Đau đầu là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh, trong đó đau đầu migraine gây ra rất nhiều phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu về dạng đau đầu không hề hiếm gặp này nhé!
Đau đầu migraine là gì?
Đau đầu migraine – hay còn gọi là đau nửa đầu – là một tình trạng thần kinh có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, thường có đặc điểm là đau đầu dữ dội đến mức người bệnh không thể sinh hoạt và làm việc bình thường được.
Các triệu chứng của migraine có thể bao gồm buồn nôn, nôn, khó phát âm, tê hoặc ngứa ran, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Chứng đau đầu này thường có tính chất gia đình và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
Việc chẩn đoán đau đầu migraine được xác định dựa trên bệnh sử lâm sàng, các triệu chứng được ghi nhận và loại trừ các nguyên nhân khác. Có nhiều cách phân loại migraine thành các dạng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là dạng không có dấu hiệu báo trước (còn gọi là migraine thông thường) và dạng có dấu hiệu báo trước (migraine cổ điển).
Migraine có thể bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu hoặc đến khi trưởng thành mới xảy ra, nữ giới có nhiều khả năng mắc phải hơn nam giới. Bên cạnh đó, tiền sử gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của migraine.
Các triệu chứng của đau đầu migraine
Các triệu chứng có thể xuất hiện từ một đến hai ngày trước khi cơn đau xảy ra, đây được gọi là giai đoạn tiền triệu. Các triệu chứng trong giai đoạn này có thể bao gồm:
- Thèm ăn
- Trầm cảm
- Mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng
- Ngáp thường xuyên
- Hiếu động thái quá
- Cáu gắt
- Cứng cổ
Đối với dạng migraine có dấu hiệu báo trước, các dấu hiệu sẽ xuất hiện sau giai đoạn tiền triệu. Khi đó người bệnh có thể gặp vấn đề về thị lực, xúc giác, vận động và lời nói. Một vài ví dụ bao gồm:
- Khó phát âm rõ ràng
- Cảm giác kim châm hoặc ngứa ran ở mặt, tay, chân
- Nhìn thấy các ảo ảnh, ánh sáng không có thật
- Mất thị lực tạm thời
Giai đoạn tiếp theo được gọi là giai đoạn tấn công. Đây là giai đoạn cấp tính nghiêm trọng nhất, khi cơn đau đầu thực sự xảy ra. Ở một số người, cơn đau này có thể xảy ra ngay trong lúc đang có các dấu hiệu báo trước. Các triệu chứng của giai đoạn tấn công có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, và có thể biểu hiện khác nhau tùy mỗi người, chẳng hạn như:
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
- Buồn nôn
- Chóng mặt hoặc cảm giác sắp ngất xỉu
- Đau ở một bên đầu, bên trái hoặc phải, phía trước hoặc sau, hoặc ở thái dương
- Đau đầu theo nhịp mạch và đau nhói
- Nôn ói
Sau giai đoạn tấn công, người bệnh thường sẽ trải qua giai đoạn “hậu kỳ”, biểu hiện bằng những thay đổi về tâm trạng và cảm xúc. Đó có thể là cảm giác hưng phấn và cực kỳ hạnh phúc, hoặc rất mệt mỏi và thờ ơ. Ngoài ra cảm giác đau đầu nhẹ, âm ỉ cũng có thể kéo dài về sau.
Cường độ và thời gian kéo dài của các giai đoạn này có thể thay đổi rất khác nhau tùy mỗi người. Đôi khi một giai đoạn nào đó không xảy ra, và thậm chí cơn migraine có thể xuất hiện mà không gây cảm giác đau đầu.
Đau đầu migraine có cảm giác như thế nào?
Đa số những người mắc phải tình trạng này thường mô tả cơn đau đầu là:
- Theo nhịp đập
- Đau nhói
- Đau như xuyên vào đầu
- Đau như bị đập mạnh
- Đau đến mức suy nhược
Ngoài ra cơn đau cũng có thể kéo dài âm ỉ liên tục. Khi mới xuất hiện có thể chỉ đau nhẹ, nhưng nếu không điều trị sẽ tăng lên từ vừa đến nặng.
Đau đầu migraine thường xảy ra ở vùng trán, thường ở một bên của đầu nhưng cũng có thể ở cả hai bên hoặc đổi bên. Hầu hết các cơn đau nửa đầu kéo dài khoảng 4 giờ. Nếu không được điều trị hoặc không đáp ứng với điều trị, đau có thể kéo dài từ 72 giờ đến một tuần.
Buồn nôn do migraine
Hơn một nửa số người mắc chứng đau đầu này có triệu chứng buồn nôn, và hầu hết trong số họ cũng bị nôn ói. Các triệu chứng này có thể xuất hiện cùng lúc với cơn đau, nhưng thường thì chúng bắt đầu khoảng một giờ sau khi đau đầu xảy ra.
Buồn nôn và nôn cũng gây ra nhiều phiền toái như chính cơn đau đầu. Nếu chỉ buồn nôn, người bệnh có thể dùng các loại thuốc chữa migraine thông thường để giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên tình trạng nôn ói lại khiến họ không thể uống thuốc được hoặc thuốc bị nôn ra trước khi cơ thể hấp thụ. Khi trì hoãn việc uống thuốc, chứng đau đầu có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Nguyên nhân nào gây ra migraine?
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng đau đầu này. Tuy nhiên họ đã tìm thấy một số yếu tố có thể góp phần làm xuất hiện migraine, chẳng hạn như những thay đổi về các chất hóa học trong não.
Các yếu tố khác có thể làm cơn đau đầu migraine xuất hiện bao gồm:
- Ánh sáng mạnh
- Nắng nóng gay gắt hoặc thời tiết khắc nghiệt
- Cơ thể mất nước
- Thay đổi áp suất không khí
- Thay đổi hormone ở phụ nữ, chẳng hạn như biến động estrogen và progesterone trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh
- Căng thẳng quá mức
- Âm thanh lớn
- Hoạt động thể chất cường độ cao
- Bỏ bữa
- Thay đổi thói quen đi ngủ
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai hoặc nitroglycerin
- Mùi bất thường
- Một số loại thức ăn nhất định
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
- Di chuyển nhiều
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh theo dõi và ghi chép nhật ký về đau đầu, viết ra những việc mà mình đang làm khi cơn đau đầu xảy đến, những loại thực phẩm đã ăn và những loại thuốc đã sử dụng trước đó để có thể giúp xác định tác nhân kích thích cơn đau.
Các loại thực phẩm dễ làm xuất hiện cơn đau migraine
Một số loại thực phẩm hoặc nguyên liệu có thể dễ gây ra migraine bao gồm:
- Đồ uống có cồn hoặc caffeine
- Các chất phụ gia thực phẩm, chẳng hạn như nitrat (chất bảo quản trong thịt đông lạnh), aspartame (một loại đường nhân tạo), hoặc bột ngọt
- Tyramine, xuất hiện tự nhiên trong một số loại thực phẩm
Hàm lượng tyramine cũng tăng lên khi thực phẩm để lâu hoặc bị lên men, chẳng hạn như một số loại pho mát lâu năm, dưa cải muối và nước tương. Tuy nhiên các nghiên cứu hiện nay đang xem xét kỹ hơn vai trò của tyramine trong chứng đau đầu migraine. Đối với một số người, nó có thể là yếu tố bảo vệ chứ không phải là tác nhân kích thích.
Migraine được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ thường chẩn đoán chứng đau đầu này bằng cách tìm hiểu các triệu chứng của người bệnh, xem xét kỹ tiền sử y khoa của bản thân và gia đình, đồng thời thực hiện thăm khám để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan hoặc MRI có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây đau đầu, chẳng hạn như:
- Khối u
- Cấu trúc bất thường trong não
- Đột quỵ
Điều trị migraine như thế nào?
Chứng đau đầu này không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bác sĩ có thể giúp người bệnh kiểm soát để cơn đau ít xuất hiện hơn, giảm mức độ đau và điều trị các triệu chứng khi chúng xảy ra.
Kế hoạch điều trị của mỗi bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào:
- Tuổi tác
- Tần suất cơn đau xuất hiện
- Dạng đau cụ thể
- Mức độ nghiêm trọng của cơn đau (thời gian kéo dài bao lâu, cường độ đau và có khiến người bệnh phải thường xuyên nghỉ học, nghỉ làm hay không)
- Cơn đau có kèm theo buồn nôn, nôn và các triệu chứng khác hay không
- Các vấn đề sức khỏe khác và các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng
Kế hoạch điều trị có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như:
- Các biện pháp tự giảm đau tại nhà
- Điều chỉnh lối sống, bao gồm kiểm soát stress và tránh các tác nhân làm cơn đau xuất hiện
- Dùng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn, chẳng hạn như kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc acetaminophen (Tylenol)
- Dùng thuốc đặc trị theo toa hằng ngà để phòng ngừa cơn đau xảy ra và các loại thuốc dùng ngay khi bắt đầu đau để giảm mức độ và triệu chứng kèm theo
- Thuốc theo toa giúp giảm buồn nôn hoặc nôn
Các biện pháp giảm đau tại nhà
Bạn có thể thử một số cách đơn giản giúp khắc phục cơn đau migraine, chẳng hạn như:
- Nằm trong phòng tối và yên tĩnh
- Xoa bóp da đầu và vùng thái dương
- Đắp khăn lạnh lên trán hoặc sau cổ
- Nhiều người cũng thử các phương pháp điều trị bằng thảo dược tại nhà để giảm chứng đau đầu migraine
Thuốc trị đau đầu migraine
Các loại thuốc có thể được sử dụng để phòng ngừa cơn đau đầu hoặc điều trị nó khi đã xảy ra. Bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường không cần kê đơn, nhưng nếu không hiệu quả thì bác sĩ có thể quyết định chuyển sang các thuốc đặc trị khác.
Phòng ngừa đau đầu migraine như thế nào?
Hãy thực hiện những hành động sau để giúp ngăn ngừa chứng đau đầu khó chịu này:
- Tìm hiểu những yếu tố gây ra gây ra cơn đau và tránh tiếp xúc với chúng
- Giữ cho cơ thể luôn đủ nước
- Tránh bỏ bữa
- Tạo cho mình giấc ngủ chất lượng, vì giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể
- Không hút thuốc lá
- Giảm căng thẳng trong cuộc sống và học cách đối phó hiệu quả với stress
- Học các kỹ năng thư giãn cơ thể và tâm trí
- Luyện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn giảm cân. Các chuyên gia tin rằng béo phì có liên quan đến chứng đau đầu migraine, nhưng hãy bắt đầu tập nhẹ nhàng để làm nóng dần dần vì tập quá nhanh và mạnh ngay từ đầu có thể gây phản tác dụng.
Khi nào cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức?
Đôi khi các triệu chứng của đau đầu migraine có thể giống với đột quỵ. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu cơn đau đầu có các tính chất như:
- Nói ngọng hoặc méo mặt
- Yếu chân tay
- Xảy ra đột ngột và dữ dội mà không có dấu hiệu cảnh báo
- Sốt, cứng cổ, lú lẫn, co giật, nhìn đôi, yếu cơ, tê bì hoặc khó phát âm
- Các triệu chứng báo trước kéo dài hơn một giờ
- Cảm giác đau dữ dội nhất từ trước đến nay
- Kèm theo mất ý thức
Ngoài ra cũng nên đến gặp bác sĩ ngay nếu cơn đau đầu ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bạn.
Đau đầu migraine có thể diễn tiến nặng, gây khó chịu và cản trở cuộc sống. Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị chứng bệnh này, vì vậy hãy kiên nhẫn tìm những cách phù hợp nhất với bạn. Cũng đừng quên theo dõi các cơn đau và triệu chứng kèm theo để xác định các tác nhân kích thích và phòng tránh ngay từ đầu nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!