Những thói quen thường gặp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu tức thời, nhưng thực ra lại cực kỳ có hại. Nếu làm những việc này thường xuyên, bạn sẽ tự mài mòn lớp men răng khiến răng dễ bị sâu, vỡ và đổi màu, thậm chí dẫn đến một loạt các vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Để bảo vệ răng khỏe đẹp và cả cơ thể nói chung, hãy thay đổi ngay những thói quen không tốt này. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
1. Cắn móng tay
Cắn móng tay không phải là thói quen phổ biến ở người lớn, nhưng các nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng có đến 60% trẻ em và 45% thanh thiếu niên cắn móng tay. Đó là độ tuổi quan trọng đối với quá trình phát triển của cơ thể, khi răng vĩnh viễn mọc lên và khớp cắn dần định hình.
Có thể bạn sẽ cho rằng cắn móng tay không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe của răng, nhưng thực ra hành động này nếu thực hiện thường xuyên có thể khiến răng bị lệch. Tệ hơn nữa, cắn móng tay cũng có khả năng gây ra các vết nứt, vỡ trên men răng.
Nhưng rất may, đây là thói quen xấu khá dễ bỏ. Bạn chỉ cần thường xuyên cắt tỉa móng tay bằng dụng cụ hoặc dùng “biện pháp mạnh” là sơn móng tay có mùi khó chịu. Cắn móng tay cũng là biện pháp giảm stress được nhiều người áp dụng, do đó tìm kiếm những cách khác để giảm bớt căng thẳng như thể dục hay đọc sách có thể giúp bạn từ bỏ thói quen có hại cho răng này.
2. Nhai tăm xỉa răng
Tại sao tăm lại có thể gây hại cho răng? Nhiệm vụ của chúng là giúp làm sạch răng cơ mà? Thực ra tăm xỉa răng sẽ có hại trong hai trường hợp: khi bạn sử dụng chúng không đúng cách, và khi nhai chúng.
Sử dụng tăm đúng cách có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và mảng bám trên răng. Tuy nhiên nếu bạn không cẩn thận hoặc quá mạnh tay thì tăm có thể làm hỏng men răng, làm rách mô nướu và thậm chí gây gãy răng. Thêm vào đó, các miếng trám răng cũng có thể bị nứt hoặc vỡ nếu sử dụng tăm không đúng cách.
Dùng tăm xỉa răng quá mạnh cũng có thể làm tổn thương chân răng, đặc biệt là ở những vị trí nướu bị tụt xuống thấp khiến bề mặt chân răng lộ ra. Mẩu tăm bị gãy cũng có thể đâm vào nướu và dẫn đến nhiễm trùng nếu không được lấy ra. Đây chính là lý do tại sao bạn không nên nhai tăm.
Để bảo vệ răng và nướu khỏi bị tổn thương, hãy dùng những cách khác để loại bỏ thức ăn thừa bám trên răng như dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng bằng bàn chải. Nếu bắt buộc phải dùng tăm thì hãy luôn cẩn thận để không làm hại nướu hoặc mài mòn răng, và đặc biệt đừng bao giờ nhai tăm chỉ vì quen miệng nhé.
3. Nhai nước đá
Nhiệt độ lạnh và độ cứng của nước đá có thể gây hại nghiêm trọng cho răng của bạn. Hạn chế thói quen xấu này sẽ giúp ích rất nhiều để bạn giữ được hàm răng chắc khỏe.
Điều thú vị là cảm giác thèm ăn và nhai đá có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Lý do cho hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ, nhưng đó là một “tác dụng phụ” rất thường gặp khi cơ thể bị thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra một số người lại thèm nhai nước đá, giấy hoặc các chất không có giá trị dinh dưỡng khác như một cách để giải tỏa căng thẳng.
Nếu bạn đang mắc phải thói quen xấu này thì hãy đến gặp bác sĩ để xem liệu bạn có bị thiếu sắt hay không. Nếu chỉ là do căng thẳng thì hãy tìm một cách khác để giải tỏa, chẳng hạn như thêm các buổi tập yoga vào lịch trình hằng ngày cũng có thể giúp bạn loại bỏ thói quen có hại cho răng này.
4. Cắn chặt và nghiến răng
Những hành động này tạo áp lực lớn tác động lên nướu và cấu trúc xương hàm, đồng thời có thể gây ra những vết gãy và nứt vi mô trên răng, đó là những vị trí mà răng bị suy yếu khiến chúng có nguy cơ bị tổn thương thêm.
Nguyên nhân chính dẫn đến nghiến răng là do căng thẳng, do đó bạn cần tìm những cách lành mạnh để giảm stress mà không làm hại cho răng, chẳng hạn như tập thể dục, thiền định hay đàn hát là những cách thư giãn tuyệt vời.
Ngoài ra bạn cũng có thể đeo miếng bảo vệ răng, mặc dù đây chỉ là một giải pháp tạm thời không thể loại bỏ hẳn thói quen xấu nhưng ít nhất nó cũng giúp răng của bạn tránh được áp lực quá lớn.
Bạn có thể đặt mua miếng bảo vệ răng tại đây.
5. Mút ngón tay
Mút ngón tay cái là một trong những thói quen xấu đầu tiên mà chúng ta mắc phải trong đời, ngay từ khi còn ẵm ngửa. Có thể nói đây là một biện pháp giảm căng thẳng phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù hầu hết chúng ta đều bỏ thói quen mút ngón tay vào khoảng độ tuổi đi học, nhưng thực tế vẫn có nhiều người lớn lặp lại hành động này những khi bị căng thẳng.
Mút ngón tay sau khi răng vĩnh viễn đã mọc sẽ rất nguy hiểm. Ngay cả khi bạn được sinh ra với hàm răng ngay hàng thẳng lối tuyệt đẹp thì thói quen này có thể gây ra những thay đổi trong cách sắp xếp của răng và hàm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề khó khăn khi ăn uống và hít thở, và cách duy nhất để chỉnh sửa những chiếc răng mọc lệch là niềng răng.
Cách tốt nhất để tránh răng mọc xấu do mút ngón tay là hãy từ bỏ thói quen xấu này ngay và luôn nhé.
6. Cắn bút
Khi bắt đầu đi học, trẻ nhỏ có thể thay thế việc mút ngón tay bằng các thói quen mới như cắn bút chì và các đồ vật khác. Đó có thể là hành động vô thức khi hồi hộp hoặc là một cách để giải tỏa căng thẳng, nhưng cũng có thể là triệu chứng của tình trạng thiếu máu.
Cắn bút hay những đồ vật khác có thể tạo ra áp lực đáng kể lên răng và nướu của bạn, dẫn đến răng bị nứt hoặc lung lay và các vấn đề răng miệng khác. Do đó hãy ngừng thói quen xấu này trước khi xảy ra bất kỳ tổn thương nào cho răng nhé.
7. Nhai chanh
Chanh rất tốt cho sức khỏe, là nguồn cung cấp các dưỡng chất tuyệt vời, có tác dụng giải độc cơ thể và tăng mức độ tỉnh táo. Tuy nhiên cắn và nhai chanh lại là hành động không tốt cho răng chút nào.
Chanh chứa hàm lượng cao axit citric có thể làm mòn men răng của bạn một cách nhanh chóng, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm cả sâu răng. Ngay cả việc nhấm nháp chút nước với một lát chanh cũng có thể làm hỏng men răng ở một mức độ nào đó.
Nếu bạn thèm vị chua và muốn ăn chanh thì ít nhất cũng phải súc miệng bằng nước thường sau đó để vị chua của chanh không đọng lại trên răng nhé.
8. Đánh răng quá mạnh
Đánh răng là yếu tố quan trọng của quá trình chăm sóc răng miệng. Mỗi người chúng ta cần tập thói quen đánh răng hai lần một ngày, nhưng quan trọng là phải đúng cách, vì đánh răng sai cách cũng có thể gây hại cho răng.
Chải quá mạnh có thể làm hỏng men răng, kích ứng nướu và gây sâu răng. Đó là lý do bạn phải luôn đánh răng đúng cách – chải răng nhiều hơn và mạnh hơn không có nghĩa là răng sẽ sạch hơn.
Để giúp ngăn ngừa các tổn thương do đánh răng quá mạnh, hãy chọn loại bàn chải phù hợp, đủ chắc để loại bỏ mảng bám nhưng cũng đủ mềm để không gây hại cho men răng. Bàn chải đánh răng lông mềm cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương nướu.
Bạn có thể đặt mua các loại bàn chải đánh răng lông mềm tại đây.
Các lưu ý khác cần nhớ để đánh răng đúng cách là chải răng trong ít nhất hai phút, tiếp xúc nhẹ và giữ bàn chải ở góc 45 độ so với nướu.
9. Đánh răng ngay sau khi vừa ăn xong
Các mảnh thức ăn thừa sau khi ăn có thể làm hỏng răng của bạn, và cách tốt nhất để làm sạch chúng là chải răng. Vì vậy đánh răng ngay sau khi ăn xong là hợp lý quá rồi? Rất nhiều người nghĩ như vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Hóa ra đánh răng ngay sau khi ăn cũng là một thói quen không tốt, vì lúc đó răng vẫn còn nhạy cảm và đánh răng có thể dễ dàng làm mòn lớp men răng, đặc biệt là sau khi ăn sáng với các thực phẩm có tính axit như cà phê hoặc nước cam.
Vậy lúc nào mới nên đánh răng? Hãy chờ khoảng 30 phút đến một giờ sau khi ăn, hoặc đánh răng trước khi ăn vào buổi sáng để vệ sinh răng miệng một cách an toàn.
10. Dùng răng như một “công cụ”
Nhiều người thường sử dụng răng của mình như một công cụ để làm nhiều việc khác nhau, chẳng hạn như bóc gói kẹo, mở nắp lọ, nắn chiếc thìa bị cong hoặc dứt tấm mác trên quần áo mới mua. Thói quen này có vẻ rất tiện lợi ngay những lúc cần thiết, nhưng lại là kẻ thù đối với sức khỏe lâu dài của hàm răng.
Sử dụng răng làm “công cụ” có thể khiến răng bị nứt hoặc mẻ, đặc biệt là ở các cạnh. Ngay cả khi bạn thường xuyên chải răng và chăm sóc vệ sinh răng miệng thì vẫn có thể bị răng xấu do lạm dụng chúng vào những hoạt động không phù hợp.
Hãy từ bỏ thói quen xấu này ngay hôm nay để bảo vệ răng của bạn khỏi những tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi. Một cách đơn giản để làm được điều đó là hãy luôn mang theo các công cụ thực sự được thiết kế để làm đúng chức năng của chúng. Khi đó bạn sẽ ít phải dùng đến răng hơn.
11. Uống nước ngọt
Nước ngọt là món khoái khẩu của nhiều người từ lớn đến nhỏ, nhưng loại đồ uống này thực sự không tốt cho sức khỏe nói chung và đặc biệt rất có hại cho răng.
Dù tạo cảm giác có vị ngọt nhưng các loại đồ uống này lại thường chứa nhiều axit. Uống nước ngọt thường xuyên có thể gây sâu răng ở vị trí xung quanh đường viền nướu và làm suy yếu men răng của bạn. Ngoài ra các loại nước này còn chứa lượng đường rất lớn, và dùng nhiều đường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng.
Cuối cùng, nếu hư răng chưa đủ đáng sợ đối với bạn thì thêm một tác hại nữa là nước ngọt có thể làm răng bị xỉn màu, gây mất thẩm mỹ cực kỳ.
Nhưng còn nước ngọt không đường thì sao? Những sản phẩm được dán nhãn “không đường” hoặc “ăn kiêng” có thể mang lại cho chúng ta một số lợi ích như giảm lượng calo, nhưng chúng vẫn chứa các axit có hại làm hỏng men răng.
Cách tốt nhất nếu bạn muốn bảo vệ răng và nướu của mình là hãy loại bỏ hoàn toàn các loại nước ngọt. Nếu bạn đã “nghiện” đồ ngọt từ lâu thì quá trình chuyển đổi sang các loại đồ uống lành mạnh hơn có thể là một thách thức, nhưng loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống của bạn sẽ không chỉ có lợi cho sức khỏe răng miệng mà còn tốt cho cả cơ thể nữa.
12. Hút thuốc lá
Đây có lẽ là thói quen xấu “nổi tiếng” nhất đối với sức khỏe nói chung. Hút thuốc lá làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư, góp phần làm xuất hiện nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa khác. Đặc biệt một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của hút thuốc lá lại xảy ra đối với răng miệng. Xét cho cùng thì răng là nơi đầu tiên tiếp xúc với các thành phần độc hại của khói thuốc mà.
Hút thuốc lá tạo ra nhiều mảng bám trên răng hơn, đẩy nhanh mức độ nghiêm trọng của các bệnh về nướu, và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe răng miệng khác bao gồm bệnh nha chu và mất xương.
Ngoài ra hút thuốc lá cũng gây tình trạng thiếu oxy trong máu, khiến cho những người hút thuốc dễ bị nhiễm trùng hơn và cản trở khả năng cơ thể tự chữa lành vùng nướu bị nhiễm trùng. Đó là chưa kể hút thuốc làm răng bị ố vàng xấu đến mức nào.
Nếu bạn cho rằng dùng loại thuốc lá không khói có lẽ sẽ tốt hơn thì hãy suy nghĩ lại nhé. Chỉ một lon thuốc lá dạng nhai cũng chứa nhiều nicotine hơn 60 điếu thuốc dạng hút. Thuốc lá gây kích ứng mô nướu, làm tụt nướu, lộ chân răng và cuối cùng là sâu răng. Phần chân răng bị lộ ra khỏi nướu có thể gây khó khăn khi ăn uống vì chúng nhạy cảm hơn với nhiệt độ nóng lạnh.
Tệ hơn nữa là đôi khi các nhà sản xuất còn cho thêm đường vào thuốc lá không khói để tăng hương vị, có nghĩa là nguy cơ sâu răng thậm chí còn lớn hơn. Bên cạnh đó thuốc lá cũng thường chứa cát và sạn làm tổn thương răng và nướu.
Có vô số lý do để bạn ngừng hút hoặc nhai thuốc lá, và nếu bạn quan tâm đến sức khỏe răng miệng của mình thì đừng bao giờ mắc phải thói quen xấu này hoặc bỏ nó ngay lập tức. Tất nhiên việc cai thuốc lá không hề dễ dàng với bất cứ ai, nhưng có một số biện pháp hiệu quả để bạn kiềm chế cơn thèm thuốc của mình một cách lâu dài.
Bạn có thể tham khảo các phương pháp giúp cai thuốc lá trong bài viết: Làm thế nào để cai thuốc lá thành công? Hãy áp dụng những lưu ý nhỏ sau đây!
Bỏ ngay những thói quen không lành mạnh trên đây là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bạn, nếu không thì bạn có thể sẽ chịu đau đớn, mất răng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hãy chăm sóc răng miệng và cơ thể mình đúng cách mỗi ngày bạn nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!