Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ xảy ra, bên cạnh đó đột quỵ được đánh giá là nguyên nhân đứng thứ năm trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Mỹ. Vậy đột quỵ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể? Cách để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ? Hãy cùng BlogAnchoi tìm hiểu nhé!
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay còn được gọi là Tai biến mạch máu não. Nhiều người cho rằng đột quỵ xảy ra tại tim nhưng thực chất đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu ở não bộ bị gián đoạn hay bị giảm đáng kể. Sự thiếu hụt máu và lượng oxy cung cấp cho não làm chết các tế bào não, thời gian đột quỵ càng kéo dài càng làm giảm số lượng của các tế bào não, từ đó dễ dẫn đến tử vong.
Thực tế cho thấy, đối với những bệnh nhân mặc dù được cấp cứu kịp thời, tuy nhiên sau cơn đột quỵ bệnh nhân cũng có thể xuất hiện những biến chứng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày như: Liệt người, cử động yếu, rối loạn ngôn ngữ, cảm xúc,…
Triệu chứng đột quỵ
- Rối loạn ngôn ngữ: nói lắp bắp, nói khó hiểu
- Thị lực suy giảm: bệnh nhân có thể giảm tầm nhìn, mờ mắt, không nhìn thấy hay nhìn đôi
- Đau đầu: cơn đau đầu có thể nghiêm trọng và có thể kèm theo các triệu chứng chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, không tỉnh táo
- Rối loạn vận động: Tê liệt các chi hoặc nửa người, hoa mắt, mất cân bằng và khả năng phối hợp
Nguyên nhân gây đột quỵ
Dựa vào nguyên nhân gây đột quỵ người ta chia đột quỵ thành:
- Đột quỵ do thiếu máu: Nguyên nhân trên thường do sự tắc nghẽn các mạch máu cấp máu cho não, tình trạng tắc nghẽn có thể hình thành trong một khoảng thời gian lâu dài và âm thầm diễn tiến thường gây đột quỵ khi nguồn cấp máu cho não bị chặn hoàn toàn. Đột quỵ do thiếu máu não chiếm khoảng 87% nguyên nhân trong tổng số ca đột quỵ.
- Đột quỵ do xuất huyết: là tình trạng các mạch máu cấp máu não bị tổn thương làm xuất hiện tình trạng máu tràn vào các khoang trống ở não. Nguyên nhân chính gây nên xuất huyết là chứng tăng huyết áp không kiểm soát, chính vì vậy kiểm soát tốt huyết áp làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua: Đây cũng là nguyên nhân gây đột quỵ, tuy nhiên thời gian kéo dài trong khoảng vài phút nhưng có thể xuất hiện đầy đủ các triệu chứng của một cơn đột quỵ thông thường, thường được gọi là “cơn đột quỵ nhỏ”. Mặc dù, tỉ lệ hồi phục cao nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo cho sức khỏe của bạn.
Biến chứng sau đột qụy
Tùy thuộc vào sự thiếu hụt máu lên não như thế nào và vị trí tác động trên não là ở đâu mà các biến chứng sau đột quỵ sẽ xảy ra khác nhau:
- Liệt hoặc yếu cơ: Bệnh nhân có thể bị liệt nửa người hay rối loạn vận động ở một nửa mặt hoặc một bên cánh tay. Ở thời điểm này, vật lí trị liệu là phương pháp tối ưu để giúp người bệnh hồi phục.
- Khó khăn trong phát âm và nuốt: Do sự tác động lên các cơ điều khiển vùng miệng và hầu họng làm bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt và phát âm. Trong trường hợp nặng hơn, sự rối loạn ngôn ngữ có thể xảy ra, để có thể nghe, nói, đọc, viết đối với bệnh nhân đều khó khăn.
- Mất trí nhớ: Do sự tác động lên não bộ ở vùng ghi nhớ thông tin, sau cơn đột quỵ bệnh nhân có thể mất trí nhớ nếu vùng này bị ảnh hưởng.
- Rối loạn cảm xúc: Những người trải qua cơn đột quỵ thường khó kiểm soát cảm xúc của bản thân và có thể dẫn đến trầm cảm.
- Đau: các cơn đau, tê liệt và một số cảm giác khó chịu khác có thể xuất hiện ở những phần của cơ thể bị cơn đột quỵ ảnh hưởng. Bệnh nhân còn có thể xuất hiện sự nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, đặc biệt là cảm giác lạnh, hội chứng này thường xuất hiện sau cơn đột quỵ vài tuần và tăng dần theo thời gian.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn. Từ 55 tuổi, cứ 10 năm thì nguy cơ đột quỵ lại tăng gấp đôi.
- Giới tính: Nam có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ.
- Tiền sử gia đình: Những người có người thân bị đột quỵ thì tỉ lệ xuất hiện đột quỵ cao hơn.
- Thói quen sống: Thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, thức khuya, sử dụng các chất kích thích,…làm tăng khả năng đột quỵ.
- Tiền sử đột quỵ: những người từng đột quỵ có nguy cơ tái đột quỵ cao hơn, đặc biệt là vài tháng đầu. Tuy nhiên, nguy cơ này kéo dài trong vòng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
- Mắc một số bệnh lí như: Tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp,… đây được coi là các bệnh lí nền và làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người bệnh.
- Thừa cân béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lí nên vừa nêu trên, từ đó tăng nguy cơ xuất hiện cơn đột quỵ.
Sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ
- Đầu tiên, cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt.
- Theo dõi thời gian đột quỵ của bệnh nhân.
- Giữ bệnh nhân vị trí phù hợp với tình trạng sức khỏe:
Đối với bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ: cho bệnh nhân nằm nghiêng với tư thế hồi sức cấp cứu, để tránh tình trạng tắc nghẽn đường thở do lưỡi bị thụt làm người bệnh hít chất nôn có thể dẫn đến suy hô hấp.
Đối với bệnh nhân còn tỉnh: Cho bệnh nhân ở tư thế an toàn và thoải mái, theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Gọi cấp cứu ngay lập tức và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.
- Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì.
- Tiếp tục theo dõi bệnh nhân một cách cẩn thận và chặt chẽ.
Cách phòng tránh đột quỵ
- Chế độ sống lành mạnh: Hạn chế sử dụng các chất chứa cồn, chất kích thích, hạn chế thức khuya và cần ngủ đủ giấc
- Chế độ ăn uống phù hợp: Không ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol, dầu mỡ, chiên xào, ăn những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: Trái cây và rau củ quả,…
- Kiểm soát tốt huyết áp và cân nặng
- Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn
- Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?
- Người mắc bệnh tim mạch nên ăn gì? Chế độ ăn giảm 32% nguy cơ tử vong
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnchoi để đọc thêm các bài viết về sức khỏe nhé!