Suy giãn tĩnh mạch hiện nay đang là căn bệnh vô cùng phổ biến, nhưng các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân lại khá mờ nhạt, khó nhận biết. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu thêm về căn bệnh này để phòng ngừa hiệu quả nhé!
Suy giãn tĩnh mạch chân (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính) là hiện tượng các tĩnh mạch (mạch máu dẫn máu hồi lưu về tim từ các bộ phận của cơ thể) phình to ra và nổi lên gần bề mặt da.
Nguyên nhân là do các van giữ chức năng giúp dòng máu lưu thông theo một hướng về tim để trao đổi oxy lại làm việc không hiệu quả khiến dòng máu đi theo hướng ngược lại, dẫn đến gia tăng áp lực tại các tĩnh mạch. Hậu quả làm phình to các mạch máu này, gây nên hiện tượng suy giãn tĩnh mạch.
Thông thường bệnh hay xảy ra ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp hơn và quan trọng là nó phải chịu ảnh hưởng của trọng lực khi đứng lâu. Việc mang giày cao gót trong thời gian dài hoặc thói quen ngồi bắt chéo chân của các chị em cũng là lý do gây suy giãn tĩnh mạch chân.
Bên cạnh đó, những người béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh vì hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể cao trong khi lại ăn ít thực phẩm có chất xơ và thiếu bổ sung vitamin, cân nặng cơ thể đè nén lên các tĩnh mạch chân, gây tổn thương cho tĩnh mạch.
Những phụ nữ mang thai và sau khi sinh cũng có thể mắc bệnh hay người già, đối tượng trải qua quá trình thoái hóa tuổi tác khiến sức bền thành tĩnh mạch suy giảm và các van tĩnh mạch không còn hoạt động tốt như trước làm tăng xác suất mắc suy giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân ở ba giai đoạn mắc bệnh
Giai đoạn đầu
Bệnh có những biểu hiện khá mờ nhạt nên thường ít ai chú ý đến, người mắc bệnh thường sẽ có cảm giác nặng chân, chân bị phù nhẹ mỗi khi đứng hoặc ngồi quá lâu. Ban đêm trong lúc ngủ có thể hay bị chuột rút hoặc cảm giác như có kiến bò ở chân, gây khó chịu.
Đồng thời, ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ nhìn thấy các tĩnh mạch li ti nổi ở cổ chân và bàn chân, khiến chúng ta bị nhầm lẫn đó là các gân máu vốn có của cơ thể.
Giai đoạn tiến triển của bệnh
Cơ thể chúng ta sẽ xuất hiện càng triệu chứng rõ nét hơn, ngoài cảm giác phù nề ở chân, vùng cẳng chân cũng xuất hiện thêm các vết chàm da làm da bị thay đổi màu sắc.
Trong giai đoạn này, các tĩnh mạch trở nên trương phồng, giãn to và ngoằn nghèo, có lúc giãn đến 10mm và gây cảm giác đau nhức thấy rõ.
Giai đoạn bệnh trở nặng
Ở giai đoạn này, toàn bộ hệ tĩnh mạch của người bệnh sẽ bị giãn rất to, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng phần da chân bên dưới, dẫn tới tình trạng viêm loét. Ban đầu, hiện tượng loét chân này có thể tự lành nhưng dần dần về sau thì sẽ không, thậm chí các vết loét còn bị nhiễm trùng và khó điều trị.
Bệnh còn nguy hiểm hơn nếu các cục thuyên tắc tách khỏi tĩnh mạch và di chuyển về tim, làm động mạch phổi bị tắc nghẽn và bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chân như thế nào?
Đối với những ai làm công việc phải ngồi lâu hay đứng lâu như nhân viên văn phòng hoặc nhân viên bán hàng, mỗi 60 phút làm việc, mọi người nên dành cho mình 5-10 phút để thư giãn, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ và thường xuyên thay đổi tư thế ngồi trong buổi làm.
Riêng đối với giới nữ, các chị em nên hạn chế đi những đôi giày cao gót quá cao, nhất là khi phải đi bộ quãng đường dài, hoặc nếu được mọi người chỉ nên đi các đôi giày đế bằng, tránh tình trạng để mũi chân dốc xuống khiến máu lưu thông không ổn định.
Thêm vào đó, mỗi người cần có cho mình một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm trong thực đơn hằng ngày, cũng như cung cấp thêm những loại vitamin cần thiết cho cơ thể và phối hợp cùng chế độ tập luyện thể thao phù hợp để tăng cường sức khỏe.
Các phương pháp chữa bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Thực tế, suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh rất khó để chữa trị dứt điểm vì thế không thể tự chữa khỏi được nếu không có sự can thiệp của bác sĩ. Một khi bạn nhận thấy bất kì dấu hiệu nào bên trên, hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để được chuẩn đoán điều trị sớm.
Theo các chuyên gia, hai phương pháp chữa trị suy giãn tĩnh mạch phổ biến và hiệu quả hiện nay là dùng vớ y khoa hoặc can thiệp bằng phẫu thuật.
Sử dụng vớ y khoa
Bệnh nhân chỉ mới mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể được điều trị bằng phương pháp mang vớ y khoa. Loại vớ này bó chặt vào chân, nhờ đó sẽ ngăn ngừa việc hình thành các tĩnh mạch giãn và giữ cho bệnh tĩnh mạch không tiến triển thêm. Bạn có thể tham khảo nơi mua vớ y khoa tại đây.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật nhằm loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, lấy đi búi tĩnh mạch giãn bằng cách mổ bỏ tĩnh mạch giãn tại chỗ (phương pháp Muller) và chích xơ tạo bọt (tiêm vào lòng mạch các chất làm tổn thương nội mạc gây ra sự tắc mạch dần sau đó).
Còn các phương pháp điều trị tình trạng trào ngược van tĩnh mạch hiện nay bao gồm: mổ lấy đi các tĩnh mạch giãn bằng phương pháp stripping, đốt nhiệt cao tần và đốt laser nội mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chân đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa vì các lý do công việc cũng như chế độ ăn uống bất ổn của giới trẻ. Vì thế, dù bạn đang ở độ tuổi nào cũng đừng chủ quan với căn bệnh này, hãy tích cực phòng bệnh và tìm đến bác sĩ để được chữa trị sớm nhất có thể.