Tất cả các loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép sử dụng hiện nay trên toàn thế giới đều là dạng tiêm bắp, nhưng các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một phương pháp “tiêm ngừa” khác thông qua mũi và miệng. Vậy vaccine dạng hít có hiệu quả thế nào và ưu điểm ra sao?
Vaccine COVID-19 dạng hít rất có tiềm năng
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số hơn 100 loại vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu lâm sàng trên thế giới hiện nay thì có 8 loại là dạng hít qua mũi. Chúng được chế tạo để nhắm vào niêm mạc của vùng mũi và cổ họng, nơi đầu tiên mà virus xâm nhập vào cơ thể. Cũng do đường dùng khác biệt nên vaccine dạng hít cũng tạo ra phản ứng miễn dịch khác với vaccine tiêm bắp.
Hồi cuối tháng 7 vừa qua, công ty CanSino Biologics của Trung Quốc đã công bố kết quả thử nghiệm vaccine dạng hít mang tên Ad5-nCoV do chính nước này chế tạo. Vaccine này ở dạng tiêm đã được cấp phép sử dụng trong nước cũng như ở Mexico và Pakistan, tiêm 1 mũi duy nhất.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy vaccine này tạo phản ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Thử nghiệm được tiến hành bởi công ty CanSino cùng với các viện khoa học: hai lần hít vaccine cách nhau 28 ngày, với liều lượng bằng 1/5 vaccine dạng tiêm, kết quả tạo ra kháng thể trung hòa tương đương với một mũi tiêm thông thường.
Trong một chương trình trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các nhà nghiên cứu đã giải thích cách dùng vaccine của CanSino bằng một dụng cụ dạng ống đặc biệt. Có 130 người tham gia vào thử nghiệm, trong đó có một nhóm được tiêm một mũi vaccine rồi 28 ngày sau được nhắc lại bằng một liều dạng hít. Theo báo cáo, ở nhóm người này đã xuất hiện phản ứng kháng thể trung hòa mạnh.
Kết quả thử nghiệm này đã được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet về bệnh truyền nhiễm: “Tóm lại, việc hít khí dung Ad5-nCoV không gây đau đớn, đơn giản, dung nạp tốt và tạo được miễn dịch.” Thành công bước đầu này cho phép các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine dạng hít giai đoạn 2 và 3, hy vọng cuối cùng có thể đưa vào sử dụng trong thực tế.
Vaccine dạng hít tạo miễn dịch như thế nào?
Vaccine dạng tiêm truyền thống tạo ra phản ứng miễn dịch trên toàn cơ thể, trong khi đó vaccine dạng hít tiếp xúc trực tiếp với mục tiêu là bề mặt niêm mạc ở mũi, họng và phổi. Đó là những vị trí virus xâm nhập đầu tiên, và phản ứng miễn dịch tại đó được gọi là miễn dịch tại chỗ.
Các kháng thể được tạo ra trong phản ứng này hơi khác so với kháng thể trong máu khi dùng vaccine tiêm: chúng được gọi là immunoglobulin A (IgA), có vai trò rất quan trọng chống lại các tác nhân nhiễm trùng đường hô hấp.
Đây không phải lần đầu tiên vaccine dạng hít được chế tạo và thử nghiệm. Hồi những năm 1960-1970 đã có các nghiên cứu cho thấy vaccine hít ngừa cúm và sởi cũng có tác dụng bảo vệ đối với các bệnh này.
Vaccine hít có ưu điểm gì so với vaccine tiêm?
Vaccine dạng tiêm thường đòi hỏi bảo quản lạnh và nhân viên y tế có kỹ năng sử dụng thành thạo – đối với các nước không có điều kiện kỹ thuật tốt và vùng sâu vùng xa thì đây là vấn đề khó khăn. Trái lại, vaccine dạng hít có thể được sử dụng đơn giản bằng các dụng cụ dùng một lần, nhân viên y tế có thể thao tác dễ dàng, do đó giúp “phủ sóng” vaccine trên diện rộng nhanh hơn.
Vaccine này cũng có thể trấn an những người sợ kim tiêm. Trong chương trình của đài CCTV nói trên, nhà khoa học Hou Lihua đang nghiên cứu vaccine dạng hít của CanSino cho biết nó có thể “làm tăng đáng kể” sự chấp nhận tiêm vaccine của mọi người. Ngoài ra vaccine dạng hít được dùng với liều lượng ít hơn nhiều so với dạng tiêm, do đó có thể sản xuất số lượng lớn nhanh hơn.
Ngoài vaccine của CanSino, các giáo sư tại Đại học Hong Kong cũng đang thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng hít khác. Hồi tháng 3 năm nay họ cho biết vaccine dạng tiêm có thể tạo phản ứng miễn dịch toàn thân nhưng không rõ miễn dịch này được đưa tới đường hô hấp hiệu quả đến đâu. Trong khi đó vaccine dạng xịt mũi được chế tạo đặc biệt để gây miễn dịch ở đường hô hấp và các thí nghiệm trên động vật cho thấy nó cũng có thể tạo miễn dịch toàn thân. Các chuyên gia cho rằng vaccine hít cũng ít gây phản ứng phụ hơn.
Vaccine hít có nhược điểm gì không?
Các chuyên gia cho rằng vaccine hít khi được bảo quản ở dạng bột khô có thể giữ được lâu hơn nhiều so với dạng lỏng dùng để tiêm. Nhưng độ bền của loại vaccine này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Thử nghiệm của CanSino không phát hiện thấy tác dụng phụ nghiêm trọng ở giai đoạn 1, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng đó.
Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng, mặc dù miễn dịch ngay tại bề mặt niêm mạc có thể bảo vệ đường hô hấp khỏi mầm bệnh, nhưng nó cũng có thể gây tổn thương phổi hoặc làm cho tác động của mầm bệnh nặng nề thêm nếu phản ứng quá mạnh.
Vaccine COVID-19 dạng hít đang được thử nghiệm ở nhiều nơi khác
Trên thực tế, loại vaccine này còn khá mới mẻ và chủ yếu được dùng trong bệnh cúm, nhưng ngày càng có nhiều kế hoạch nghiên cứu chế tạo vaccine hít để đối phó với COVID-19. Các giáo sư tại Đại học Hong Kong như đã nói ở trên đang phát triển vaccine hít ngừa cúm và COVID-19. Đại học Oxford cũng đang nghiên cứu phản ứng miễn dịch khi dùng dạng hít vaccine COVID-19 của họ kết hợp với AstraZeneca sản xuất.
Một thử nghiệm khác tại Anh đang được tiến hành để kiểm tra tính an toàn và đáp ứng miễn dịch của COVI-VAC, loại vaccine tiêm 1 mũi duy nhất do công ty Codagenix của Mỹ sản xuất. Các loại vaccine tương tự cũng đang được thử nghiệm ở Australia và Ấn Độ. Nhưng có một loại vaccine hít của một công ty Mỹ đã không đạt yêu cầu do phản ứng miễn dịch tạo ra không đủ mạnh.
Đáng chú ý là Công ty Dược phẩm Sinh học Wantai Bắc Kinh của Trung Quốc đã lên kế hoạch thử nghiệm quy mô lớn đối với vaccine COVID-19 dạng xịt mũi vào tháng tới. Theo thông tin đăng ký, họ sẽ tuyển 40.000 người tình nguyện cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó người tham gia sẽ được dùng 2 liều vaccine hít cách nhau 2 tuần.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!