Bệnh Alzheimer chỉ gặp ở người già? Và dùng các đồ vật bằng nhôm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này hay không? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu những sự thật rất quan trọng về chứng bệnh sa sút trí tuệ này nhé!
Sa sút trí tuệ là hậu quả từ các rối loạn của não, trong đó các tế bào thần kinh hoạt động bất thường và không thể thực hiện các công việc trí óc một cách suôn sẻ được. Trong bệnh Alzheimer, các tế bào thần kinh bị “vón cục” vào nhau và từ từ chết dần. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ, chiếm ít nhất 60% tổng số các trường hợp.
Những người mắc sa sút trí tuệ và Alzheimer nói riêng sẽ phải chịu đựng sự suy giảm dần dần về tâm thần. Biểu hiện trong giai đoạn đầu có thể chậm và không rõ ràng, nhưng ở giai đoạn cuối tổn thương não sẽ lan rộng đến mức người bệnh thay đổi gần như hoàn toàn về tính cách và sống phụ thuộc vào người khác hoàn toàn.
Trong giai đoạn đầu, người mắc bệnh Alzheimer có thể bị thay đổi tính cách, thay đổi tâm trạng và trở nên trầm cảm, cáu kỉnh. Họ thu mình lại và mất hứng thú với các hoạt động và mọi người xung quanh, kể cả những người thân trong gia đình.
Ở các giai đoạn sau, người bệnh bắt đầu giảm nhận thức về môi trường sống xung quanh mình. Khả năng hoạt động thể chất cũng đi xuống. Cuối cùng người bệnh sẽ cần được người khác chăm sóc thường trực. Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, và cũng không có cách chữa trị nào hiệu quả.
Mặc dù bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, nhưng hiện nay vẫn có nhiều quan niệm sai lầm về tình trạng này. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
1. Alzheimer và mất trí nhớ là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa?
Khi con người già đi thì việc thỉnh thoảng gặp các vấn đề về trí nhớ là điều bình thường, chẳng hạn như quên tên của một người đã gặp gần đây. Tuy nhiên bệnh Alzheimer không chỉ đơn giản là lâu lâu đãng trí một chút, mà đó là căn bệnh khiến các tế bào não bị rối loạn hoạt động và cuối cùng là chết dần.
Khi mắc Alzheimer, người bệnh có thể quên tên của bạn bè, người thân, hoặc quên những đường đi mà họ đã từng thuộc làu suốt cả quãng đời trước đó.
Những người ở độ tuổi 60 tất nhiên không thể duy trì trí nhớ nhạy bén như chính họ ở độ tuổi 20. Tuy nhiên kiểu “mất trí nhớ” này không làm cho họ mất khả năng thực hiện các công việc hằng ngày hoặc gây ra những thay đổi căn bản về hành vi và tính cách.
Trong khi đó sự suy giảm trí nhớ đáng kể liên quan đến bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ không đơn thuần chỉ do lão hóa. Trí nhớ bị tổn hại nặng nề không thể coi là bình thường, và chỉ có khoảng 1/5 người già mắc chứng sa sút trí tuệ, trong khi 4/5 còn lại thì không.
Không dễ để phân biệt các vấn đề về trí nhớ bình thường với các vấn đề xuất phát từ những nguyên nhân đáng lo ngại như Alzheimer. Đôi khi đãng trí là hậu quả từ tác dụng phụ của một vài loại thuốc, thiếu vitamin hoặc các vấn đề sức khỏe khác, và có thể khắc phục được bằng việc điều trị đúng cách. Bên cạnh đó các vấn đề về trí nhớ và tư duy cũng có thể do một số dạng sa sút trí tuệ khác gây ra ngoài Alzheimer.
2. Bệnh Alzheimer chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt chứ không gây tử vong?
Sự thật là: Bệnh Alzheimer gây tử vong cho tất cả những người mắc phải. Các tế bào não bị phá hủy, gây mất trí nhớ, hành vi thất thường và mất các chức năng của cơ thể. Căn bệnh này từ từ “ăn mòn” nhận thức của người bệnh, làm họ mất khả năng kết nối với người khác, không thể suy nghĩ, ăn uống, nói chuyện, đi bộ và thậm chí tìm đường để đi về nhà.
Hiện nay Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 ở Mỹ, và vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Hầu hết những người mắc bệnh có thể sống từ 5 đến 20 năm sau khi được chẩn đoán, trong đó phổ biến nhất là từ 8 đến 10 năm.
Trong những năm đầu, người bệnh chỉ bị mất trí nhớ nhẹ, nhưng các triệu chứng dần dần tiến triển dẫn đến mất năng lực thể chất và tinh thần. Ở giai đoạn cuối của Alzheimer, người bệnh có thể mắc các vấn đề về hô hấp thường dẫn đến viêm phổi, ngoài ra họ cũng có thể quên ăn uống làm cho cơ thể suy dinh dưỡng và tử vong.
3. Chỉ những người lớn tuổi mới có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Sự thật là: Bệnh Alzheimer có thể xuất hiện ở độ tuổi 30, 40 hoặc 50 – đây được gọi là “bệnh Alzheimer khởi phát sớm”.
Hầu hết những người mắc bệnh này đều trên 65 tuổi, mặc dù vẫn chưa rõ tại sao nguy cơ lại tăng mạnh theo tuổi tác. Tuy nhiên bệnh Alzheimer khởi phát sớm vẫn xảy ra ở 5% số người mắc bệnh, và có thể xuất hiện sớm nhất vào độ tuổi 30.
Theo ước tính tại Mỹ hiện nay có hơn 5 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh này, trong đó hầu hết là người từ 65 tuổi trở lên và có khoảng 200.000 người dưới 65 tuổi – tức là Alzheimer khởi phát sớm.
4. Bệnh Alzheimer có tính di truyền?
Điều này chỉ đúng một phần. Các nhà khoa học đã phát hiện ra di truyền đóng vai trò nhất định đối với bệnh Alzheimer. Tuy nhiên chỉ có khoảng 5% người mắc bệnh Alzheimer – thường là dạng khởi phát sớm trước 65 tuổi – có thể di truyền từ đời này sang đời khác. Trong 95% trường hợp còn lại thì căn bệnh này không liên quan tới yếu tố di truyền.
Các nghiên cứu mới cũng cho thấy mối liên hệ giữa căn bệnh này với lối sống và các vấn đề sức khỏe kèm theo khác, chẳng hạn như chấn thương đầu, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim. Tương tự, lối sống tích cực cho người cao tuổi như kiểm soát cân nặng và tập thể dục cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
5. Thực phẩm đựng trong đồ nhôm hoặc nấu trong xoong, chảo nhôm có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer?
Trong những năm 1960 và 1970, đã có một số nghi vấn cho rằng nhôm có thể gây ra bệnh Alzheimer. Sự nghi ngờ này dẫn đến lo ngại về việc tiếp xúc với nhôm thông qua các đồ dùng hàng ngày như xoong nồi, lon nước giải khát, thuốc kháng axit và chất chống đổ mồ hôi.
Tuy nhiên đến nay các nghiên cứu đã không hề tìm thấy vai trò của nhôm trong việc gây ra bệnh Alzheimer. Các chuyên gia ngày nay tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu khác, và ít người tin rằng đồ dùng bằng nhôm thường ngày có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.
6. Chất aspartame (một loại đường nhân tạo) có thể gây mất trí nhớ?
Chất làm ngọt nhân tạo này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho phép sử dụng trong tất cả các loại thực phẩm và đồ uống vào năm 1996. Kể từ đó, những lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe của aspartame đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo FDA, tính đến tháng 5/2006, cơ quan này đã không nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy sự không an toàn của aspartame đối với hầu hết người dùng. Cơ quan này cho biết kết luận của họ dựa trên hơn 100 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên thực tế lâm sàng.
7. Tiêm phòng cúm làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Đã từng xuất hiện một giả thuyết nói về mối liên quan giữa tiêm phòng cúm với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng cao, tuy nhiên vị bác sĩ đưa ra giả thuyết này đã bị Hội đồng Giám định Y khoa Nam Carolina (Mỹ) đình chỉ giấy phép hành nghề.
Một số nghiên cứu chính thống đã cho thấy mối liên hệ giữa tiêm phòng cúm (cũng như các loại vắc xin khác) với việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sức khỏe tổng thể tốt hơn:
- Báo cáo của Tạp chí Y khoa Canada ngày 27/11/2001 cho thấy những người lớn tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc uốn ván, bại liệt và cúm dường như có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn so với những người không được tiêm các loại vắc xin này.
- Một báo cáo vào ngày 3/11/2004 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) cho thấy việc tiêm phòng cúm hằng năm cho người lớn tuổi có liên quan đến giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
8. Chất trám răng bằng bạc làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Sự thật là: Theo bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có, không có mối quan hệ nào giữa chất trám răng bằng bạc và bệnh Alzheimer.
Mối lo ngại này có nguyên nhân do chất trám “bạc” được làm từ một hỗn hợp thường chứa khoảng 50% thủy ngân, 35% bạc và 15% thiếc. Thủy ngân là một kim loại nặng mà ở một số dạng nhất định đã được chứng minh là chất độc đối với não và các cơ quan khác.
Tuy vậy các cơ quan y tế bao gồm FDA, Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận rằng hỗn hợp này là vật liệu an toàn, bền và rẻ tiền để phục hình răng.
Một vài nghiên cứu dưới đây được coi là bằng chứng thuyết phục rằng hỗn hợp trám răng không phải là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh Alzheimer:
- Tháng 3/1991, Hội đồng Thiết bị Nha khoa của FDA kết luận rằng không có bằng chứng hiện tại nào cho thấy hỗn hợp này gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.
- Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) năm 1991 đã tài trợ cho một nghiên cứu tại Đại học Kentucky để điều tra mối quan hệ giữa chất trám răng và bệnh Alzheimer. Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ đáng kể nào.
- Ngày 30/10/2003, một bài báo trên Tạp chí Y học New England kết luận rằng bằng chứng hiện tại cho thấy không có mối liên hệ nào giữa chất trám răng chứa thủy ngân và bệnh Alzheimer hoặc các bệnh thần kinh khác.
9. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể đẩy lùi bệnh Alzheimer?
Sự thật là: Sự suy thoái ngày càng trầm trọng của não do bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác là không thể đảo ngược và không thể chữa khỏi. Chẩn đoán và điều trị sớm chỉ có thể giúp giảm bớt phần nào triệu chứng và giúp người thân có thời gian để lập kế hoạch chăm sóc cho người bệnh trong tương lai.
Hiện nay không có phương pháp điều trị nào để chữa khỏi hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Các loại thuốc được FDA chấp thuận chỉ có tác dụng tạm thời làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng trong khoảng 6 đến 12 tháng cho khoảng một nửa số người bệnh mà thôi.
10. Người mắc bệnh Alzheimer cần làm gì để duy trì cuộc sống “bình thường” nhất có thể?
Học cách sống chung với bệnh là chìa khóa để tiếp tục một cuộc sống ý nghĩa. Chẩn đoán sớm và dùng thuốc hỗ trợ có thể giúp ích một phần. Ngoài ra, bản thân người bị Alzheimer cùng với những người chăm sóc nên tìm kiếm các tổ chức xã hội hỗ trợ, học cách thay đổi các mục tiêu cuộc sống cũng như đề nghị và chấp nhận sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Trong môi trường tràn ngập tình yêu thương, những người mắc bệnh có thể tham gia các hoạt động và tận hưởng cuộc sống thêm nhiều năm sau khi được chẩn đoán.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!