Dị vật đường ăn là một cấp cứu rất thường gặp. Dị vật đường ăn gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu để nhận biết dấu hiệu mắc dị vật đường ăn, cách xử trí, phòng tránh để hạn chế tối đa nguy cơ ở trẻ nhỏ nhé!
Dị vật đường ăn là một cấp cứu thuộc chuyên khoa Tai Mũi Họng. Theo Lương Sỹ Cần và tổng kết của Trung Tâm Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ mắc dị vật thực quản ở người lớn là cao nhất. Cụ thể 5,2 % với độ tuổi 1-15; 57,6 % ở độ tuổi 16-40; 27% ở độ tuổi 41-60 và độ tuổi trên 60 tuổi là 14%. Tỷ lệ ở nam giới cao hơn nữ giới.
Nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ cao gặp dị vật đường ăn
Các loại dị vật đường ăn thường gặp
- Dị vật đường ăn là chất hữu cơ: xương gà, xương cá, xương lợn,…
- Dị vật đường ăn là chất vô cơ: mảnh đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt, kim băng, đồng xu, hàm răng giả,…
Nguyên nhân mắc dị vật đường ăn
- Do người ăn uống không tập trung, cười đùa khi ăn uống, ăn uống vội vàng,…
- Người già có trồng răng giả hoặc không có răng, không nhai được.
- Trẻ em hay có thói quen ngậm đồ chơi, vật thể lạ vào miệng,…
- Một số địa phương có phong tục tập quán chế biến thức ăn không tốt như băm xương lẫn thịt.
- Những người có bệnh lý ở thực quản như sẹo hẹp thực quản, co thắt bất thường, có khối u bất thường ở thực quản,…
Dấu hiệu mắc dị vật đường ăn
Dị vật đường ăn chia làm dị vật họng và dị vật thực quản. Dị vật họng ở bên ngoài, dễ nhìn, dễ lấy, không nguy hiểm bằng dị vật thực quản. Triệu chứng, dấu hiệu khi mắc dị vật họng và dị vật thực quản cũng khác nhau.
1. Dị vật ở họng
Dị vật ở họng chủ yếu là các loại xương động vật. Trên thực tế thì hay gặp nhất là xương cá, xương cá nhọn, nhỏ, sắc cắm vào những vị trí khe, rãnh, hố trong họng.
- Bệnh nhân đang ăn bình thường, đột nhiên thấy đau chói trong họng, nuốt vào thấy đau rồi không nuốt tiếp được, đa số trường hợp sẽ xử lý bằng biện pháp lấy tay móc họng hoặc ăn, uống miếng thật to cho trôi xuống và thực tế không hiệu quả.
- Soi họng: Chú ý các vết xây sát tổn thương trầy xước trong họng. Thường dị vật mắc ở các vị trí như amidan, rãnh amidan, vị trí hố lưỡi thanh thiệt và xoang lê trên giải phẫu theo y văn.
2. Dị vật thực quản
Dị vật thực quản nguy hiểm hơn dị vật mắc ở họng. Triệu chứng được chia làm 3 giai đoạn với mức độ nguy hiểm và biểu hiện phân biệt.
Giai đoạn 1: 6 giờ đầu
- Bệnh nhân sau khi mắc dị vật vào thực quản cảm thấy nuốt vướng, nuốt đau, khó nuốt, không thể tiếp tục ăn và phải bỏ dở bữa. Việc lấy tay móc họng hay ăn miếng to để đẩy dị vật xuống càng gây thêm nguy hiểm.
- Tùy vị trí mắc dị vật mà vị trí cảm giác đau cũng khác nhau. Mắc ở đoạn cổ sẽ đau ở cổ, mắc đoạn ngực sẽ đau ở ngực rồi đau nhói ra sau lưng, tiếp tục đau lan lên bả vai. Nếu dị vật quá to có thể sẽ gây cho người mắc phải dấu hiệu khó thở do chèn ép.
- Soi họng: Thấy có vết chầy xước, xây xát, bầm tím do người bệnh móc tay vào, có thấy nước bọt ứ đọng nhiều trong họng.
- Đi khám sẽ được bác sĩ chỉ định thực soi thực quản để phát hiện, tìm vị trí và gắp dị vật ra.
Giai đoạn 2: Sau 6 giờ – giai đoạn viêm nhiễm
Dị vật thực quản nguy hiểm bởi khi cắm vào thành thực quản có thể gây thủng hay xây xát niêm mạc thực quản. Nếu dị vật là xương lẫn thịt thì thời gian đến giai đoạn nhiễm khuẩn càng nhanh.
- Bệnh nhân sốt cao 38-39 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, toàn thân mệt mỏi, thể trạng suy sụp.
- Nuốt đau ngày càng tăng, bệnh nhân không ăn được, phải ăn cháo loãng.
- Hơi thở hôi, nước bọt tiết ra nhiều.
Giai đoạn 3: Giai đoạn biến chứng
Sau giai đoạn 2, rất nhiều biến chứng có thể xảy ra với người mắc dị vật thực quản. Các biến chứng hay gặp là:
- Viêm tấy, áp xe các tổ chức quanh vùng thực quản cổ
- Viêm màng phổi mủ
- Thủng động mạch lớn do dị vật chọc vào
- Rò thực quản khí quản hoặc rò thực quản phế quản
- Viêm tấy áp xe vào phần trung thất
Cần chú ý để không nhầm lẫn giữa dị vật thực quản và hội chứng mang tên loạn cảm họng. Rất nhiều người bị loạn cảm họng nhưng nghĩ mình đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng. Triệu chứng của loạn cảm họng là nuốt vướng, nuốt đau nhưng chỉ đau khi nuốt nước bọt; khi ăn cơm, uống nước vẫn bình thường, tiền sử hóc dị vật đường ăn trước đó không rõ ràng.
Xử trí khi gặp dị vật đường ăn
- Đối với dị vật họng: Khi bạn thấy dấu hiệu bất thường có thể dùng đèn pin để soi và nhìn các dấu hiệu trong họng. Nếu ở vị trí dễ dàng bạn có thể lấy ra. Tuy nhiên, nếu bạn không tìm thấy không có nghĩa là không có, hoặc nhìn thấy nhưng ở vị trí khó lấy thì hãy đến ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời.
- Đối với dị vật thực quản: Bạn không thể tự xử lý hay tìm dị vật thực quản tại nhà, để tránh các biến chứng nguy hiểm, cách duy nhất là bạn phải chú ý về tiền sử hóc dị vật, các dấu hiệu hóc dị vật đã được nêu ở trên để đến khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời, lấy dị vật ra trong giai đoạn sớm.
Phòng tránh hóc dị vật đường ăn
- Luôn cần nhớ rằng dị vật đường ăn là tai nạn thường gặp và nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nề. Người dân cần đi khám ngay khi có dấu hiệu.
- Cần tập trung, thận trong khi ăn uống, đặc biệt là các thực phẩm có xương, dễ hóc.
- Cần bỏ thói quen chế biến món ăn dễ gây hóc như: Băm thịt lẫn xương, kể cả khi xương đã rất nhỏ cũng khó kiểm soát được độ an toàn.
- Không cho trẻ em ngậm đồ chơi, các vật nhọn, nhỏ, tròn,…
- Người lớn bỏ thói quen ngậm dụng cụ trong khi làm việc hay học tập.
Bài viết trên đây hi vọng đã gửi tới đọc giả thông tin hữu ích để chú ý hơn về vấn đề dị vật thực quản. Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ Kinhnghiem360.edu.vn bạn nhé!