Kiến ba khoang được coi là một loại côn trùng nguy hiểm với tần suất xuất hiện cao trong mùa thu. Với độc tính cao từ chất tiết cơ thể, kiến ba khoang gây ra các triệu chứng viêm da có thể nghiêm trọng cho người. Vậy có phải kiến ba khoang luôn là mối nguy hại rình rập cho bạn? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu về cách kiến ba khoang gây độc cho da nhé!
Kiến ba khoang là gì ?
Nguồn gốc của tên gọi “Kiến ba khoang” xuất phát từ hình dạng và màu sắc của nó. Đây là một loại côn trùng có thân thon, dài, có hai màu đỏ và đen trông giống kiến nên chúng có tên gọi như vậy. Bình thường, kiến ba khoang không cắn hay chích đốt nhưng trong dịch cơ thể chứa một chất độc gây phồng và rộp da, con người thường tiếp xúc khi vô tình giết, đập, chà xát, chất đó được gọi là pederin.
Pederin là amid độc, có khả năng gây rộp da, việc sản xuất ra peredin chỉ ở một số loại bọ (như bọ cánh cứng cái trưởng thành hay ấu trùng, con đực nhưng nhận được pederin từ mẹ). Nhiều nhà khoa học cho rằng, Pederin sẽ ức chế tổng hợp protein. Khi da tiếp xúc với pederin từ kiến ba khoang cái, sẽ xuất hiện một dạng phát ban. Tuỳ vào nồng độ và thời gian tiếp xúc với pederin sẽ gây là dạng phát ban khác nhau, từ dị ứng đỏ đến phồng rộp nặng.
Ngoài tên gọi thông thường được mọi người biết đến là kiến ba khoang, chúng còn có một số tên gọi khác như: kiến hoang, kiến lác, kiến kim, kiến cong,… Chúng thường xuất hiện nhiều vào mùa thu, mùa bắt đầu thu hoạch ruộng lúa. Đối với nông dân, kiến ba khoang được coi là một loài côn trùng có ích vì chúng là một trong những thiên địch tốt nhất trên đồng ruộng.
Triệu chứng khi nhiễm chất độc từ kiến ba khoang
Viêm da là biểu hiện ta có thể gặp khi tiếp xúc với kiến ba khoang, mức độ nặng nhẹ tuỳ thuộc vào mức độ tiếp xúc với dịch tiết.
- Vị trí: những vùng da hở như cổ, tay, chân,…
- Viêm da, loét da: Ban đầu, bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, có dấu hiệu căng da và đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ, chúng đỏ cộm thành vệt, xuất hiện những mụn nước to, không đều, 1-3 ngày sau, vết đốt thành phỏng nước, phỏng mủ.
- Bỏng mắt: Trong trường hợp, tay tiếp xúc với chất tiết của kiến ba khoang nhưng chà xát hay sờ vào mắt.
- Sốt
- Khó chịu
- Nổi hạch
- Đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng vị trí tổn thương
Điều trị vết đốt do kiến ba khoang
Điều trị vết thương do kiến ba khoang đốt không khó, tuy nhiên nếu xử lí không đúng cách có thể khiến tình trạng vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều trị tại chỗ
Khi vết đốt đỏ lên do mới tiếp xúc với chất độc do kiến ba khoang tiết ra, nên dùng nước muối sinh lý để rửa sạch chất độc tiết ra bởi kiến ba khoang, sau đó dùng hồ nước bôi lên da để làm dịu da. Sau khi vết loét đã nổi bóng nước cũng có thể sử dụng hồ nước bôi lên da, sau đó đắp dung dịch Jaris làm dịu da và khô vết loét.
Nếu có xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen bôi lên tổn thương giúp làm sạch, sát khuẩn và làm khô vết thương. Để giúp vết thương mau lành, có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa để bôi lên sau khi chỗ tổn thương không còn chảy dịch và đã khô.
Điều trị toàn thân
Sử dụng kháng kháng Histamin giúp chống ngứa, chống dị ứng.
Phòng ngừa
Để phòng tránh được sự tiếp xúc với kiến ba khoang bạn cần thực hiện những điều sau:
- Thay bóng đèn vàng cho đèn huỳnh quang: Vì kiến ba khoang thường ưa bóng đèn huỳnh quang hơn là bóng đèn vàng
- Ngủ trong màn: giúp giảm thiểu sự tiếp xúc với kiến ba khoang trong lúc ngủ
- Đóng cửa thường xuyên khi ra vào
- Vệ sinh môi trường và nơi ở đặc biệt là những nơi nhiều cây cỏ, bụi rậm
- Mặc quần áo dài tay khi đi đến những nơi nguy cơ có nhiều kiến ba khoang như: đồng ruộng, các công trình thi công,…
- Khi thấy kiến ba khoang, không nên đập hay bắt bằng tay, hãy lấy nó ra bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy để nó bò lên và lấy ra khỏi cơ thể
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnchoi để đọc những bài viết về sức khỏe bạn nhé!