Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chó cắn thương tâm khiến không ít người lo ngại về mối nguy hiểm từ việc bị chó cắn như nguy cơ mắc bệnh dại, nhiễm trùng, uốn ván…. Vậy xử trí khi bị chó cắn như thế nào là đúng cách? Hãy để chúng tôi giải đáp giúp bạn.
Càng ngày các hậu quả do chó cắn gây ra càng nghiêm trọng. Bệnh dại một khi đã phát bệnh thì không thể chữa được. Người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng. Thế nhưng, vấn nạn chó cắn vẫn xảy ra thường xuyên trong cuộc sống. Vậy xử trí khi bị chó cắn như thế nào là đúng cách? Bạn băn khoăn không biết có nên tiêm phòng dại hay không? Hãy chia sẻ bài viết sau để mọi người cùng biết và áp dụng ngay nếu không ngay gặp phải nhé!
Xử trí khi bị chó cắn
Sau đây là những bước sơ cứu ban đầu chính xác và rất quan trọng nếu không may bạn bị chó cắn:
1. Làm sạch vết thương
Việc làm sạch vết thương là công việc quan trọng hàng đầu giúp bạn làm sạch các chất bẩn bám vào vết thương cũng như rửa trôi nước dãi của chó đồng thời diệt một phần virus dại nếu con chó cắn bạn mắc bệnh dại.
- Bạn hãy rửa sạch vết chó cắn nhiều lần với xà bông và rửa dưới vòi nước chảy với thời gian ít nhất là 5 phút.
- Sau đó sát trùng vết thương bằng các dung dịch như cồn 70 độ, dung dịch iod. Việc này làm giảm tới mức tối thiểu lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể qua vết thương do chó cắn. Đặt mua bộ dụng cụ sơ cấp cứu tiện dụng tại nhà ở đây.
Bạn hãy chú ý, tùy vào tình trạng vết cắn gây chảy máu nhiều hay ít, sâu hay nông mà ta có thể phải xử trí khâu và băng bó vết thương, tuy nhiên việc khâu kín da và băng quá kín lại là tác nhân kích thích giúp vi khuẩn uốn ván phát triển vì các con vi khuẩn uốn ván sinh sôi nảy nở rất nhanh trong môi trường yếm khí.
2. Đến các cơ sở hoặc các trung tâm tiêm chủng để nhận được lời khuyên của các cán bộ nhân viên tiêm phòng
Thông thường bạn cần phải tiêm phòng dại và tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên có một số trường hợp cần được tiêm phòng dại ngay lập tức nhưng một số khác thì có thể theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định và có thể tiêm phòng hoặc không tiêm vắc xin phòng dại.
Tiêm phòng uốn ván
Để đề phòng bệnh uốn ván bạn cần được tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT) và vắc xin phòng bệnh uốn ván (Tetavax). Vì vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới dạng nha bào có trong đất, bụi, phân… chúng thâm nhập vào cơ thể ta qua các vết xây xát hoặc các vết thương hở. Trong điều kiện thuận lợi (khi băng kín vết thương hoặc khâu quá kín da tạo môi trường yếm khí, thuận lợi cho sự phát triển của chúng). Chúng thâm nhập và gây tổn thương thần kinh cơ. Bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Tiêm phòng dại
Các trường hợp bệnh nhân phải tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn:
- Con chó lên cơn dại hoặc đang nghi có biểu hiện dại.
- Vết cắn ở gần thần kinh trung ương như: đầu, mặt cổ, bộ phận sinh dục…
- Bệnh nhân có nhiều vết cắn sâu và nguy hiểm.
- Không theo dõi được con chó cắn.
- Tại địa phương đang có dịch dại.
Do đó, nếu nạn nhân bị chó cắn trong các trường hợp trên nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt và càng đạt hiệu quả cao. Nếu chậm cũng không nên để quá 7 ngày sau khi bị chó cắn vì khi này hiệu quả của việc tiêm là rất thấp.
Các trường hợp cần theo dõi con chó đã cắn bạn trong ít nhất 15 ngày:
- Các vết cắn nhẹ, xạ thần kinh trung ương như: tay, chân…
- Trong thời gian theo dõi, con chó vẫn còn khỏe mạnh cho đến hết thời gian theo dõi thì bạn không cần đi tiêm phòng vắc xin dại, tuy nhiên trong trường hợp, trong thời gian theo dõi bạn phát hiện con chó đã cắn mình có biểu hiện của bệnh dại, ngay lập tức bạn cần phải đi tiêm phòng. Nếu chậm trễ, chính bạn sẽ là đối tượng tiếp theo bị virus dại tấn công. Và bạn cần nhớ rằng, một khi đã lên cơn dại, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết vì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh nhân đã lên cơn dại.
- Không đập – đánh – giết con chó đã cắn bạn: Chúng tôi biết rằng sau khi bạn bị chó cắn, bạn rất đau và tức giận, điều này khiến bạn có thể đánh chết con chó ấy ngay lập tức. Tuy nhiên vô hình chung, bạn lại đang làm hại chính bạn. Bạn đang tự hỏi vì sao ư? Nếu bạn đánh chết con chó ấy thì bằng cách nào bạn có thể theo dõi con chó ấy cơ chứ, liệu con chó ấy có mắc bệnh dại thật sự hay không, hay nó là một con chó khỏe mạnh bình thường và bạn được an toàn. Do đó bạn cần phải hết sức bình tĩnh và phải tìm cách theo dõi nó trong ít nhất 15 ngày để xử trí kịp thời khi con chó có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Phòng tránh bị chó cắn
Phía trên là các bước xử lý cơ bản khi bị chó cắn đúng cách để đảm bảo an toàn cho bạn. Tuy nhiên “phòng hơn tránh”, chúng ta cần phải nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề này bằng cách:
- Tất cả những người nuôi chó phải trông giữ, xích nhốt cần thận, khi thả rông nên đeo rọ mõm để tránh các trường hợp chúng tấn công con người (đặc biệt các trường hợp chó đang mắc bệnh dại hoặc đang ủ bệnh dại).
- Đồng thời tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, đặc biệt là tiêm phòng bệnh dại cho chúng.
- Trong trường hợp địa phương đang có dịch dại súc vật lưu hành cần tuyệt đối: không thả chó chạy rông ngoài đường, không bán tháo chó.
Chúng ta cần phải làm tốt những điều này vì một khi bị chó cắn bất kể chó khỏe mạnh hay chó mang virus dại cũng đều gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bản thân.
Vậy là Kinhnghiem360.edu.vn vừa gửi tới bạn đọc những thông tin cơ bản để có thể xử trí khi bị chó cắn mà bạn đọc không bối rối khi gặp tình huống thực tế. Tất cả các kĩ năng sơ cấp cứu đều cần thiết trong mọi tình huống, hãy trang bị kiến thức cho mình thật kĩ ngay từ bây giờ bạn nhé.
Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin hữu ích nữa nhé!