Có bao giờ bạn thấy mệt mỏi, bất lực khi cho con ăn dặm mặc dù đã bỏ công nấu những món ngon nhưng trẻ vẫn quấy khóc không chịu ăn, nôn trớ. Mỗi khi đến giờ ăn phải ẵm bé đi từ đầu xóm đến cuối xóm mà vẫn chưa ăn xong. Những tình trạng này kéo dài làm bố trẻ trở nên cáu gắt hoặc thậm chí đánh con khiến trẻ sợ hãi mỗi khi ăn uống. Trong bài viết này sẽ hướng dẫn các bố mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu nhật để việc ăn dặm chỉ còn là niềm vui.
Stress vì bé không chịu ăn
Đối với trẻ em từ khi mới sinh cho đến khi 4 tuổi là quãng thời gian khó khăn nhất với các bậc phụ huynh do bé chưa biết nói, bố mẹ chỉ có thể đoán những nhu cầu, những khó chịu mà bé đang gặp phải. Trong quá trình ăn dặm cũng vậy, việc thiếu hụt những hiểu biết về sự phát triển của trẻ, về bản chất của hoạt động ăn dặm của con khiến các bố mẹ rất vất vả trong việc cho trẻ ăn như :
- Một tay bưng bát cháo, một tay bế em bé đi khắp nơi hàng giờ để cho con ăn.
- Bỏ công nấu những món ăn rất ngon nhưng con lại không chịu ăn.
- Con ăn giữa chừng bị nôn trớ
- Con bị dị ứng thức ăn, rối loạn tiêu hóa
- Phải la mắng, ép con ăn từng muỗng cháo
… Và còn rất nhiều điều vất vả khác nữa khiến các bố mẹ loay hoay không biết phải làm sao để con hợp tác trong việc ăn uống. Để chấm dứt các vấn đề trên, các bố mẹ hãy nghiêm túc tìm hiểu về phương pháp ăn dặm kiểu nhật dưới đây để đúc kết cho mình những kinh hữu ích nhé.
Ăn dặm kiểu nhật là gì ?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng nguồn dinh dưỡng này sẽ giảm cả về chất và lượng trong quá trình sinh trưởng của trẻ.
Khi đạt đến khoảng 4 – 6 tháng tuổi, sữa mẹ sẽ không còn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng cho sự phát triển như măng mọc của trẻ thì khi đó thông qua việc ăn dặm, bố mẹ sẽ chủ động bổ sung chất dinh dưỡng bằng các loại thức ăn được chế biến phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng và từng bước thay thế dần sữa mẹ bằng các nguồn thực phẩm.
Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng, việc thực hành ăn dặm cho trẻ còn mang lại những lợi ích tích cực như :
- Kích thích hệ tiêu hóa của trẻ phát triển toàn diện bằng loại thức ăn phù hợp
- Hình thành kỹ năng ăn uống, kỹ năng sinh hoạt gia đình cho trẻ.
- Phát triển vị giác, nhận biết mùi vị của các loại thực phẩm khác nhau.
- Giúp bố mẹ hiểu rõ cơ địa của trẻ, kịp thời phát hiện các dị ứng thực phẩm ( nếu có ) ở trẻ.
- Tạo mối quan hệ tình cảm khăng khít giữa các thành viên trong gia đình.
Để đạt được những lợi ích trên, các bố mẹ phải có phương pháp tiếp cận đúng đắn. Một trong những cách làm chủ quá trình ăn dặm của trẻ đó là phương pháp ăn dặm kiểu nhật. Phương pháp này lấy bản chất quá trình phát triển tâm – sinh lý của trẻ làm cơ sở để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình ăn dặm của trẻ.
Các món ăn trong thực đơn mỗi ngày của trẻ hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi tùy theo từng vùng miền, quốc gia miễn sao đảm bảo dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm
khi bước vào độ tuổi từ 4 – 6 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu có thể ngồi khi có người đỡ, trẻ chảy nhiều nước dãi, chăm chú quan sát người lớn ăn, với tay nắm lấy thức ăn thì đó chính là lúc bắt đầu cho trẻ ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu nhật.
Bác sỹ chia sẻ về thời điểm bắt đầu ăn dặm ở trẻ
Do cơ quan tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 4 tháng tuổi sẽ rất khó tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các loại thức ăn giàu chất đạm, chất béo. Tuy nhiên cũng không nên để quá 7 tháng tuổi vẫn chưa cho trẻ ăn dặm vì khi đó sữa mẹ không còn đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Các giai đoạn ăn dặm của trẻ
Việc ăn dặm của trẻ theo phương pháp ăn dặm kiểu nhật được chia thành 4 giai đoạn, thời điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi giai đoạn của các bé là khác nhau do đó các bố mẹ cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của mỗi giai đoạn được mô tả dưới đây để chăm sóc trẻ cho phù hợp.
Giai đoạn 1: từ 5 – 6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, cho bé ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế dùng muối và chất béo. Đồng thời tập cho bé ăn một cách thận trọng để xem phản ứng của bé, khi đã quen với thức ăn thì có thể cho bé ăn theo nhu cầu.
Thức ăn cho bé phải được rây mịn, nếu thức ăn có hạt lợn cợn trẻ sẽ nôn trớ do chưa quen cảm giác nuốt thức ăn và chưa nhai được. Thức ăn ban đầu phải loãng sau đó giảm nước dần để cuối giai đoạn 1 bé có thể ăn được thức ăn sệt.
Lúc này bé chưa có răng, còn lưỡi chỉ mới biết đẩy ra đẩy vào nên theo phản xạ đa số thức ăn đút vào sẽ bị đẩy ra ngoài, nhưng sau một số bữa ăn bé sẽ biết mím môi và nuốt thức ăn tốt hơn. Đây là giai đoạn chạy đà làm quen và hình thành kỹ năng ăn uống theo phương pháp ăn dặm kiểu nhật nên các bố mẹ không nhất thiết phải cho trẻ ăn nhiều.
Về yêu cầu đối với thức ăn cần đạt các tiêu chí sau :
- Độ thô : Thức ăn phải rây mịn như sữa chua
- Công thức món cháo : Nấu với tỷ lệ 1 gạo : 10 nước
- Khẩu phần ăn : Cháo 30-40g trong đó có 15-20g vitamin ( rau, củ..),5-10g đạm ( cá thịt…)
- Số bữa ăn : Tháng đầu 1 bữa /ngày, tháng sau 2 bữa/ngày
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức : Sữa chiếm 80-90%, ăn dặm 10-20%
Thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 6 tháng tuổi có thể tham khảo 1 số món sau :
- Cháo gạo nấu loãng
- Cháo bí đỏ
- Súp táo khoai lang
- Súp khoai tây
- Rau cải ngọt trộn đậu phụ
- Cháo cá rau cải
- Đậu phụ sốt cà chua
- Cháo rau củ
Ngoài ra các bố mẹ có thể tự sáng tạo thêm các món ăn miễn sao phù hợp với giai đoạn ăn dặm của trẻ
Giai đoạn 2: từ 7 – 8 tháng tuổi
Khi trẻ đã nuốt thức ăn tốt và bắt đầu chán ăn thức ăn rây mịn, các bố mẹ hãy thêm thức ăn có độ thô khoảng 3mm trộn lẫn vào thức ăn mịn để trẻ làm quen dần, nếu trẻ ăn tốt không nôn trớ thì có thể bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2.
Ở giai đoạn này, nhiều bé đã bắt đầu mọc răng, lưỡi của trẻ không chỉ biết đẩy mà còn biết đè lên hàm trên để nghiền nát thức ăn, môi cũng đã mím chặt rất thành thạo để nuốt thức ăn. Thêm vào đó, hệ tiêu hóa của trẻ lúc này đã hoàn thiện hơn nhiều và đã có thể ăn các loại thức ăn đa dạng hơn.
Về yêu cầu đối với thức ăn cần đạt các tiêu chí sau :
- Độ thô : Thức ăn có thể lợn cợn như đậu phụ, hạt lớn nhất là 3mm
- Công thức món cháo : Nấu với tỷ lệ 1 gạo : 7 nước và giảm dần 1 gạo : 5 nước
- Khẩu phần ăn : Cháo 50-60g trong đó có 20g vitamin ( rau, củ..),13-15g đạm ( cá thịt…)
- Số bữa ăn : 2 bữa/ngày, uống sữa bữa chính và ăn dặm bữa phụ
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức : Sữa chiếm 60-70%, ăn dặm 30-40%
Giới thiệu một số món ăn trong giai đoạn này :
- Cháo thịt gà rau bắp cải thái nhỏ
- Khoai sộ nấu ngô
- Salad khoai tây, cà rốt
- Cam dầm sữa chua
- Mì gà cà chua
- Đậu phụ trộn bí đỏ
- Canh khoai sọ rau cải
- Trứng sốt cà chua
- Cá kho củ cải
Ngoài ra các bố mẹ có thể tự sáng tạo thêm các món ăn miễn sao phù hợp với giai đoạn ăn dặm của trẻ
Giai đoạn 3: từ 9 – 11 tháng tuổi
Khi trẻ đã thành thạo cách dùng lưỡi đẩy thức ăn lên hàm trên để nghiền nát thì khi đó bạn đã có thể chuyển sang giai đoạn 3 của phương pháp ăn dặm kiểu nhật. Ở giai đoạn này trẻ có thể ăn thức ăn có độ thô cao hơn. Các loại thức ăn có thể dùng tay nghiền nát như chuối thì bé có thể ăn được.
Mục đích của việc ăn dặm ở giai đoạn này là giúp cho bé tập cách nhai bằng răng hoặc lợi, tự cầm nắm và học cách dùng tay đưa thức ăn vào miệng. Các bố mẹ có thể thái thức ăn thành dạng thanh bằng ngón tay út để trẻ tập ăn đồng thời cũng là cách kích thích trẻ ăn uống.
Chuẩn bị bước vào giai đoạn 1 năm tuổi thì các bố mẹ cần hướng trẻ đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ ăn dặm là chính. Lúc này bạn thực hiện cho trẻ ăn dặm 3 bữa/ngày. Cần bố trí thời gian ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi phù hợp để trẻ tiêu hóa tốt và có cảm giác đói bụng sẽ ăn được nhiều hơn.
Về yêu cầu đối với thức ăn cần đạt các tiêu chí sau :
- Độ thô : Thức ăn có thể nghiền nát bằng tay, ví dụ độ mềm như chuối chín.
- Công thức món cháo : Nấu với tỷ lệ 1 gạo : 4 nước và giảm dần 1 gạo : 3 nước
- Khẩu phần ăn : Cháo 90-100g trong đó có 30-40g vitamin ( rau, củ..),15g đạm ( cá thịt…)
- Số bữa ăn : 3 bữa/ngày tiến đến ăn dặm là chính
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức : Sữa chiếm 30-40%, ăn dặm 60-70%
Giới thiệu một số món ăn trong giai đoạn này :
- Bí đỏ xào thịt gà
- Súp gà nấm
- Gà hầm rau nấm
- Rau cải thảo luộc trộn sốt thịt bằm
- Củ cải kho thịt bò
- Đầu phụ sốt cà chua
- Cà tím xà thịt bằm
Ngoài ra các bố mẹ có thể tự sáng tạo thêm các món ăn miễn sao phù hợp với giai đoạn ăn dặm của trẻ
Giai đoạn 4: từ 12 – 18 tháng tuổi
Ở giai đoạn cuối cùng trong phương pháp ăn dặm kiểu nhật này, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ đến từ các bữa ăn dặm do đó các bố mẹ cần duy trì 3 bữa ăn mỗi này.
Mục tiêu đến khoảng 18 tháng tuổi bé sẽ ăn cơm được như người lớn tuy nhiên các thức ăn cho bé vẫn duy trì việc cắt nhỏ để trẻ tập nhai bằng răng hoặc lợi.
Ngoài các thức ăn thông thường, các bố mẹ có thể cho trẻ ăn thêm các loại hải sản… để đa dạng thêm nguồn dinh dưỡng cũng như tạo sự kích thích ăn uống cho trẻ. Tuy nhiên các loại hải sản có thể gây dị ứng nên các bố mẹ hãy lưu ý cho trẻ ăn ít để theo dõi.
Về yêu cầu đối với thức ăn cần đạt các tiêu chí sau :
- Độ thô : Thức ăn có phải ấn mạnh tay mới nát được, dạng như viên thịt
- Công thức món cháo : Nấu với tỷ lệ 1 gạo : 2 nước hoặc cơm mềm như cơm người lớn
- Khẩu phần ăn : Cơm/cháo 80-100g trong đó có 40-50g vitamin ( rau, củ..),15-18g đạm ( cá thịt…)
- Số bữa ăn : 3 bữa/ngày
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức : Sữa chiếm 20-25%, ăn dặm 75-80%
Giới thiệu một số món ăn trong giai đoạn này :
- Bí đỏ nấu thịt bằm
- Đậu bắp xào đậu phụ non
- Rau cải thảo cuộn thịt bằm
- Khoai sọ nấu thịt bằm
- Cơm cuộn trứng
- Rau cải ngọt xào nấm, thịt gà
- Đậu phụ sốt cà chua
Ngoài ra các bố mẹ có thể tự sáng tạo thêm các món ăn miễn sao phù hợp với giai đoạn ăn dặm của trẻ
Nhật kí ăn dặm kiểu Nhật
Thông thường các bố mẹ thường không để ý đến việc ghi chép lại lịch trình sinh hoạt, ăn uống mỗi ngày của trẻ như thế nào? ăn những gì? ăn bao nhiêu ?Thái độ của trẻ khi ăn ra sao?… Nhưng đây lại là những thông tin rất quan trọng để bố mẹ có cái nhìn tổng quan về vấn đề ăn uống của trẻ cũng như có cách điều chỉnh phù hợp theo sự phát triển của trẻ cho phù hợp.
Trong một số trường hợp cần đến sự tư vấn của bác sỹ dinh dưỡng thì đây là những thông tin rất quan trọng để bác sỹ có thể nắm bắt nhanh được tình trạng của bé.
Sẽ còn rất ý nghĩa khi bố mẹ ghi chép lại những cảm xúc, niềm vui khi cho con ăn, niềm vui khi tất bật chuẩn bị bữa ăn cho con…Đó sẽ còn là những kỷ niệm đẹp của bố mẹ đang cùng con lớn lên mỗi ngày.
Những vấn đề bố mẹ gặp phải khi cho con ăn dặm
Trẻ thích đồ ăn có đầy đủ gia vị
Trẻ em có khả năng nhớ mùi và vị thức ăn rất tốt nên một khi đã cho trẻ ăn thức ăn được nên nếm đậm đà, đầy đủ hành ngò… thì trẻ sẽ không ăn các món ăn nhạt hoặc không đủ độ đậm đà nữa.
Trẻ có thể ăn được đa dạng các loại gia vị là rất tốt nhưng không nên cho trẻ ăn thức ăn có độ mặn như người lớn quá sớm vì hệ tiêu hóa, hệ bài tiết của trẻ chưa thể xử lý hết được các gia vị này như người lớn. Do đó, cần nêm nếm thức ăn nhạt gấp 3-4 lần so với người lớn để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Ở những giai đoạn đầu ăn dặm, các bố mẹ hãy nấu thức ăn không gia vị để trẻ cảm nhận và thưởng thức hương vị tự nhiên của thức ăn. Khi trẻ đã chán ăn không gia vị thì mới bắt đầu nêm gia vị rất nhạt và đậm dần. Cách thức nêm nếm gia vị này cần duy trì cho đến khi trẻ đạt 3 tuổi.
Mất nhiều thời gian nấu ăn cho trẻ
Mỗi gia đình chỉ có 1 em bé nên nếu nấu các bữa ăn mỗi ngày sẽ rất vất vả do đó các bố mẹ có thể chế biến sẵn nhiều thức ăn hơn và cấp đông trong tủ lạnh. Đến bữa ăn hâm nóng lại sẽ rất nhanh mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho trẻ
Hướng dẫn cách bảo quản thức ăn cho trẻ
Trẻ nôn trớ khi ăn dặm kiểu Nhật
Ngoài những lý do bệnh tật khác, đã số trẻ bị nôn trớ khi ăn dặm là do các loại thức ăn có độ thô lớn vượt quá khả năng nuốt của trẻ.
Để tránh tình trạng này, các bố mẹ hãy lưu ý cách chế biến thức ăn cho mỗi giai đoạn. Khi chuyển giai đoạn ăn dặm cần trộn thức ăn có độ thô lớn hơn vào thức ăn hiện có để trẻ làm quen. Không nên thay đổi thức ăn đột ngột trẻ sẽ không kịp thích nghi.
Trẻ rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm kiểu Nhật
Khi đầu vào ổn mà đầu ra không ổn thì các bố mẹ hãy kiểm tra lại nhật kí ăn dặm để xem các loại thức ăn đang cho trẻ ăn có phù hợp không. Do hệ tiêu quá còn non nớt nên trẻ sẽ chỉ tiêu hóa tốt một số loại thức ăn nhất định theo từng giai đoạn.
Trong những trường hợp này, các bố mẹ hãy cho trẻ ngừng ăn dặm 1 hoặc 2 bữa để đến khi hệ tiêu hóa ổn định trở lại sẽ tiếp tục ăn dặm và có thể cho trẻ ăn nhiều hơn 1 chút để bù lại.
Trẻ quấy khóc không chịu ăn
Có rất nhiều lý do khiến trẻ quấy khóc, né tránh bữa ăn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được theo từng nguyên nhân dưới đây :
- Trẻ đã chán thức ăn quá mềm và mịn hiện có nên các bố mẹ hãy tăng độ thô của thức ăn lên và làm những món ăn trẻ thích để kích thích việc ăn uống.
- Thức ăn quá nhạt không còn phù hợp khẩu vị của trẻ nữa. Khi đó các bố mẹ hãy tăng thêm 1 chút gia vị và cố gắng nấu thêm các món ăn thơm ngon, hình thức mới lại để trẻ hưng phấn và có cảm giác thèm ăn hơn.
- Không gian ăn uống quen thuộc làm trẻ không có hứng thú ăn uống cũng là nguyên nhân khiến các bé không chịu ăn, các bố mẹ hãy thay đổi không gian ăn uống để trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Tuy nhiên tuyệt đối không dùng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc các đồ chơi để dụ trẻ ăn vì nó sẽ hình thành phản xạ tiêu cực và ảnh hưởng đến kỹ năng ăn uống của trẻ.
Nếu trẻ quá ham chơi các bố mẹ hãy dừng bữa ăn dặm đó lại để dạy ý thức cho trẻ khi nào ăn là ăn, khi nào chơi là chơi. Đây cũng chính là đặc điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm kiểu nhật khi hướng tới việc giáo dục trẻ thông qua việc ăn uống.
Bé có biểu hiện chán ăn, đặc biệt là món rau củ
Các món rau củ được chế biến bằng phương thức xào, luộc hoặc nấu canh thường không phải là món ăn hấp dẫn với trẻ do có cảm giác xơ, không kích thích vị giác. Tuy nhiên các bố mẹ cần cố gắng cho bé ăn dần dần hoặc kết hợp với các thức ăn khác. Thay đổi cách chế biến sang hình thức trộn salad… cũng là cách kích thích khẩu vị của trẻ.
Hy vọng rằng, phương pháp ăn dặm kiểu nhật được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp các bố mẹ đỡ vất vả hơn khi cho trẻ ăn dặm. Các bạn hãy theo dõi thêm các bài viết khác trong chuyên mục sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để nắm bắt thêm các thông tin hữu ích khác nhé!