Mỗi một lần mang thai là mẹ bầu cần phải chú ý đến rất nhiều thứ để bé cưng luôn an toàn và khỏe mạnh, đặc biệt là với những bà mẹ trẻ lần đầu tiên mang bầu. Hiểu được băn khoăn của mẹ, Kinhnghiem360.edu.vn đã tổng hợp một bài viết bao gồm những điều quan trọng nhất khi mang thai mà mẹ bầu nên và không nên làm! Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn theo dõi nhé!
Uống axit folic và vitamin D
Axit folic có tác dụng làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh của bé về mức xấp xỉ 0%. Thời điểm lý tưởng nhất để bắt đầu bổ sung axit folic là 03 tháng trước khi thụ thai, nhưng nếu mẹ bầu bắt đầu bổ sung axit folic vào thời điểm muộn hơn, đừng lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu về lượng axit folic nên dùng hàng ngày và mẹ bầu nên tiếp tục bổ sung axit folic cho đến khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên (tuần 12 của thai kỳ).
Vitamin D không chỉ giúp mẹ và bé phát triển xương, răng và cơ bắp khỏe mạnh mà còn giúp mẹ điều chỉnh lượng canxi và phosphate trong cơ thể. Nếu mẹ bầu có nguy cơ thiếu vitamin D thì việc bổ sung vitamin D hàng ngày cực kỳ quan trọng. Khi mẹ có làn da tối hoặc mẹ ít nhận được ánh sáng mặt trời (ở nhà nhiều), hãy lưu ý kỹ về việc bổ sung chất này.
Vận động khi mang thai
Nhiều mẹ bầu cho rằng không nên đi lại nhiều khi thai đã to để tránh bị sảy thai. Tuy nhiên việc ít vận động (ngồi nhiều) khi mang thai không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé vì mẹ bầu sẽ có nguy cơ tăng cân mất kiểm soát, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, giãn tĩnh mạch và mẹ bầu có nguy cơ cao bị khó thở và đau thắt lưng.
Nếu mẹ bầu có thói quen tập thể dục trước khi mang thai thì mẹ có thể tiếp tục tập, nhưng mẹ hãy lắng nghe cơ thể và chậm lại khi cảm thấy không thoải mái.
Nếu mẹ bầu không tập thể dục trước khi mang thai thì mẹ không nhất thiết phải tham gia các lớp tập thể dục, nhưng điều quan trọng là mẹ bầu luôn phải năng động.
Thời gian hoạt động được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai là 30 phút mỗi ngày và 4 lần/tuần. Một trong những bài tập được ưu tiên đó là đi tản bộ sau bữa ăn.
Theo dõi cử động của bé
Vào tuần thứ 24, bé bắt đầu có những chuyển động rõ ràng và quy luật hơn (máy thai). Khi bé chuyển động, mẹ sẽ biết được bé đang khỏe mạnh. Mẹ cần theo dõi xem bé chuyển động mạnh hay yếu và với tần suất như thế nào. Nếu mẹ bầu nhận thấy bé ít máy hơn thì nhanh chóng đến gặp bác sỹ để xem xét cụ thể tình hình.
Luôn nằm nghiêng trong tam cá nguyệt thứ ba
Mẹ bầu đi ngủ với tư thế nằm ngửa trong tam cá nguyệt thứ ba có nguy cơ thai chết lưu cao gấp đôi so với tư thế nằm nghiêng người về một bên. Đặc biệt tư thế nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng và lưu lượng máu đến nhau thai.
(Nguồn video: Tommy’s).
Luôn để ý đến tâm trạng
Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người mắc bệnh trầm cảm khi mang bầu. Mẹ bầu nên tập thói quen viết nhật ký trong thai kỳ, tuy nhiên đừng viết ra những cảm giác tiêu cực, bất thường mà luôn hướng đến những câu chuyện vui vẻ, hạnh phúc.
Tiêm chủng
Trước khi mang thai, mẹ nên tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm gan B, cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván. Mẹ bầu nên đến bệnh viện hoặc trạm tiêm phòng gần nhất để được tư vấn về các mũi tiêm cần thiết cũng như thời gian tiêm phòng để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Mang theo kết quả khám thai khi đi khám
Bạn nên lưu trữ cẩn thận tất cả những bệnh án, hồ sơ siêu âm trong suốt thai kỳ và luôn mang theo khi đi ra ngoài để tiện theo dõi khi có xảy ra bất cứ vấn đề gì. Đây là một trong những điều mẹ bầu cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho cả bé và mẹ.
Lưu ý khi đi du lịch hoặc đi xa
Nhiều mẹ bầu truyền tai nhau rằng, khoảng thời gian tốt nhất trong thai kỳ để đi du lịch hay đi xa là ở giữa thai kỳ. Trong 12 tuần đầu tiên, mẹ bầu sẽ thấy buồn nôn và mệt mỏi, đồng thời nguy cơ sảy thai cũng cao hơn trong 3 tháng này. Còn trong 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy cơ thể nặng nề và khó chịu.
Mặc dù vậy, mẹ bầu nên lưu ý những điều sau khi quyết định đi du lịch hoặc có những chuyến đi xa nhà:
- Mẹ bầu cần trao đổi kỹ với hãng hàng không và nhà xe khách trước khi đi về tình trạng thai sản. Với thai nhi trên 37 tuần, nhiều hãng hàng không sẽ không cho phép mẹ bầu lên máy bay. Với thai nhi trên 28 tuần, mẹ bầu cần trình giấy khám và giấy đảm bảo từ bệnh viện để đảm bảo thai nhi không có biến chứng.
- Kiểm tra về vấn đề bảo hiểm với công ty bảo hiểm.
- Mang theo kết quả khám thai.
Những chuyến đi đường dài (từ 5 tiếng trở lên) sẽ có nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu nhẹ, vì vậy mẹ bầu cần uống nhiều nước và di chuyển trong suốt chuyến đi.
Những triệu chứng cần lưu ý
Trong thời kỳ mang thai, khi thấy những dấu hiệu sau, mẹ bầu cần nhanh chóng đến gặp bác sỹ và kiểm tra kỹ càng:
- Chảy máu âm đạo
- Đi tiểu đau
- Đau bụng đột ngột, ngắn hoặc dài
- Đau đầu dai dẳng hoặc dữ dội
- Sưng ở mặt, tay hoặc chân
- Mắt thấy mờ hoặc có đốm
- Ngứa, đặc biệt là ở tay hoặc chân
- Chuyển động của bé chậm lại hoặc thay đổi
- Dịch âm đạo quá nhiều hoặc có mùi hoặc nếu mẹ bầu nghĩ rằng nước ối đã bị vỡ
Những điều không nên làm trong thai kỳ
Luôn để ý thực phẩm trong mỗi bữa ăn
Một số thực phẩm có nguy cơ gây nhiễm trùng toxoplasmosis hoặc nhiễm khuẩn listeriosis (hay còn gọi nhiễm khuẩn listeria). Một số thực phẩm khác có thể gây ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như nhiễm khuẩn salmonella. Hay cả những thực phẩm chứa quá nhiều vitamin A hoặc thủy ngân, đều có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
Thực phẩm có thể gây nhiễm khuẩn listeria
Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn listeria có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thai nhi, dẫn đến sảy thai, đẻ non, do đó mẹ bầu cần chú ý những thực phẩm có khả năng mang vi khuẩn listeria:
- Phô mai chín lên men từng phần (hay phô mai ủ chín có mốc) như phô mai Camembert hoặc Brie, và phô mai mềm Blue cheese (loại phô mai có những đốm màu xanh lam và đôi khi là xanh xám hoặc xanh pha màu lam).
- Pate (kể cả pate rau).
- Sữa chưa tiệt trùng.
Thực phẩm có thể gây nhiễm khuẩn salmonella
Thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella tuy không gây hại cho thai nhi, nhưng nó có thể khiến mẹ bầu bị tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng. Thực phẩm có nhiều khả năng nhiễm khuẩn salmonella mà mẹ bầu cần chú ý bao gồm:
- Sữa chưa tiệt trùng.
- Trứng sống, trứng lòng đào hoặc thực phẩm có thể chứa chúng (như mayonnaise, kem đánh bông từ lòng trắng trứng).
Thực phẩm có thể gây nhiễm khuẩn toxoplasmosis
Nhiễm khuẩn toxoplasmosis do ký sinh trùng toxoplasma gây ra, thai nhi nhiễm khuẩn toxoplasmosis từ trong bụng mẹ khi sinh ra có thể có triệu chứng tổn thương các cơ quan nội tạng, não bộ và mắt (như động kinh, gan và lá lách to, vàng da và mắt, nhiễm trùng mắt…).
Mẹ bầu nên lưu lại danh sách những thực phẩm có khả năng mang ký sinh trùng toxoplasma để tránh nhiễm bệnh:
- Thực phẩm đóng hộp đã nấu hoặc chưa nấu chín.
- Thịt sống hoặc tái, đặc biệt là thịt gia cầm.
- Rau và salad chưa rửa sạch.
- Thịt ướp muối hoặc thịt chua.
Quá nhiều Vitamin A
Tuy vitamin A có nhiều ích lợi với cơ thể, nhưng việc bổ sung quá nhiều vitamin A có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là về hệ thần kinh. Đây là danh sách các thực phẩm rất giàu vitamin A mẹ bầu cần lưu ý:
- Gan và sản phẩm từ gan.
- Vitamin tổng hợp liều cao, dầu gan cá, hoặc thực phẩm chức năng nào có chứa vitamin A.
Lượng vitamin A mà mẹ bầu nên bổ sung là 600µg/ngày. Nếu mẹ bầu có chế độ ăn đa dạng, dinh dưỡng đầy đủ thì không nên uống thuốc để bổ sung vitamin A.
Thực phẩm có thể gây ngộ độc thủy ngân
Ngoài thủy ngân, các chất gây ô nhiễm khác như dioxine và biphenyl polychlorin hóa (PCBs) cũng sẽ gây hại cho bé, nên mẹ bầu cần hết sức lưu ý các thực phẩm sau:
- Cá mập, cá kiếm hoặc cá cờ.
- Quá 140g cá ngừ nấu chín một tuần.
- Quá 280g cá dầu (cá hồi, cá cháo, cá thu và cá trích) mỗi tuần.
Không ‘ăn cho hai người’
Quan niệm “ăn cho hai người” mà người Việt ta vẫn khuyên các mẹ bầu làm theo hoàn toàn không đúng.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai (6 tháng đầu thai kỳ) mẹ bầu không nên tăng cường calo trong chế độ ăn mà chỉ nên thay đổi thành phần thực phẩm trong chế độ ăn.
Trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ cho đến lúc sinh), mẹ bầu nên tăng thêm 200kcal trong chế độ ăn với lượng vận động tương đối.
Không hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích
Việc hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích trong thời kỳ mang thai là cực kỳ có hại. Đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến tác hại của chúng đối với thai nhi:
- Lượng oxy thai nhi nhận được sẽ giảm khi mẹ hút thuốc, và bé sẽ không thể cử động được trong ít nhất 1 tiếng sau đó.
- Hút thuốc làm giảm lượng dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi thông qua nhau thai.
- Chất nicotin có trong thuốc lá sẽ làm suy giảm chuyển động hô hấp của bé.
- Uống rượu sẽ khiến não của bé chậm phát triển, đặc biệt 3 tháng đầu tiên là giai đoạn não bé phát triển mạnh mẽ nhất.
Không đi lặn hoặc chơi bóng bầu dục
Tuy việc tập thể dục và vận động khi mang thai là rất tốt, nhưng không phải môn thể dục nào cũng an toàn cho mẹ và bé.
Một nghiên cứu đối với 69 nữ thợ lặn không đi lặn trong quá trình mang thai và 109 nữ thợ lặn có đi lặn trong quá trình mang thai đã đưa ra kết quả cho thấy: trong số 69 nữ thợ lặn không đi lặn khi mang thai khi sinh con ra hoàn toàn không có dị tật bẩm sinh, tuy nhiên con số này là 5,5% đối với nghiên cứu thực hiện trên 109 nữ thợ lặn có đi lặn khi mang thai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu đi lặn sẽ khiến con sinh ra có dị tật bẩm sinh là do ảnh hưởng của hiện tượng oxy cao áp. Trong tam cá nguyệt thứ ba, việc suy giảm áp lực đối với thai nhi gây nên dị tật về hệ thống tuần hoàn khi sinh ra. Tuy chưa có kết quả nào chứng tỏ việc đi lặn trong tam cá nguyệt thứ hai là nguy hiểm, nhưng mẹ bầu cũng nên phòng tránh để đảm bảo sức khoẻ thai kỳ.
Đừng uống (hoặc ăn) quá nhiều caffein
Caffein không chỉ có trong cà phê, mà còn có trong sô cô la, trà đen, kem và cả nước tăng lực. Mẹ bầu cần chú ý đến lượng caffeine nạp vào vì khi lượng caffein cao có thể dẫn đến việc trẻ sơ sinh nhẹ cân, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe trong cuộc sống sau này. Nguy hiểm nhất, việc ăn uống quá nhiều caffein cũng sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Đừng ăn kiêng trong thai kỳ
Một số mẹ bầu có tâm lý muốn giữ gìn vóc dáng ngay cả khi mang thai nên đã cắt giảm khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên việc cắt giảm thực phẩm có thể khiến bé không đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Thay vì ăn kiêng, tốt nhất là mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh.
Vậy là qua bài viết trên, Kinhnghiem360.edu.vn đã tổng hợp các lưu ý những điều mẹ bầu nên và không nên làm để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Kinhnghiem360.edu.vn chúc mẹ bầu sẽ thành công vượt qua giai đoạn 9 tháng 10 ngày và sinh hạ bé yêu thành công nhé!
Hãy tiếp tục ghé thăm Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin mới nhất nhé!