Tiêu chảy ở trẻ em là bệnh có thể khá nhẹ, chỉ diễn ra tạm thời nhưng cũng có thể rất nặng dẫn đến tử vong. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn xem kỹ 5 điều cơ bản về bệnh tiêu chảy ở trẻ em để đảm bảo an toàn cho các bé nhé!
1. Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là gì
Tiêu chảy là sự thay đổi về tần suất hoạt động của đường ruột hoặc sự mất ổn định của chất thải. Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết bệnh tiêu chảy là đi ngoài nhiều hơn bình thường (khoảng trên 3 lần trong một ngày) hoặc chất thải có dạng lỏng như nước bất thường, có mùi tanh chua, có thể có lẫn máu hoặc không.
Tiêu chảy có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có! Theo thống kê trên thế giới, có khoảng 2 tỷ trường hợp bị tiêu chảy cấp hàng năm, và trong đó, chủ yếu ở các nước đang phát triển, có tới 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì căn bệnh này.
Tiêu chảy thường gặp ở trẻ em nên nhiều bậc phụ huynh không quá coi trọng việc điều trị cẩn thận, đặc biệt là ở các nước chưa và đang phát triển, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc tử vong do không cấp cứu và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết khi bị tiêu chảy
Tiêu chảy thường được phân làm 2 loại:
- Tiêu chảy cấp tính: kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
- Tiêu chảy mãn tính: kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần trở lên.
Đa phần các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em là tiêu chảy cấp, trong đó có khoảng 3 – 10% trẻ trở nặng thành tiêu chảy mãn tính. Trong đó, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ được nuôi bằng sữa bò hay trẻ bị suy giảm miễn dịch như suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy mãn tính hơn bình thường.
Nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ là do nhiễm trùng đường tiêu hóa. Các vi khuẩn gây ra nhiễm trùng này bao gồm: vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng, mỗi loại có biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Ba nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay là do vi rút Rota, nhiễm trùng đường ruột và nhiễm khuẩn đường ruột do mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vi rút Rota
Thông thường bệnh tiêu chảy ở trẻ xảy ra do nhiễm vi rút Rota (khoảng 80%) và nhiễm trùng. Những trường hợp này thường có triệu chứng như:
- Sốt cao (trên 38 độ);
- Quấy khóc liên tục;
- Nôn nhiều;
- Đi ngoài ra phân lỏng nhiều nước;
- Đi nhiều lần trong ngày dẫn đến mệt mỏi, kém ăn, sụt cân nhanh;
- Thời gian bị có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày;
Vi trùng đường ruột
Còn trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột (do E.Coli, lỵ trực khuẩn, lỵ amip…). Ngoài những biểu hiện trên còn có thêm dấu hiệu nhận biết rõ nhất là có máu lẫn trong phân. Với những trường hợp này bắt buộc cần có sự khám chữa và chỉ thị điều trị cụ thể từ bác sĩ. Thời gian chữa trị thường kéo dài 2 tuần.
Nhiễm khuẩn đường ruột do mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn do ăn phải thức ăn ôi thiu, không rửa tay trước khi ăn, sử dụng đồ đựng và dụng cụ ăn không sạch sẽ. Hoặc do trẻ bị dị ứng với thức ăn, không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn đó (thường là lactose hoặc một loại đường có trong sữa), do chế độ ăn không phù hợp với độ tuổi hoặc bị bệnh nên phải dùng kháng sinh trong thời gian dài,v.v…
3. Cách trị tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy dẫn đến tình trạng mất nước và điện giải ở trẻ, gây rối loạn chức năng và suy kiệt cơ thể. Tùy theo mức độ xác định mà phụ huynh có thể điều trị cho trẻ theo 3 mức pháp đồ dưới đây.
Phác đồ điều trị theo mức độ bệnh
Phác đồ điều trị A: Đối với trường hợp rất nhẹ có thể điều trị tại nhà
Dấu hiệu: Cơ thể bình thường, tỉnh táo, chỉ xuất hiện tình trạng đi ngoài hơn 3 lần trong một ngày, phân lỏng.
Hai nguyên tắc điều trị tiêu chảy tại nhà:
Một là, cho trẻ uống nhiều dung dịch đường muối Oresol (ORS – hiện có loại chai pha sẵn hoặc dạng túi thuốc bột được bán phổ biến ở các nhà thuốc, được pha theo vị hoa quả rất dễ uống) để bù điện giải và nước. Lượng ORS cần cho trẻ uống sau mỗi lần đi ngoài:
- Trên 24 tháng tuổi: 50 – 100ml
- 2 – 10 tuổi: 100 – 200ml
- Trên 10 tuổi: uống tùy thích
Sau đó tiếp tục uống cho đến khi hết tiêu chảy.
Hai là, cho trẻ ăn thêm nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, chế biến theo dạng dễ hấp thu. Đối với trẻ đang tuổi bú sữa mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên, liên tục.
Phác đồ điều trị B: Đối với tình trạng mất nước nhẹ hoặc trung bình
Dấu hiệu: vật vã, quấy khóc không yên, xuất hiện tình trạng háo nước, mắt bị phù trũng.
Đối với trường hợp này có thể cấp cứu tại nhà, trong 4 giờ đầu, lập tức cho trẻ uống dung dịch ORS = trọng lượng cơ thể trẻ (kg) x 75ml. Trong thời gian đó tiếp tục cho con bú bình thường. Quan sát trẻ cẩn thận.
Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng và căn cứ vào dấu hiệu thể hiện ra để xác định điều trị tiếp theo phác đồ A, B hay C.
Phác đồ điều trị C: Đối với tình trạng mất nước nặng cần chuyển ngay đến cơ sở y tế để điều trị
Dấu hiệu: sốt cao, hôn mê li bì, mắt bị phù trũng nặng, không thể ăn uống gì.
Khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như trên, ngay lập tức chuyển đến bác sĩ để tiến hành xét nghiệm và khám chữa. Sau khi được chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây bệnh trẻ sẽ được điều trị theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Thông thường, biện pháp phổ biến nhất hiện nay đối với bệnh nhân bị tiêu chảy cấp là điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch dung dịch Ringer lactate 100ml/kg.
Sau khi truyền dịch mà thấy có tiến triển tốt hơn, trẻ có thể bắt đầu uống được thì cho trẻ uống dung dịch ORS theo lượng 5ml/kg/giờ.
Sau 3 – 6 giờ tiếp tục theo dõi bệnh nhân, nếu tình trạng không có chuyển biến thì có thể liên hệ bác sĩ để chuyển lên bệnh viện tuyến trên để phòng ngừa bệnh tình chuyển biến xấu và có thể được cấp cứu chính xác kịp thời.
Dinh dưỡng trong quá trình điều trị
Trong quá trình điều trị bằng dung dịch thuốc, việc đảm bảo dinh dưỡng cũng là khâu cực kỳ quan trọng để phòng ngừa suy dinh dưỡng khiến bệnh tình dễ chuyển biến xấu.
Phương pháp tốt nhất là duy trì cho trẻ ăn uống đảm bảo trong lúc tiêu chảy và sau ngưng tiêu chảy khoảng 2 tuần.
Dinh dưỡng trong khi điều trị
- Giảm lượng sữa động vật (hoặc các sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều đường lactose) trong chế độ ăn hàng ngày.
- Cung cấp đầy đủ năng lượng, vitamin và muối khoáng cũng như protein cho trẻ, nên cho ăn thức ăn dạng lỏng hoặc mềm sẽ dễ hấp thụ hơn.
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm và đồ dùng ăn uống hàng ngày (nên sát khuẩn và tiệt trùng trước khi dùng).
Dinh dưỡng trong thời kỳ phục hồi và theo dõi
Cho trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong khoảng 2 tuần sau khi chấm dứt tình trạng tiêu chảy. Đối với trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng hoặc đã sụt cân do tiêu chảy kéo dài thì nên tiếp tục ăn thêm bữa như trên cho đến khi phục hồi lại cân nặng.
4. Khi nào cần đưa trẻ đi bệnh viện điều trị?
Lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu không có biểu hiện khá lên sau 2 ngày điều trị tại nhà hoặc có xuất hiện một trong các triệu chứng sau:
- Không ăn uống được, bỏ bú;
- Khát nước liên tục;
- Sốt cao không hạ;
- Đi ngoài nhiều, phân lỏng hoặc phân lẫn máu;
- Có dấu hiệu ngủ li bì, co giật, hôn mê sâu;
- Nôn liên tục hoặc nôn ra mật;
- Sụt cân nhanh (biểu hiện của mất nhiều nước);
Nếu có những dấu hiệu trên chứng tỏ bệnh đã trở nặng, phụ huynh tuyệt đối không tự mua thuốc ở ngoài hoặc nghe lời khuyên/ mẹo từ những người không có chuyên môn, càng không được cho trẻ uống những chế phẩm làm tạm dừng tiêu chảy khác.
5. Cách phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ
Hiện có một số biện pháp phòng ngừa các bậc phụ huynh có thể tham khảo như sau:
- Nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời để đảm bảo vệ sinh, dễ tiêu hóa và hấp thụ. Trong sữa mẹ cũng chứa sẵn các thành phần miễn dịch tự nhiên hoàn hảo, bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
- Cẩn thận trong giai đoạn tập cho trẻ ăn dặm. Nên nghiên cứu cẩn thận và đảm bảo chế độ ăn dặm cho trẻ được vệ sinh và đầy đủ chất (đạm, đường, chất béo, chất xơ, vitamin…) bởi giai đoạn ăn dặm sẽ bắt đầu giúp trẻ thích nghi với nguồn dinh dưỡng mới, rất dễ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút hay vi sinh vật gây bệnh do không đảm bảo vệ sinh và chất lượng.
- Luôn luôn sử dụng nguồn nước sạch cho việc ăn uống và vệ sinh của trẻ.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho trẻ ăn.
- Sớm tập cho trẻ thói quen vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sau khi chơi và đặc biệt trước khi ăn.
- Xử lý chất thải của trẻ em gọn gàng và vệ sinh, tránh mắc các bệnh lây nhiễm do vi sinh bệnh gây nhiễm trùng ở trong chất thải.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo yêu cầu và thường xuyên chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau giai đoạn tiêm vắc xin.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về bệnh tiêu chảy sau đây: 5 nguyên nhân tiêu chảy cần phòng tránh trong sinh hoạt hằng ngày
Dân gian Việt Nam vẫn luôn lưu truyền câu nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để đảm bảo sức khỏe cho các mầm non của đất nước thì các bậc phụ huynh nên có ý thức đề phòng và ngăn chặn nguy cơ phát bệnh ở trẻ từ sớm.
Đừng quên theo dõi và chia sẻ các bài viết bổ ích khác trong mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn bạn nhé!