Dị ứng là phản ứng của cơ thể với các chất bình thường vô hại như phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, cao su, thực phẩm và vết đốt của côn trùng. Các triệu chứng dị ứng rất đa dạng từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy có những loại dị ứng nào, phương pháp điều trị và phòng ngừa ra sao?
Dị ứng là gì?
Dị ứng là phản ứng của cơ thể với một chất nào đó mà nó coi là “kẻ lạ mặt” có hại. Ví dụ khi tiếp xúc với những chất vốn bình thường vô hại như phấn hoa có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng lại. Các chất gây ra phản ứng này được gọi là chất gây dị ứng.
Phản ứng dị ứng là gì?
“Phản ứng dị ứng” là cách cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng, bao gồm một chuỗi các hiện tượng hóa học và sinh học diễn ra bên trong cơ thể.
Ở người có cơ địa dễ bị dị ứng, lần đầu tiên tiếp xúc với chất gây dị ứng nào đó (như phấn hoa), cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể dị ứng (IgE). Các kháng thể này có chức năng tìm ra các chất gây dị ứng và giúp loại bỏ chúng khỏi cơ thể, khi đó một chất hóa học gọi là histamine được giải phóng và gây ra các triệu chứng dị ứng.
Các kiểu dị ứng thường gặp
Rất nhiều loại chất có thể gây dị ứng bao gồm phấn hoa, lông động vật, nấm mốc và mạt bụi.
Dị ứng phấn hoa
Viêm mũi dị ứng theo mùa, hay sốt cỏ khô, là phản ứng dị ứng với phấn hoa gây viêm sưng niêm mạc mũi và lớp mô bảo vệ mắt (kết mạc).
Các triệu chứng bao gồm hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, mũi và miệng. Các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc kháng histamine có kê đơn hoặc không, thuốc kháng leukotriene, steroid đường mũi, thuốc kháng histamine dùng cho mũi và cromolyn nhỏ mũi. Ở một số người, các triệu chứng hen suyễn dị ứng (thở khò khè, khó thở, ho hoặc tức ngực) có thể xuất hiện khi tiếp xúc với phấn hoa.
Có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với phấn hoa. Hãy ở trong nhà khi đến mùa phấn hoa nhiều, đóng cửa sổ và bật máy lạnh. Bạn có thể hỏi bác sĩ về liệu pháp miễn dịch (“tiêm phòng dị ứng”) để tránh bị dị ứng phấn hoa trong tương lai.
Dị ứng với mạt bụi
Mạt bụi là những sinh vật cực nhỏ sống trong bụi và trong sợi vải của các đồ vật trong nhà như gối, nệm, thảm và vải bọc. Mạt bụi phát triển ở những nơi ấm áp, ẩm ướt.
Các triệu chứng của dị ứng mạt bụi tương tự như dị ứng phấn hoa. Để khắc phục tình trạng này, hãy sử dụng bao bọc mạt bụi (bao phủ bằng nhựa hoặc polyurethane kín khí) bọc vào gối và nệm. Nên thay thảm hoặc hút bụi thường xuyên bằng máy hút có bộ lọc tốt.
Điều trị dị ứng mạt bụi có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng ở mũi, mắt và ngực. Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu triệu chứng không thuyên giảm khi đã áp dụng các phương pháp tránh mạt bụi và dùng thuốc.
Dị ứng nấm mốc
Nấm mốc là những loại nấm nhỏ (như Penicillium) sinh ra các bào tử bay lơ lửng trong không khí giống như phấn hoa. Nấm mốc là nguyên nhân phổ biến gây dị ứng, có thể sống trong nhà ở những nơi ẩm ướt như tầng hầm, nhà bếp hoặc phòng tắm, hoặc ở ngoài trời trên bãi cỏ, đống lá, cỏ khô, nấm. Bào tử nấm mốc tăng cao khi thời tiết nóng ẩm.
Điều trị dị ứng nấm mốc có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng ở mũi, mắt và ngực. Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu triệu chứng không thuyên giảm khi đã áp dụng các phương pháp tránh nấm mốc và dùng thuốc.
Dị ứng lông động vật
Phản ứng dị ứng có thể do các protein từ tuyến mồ hôi trên da động vật tiết ra dính trên lông bị rụng hoặc do các protein trong nước bọt của động vật. Các biện pháp tránh lông động vật thường không hiệu quả nên cách duy nhất là không nuôi chúng.
Tuy nhiên nhiều người không muốn như vậy nên có thể áp dụng cách khác là không cho thú cưng vào phòng ngủ, dùng máy làm sạch không khí với bộ lọc HEPA và tắm rửa cho thú cưng thường xuyên.
Điều trị dị ứng lông động vật có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng. Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi đã cố gắng tránh lông động vật và dùng thuốc.
Dị ứng nhựa mủ
Một số người bị dị ứng mủ cao su sau khi tiếp xúc nhiều lần với nó. Găng tay cao su như dùng trong phẫu thuật hoặc dọn dẹp nhà cửa là nguồn chủ yếu gây ra loại phản ứng này. Phát ban da, nổi mề đay, chảy nước mắt và kích ứng, thở khò khè và ngứa da là triệu chứng có thể xảy ra nếu bị dị ứng mủ.
Phản ứng với nhựa mủ có thể nhẹ như mẩn đỏ và ngứa da. Phản ứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nếu niêm mạc bị tổn thương như khi phẫu thuật, khám nha khoa hoặc phụ khoa.
Xử lý phản ứng với nhựa mủ bằng cách loại bỏ các sản phẩm từ nhựa mủ. Không có cách chữa khỏi chứng dị ứng này, vì vậy tốt nhất là phòng tránh ngay từ đầu.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với một loại thực phẩm cụ thể nào đó. Phản ứng xảy ra trong vòng vài phút sau khi ăn và triệu chứng có thể rất nghiêm trọng. Ở người lớn, thực phẩm gây dị ứng phổ biến là hải sản có vỏ, đậu phộng và các loại hạt, còn ở trẻ em là sữa, trứng, đậu nành, lúa mì, hải sản có vỏ, đậu phộng và các loại hạt.
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm ngứa, nổi mề đay, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và sưng tấy quanh miệng.
Điều cực kỳ quan trọng là tránh các loại thực phẩm gây dị ứng. Bác sĩ có thể kê đơn epinephrine (adrenaline) dạng tiêm để bạn luôn mang theo bên mình, điều này rất cần thiết trong trường hợp bạn vô tình ăn phải thực phẩm gây dị ứng. Có những liệu pháp mới cho dị ứng đậu phộng được gọi là liệu pháp miễn dịch đường uống.
Dị ứng với nọc độc côn trùng
Khi bị ong đốt, phản ứng bình thường bao gồm đau, sưng và tấy đỏ xung quanh vết đốt. Phản ứng tại chỗ nặng là khi sưng tấy lan ra ngoài vị trí bị đốt, ví dụ nếu bạn bị đốt ở mắt cá chân nhưng bị sưng ở cả bàn chân hoặc lan lên trên.
Phản ứng nghiêm trọng nhất đối với vết đốt của côn trùng là dị ứng, khi đó cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng bao gồm:
- Khó thở
- Phát ban toàn thân (lan rộng) dưới dạng phát ban đỏ, ngứa, lan ra các khu vực khác ngoài chỗ bị đốt
- Sưng mặt, cổ họng hoặc mô miệng
- Thở khò khè, khó nuốt
- Bồn chồn, lo lắng
- Mạch nhanh
- Chóng mặt, tụt huyết áp
Các triệu chứng này cảnh báo vết đốt có thể gây phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Loại dị ứng này được điều trị bằng epinephrine (adrenaline). Nếu bạn đã từng bị dị ứng với ong đốt, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng – miễn dịch để được kiểm tra da và xét nghiệm máu. Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu bác sĩ xác nhận bạn đã dị ứng với nọc độc. Liệu pháp này giúp giảm khả năng vết đốt tái phát gây phản ứng nghiêm trọng.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Các triệu chứng dị ứng mũi và sốt cỏ khô được gọi là “viêm mũi dị ứng”. Viêm mũi dị ứng theo mùa là hiện tượng thay đổi theo mùa do phấn hoa từ cây cối hoặc cỏ dại. Các triệu chứng xuất hiện trong mùa thụ phấn của các loại cây cụ thể. Vì một người có thể bị dị ứng với nhiều thứ nên các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn vào một số thời điểm trong năm.
Dị ứng phổ biến như thế nào?
Hầu hết các trường hợp dị ứng là do di truyền, tức là từ cha mẹ truyền sang con cái. Hơn 50 triệu người Mỹ (1/6 dân số) bị dị ứng, bao gồm dị ứng trong nhà – ngoài trời, thực phẩm và thuốc, cao su, côn trùng, dị ứng da và mắt. Số người bị dị ứng liên tục tăng ở mọi lứa tuổi, giới tính và chủng tộc.
Các mức độ triệu chứng của dị ứng
Triệu chứng dị ứng được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng:
- Phản ứng nhẹ bao gồm các triệu chứng cục bộ (ảnh hưởng đến một vùng nhỏ trên cơ thể) như phát ban hoặc nổi mề đay, ngứa ngáy, chảy nước mắt, đỏ mắt, sốt cỏ khô và chảy nước mũi. Các phản ứng này không lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
- Phản ứng vừa phải là triệu chứng lan sang các bộ phận khác, bao gồm ngứa ngáy, phát ban hoặc sưng tấy, khó thở.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ, là trường hợp khẩn cấp hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng, trong đó phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng rất đột ngột và ảnh hưởng toàn thân. Sốc phản vệ có thể bắt đầu với ngứa mắt hoặc ngứa mặt dữ dội. Trong vòng vài phút, các triệu chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện như sưng cổ họng (có thể gây khó nuốt, khó thở), đau bụng, chuột rút, nôn ói, tiêu chảy, nổi mề đay, sưng tấy (phù mạch). Người bệnh có thể bị lú lẫn hoặc chóng mặt nếu sốc phản vệ gây tụt huyết áp.
Nguyên nhân gây dị ứng là gì?
Bất cứ thứ gì bạn tiếp xúc mà cơ thể coi là “kẻ lạ mặt có hại” đều có thể gây dị ứng. Các chất bình thường vô hại nhưng là nguyên nhân phổ biến gây dị ứng bao gồm phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, bụi, thực phẩm, nọc độc côn trùng, mủ cao su,…
Bản chất các triệu chứng dị ứng là kết quả của một chuỗi các phản ứng của cơ thể đối với “kẻ lạ mặt có hại”. Cơ thể phát hiện ra vật lạ, tạo ra kháng thể để chống lại nó đồng thời giải phóng histamine gây ra triệu chứng dị ứng.
Chẩn đoán dị ứng như thế nào?
Nếu bạn nghĩ mình đã bị dị ứng thì đừng chờ đợi xem triệu chứng có tự hết hay không. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 1-2 tuần và có dấu hiệu tái phát thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng – miễn dịch.
Xét nghiệm chẩn đoán dị ứng trên da có thể được sử dụng để xác định chất nào gây ra các triệu chứng dị ứng của bạn. Cách thực hiện là dùng một chất chiết xuất từ chất gây dị ứng châm vào da, sau đó kiểm tra phản ứng của da.
Nếu không thể thực hiện xét nghiệm dị ứng trên da thì có thể lấy máu xét nghiệm nhưng không nhạy bằng xét nghiệm trên da. Xét nghiệm máu giúp đánh giá số lượng kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra. Càng nhiều kháng thể cho thấy khả năng dị ứng càng cao.
Dị ứng được điều trị như thế nào?
Mặc dù tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng là điều quan trọng nhưng thường không giải quyết hoàn toàn vấn đề dị ứng. Các loại thuốc như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, hoặc kết hợp thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng.
Thuốc xịt mũi như steroid tại chỗ, cromolyn sodium và thuốc kháng histamine bôi tại chỗ cũng có thể giảm triệu chứng dị ứng. Thuốc điều trị hen suyễn làm giảm các triệu chứng dị ứng ở hệ hô hấp, bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản dạng hít
- Steroid dạng hít
- Thuốc giãn phế quản đường uống (theophylline)
- Thuốc kháng leukotriene đường uống (montelukast và zileuton)
- Thuốc tiêm như omalizumab, Dupilumab, reslizumab, benralizumab hoặc Mepolizumab
Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi đã áp dụng các phương pháp phòng tránh và dùng thuốc thường xuyên. Liệu pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả ở những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn dị ứng.
Một lựa chọn điều trị khác là bộ dụng cụ rửa mũi. Những bộ dụng cụ này không cần kê đơn hoặc có thể tự làm tại nhà. Cách làm nước súc rửa là cho nửa thìa cà phê muối không iốt với nửa thìa cà phê muối nở (baking soda) trong 250 ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội. Dung dịch này giúp rửa sạch các chất gây dị ứng và giảm phản ứng viêm (phù nề).
Dị ứng có chữa khỏi được không?
Dị ứng không thể chữa khỏi, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng cách kết hợp các biện pháp phòng tránh và thuốc, cũng như liệu pháp miễn dịch trong những trường hợp được cân nhắc kỹ càng.
Nhớ theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thông tin về sức khỏe nhé!
- 8 dấu hiệu trên da có thể là triệu chứng bệnh viêm gan C – Đừng chủ quan với những cảnh báo này!