Ngoài triệu chứng hắt hơi sổ mũi giống nhau thì COVID-19 và cảm cúm còn có điểm gì chung nữa nhỉ? Và quan trọng hơn: điểm khác biệt giữa chúng là gì? Hóa ra hai căn bệnh nhìn hao hao giống nhau này lại có nhiều điểm “bất đồng” lắm đấy, hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá trong bài viết này nhé!
1. Tác nhân gây bệnh cúm và COVID-19 có phải là một?
Điểm giống nhau là cả hai căn bệnh này đều được gây ra bởi tác nhân là virus, đó là dạng vi sinh vật nhỏ hơn vi khuẩn và cấu tạo cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên xét về mức độ nguy hiểm thì các virus cũng không hề thua kém vi khuẩn, thậm chí nhiều virus còn gây ra thảm họa toàn cầu như HIV, bại liệt, và nay là SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Nhưng virus lần này không phải là loại gây bệnh cúm thông thường mà chúng ta đã quen thuộc. Tác nhân gây COVID-19 thuộc họ Coronavirus, được đặt tên theo từ corona trong tiếng Latin có nghĩa là “vương miện” do hình ảnh virus này khi nhìn dưới kính hiển vi có các gai chĩa ra xung quanh giống như vương miện.
Mặc dù họ Coronavirus đã được phát hiện từ những năm 1960 và bao gồm cả các virus gây cảm lạnh thông thường, nhưng một vài thành viên trong họ này lại gây ra những dịch bệnh khủng khiếp như dịch SARS năm 2003, MERS năm 2012, và nay là COVID-19.
Trong khi đó virus cúm lại thuộc một họ khác tên là Orthomyxoviridae với đặc điểm cấu tạo khác biệt. Cũng giống như các coronavirus, nhóm này gây bệnh trên người và cả động vật như lợn và chim, do đó gây ra nhiều dịch bệnh mà ta quen gọi là cúm gà, cúm lợn, hay H5N1, H1N1,…
2. Các triệu chứng khi nhiễm bệnh
Giống nhau: Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể gây nên nhiều mức độ bệnh từ hoàn toàn không có triệu chứng cho đến các biểu hiện nặng đe dọa tính mạng. Những triệu chứng phổ biến thường gặp ở cả hai căn bệnh này là:
- Sốt hoặc cảm giác ớn lạnh, rét run
- Ho
- Khó thở, cảm giác hơi thở nông
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Đau cơ, đau khắp mình mẩy
- Đau đầu
- Một số người có thể cảm thấy buồn nôn hoặc tiêu chảy, các triệu chứng này đặc biệt thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
Khác nhau: COVID-19 có một vài triệu chứng đặc biệt khác với bệnh cúm, chẳng hạn như khứu giác và vị giác bị thay đổi hoặc thậm chí mất hẳn. Một số bệnh nhân nói rằng sau vài tháng khỏi bệnh họ vẫn chưa thể ăn uống ngon miệng lại được!
3. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ lúc nhiễm tác nhân gây bệnh cho đến khi biểu hiện triệu chứng)
Thời gian ủ bệnh của COVID-19 và cúm đều dao động từ 1 đến vài ngày, tất nhiên có cả những trường hợp không bao giờ biểu hiện triệu chứng như đã nói ở trên.
Thông thường virus cúm cần 1 đến 4 ngày để gây bệnh, tính từ thời điểm cơ thể bị nhiễm. Đối với COVID-19, khoảng thời gian này thường dài hơn một chút, cụ thể là sau khoảng 5 ngày kể từ lúc virus xâm nhập cơ thể các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.
Tuy vậy thời gian ủ bệnh của COVID-19 cũng dao dộng rất nhiều, có thể sớm sau 2 ngày hoặc rất trễ sau 14 ngày.
4. Người nhiễm bệnh có thể phát tán virus trong thời gian bao lâu?
Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng khi bệnh nhân bắt đầu sốt, ho, khạc đàm thì virus mới có thể bay sang lây cho những người xung quanh thông qua các chất dịch được thải ra đó. Nhưng trên thực tế các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cả COVID-19 và cúm thường đều có thể lây lan ít nhất 1 ngày trước khi người bệnh xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Đối với bệnh cúm, hầu hết người mắc phải đều có thể lây nhiễm cho cộng đồng từ 1 ngày trước khi biểu hiện bệnh. Đặc biệt các trẻ lớn và người trưởng thành có khả năng lây bệnh cao nhất vào khoảng 3-4 ngày đầu tiên có triệu chứng, và tình trạng này có thể kéo dài đến 7 ngày. Điều cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ miễn dịch yếu, virus có thể lây lan lâu hơn khoảng thời gian trên.
Đối với COVID-19, những người nhiễm bệnh có thể phát tán virus ra môi trường bên ngoài kéo dài hơn cúm thường. Con số chính xác cho vấn đề này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu để xác định rõ. Tuy vậy chúng ta đã biết rằng người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm COVID-19 từ người bệnh từ 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và có thể kéo dài tới ít nhất 10 ngày.
Còn nếu một người mắc COVID-19 nhưng lại hoàn toàn không có biểu hiện bất thường, hoặc những người mắc bệnh nhưng các triệu chứng đã mất đi rồi thì sao? Thực tế cho thấy họ vẫn có thể lây lan mầm bệnh trong vòng ít nhất 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
5. Virus gây bệnh lây truyền như thế nào?
Cả bệnh cúm thông thường lẫn COVID-19 đều có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người khi tiếp xúc gần trong khoảng cách 2 mét. Đường lây truyền chủ yếu là thông qua các giọt bắn được tạo ra khi con người ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc thậm chí là… hát!
Sau khi được phóng thích khỏi cơ thể, các hạt chất lỏng siêu nhỏ chứa đầy virus này có thể “đậu” lại trên mũi, miệng của người khác, trên bề mặt các vật dụng sinh hoạt thường ngày, hoặc được hít trực tiếp vào phổi. Người khỏe mạnh bị nhiễm khi chạm tay vào mặt, mũi, miệng có mang virus, khi bắt tay với người bệnh, hoặc chạm vào các đồ dùng đã “nhiễm bẩn”.
Về nguồn lây, tất cả những người có mang virus trong cơ thể, dù có triệu chứng nhẹ hay nặng hoặc thậm chí hoàn toàn không triệu chứng đều có thể lây truyền virus cho người khác.
Dù có những điểm tương đồng trong cách thức truyền bệnh như vậy nhưng COVID-19 được cho là có tính lây lan mạnh hơn đối với một số nhóm người và nhóm tuổi nhất định. Đồng thời các nhà khoa học cũng nhận thấy căn bệnh mới này có nhiều khả năng gây ra các sự kiện “siêu lây nhiễm” hơn so với bệnh cúm. Đó là các trường hợp chỉ một người mắc bệnh nhưng sau đó lây cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người khác. Điều này cũng có nghĩa là virus SARS-CoV-2 có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt một cách dễ dàng, gây ra đại dịch như chúng ta đã thấy.
6. Những đối tượng nào dễ mắc bệnh nghiêm trọng?
Như đã nói, cả COVID-19 và cúm đều có thể gây bệnh với nhiều mức độ, trong đó các yếu tố dễ khiến chúng ta lâm vào tình trạng bệnh nặng là tuổi cao, cơ địa nhiều bệnh nền có sẵn từ trước, và phụ nữ có thai.
Điểm khác biệt giữa hai căn bệnh này là tỷ lệ xuất hiện biến chứng ở trẻ em bị cúm cao hơn so với COVID-19. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với các trẻ có sức khỏe tốt trước khi mắc bệnh, còn trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc những trẻ có bệnh nền khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn đối với cả cúm và COVID-19.
Đặc biệt những trẻ ở tuổi đi học nếu chẳng may mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ tiến triển đến Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children), đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng của căn bệnh mới lạ này.
7. Cúm và COVID-19 có thể gây ra những biến chứng gì?
Đến nay người ta đã nhận thấy hai bệnh này có một số biến chứng thường gặp giống nhau như:
- Viêm phổi
- Suy hô hấp
- Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp tính (ARDS)
- Nhiễm trùng huyết
- Tổn thương tim (chẳng hạn như đau tim và đột quỵ)
- Suy đa cơ quan (như suy hô hấp, suy thận, sốc)
- Làm nặng thêm các bệnh nền sẵn có (các bệnh của tim, phổi, thần kinh hoặc bệnh tiểu đường)
- Tình trạng viêm ở tim, não, cơ
- Nhiễm trùng thứ phát (tức tình trạng nhiễm trùng khác xảy ra sau khi mắc cúm hoặc COVID-19)
Điểm khác nhau giữa hai bệnh này nằm ở chỗ: hầu hết bệnh nhân cúm thường hồi phục trong vòng vài ngày cho tới hai tuần, nhưng một vài trường hợp hợp có thể diễn tiến nặng lên và xuất hiện các biến chứng vừa nêu. Trong khi đó COVID-19 đã được ghi nhận là có thể gây ra các biến chứng đặc biệt như làm đông máu bên trong các mạch máu của tim, phổi, não và chân, cũng như Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em như đã đề cập.
8. Phương pháp điều trị cúm và COVID-19 là gì?
Giống nhau: Những bệnh nhân mắc cúm hoặc COVID-19 có nhập viện hoặc có nguy cơ cao biến chứng sẽ được điều trị tích cực bởi đội ngũ nhân viên y tế nhằm mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Khác nhau: Hiện nay đã có nhiều thuốc kháng virus cúm được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng. Các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn dùng thuốc (nhập viện hoặc nguy cơ biến chứng cao) nên được kê đơn dùng các thuốc này càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó các nhà khoa học vẫn đang đi tìm phương pháp và loại thuốc hiệu quả nhất để điều trị COVID-19. Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã đưa ra bản hướng dẫn về điều trị COVID-19, nhưng hướng dẫn này sẽ liên tục được cập nhật dựa trên những phát hiện và bằng chứng khoa học mới về virus SARS-CoV-2.
Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy tác dụng của thuốc kháng virus có tên remdesivir đối với COVID-19, và thực tế thuốc này cũng đã được chấp nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng hiện tại vẫn chưa có thuốc hay phương pháp điều trị nào được FDA công nhận. Vẫn còn nhiều nghiên cứu nữa cần tiến hành trước khi chúng ta thực sự tìm ra lời giải cho căn bệnh hoàn toàn mới lạ này.
9. Hiện nay đã có vaccine ngừa bệnh hay chưa?
Để được đưa vào sử dụng chính thức, các loại vaccine ngừa cúm hay COVID-19 hay bất kỳ bệnh nào khác đều phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng khắt khe để chứng minh được tính an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ. Sau đó chúng phải được các cơ quan quản lý của mỗi nước chấp thuận thì mới có thể đưa vào sử dụng rộng rãi cho mọi người.
Hiện nay đã có nhiều vaccine ngừa cúm được cấp phép trên toàn thế giới. Điều đặc biệt là virus cúm thường xuyên thay đổi mỗi năm nên các vaccine này cũng phải được điều chỉnh và tiêm lại hằng năm trước mùa cúm để có thể thực sự phát huy tác dụng.
Đối với COVID-19, do tính cấp bách của đại dịch toàn cầu này mà tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa bệnh đã được nhiều nước đẩy nhanh chưa từng thấy. Thay vì phải mất vài năm để hoàn thiện các giai đoạn cho ra đời vaccine như trước đây, chúng ta đã thấy nhiều vaccine COVID-19 được “trình làng” chỉ sau vài tháng.
Điều đó đặt ra câu hỏi về tính an toàn, hiệu quả và tác dụng phụ của chúng. Tuy vậy cũng đã có một số loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận sử dụng khẩn cấp, cùng với đó là nhiều vaccine được cơ quan y tế các nước phê duyệt để tiêm ngừa cho người dân nước mình.
Việt Nam chúng ta hiện đang thử nghiệm loại vaccine được nghiên cứu và sản xuất trong nước có tên Nano Covax với kết quả cho tới thời điểm này là rất khả quan. Tuy nhiên do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên Bộ Y tế đã quyết định nhập 30 triệu liều vaccine do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford hợp tác sản xuất. Lô vaccine đầu tiên sẽ về tới Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2021 và được ưu tiên dành cho các y bác sĩ chống dịch và bộ đội biên phòng ở tuyến đầu. Được biết cho phí cho 2 mũi tiêm là dưới 10 USD.
10. Khi nào đại dịch này mới kết thúc?
Câu trả lời là… vẫn chưa có câu trả lời!
Bệnh cúm đã được con người biết tới từ xa xưa, và dù đã phát triển rất nhiều thuốc hay vaccine để chống lại căn bệnh thường gặp này thì có lẽ chúng ta cũng không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi nó. Lý do là vì virus cúm liên tục tạo ra các đột biến mới để thoát khỏi sự tấn công của kháng thể, do đó mỗi năm các công ty dược lại phải điều chỉnh lại vaccine để thích ứng với chủng cúm mới.
Tương tự đối với đại dịch COVID-19, virus SARS-CoV-2 cũng có khả năng đột biến tạo ra các biến thể với tốc độ lây lan và nguy cơ gây tử vong cao hơn. Hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện một vài biến thể chống lại được các loại vaccine sắp ra mắt. Do đó cuộc chiến chống COVID-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Vậy thì trong lúc sắp có vaccine, mỗi chúng ta hãy tự bảo vệ mình và những người xung quanh bằng những cách đơn giản như rửa tay và đeo khẩu trang khi đến nơi đông người nhé!
Phòng chống COVID-19: Mách bạn 12 cách bảo vệ bản thân hiệu quả nhất
10 phương pháp dinh dưỡng giúp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19