ngoáy mũi.
- Ngay cả khi trẻ chưa bị chảy máu cam, hướng dẫn trẻ cách sơ cứu, cầm máu, để trường hợp không có người lớn bên cạnh, trẻ vẫn có thể tự biết cách cầm máu cho bản thân.
Hi vọng với các thông tin trên, Kinhnghiem360.edu.vn đã giúp bạn đọc biết được cách xử trí, sơ cứu khi trẻ bị chảy máu cam đúng cách và hiệu quả. Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nữa nhé!