Đối với người mắc bệnh tiểu đường, những yếu tố thường được quan tâm trong quá trình theo dõi và điều trị là chế độ ăn và tập luyện thể dục. Nhưng bạn có biết rằng giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết nhé!
Tổng quan về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường luôn nằm trong top những bệnh phổ biến và gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó chiếm tỷ lệ cao là tiểu đường tuýp 2 – tình trạng bệnh mãn tính do kháng insulin.
Insulin là một loại hormone giúp chuyển glucose từ máu vào cơ bắp, mô mỡ, gan và các tế bào khác để sử dụng làm năng lượng. Tình trạng kháng insulin xảy ra khi insulin không thể thực hiện chức năng đưa glucose vào bên trong các tế bào. Điều này dẫn đến làm tăng glucose trong máu, tức tăng đường huyết, là triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tăng đường huyết có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tim, thận và các cơ quan khác.
Bệnh tiểu đường và giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với nhau, và trên thực tế nhiều người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có chất lượng giấc ngủ kém hoặc mất ngủ. Nhưng tin tốt là nếu chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và mức đường huyết hợp lý, người bệnh có thể cải thiện được chất lượng giấc ngủ và cả sức khỏe tổng thể.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Theo ước tính, có khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 gặp vấn đề về giấc ngủ do lượng đường trong máu không ổn định và các triệu chứng khác liên quan đến căn bệnh này. Hiện tượng tăng đường huyết và hạ đường huyết vào ban đêm có thể dẫn đến mất ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Cũng giống như nhiều bệnh mãn tính khác, cảm giác chán nản hoặc căng thẳng do suy nghĩ về bệnh tiểu đường của mình cũng có thể khiến người bệnh khó ngủ vào ban đêm.
Khi lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh thường sẽ đi tiểu nhiều hơn. Những lần đi vệ sinh thường xuyên trong đêm làm cho giấc ngủ bị gián đoạn. Ngoài ra lượng đường trong máu tăng cao cũng có thể gây đau đầu, tăng cảm giác khát và mệt mỏi, có thể cản trở việc đi vào giấc ngủ.
Ngược lại, nhịn ăn quá lâu hoặc uống thuốc điều trị tiểu đường sai cách cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu hạ thấp vào ban đêm. Người bệnh có thể gặp ác mộng, đổ mồ hôi, cảm thấy khó chịu hoặc không tỉnh táo khi thức dậy.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ hoặc bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào khác thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, tìm nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị để kiểm soát đường huyết của bạn ổn định hơn.
Giấc ngủ kém chất lượng ảnh hưởng đến mức đường huyết như thế nào?
Không chỉ bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, mà ở chiều ngược lại, các vấn đề về giấc ngủ dường như cũng đóng vai trò không nhỏ đối với bệnh này. Các nghiên cứu đã cho thấy giấc ngủ kém có liên quan đến lượng đường huyết tăng cao ở những người mắc tiểu đường và tiền tiểu đường.
Tuy nhiên một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến mối liên quan này. Các nhà khoa học cho rằng ngủ kém tác động đến mức đường huyết thông qua các hormone insulin, cortisol và tình trạng stress oxy hóa.
Khoảng 1/4 số người mắc bệnh tiểu đường cho biết họ ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 8 tiếng mỗi đêm, điều này khiến họ có nguy cơ bị tăng đường huyết cao hơn. Ngoài việc làm tăng lượng đường trong máu ở những người đã mắc bệnh, thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng kháng insulin ở những người bình thường, và mối liên quan này đã thể hiện rõ ràng ngay ở độ tuổi nhỏ.
Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thói quen ngủ muộn hoặc thất thường có liên quan với lượng đường huyết cao hơn, ngay cả ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên có thể có các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến điều này, chẳng hạn như những người đi ngủ không điều độ cũng hay có chế độ ăn uống thất thường không tốt cho sức khỏe.
Thiếu ngủ làm tăng nồng độ ghrelin (hormone gây đói) và giảm mức leptin – hormone gây no. Để bù đắp cho tình trạng thiếu năng lượng, những người ngủ không ngon giấc thường tìm đến các loại đồ ăn vặt làm tăng lượng đường trong máu và khiến họ dễ bị béo phì, cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Những người mắc tiểu đường tuýp 2 bị rối loạn giấc ngủ hoặc thường xuyên thức đêm cũng có thể ít tuân theo các hướng dẫn khác liên quan đến tình trạng bệnh của mình, chẳng hạn như tập thể dục đầy đủ và theo dõi chặt chẽ mức đường huyết.
Ngoài những ảnh hưởng tức thời đến lượng đường trong máu, giấc ngủ kém có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Những người phải dùng đến thuốc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc thường có tâm lý lo lắng nghiêm trọng. Cũng có các bằng chứng sơ bộ cho thấy những người bị tiểu đường không ngủ đủ giấc có thể có nguy cơ cao mắc chứng suy giảm nhận thức khi về già.
Những rối loạn giấc ngủ nào thường gặp ở người bị tiểu đường?
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao bị rối loạn giấc ngủ, phổ biến nhất là hội chứng chân không yên và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Hội chứng chân không yên (Restless legs syndrome – RLS)
Khoảng 1/5 số người bệnh tiểu đường tuýp 2 mắc hội chứng này, biểu hiện là cảm giác ngứa ran hoặc khó chịu ở chân khiến họ khó đi vào giấc ngủ. Người bệnh tiểu đường cũng có thể mắc một tình trạng khác được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi, tức là sự tổn thương các dây thần kinh với triệu chứng rất giống RLS, bao gồm tê bì, ngứa và đau ở tay chân.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị, tránh tổn thương dây thần kinh về lâu dài.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea – OSA)
Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó cơ thể sẽ ngừng thở trong giây lát theo từng khoảng lặp đi lặp lại suốt đêm. Trong hầu hết các trường hợp, người mắc OSA không tự nhận thức được vấn đề của mình, mặc dù người nằm cùng giường có thể quan sát thấy họ ngáy và thở hổn hển.
Những nhịp thở bất thường này gây ra các cơn tỉnh giấc cực ngắn, cản trở sự diễn tiến tự nhiên qua các giai đoạn của giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. OSA thường xảy ra ở người thừa cân béo phì vì họ thường có vòng cổ dày hơn, dễ gây tắc nghẽn đường thở.
Tình trạng này có thể được điều trị bằng thiết bị thở áp lực dương liên tục (CPAP) giữ cho đường thở luôn thông thoáng để khôi phục lại nhịp thở bình thường và không làm gián đoạn giấc ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan thế nào đến bệnh tiểu đường?
Mặc dù ngưng thở khi ngủ không trực tiếp gây ra bệnh, nhưng nó là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 và đã được chứng minh là làm tăng tình trạng kháng insulin ngay cả ở những người không bị tiểu đường và không thừa cân.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ ước tính có khoảng ¼ số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mắc chứng OSA, và ¼ nữa mắc các rối loạn về thở khác liên quan đến giấc ngủ. Cả OSA và bệnh tiểu đường tuýp 2 đều có tỷ lệ xuất hiện cao hơn ở những người thừa cân và béo phì. Tuy nhiên OSA dường như có ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin và kiểm soát đường huyết ngay cả khi đã kiểm soát béo phì.
Hội chứng này không chỉ gây gián đoạn giấc ngủ, cản trở giai đoạn ngủ sóng não chậm, mà còn làm tắc nghẽn nguồn cung cấp oxy của cơ thể theo từng đợt. Khi kết hợp với nhau, những tác động này dẫn đến kháng insulin và rối loạn chuyển hóa glucose.
Nhiều nghiên cứu cho thấy điều trị ngưng thở khi ngủ ngắn hạn dường như có tác dụng cải thiện mức đường huyết, trong khi điều trị CPAP dài hạn còn giúp cải thiện cả tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên mối liên hệ này có thể còn phụ thuộc và các yếu tố khác, chẳng hạn như cân nặng của người bệnh.
Cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định rõ hơn bản chất của mối liên hệ này, nhưng rõ ràng sức khỏe thể chất đóng vai trò quan trọng đối với chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh tiểu đường. Sự kết hợp giữa giảm cân và CPAP có thể là cách hiệu quả nhất để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Người bị tiểu đường có thể làm gì để cải thiện các vấn đề về giấc ngủ?
Kiểm soát mức đường huyết một cách cẩn thận có thể giúp cải thiện giấc ngủ cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra do mối quan hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường và giấc ngủ nên thói quen đi ngủ hợp lý là yếu tố đặc biệt quan trọng, bao gồm cả thói quen ban ngày và ban đêm, chẳng hạn như:
- Tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp với mỗi cá nhân giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì thói quen đi ngủ đều đặn
- Tránh các chất kích thích như caffeine hoặc nicotine trước khi đi ngủ
- Giữ cho phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh
Tùy theo tình trạng cá nhân của mỗi người, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ cho bệnh nhân tiểu đường để có giấc ngủ ngon hơn. Họ có thể thực hiện một số phương pháp kiểm tra để xem liệu người bệnh có đang mắc phải rối loạn giấc ngủ hay không, và nếu có thì sẽ được điều trị bằng các liệu pháp thích hợp như máy CPAP.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!