Thời gian gần đây các loại đồ chơi chơi slime đang trở nên ngày càng phổ biến và được rất nhiều trẻ em yêu thích. Tuy nhiên đã có những trường hợp gặp phải tai nạn thương tích khi sử dụng loại đồ chơi chất nhờn này. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu về bản chất và những tác hại tiềm ẩn của đồ chơi slime trong bài viết này nhé!
Vì sao đồ chơi slime lại phổ biến và được ưa chuộng đến vậy?
Nhờ vẻ bề ngoài trơn tuột, bóng nhẫy và nhiều màu sắc rất vui mắt cộng với kết cấu đàn hồi dẻo dai có thể biến thành nhiều hình dạng khác nhau nên đồ chơi slime dễ dàng chiếm vị trí hàng đầu trong những trò vui được trẻ em yêu thích ngày nay.
Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học và những trường hợp gặp tai nạn trong thực tế gần đây đã cho thấy đồ chơi slime có thể gây ra nhiều tác hại tiềm ẩn bắt nguồn từ các hóa chất độc hại được dùng trong quá trình sản xuất. Chúng có thể gây ra các triệu chứng kích ứng cho da, mắt và gây nhiễm độc cơ thể, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản lâu dài. Dưới đây là những điều bạn cần biết về đồ chơi slime.
Slime thực chất là gì?
Trong tiếng Anh từ slime có nghĩa là chất nhờn, nhầy nhớt, nói lên “ngoại hình” của loại đồ chơi này. Chúng được làm từ các chất hóa học và một số loại phụ gia được trộn thêm vào, trong đó thường dùng nhất là natri borate, hay còn có tên là borax hay hàn the như dân gian vẫn thường gọi, và kết hợp với nước để tạo ra độ dẻo.
Nhờ phản ứng giữa các thành phần nguyên liệu, đồ chơi slime có kết cấu dai và dẻo giống như keo và có thể được “nêm” thêm nhiều màu sắc rất đẹp mắt.
Loại chất nhờn này xuất hiện trên thị trường lần đầu tiên vào năm 1976 do nhà bán lẻ nổi tiếng Mattel phát minh ra. Thời kỳ đó slime được làm từ một chất dạng bột được chiết xuất từ hạt guar, nhưng về sau đã có rất nhiều công thức biến thể khác nhau được tạo ra để sản xuất đồ chơi slime trên quy mô công nghiệp.
Một số công thức còn cho thêm phẩm màu và kim tuyến để tạo vẻ lấp lánh bắt mắt, cùng với đó đó là vô số các video trên mạng xã hội quay cảnh chơi đùa cùng loại đồ chơi “kỳ diệu” này khiến nó ngày càng được nhiều người tò mò và yêu thích trên toàn thế giới.
Vì sao đồ chơi slime lại nguy hiểm cho sức khỏe?
Người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ đã được cảnh báo rằng rất nhiều đồ chơi dành cho trẻ em sử dụng vật liệu slime có thể chứa lượng nguyên tố boron cao gấp 4 lần giới hạn an toàn của Liên minh châu âu (EU). Nguyên tố này vốn thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sản xuất phân bón và chất tẩy rửa.
Khảo sát được tiến hành bởi một nhóm người tiêu dùng châu Âu đã phát hiện ra rằng trong số 11 sản phẩm slime phổ biến trên thị trường thì có đến 8 sản phẩm vượt ngưỡng cho phép của EU về hàm lượng boron. Từ kết quả đó, nhóm này đã đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ là hãy cẩn thận với đồ chơi slime và cũng nên hết sức chú ý khi tự chế tạo loại đồ chơi này tại nhà theo các công thức trên mạng, vì các công thức này thường có chứa borax có thể gây bỏng nghiêm trọng ở trẻ em.
Ngoài ra lượng boron quá cao khi xâm nhập vào người cũng có thể gây nôn ói, co giật cơ và kích ứng da, mắt. Ủy ban Châu Âu thậm chí đã cảnh báo rằng liều cao chất này có thể gây hại đến khả năng sinh sản, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy boron hay borax có thể gây ung thư.
Tại Mỹ, một bản báo cáo thường niên của Nhóm Nghiên cứu các Mối quan tâm Cộng đồng đã chỉ ra rằng trong số 40 chơi đồ chơi slime cho trẻ em được khảo sát, có 6 sản phẩm chứa nồng độ boron cao đến mức nguy hiểm.
Cụ thể, một số sản phẩm đồ chơi slime được khảo sát có chứa hàm lượng boron là 4700 ppm (phần triệu), tức là gấp hơn 15 lần so với mức cho phép của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên ở Mỹ hiện nay chưa có tiêu chuẩn an toàn chính thức cho nguyên tố này trong các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) của Mỹ, boron là một chất kích ứng có thể gây khó chịu cho da, mắt, mũi và họng nếu chẳng may bị nuốt phải. Nó có thể kích thích đường tiêu hóa dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng, nôn ói, tiêu chảy và các rối loạn khác.
Nếu lượng boron nuốt vào quá lớn có thể gây tử vong. Liều gây chết của chất này theo ước tính của các nhà khoa học rơi vào khoảng 15 đến 20 gram cho người lớn và 5 đến 6 gram cho trẻ em nếu dùng trong một thời gian ngắn.
Đối với hàm lượng boron thấp trong các sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép lưu hành hiện nay thì để đạt tới mức nguy hiểm như vậy một đứa trẻ sẽ phải tiêu thụ hàng tấn đồ chơi slime. Tuy nhiên đối với các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc thì hàm lượng boron rất có thể đã đủ cao để gây bỏng da như một số trường hợp trong thời gian gần đây.
Tự làm slime tại nhà có an toàn hơn không?
Hiện nay có rất nhiều video và bài viết trên mạng hướng dẫn cách tự làm đồ chơi slime homemade. Tuy nhiên việc này có an toàn hơn so với mua đồ chơi slime ngoài thị trường hay không lại tùy thuộc vào thành phần nguyên liệu và cách thao tác khi tự chế chúng tại nhà.
Nhiều công thức chế tạo slime có dùng đến keo, nước và borax, do đó vẫn có thể gây kích ứng da và đường tiêu hóa nếu chẳng may nuốt phải. Tốt nhất là các bậc cha mẹ đừng bao giờ để con trẻ tự ý đùa nghịch với những nguyên liệu tự chế đồ chơi slime.
Năm 2017 cô bé 11 tuổi Kathleen Quinn ở bang Massachusetts của Mỹ đã bị bỏng độ 3 trong quá trình tự chế đồ chơi slime tại nhà bằng borax. Các bác sĩ sau đó cho rằng cô bé đã không pha loãng borax bằng nước, vốn là một công đoạn bắt buộc để giảm bớt độ nguy hiểm của hợp chất này.
Tổng kết
Đồ chơi slime được làm từ nhiều thành phần nguyên liệu khác nhau, trong đó có borax là chất có thể gây kích thích da và niêm mạc, đặc biệt là đường tiêu hóa và hô hấp.
Tuy nhiên hiện nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy chất này gây ung thư, và hàm lượng của nó trong các sản phẩm đồ chơi slime được cấp phép lưu hành trên thị trường cũng khá thấp nên nguy cơ đáng kể nhất có thể gặp phải là ngứa da và mắt. Riêng những sản phẩm trôi nổi không được kiểm soát chất lượng có thể gây những tác hại nghiêm trọng hơn.
Tự chế đồ chơi slime tại nhà là thú vui của nhiều gia đình có con nhỏ hiện nay, nhưng tuyệt đối đừng bao giờ để trẻ tự chơi với các chất hóa học này, nhất là borax. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý những nguyên liệu khác dùng để tạo nên kết cấu cho đồ chơi slime, chẳng hạn như các hạt nhựa, xốp và kim tuyến cũng có thể chứa nhiều chất độc hại hoặc gây tắc nghẽn đường tiêu hóa và hô hấp nếu trẻ nhỏ chẳng may nuốt phải.
Còn nếu bạn vẫn muốn có những giây phút thư giãn thoải mái cùng mà không lo về tác hại của loại đồ chơi thú vị này thì có thể tham khảo những công thức chế tạo slime không dùng borax như trong video dưới đây:
- Dùng steroid để tăng cơ bắp có thể gây hại cho sức khỏe như thế nào?
- Ăn nhiều rau sẽ không tốt cho cơ thể nếu bạn đang mắc những bệnh này!
Hãy nhớ đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin hữu ích cho cuộc sống bạn nhé!