Kiểm soát đường huyết, tức lượng đường trong máu, không quá khó như bạn tưởng. Nếu tránh được một số thói quen không tốt thì đường huyết sẽ trong tầm kiểm soát của bạn. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu một vài thói quen sai lầm ảnh hưởng không tốt đến mức đường huyết nhé!
Mức đường huyết có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe?
Kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Cơ thể chúng ta lấy glucose từ thực phẩm để tạo ra năng lượng cho mọi hoạt động sống. Lượng đường huyết thường ở trong một giới hạn nhất định, nếu nằm ngoài khoảng này thì cơ thể không còn bình thường và có thể báo hiệu tình trạng bệnh lý.
Đường huyết liên quan đến nguy cơ tiểu đường, lượng đường trong máu cân bằng cũng giúp hỗ trợ ổn định năng lượng, chức năng não và tâm trạng. Nó cũng được chứng minh là một yếu tố trong việc kiểm soát cân nặng, chức năng của các hormone và nguy cơ lâu dài của các tình trạng sức khỏe khác như hội chứng chuyển hóa và một số bệnh ung thư.
Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi muốn kiểm soát lượng đường trong máu.
1. Chỉ tập trung vào calo
Nếu bạn chỉ nhìn vào lượng calo nạp vào cơ thể thì chưa đủ. Chúng ta cần sự cân bằng giữa protein, chất béo và carbohydrate để duy trì đường huyết ổn định. Khi chúng ta ăn carbohydrate (từ bất kỳ nguồn nào: ngũ cốc, đậu, trái cây, rau giàu tinh bột, đường lactose,…), nó sẽ được phân giải thành glucose.
Chất béo và protein có tác dụng đệm và thúc đẩy quá trình phân hủy carbs chậm hơn, nhờ đó giúp đường huyết ổn định hơn. Bạn có thể bổ sung carbohydrate từ rau xanh, trái cây. Ăn các loại carbohydrate phức hợp chứa nhiều chất xơ và nhiều dinh dưỡng cũng có thể giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn. Hãy ưu tiên sự cân bằng, ngay cả khi bạn đang theo dõi lượng calo.
2. Loại bỏ protein ra khỏi khẩu phần ăn
Nếu bạn thấy mình đói bụng và cáu kỉnh trong một thời gian ngắn sau khi ăn thì có lẽ bạn cần bổ sung thêm protein vào khẩu phần hằng ngày. Protein sẽ giúp giảm sự tăng đột biến của đường huyết vì nó làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn.
Bạn có thể bổ sung protein từ các loại thực phẩm như thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa cũng như trong các nguồn thực vật như đậu, quả hạch, các loại hạt và các chất thay thế thịt. Hãy cố gắng duy trì một khẩu phần trong mỗi bữa ăn khoảng 15-30 gam protein.
3. Không nạp đủ chất xơ
Lượng chất xơ khuyến nghị mỗi ngày khoảng 25-35 gam. Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, cải thiện quá trình điều tiết lượng đường trong máu. Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ là ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, các loại hạt, đậu, trái cây và rau. Hãy bổ sung ít nhất một thực phẩm giàu chất xơ trong mỗi bữa ăn bạn nhé.
4. Kiêng chất béo quá mức
Mặc dù chất béo nhiều calo hơn carbs và protein (1 gam chất béo cung cấp 9 calo, còn carbs và protein cung cấp 4 calo mỗi gam), nhưng nó rất hữu ích trong việc cân bằng lượng đường trong máu vì nó làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giảm lượng đường trong máu.
Hãy kết hợp vào bữa ăn của bạn các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ, các loại hạt và các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi.
5. Bỏ qua các nguồn chứa đường “ẩn”
Hạn chế các nguồn bổ sung đường rõ ràng như bánh ngọt là điều quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng bạn vẫn có thể gặp khó khăn với vấn đề này nếu không tính đến các nguồn đường “ẩn” như sữa chua, súp đóng hộp, đồ ăn đông lạnh và nhiều loại gia vị.
Hãy kiểm tra nhãn thành phần của mỗi loại thực phẩm và nên nhớ rằng đường ẩn mình dưới nhiều tên gọi khác nhau. Và cũng lưu ý đừng dùng quá nhiều các chất thay thế đường tự nhiên, hay được gọi với cái tên “chất tạo ngọt nhân tạo”. Đúng là chúng chứa ít calo hơn và có thể ít ảnh hưởng tới đường huyết hơn, nhưng vẫn có thể có tác động đến hành vi và khiến bạn thèm đồ ngọt hơn.
6. Không tập thể dục
Kết hợp tập thể dục vào việc quản lý đường huyết sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin bằng cách chuyển đường vào các tế bào cơ để dự trữ. Khi cơ co lại trong quá trình hoạt động, các tế bào của bạn có thể hấp thụ glucose và sử dụng nó để làm năng lượng. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu trong thời gian ngắn.
Có hình thức tập thể dục “tốt nhất” để kiểm soát lượng đường trong máu không? Cả hai kiểu tập: tăng cơ bắp và cardio đều có thể giúp giảm cân đồng thời cải thiện việc kiểm soát lượng đường, đặc biệt là khi kết hợp với nhau.
7. Thiếu ngủ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ ít dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn do cơ thể ít nhạy cảm với insulin. Nó cũng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy đói hơn và giảm khả năng nhận thức được khi nào mình đã no. Hãy đặt mục tiêu ngủ từ 7-8 giờ mỗi đêm và tạo thói quen ngủ sớm để giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi tốt nhất.
8. Hay stress, căng thẳng
Căng thẳng sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Mặc dù hiện tượng này có thể liên quan đến thức ăn có đường hoặc rượu, thì các hormone tiết ra khi cơ thể stress cũng đóng một vai trò đáng kể.
Mức độ gia tăng của các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline có thể làm tăng lượng đường trong máu và góp phần làm mất khả năng kiểm soát glucose, vì khả năng này của cơ thể được điều hòa bởi nồng độ các hormone.
Căng thẳng là một vấn đề về cảm xúc, thường được “ngụy trang” dưới dạng lo lắng, thất vọng hoặc trầm cảm. Đó là lý do tại sao việc áp dụng một cách tiếp cận toàn diện sẽ hữu ích hơn. Hãy để cơ thể và đầu óc bạn nghỉ ngơi thư giãn một chút mỗi ngày bằng các hoạt động như tập thể dục, nghe nhạc, thiền hay đọc sách.
Hy vọng bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích. Hãy thường xuyên ghé thăm chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để khám phá thêm nhiều điều bổ ích khác nhé.
- Bệnh tiểu đường nên ăn gì để kiểm soát đường trong máu?
- 9 lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên khi bạn ăn nhiều chất xơ hằng ngày
- Chế độ ăn kiêng tốt nhất: Chất lượng hay số lượng mới giúp bạn giảm cân hiệu quả?
- Bí quyết sắp xếp bữa ăn vào các thời điểm trong ngày giúp bạn giảm cân hiệu quả nhất!
Chúc bạn luôn có được sức khỏe như ý với những thông tin được Kinhnghiem360.edu.vn cập nhật mỗi ngày!