Ngày nay, chỉ số BMI là chỉ số được mọi người nhắc đến rất nhiều để nói về tình trạng cân nặng của bản thân. Vậy chỉ số BMI là gì? Cách tính chỉ số BMI và chỉ số này nói lên điều gì? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết này nhé!
Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) là gì?
BMI – Body Mass Index là chỉ số khối lượng cơ thể, được tính dựa trên chiều cao và cân nặng của người trưởng thành (trên 18 tuổi), không áp dụng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, vận động viên và có sự khác nhau giữa các quốc gia.
Chỉ số khối cơ thể BMI được xác định theo công thức:
BMI = cân nặng/(chiều cao)2 (Đơn vị: kg/m2).
Trong đó:
- Cân nặng được đo bằng đơn vị kg.
- Chiều cao được đo bằng đơn vị mét.
Chỉ số BMI nói lên điều gì?
Dựa vào chỉ số BMI của một người, người ta có thể biết được tình trạng cân nặng của người đó đang thiếu cân, bình thường hay thừa cân béo phì. Dưới đây là bảng phân loại tình trạng của bản thân của Hiệp hội đái đường các nước châu Á dựa trên chỉ số BMI được áp dụng cho người châu Á:
BMI (kg/m2) | Tình trạng |
Thiếu cân rất trầm trọng | |
15-16 | Thiếu cân trầm trọng |
16-18.5 | Thiếu cân |
18.5-25 | Bình thường |
25-30 | Thừa cân |
30-35 | Béo phì độ I |
35-40 | Béo phì độ II |
>40 | Béo phì độ III |
Việc theo dõi chỉ số BMI của cơ thể thường xuyên giúp bản thân kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp, không quá gầy và cũng không quá thừa cân dẫn đến béo phì, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Ngoài ra, dựa vào chiều cao, bạn cũng có thể tính nhanh cân nặng lí tưởng của cơ thể theo một số công thức sau:
- Cân nặng tối thiểu (kg) = Số lẻ chiều cao (cm) x 0.8
- Cân nặng lí tưởng (kg) = Số lẻ chiều cao (cm) x 0.9
- Cân nặng tối đa (kg) = Số lẻ chiều cao (cm)
Ví dụ, bạn cao 1m60 thì:
- Cân nặng tối thiểu của bạn là: 60 x 0.8 = 48 kg.
- Cân nặng lí tưởng của bạn là: 60 x 0.9 = 54 kg.
- Cân nặng tối đa của bạn là: 60 kg.
Vì vậy, dựa vào chiều cao của mình, bạn có thể tính nhanh được trọng lượng tối đa trong mức bình thường. Khi trọng lượng của bạn vượt quá mức này nghĩa là bạn bị thừa cân, nếu bạn không chỉnh lại chế độ tập luyện, ăn uống hợp lí sẽ dẫn đến béo phì.
Chỉ số BMI cao trên mức bình thường dẫn đến hậu quả gì?
Ở người trưởng thành, thường chiều cao sẽ không còn phát triển nữa, vì vậy, việc tăng chỉ số BMI đồng nghĩa với việc tăng trọng lượng của cơ thể. Khi trọng lượng của cơ thể tăng quá cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nó có thể gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như các bệnh:
- Tim mạch: Béo phì làm tăng Cholesterol máu, gây xơ hóa lòng mạch máu dẫn đến hậu quả tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
- Bệnh đái tháo đường.
- Bệnh về khớp: Trọng lượng cơ thể quá lớn đè nén lên các khớp gây thoái hóa khớp, loãng xương,…
- Rối loạn nội tiết: Phụ nữ béo phì thường có kinh nguyệt không đều, khó có thai, buồng trứng đa nang,…
- Ảnh hưởng đến trí nhớ: Trẻ em béo phì thường có chỉ số IQ thấp hơn bạn cùng trang lứa có cân nặng bình thường. Còn ở người trưởng thành, bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn người bình thường.
- Bệnh về hệ tiêu hóa: Tình trạng béo phì kéo dài làm ứ đọng mỡ gây tình trạng gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa mỡ gây sỏi thận,…
- Bệnh đường hô hấp: Việc thừa mỡ gây hạn chế hoạt động của cơ hoành, khí phế quản nên người béo phì thường có rối loạn nhịp thở, ngủ ngáy, chứng ngừng thở khi ngủ.
Ngoài ra, người bị béo phì thì có nguy cơ mắc các bệnh ung thư (ung thư vú, ung thư nội mạc cổ tử cung, ung thư túi mật, ung thư đại tràng) cao hơn người khác. Vì vậy, bạn nên theo dõi tình trạng cân nặng của mình thường xuyên, việc kiểm soát tốt chỉ số BMI của cơ thể cũng góp phần rất nhiều vào việc bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Làm sao để giữ chỉ số BMI ở mức lí tưởng?
Để có chỉ số BMI lí tưởng, bạn cần có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, hợp lí. Đối với người thừa cân béo phì, để đưa chỉ số BMI về khoảng bình thường thì phải giảm cân, đồng nghĩa với việc lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn lượng calo sử dụng. Muốn được như vậy, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, không sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Giảm lượng calo nạp vào ở mỗi bữa ăn, không tiêu thụ hoặc giảm tối đa sử dụng các đồ uống có đường (nước ngọt,…), ăn ít các loại thức ăn chiên, rán, chuyển sang ăn các món hấp, luộc, các món ăn chế biến đơn giản. Bên cạnh đó, bạn cũng cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, thay đổi món và chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa.
- Chế độ tập luyện: Trong 1 ngày bạn nên dành ra 60 – 90 phút để tập thể dục, tập các bài có cường độ vừa phải. Bạn không nhất thiết phải tập liên lục 60’ mà có thể chia ra 3 lần trong ngày, mỗi ngày 20 phút. Việc tập luyện không những giúp bạn giảm cân mà còn tăng cường sức khỏe của bản thân, cải thiện tâm trạng tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
- Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật để loại bỏ mỡ thừa trên cơ thể. Nhưng chỉ sử dụng phương pháp này khi bạn đã áp dụng các chế độ trên mà không đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật loại bỏ mỡ thừa, bạn vẫn phải giữ cho mình chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện hợp lí để duy trì ổn định chỉ số BMI của bản thân.
Tóm lại, chỉ số BMI rất dễ tính và dễ sử dụng để đánh giá tình trạng cân nặng của bản thân. Đây là kiến thức mà mỗi người đều cần nắm được để kiểm soát tình trạng của mình để đưa ra các chế độ ăn uống và tập luyện hợp lí, có lợi cho sức khỏe.
Đừng quên tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích mới bạn nhé!