Thức dậy đi tiểu thường xuyên vào ban đêm gây mất ngủ, ngủ không ngon giấc có thể đang báo hiệu vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe của bạn. Vậy tiểu đêm là gì và dưới đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều về đêm.
Tiểu đêm là gì?
Ở người trưởng thành, bàng quang có giới hạn mức chứa tới 300-400ml dung dịch, khi bàng quang chứa đầy dịch nó sẽ kích thích lên não bộ và tạo ra phản xạ đi tiểu. Tuy nhiên khi ngủ hệ thần kinh có thể ức chế phản xạ này theo ý muốn nhờ đó chúng ta vẫn có thể ngủ sâu giấc tới sáng.
Tiểu đêm là tình trạng thức dậy đi tiểu vào ban đêm nhiều hơn 1 lần và tình trạng kéo dài. Hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh này ở độ tuổi trên 50 tuổi lên tới 50%. Người lớn thường ít đi tiểu về đêm do vậy khi bạn đi tiểu về đêm 2 lần trở lên có thể là dấu hiệu của bệnh lí.
Nguyên nhân dẫn đến tiểu nhiều về đêm
Tiểu đêm có thể liên quan tới các bệnh lí tại thận, hệ tiết niệu hay không do bệnh lí nào cả. Tuy nhiên, tiểu đêm có ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn nên cần phải được chẩn đoán và điều trị. Những nguyên nhân dẫn đến tiểu nhiều đêm:
Tăng huyết áp
Theo một nghiên cứu sơ bộ đã được công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu về lượng muối và huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp đều có liên quan đến việc đi tiểu nhiều về đêm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu đi tiểu nhiều vào ban đêm (còn gọi là nocturia) là dấu hiệu bạn có thể bị tăng huyết áp và (hoặc) chất lỏng trong cơ thể đang bị dư thừa. Nghiên cứu của Satoshi Konno, MD.
Nếu chế độ ăn của bạn tiêu thụ quá nhiều muối, cơ thể bạn sẽ giữ lại chất lỏng để cân bằng với lượng muối đó. Sự lưu giữ chất lỏng này có liên quan đến huyết áp cao và có thể là lí do bạn bị tỉnh giấc nhiều lần và phải đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm. Tuy nhiên tăng huyết áp không phải là nguyên nhân tiểm năng duy nhất của bệnh tiểu đêm.
Bạn sản xuất nước tiểu vào ban đêm nhiều hơn những người khác
Tình trạng này còn gọi là tiểu niệu về đêm hay đa niệu về đêm. Theo một báo cáo của Hiệp hội Thận Mỹ, tiểu niệu về đêm (Polyuria Nocturnal)- là hội chứng mà tỉ lệ sản xuất nước tiểu của người bệnh thường ngày và đêm bị thay đổi. Bệnh nhân bị đa niệu về đêm sản xuất hơn 33% lượng nước tiểu hàng ngày vào ban đêm. Suy tim sung huyết, các bệnh về thần kinh như Parkinson và Alzheimer, bệnh thận mãn tính và khó thở khi ngủ do tắc nghẽn là một số tình trạng có thể dẫn đến chứng đa niệu về đêm.
Bàng quang không thể giữ được lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm
Bàng quang của bạn có khả năng giữ lượng nước tiểu thấp. Các vấn đề về bàng quang hay gặp phải như nhiễm trùng và viêm…dẫn đến cần làm trống bàng quang thường xuyên vào ban đêm. Ngoài ra, bàng quang hoạt động quá mức (hay còn gọi là bàng quang tăng hoạt) gây ra khả năng bàng quang thấp về đêm. Người bị bàng quang tăng hoạt sẽ có bàng quang rất nhạy cảm, co bóp liên tục kể cả khi lượng nước tiểu chưa đầy dẫn đến bệnh nhân có cảm giác buồn tiểu liên tục. Một báo cáo từ tạp chí BMJ cho biết nhiều bệnh nhân bị tiểu đêm do ảnh hưởng bởi cả đa niệu về đêm và khả năng bàng quang về đêm thấp, đây là hai vấn đề riêng biệt. Bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi cả hai điều này được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đêm hỗn hợp.
Ở nam giới mắc bệnh u xơ tiền liệt tuyến, khi kích thước u xơ lớn sẽ chèn ép cổ bàng quang gây kích thích bàng quang.
Bạn không ngủ ngon
Một số người đi tiểu thường xuyên trong đêm đơn giản vì họ thức dậy thường xuyên hơn bình thường và điều này không nhất thiết liên quan đến vấn đề bệnh lý ở bàng quang.
Tiểu đêm cũng có thể do một số nguyên nhân không liên quan đến bệnh lí như: lão hóa, tác dụng phụ của thuốc, hay do thói quen sinh hoạt uống nhiều nước về đêm.
Làm gì khi bạn đi tiểu thường xuyên về đêm?
Nếu bạn thấy mình bị mất ngủ vì tiểu đêm, hãy nói chuyện với bác sĩ về các nguyên nhân tiềm ẩn. Các vấn đề khẩn cấp như nhiễm trùng, viêm,… sẽ cần phải được điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn theo dõi và ghi lại tất cả những thứ bạn uống và số lần đi vệ sinh để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra bệnh tiểu đêm của bạn.
Điều trị tiểu đêm liên quan đến việc điều trị các bệnh dẫn đến tình trạng này thay vì điều trị trực tiếp. Ví dụ, nếu huyết áp cao gây ra chứng tiểu đêm của bạn, bác sĩ sẽ điều trị về cao huyết áp, khuyên bạn nên theo dõi lượng muối sử dụng hoặc hoạt động thể chất nhiều hơn.
Nếu không có điều kiện đến gặp bác sĩ, một vài điều chỉnh lối sống đơn giản có thể giúp giải quyết tình trạng tiểu đêm của bạn như uống nhiều nước vào buổi sáng hơn buổi tối, không sử dụng rượu bia hay đồ uống có cồn vào buổi tối, giảm uống cà phê vì cafein gây kích ứng bàng quang của bạn, tập luyện thể thao, sống lành mạnh để có một giấc ngủ ngon,…
Hi vọng bài viết trên đây đã mang lại những kiến thức hữu ích tới đọc giả, Kinhnghiem360.edu.vn luôn mong muốn đồng hành cùng bạn để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ Kinhnghiem360.edu.vn bạn nhé!