Chứng hay quên là biểu hiện bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Chấn thương não hoặc các bệnh về não có thể dẫn đến một dạng đãng trí nghiêm trọng được gọi là chứng hay quên. Triệu chứng điển hình có thể là quên thông tin cũ, không thể nhớ thông tin mới, hoặc cả hai. Mặc dù trong phim thường miêu tả những người bị chứng hay quên là sẽ quên tất cả mọi thứ, kể cả danh tính của họ, nhưng điều đó chỉ xảy ra trong những trường hợp rất hiếm gặp.

Chứng hay quên (hội chứng mất trí nhớ) là gì?

Chứng hay quên là một dạng mất trí nhớ nghiêm trọng, khiến người ta không thể nhớ lại thông tin trong quá khứ (quên ngược dòng) hoặc không thể nắm bắt thông tin mới (quên thuận chiều). Thuật ngữ Amnesia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “hay quên”.

Chứng hay quên là một dạng mất trí nhớ nghiêm trọng (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên chứng hay quên phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều so với đãng trí hàng ngày. Quên những món đồ mà mẹ bạn nhờ mua ở cửa hàng tạp hóa là chuyện “bình thường”. Nhưng nếu bạn đã kết hôn nhưng lại quên mất điều đó thì có thể là dấu hiệu của chứng hay quên.

Chứng hay quên thường được miêu tả trong các bộ phim và chương trình truyền hình. Các nhân vật hư cấu bị mất trí nhớ thường sẽ quên mất toàn bộ danh tính của họ, thậm chí không thể nhớ tên tuổi của mình. May mắn thay, chứng hay quên trong đời thực thường không quá nghiêm trọng như vậy.

Tình trạng này có thể xảy ra trong nhiều chứng rối loạn thần kinh phổ biến như bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ, đột quỵ và chấn thương sọ não, cũng như các bệnh toàn thân khác ảnh hưởng đến não.

Trí nhớ hình thành như thế nào?

Trí nhớ là khả năng lưu giữ và gợi lại thông tin từ quá khứ. Trí nhớ làm việc thông qua 3 giai đoạn chính: mã hóa, lưu trữ và truy xuất.

  1. Mã hóa: Bộ não nhận thông tin mới và tạo ra các kết nối để biểu thị thông tin đó. Những kết nối này có thể liên kết với thông tin khác đã được lưu trong trí nhớ. Đối với nhiều loại thông tin, bạn phải tập trung chú ý để mã hóa một cách chính xác.
  2. Lưu trữ: Những kết nối đã hình thành trước đó được duy trì trong não, ngay cả khi bạn không sử dụng chúng.
  3. Truy xuất: Bộ não tái tạo hoặc kích hoạt các kết nối đại diện cho thông tin đã được mã hóa trước đó, và bạn có thể nhớ lại hoặc nhận ra thông tin đó từ quá khứ.

Đây là một mô tả đơn giản về trí nhớ. Trên thực tế chúng không hoàn hảo như ta nghĩ. Ví dụ, nhân chứng của một vụ cướp có thể nhớ rằng tên cướp đã mặc áo sơ mi màu xanh lam trong khi thực tế là hắn mặc áo màu xanh lá. Sự nhầm lẫn này chỉ đơn giản là quên mất chứ không phải là triệu chứng của bệnh hay quên.

Triệu chứng của sa sút trí tuệ (Ảnh: Internet).

Có nhiều loại trí nhớ khác nhau. Dưới đây là 2 yếu tố liên quan để hiểu về chứng hay quên:

  • Trí nhớ quy nạp/Trí nhớ rõ ràng (Declarative/Explicit): Sự hiểu biết về các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày. Chứng hay quên có thể xóa mất những ký ức này.
  • Trí nhớ bất quy nạp/Trí nhớ ẩn (Nondeclarative/Implicit): Những kiến thức không có ý thức. Chứng hay quên sẽ không xóa được những ký ức “ăn sâu” này. Nếu bị mất trí nhớ, bạn vẫn sẽ nhớ cách đi bộ hoặc đi xe đạp.

Các vùng não liên quan đến trí nhớ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại trí nhớ đang hình thành và nó có thể được lưu trữ trong bao lâu.

  • Trí nhớ ngắn hạn: Trí nhớ ngắn hạn sẽ tồn tại miễn là bạn còn giữ thông tin trong đầu – thường từ 5 đến 30 giây. Trong thời gian này, bạn có thể sắp xếp trung bình 7 phần thông tin – ví dụ: 7 chữ cái, 7 từ hoặc 7 số. Thùy trán và thùy đỉnh của não rất quan trọng đối với loại trí nhớ này.
  • Trí nhớ dài hạn: Kéo dài từ một phút đến suốt đời. Về lý thuyết, không có giới hạn cho loại trí nhớ này. Tuy nhiên khả năng nhớ lại thông tin thì có giới hạn. Hồi hải mã và các thùy thái dương xung quanh của não là những khu vực quan trọng để lưu trữ và truy xuất thông tin trong thời gian dài. Tuy nhiên trí nhớ dài hạn liên quan đến nhiều vùng não và khi bị tổn thương nhiều vùng khác nhau của não có thể gây ra chứng hay quên.

Trí nhớ được lưu trữ ở nhiều vùng khác nhau của bộ não (Ảnh: Internet).

Các loại chứng hay quên

Có nhiều tên gọi khác nhau cho chứng hay quên và các hội chứng mất trí nhớ. Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến:

  • Chứng hay quên ngược dòng: Không thể nhớ lại những ký ức đã hình thành trước sự kiện gây ra chứng hay quên, thường ảnh hưởng đến những ký ức trong quá khứ được lưu trữ gần đây, không phải những ký ức từ nhiều năm trước.
  • Chứng hay quên thuận chiều: Không thể hình thành ký ức mới sau sự kiện gây ra chứng hay quên. Loại này phổ biến hơn nhiều so với chứng hay quên ngược dòng.
  • Chứng hay quên sau chấn thương: Xảy ra ngay sau một chấn thương đáng kể ở vùng đầu, có thể là chứng hay quên ngược dòng, chứng hay quên thuận chiều hoặc cả hai.
  • Chứng hay quên toàn thể thoáng qua: Hội chứng mất trí tạm thời kết hợp cả chứng hay quên ngược dòng và chứng hay quên thuận chiều cùng lúc. Biểu hiện là mất trí nhớ đột ngột và chỉ kéo dài tối đa 24 giờ.
  • Chứng hay quên sơ sinh: Đây là thuật ngữ được sử dụng để mô tả thực tế là mọi người không thể nhớ lại ký ức về các sự kiện thời thơ ấu. Không có mấy người có thể nhớ được các sự kiện từ trước 3-5 tuổi vì các vùng não hỗ trợ trí nhớ vẫn chưa hoàn thiện.
  • Chứng mất trí nhớ phân ly/Chứng hay quên do tâm lý: Một dạng rối loạn tâm thần làm mất trí nhớ sau một chấn thương đáng kể, “xóa” hết tất cả các thông tin cá nhân và sự cố đau thương khỏi trí nhớ.

Nguyên nhân nào gây ra chứng hay quên?

Suy giảm trí nhớ có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tâm thần nghiêm trọng (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân của chứng hay quên được chia thành 2 loại: thần kinh và cơ năng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.

Chứng hay quên thần kinh

  • Chấn thương do tai nạn xe, chơi thể thao, ngã từ trên cao, vật thể xuyên qua (súng đạn),…
  • Bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác
  • Đột quỵ
  • Động kinh
  • U não
  • Viêm não
  • Bệnh Lyme
  • Bệnh giang mai
  • HIV/AIDS
  • Thiếu oxy
  • Tim ngừng đập
  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Nghiện rượu mãn tính
  • Thiếu vitamin B1 (thiamine) hoặc B12 (cyanocobalamin)
  • Bức xạ
  • Corticosteroid tăng cao

Chứng mất trí cơ năng (chức năng)/tâm lý/phân ly

Đây là dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp hơn chứng hay quên thần kinh. Nó không liên quan đến bất kỳ chấn thương hoặc bệnh nào đã biết mà dường như xảy ra do sang chấn tinh thần. Đây thường là kiểu quên ngược dòng (không thể nhớ thông tin quá khứ), đôi khi nghiêm trọng đến mức quên mất danh tính của bản thân.

Mất trí nhớ có thể nghiêm trọng đến mức quên mất chính mình (Ảnh: Internet).

Chứng hay quên kéo dài bao lâu? Có vĩnh viễn không?

Chứng hay quên có thể kéo dài ở nhiều mức độ:

  • Tạm thời, chẳng hạn như khi não phục hồi lại sau một chấn thương ở đầu.
  • Vĩnh viễn và không thay đổi, chẳng hạn như sau một căn bệnh nghiêm trọng như viêm não hoặc đột quỵ.
  • Tiến triển, ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như đãng trí tăng dần do các bệnh sa sút trí tuệ.

Chứng hay quên và Alzheimer, sa sút trí tuệ có giống nhau không?

Chúng không giống nhau. Chứng hay quên chỉ là một triệu chứng trong khi sa sút trí tuệ là một căn bệnh, giống như sự khác nhau giữa sốt (triệu chứng) và cúm (bệnh). Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ.

Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) có giống với chứng hay quên không?

Không, MCI không phải là chứng hay quên. Chẩn đoán MCI có nghĩa là suy giảm nhẹ về trí nhớ hoặc các kỹ năng tư duy khác không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Khoảng 15% đến 20% người lớn từ 65 tuổi trở lên sẽ mắc phải MCI.

Bệnh nhân mắc chứng hay quên có mất khả năng vận động không?

Kỹ năng vận động thuộc dạng trí nhớ bất quy nạp. Những người bị chứng hay quên không mất các kỹ năng vận động đã học được, đó là những kỹ năng đòi hỏi sự vận động phối hợp của các cơ. “Cũng giống như đi xe đạp” là câu nói dùng để ví von những hoạt động đã thuộc lòng đến mức dễ nhớ và dễ lặp lại.

Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những người mắc chứng hay quên sẽ học các kỹ năng vận động với tốc độ tương đương như người khỏe mạnh bình thường.

Những kỹ năng như đạp xe rất khó bị mất đi (Ảnh: Internet).

Chứng hay quên có làm thay đổi tính cách của bệnh nhân không?

Không. Thay đổi nhân cách chỉ có thể xảy ra khi các vùng não kiểm soát tính cách và hành vi cũng bị tổn thương.

Chứng hay quên ảnh hưởng đến người nghiện rượu thế nào?

Rượu có thể khiến não không hình thành được ký ức mới. Hai loại mất trí có thể xảy ra với những người nghiện rượu nặng là mất trí nhớ và chứng hay quên.

Những người nghiện rượu nặng có chế độ ăn uống không lành mạnh có nguy cơ mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff (chứng hay quên do rượu), thường xảy ra ở những người từ 30 tuổi đến 70 tuổi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng rượu ngăn cản cơ thể sử dụng vitamin B1, một chất quan trọng đối với trí nhớ. Hội chứng Wernicke-Korsakoff có thể gây tổn thương nặng nề vĩnh viễn cho não lên đến 80%. Hội chứng do rượu gây ra này biểu hiện bằng chứng hay quên trầm trọng, có thể nhầm lẫn hoặc “tạo ra” những ký ức rất bất thường.

Chẩn đoán chứng hay quên như thế nào?

Bác sĩ có thể đánh giá trí nhớ của người bệnh thông qua nói chuyện và đưa ra thông tin rồi quan sát mức độ ghi nhớ thông tin đó, hoặc khả năng nhớ lại thông tin trong quá khứ. Họ có thể tham khảo ý kiến của những người thân quen của bệnh nhân để tìm hiểu tình trạng trong cuộc sống hàng ngày như thế nào.

Chứng hay quên có thể xảy ra với bất kỳ ai (Ảnh: Internet).

Để xác định nguyên nhân của chứng hay quên, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo vitamin B1, B12 và hormone tuyến giáp, có thể chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để tìm dấu hiệu tổn thương não, chẳng hạn như khối u hoặc đột quỵ. Điện não đồ có thể được dùng để kiểm tra động kinh, chọc dịch não tủy có thể được chỉ định để tìm nhiễm trùng thần kinh, một nguyên nhân gây mất trí nhớ.

Điều trị chứng hay quên như thế nào?

Không có thuốc nào chữa khỏi hoàn toàn chứng hay quên, nhưng có thể cải thiện khi não phục hồi trong một số điều kiện nhất định. Khi mất trí nhớ kéo dài, có những kỹ năng bạn có thể học để bù đắp lại.

Phục hồi nhận thức liên quan đến việc dạy các kỹ năng mới cho bệnh nhân mắc chứng hay quên thuận chiều. Có thể áp dụng các mẹo nhỏ (viết những điều cần nhớ vào một tấm bảng) hoặc công nghệ (báo thức qua điện thoại di động và lời nhắc cho các công việc thường ngày như uống thuốc).

Khi mất trí nhớ dai dẳng, có những kỹ năng bạn có thể học để bù đắp (Ảnh: Internet).

Một số nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các loại thuốc thường được dùng cho bệnh nhân Alzheimer, nhưng FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ) vẫn chưa phê duyệt những loại thuốc đó để điều trị chứng hay quên.

Giảm nguy cơ mất trí nhớ bằng cách nào?

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc triệu chứng hay quên bằng cách giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan. Luôn trang bị bảo hộ như thắt dây an toàn khi ngồi trên xe, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp và chơi thể thao, đi giày chắc chắn để không bị ngã,… Nghiên cứu cho thấy có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer với lối sống lành mạnh như:

  • Tập thể dục
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng: Chế độ ăn Địa Trung Hải rất được khuyến khích
  • Duy trì hoạt động trí óc: Tham gia các lớp học và giải câu đố ô chữ
  • Ngủ đủ giấc: Điều trị chứng mất ngủ và chứng ngưng thở khi ngủ nếu có
  • Không hút thuốc lá: Có bằng chứng cho thấy hút thuốc lá làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức
  • Giữ liên lạc với những người thân yêu: Hạnh phúc về mặt xã hội cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất
  • Kiểm soát căng thẳng: Hãy điều trị ngay nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm và lo âu
  • Bảo vệ tim mạch bằng cách giảm cân, giảm huyết áp và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Những người bị chứng hay quên nói chung phải dựa vào gia đình và bạn bè để lấp đầy những khoảng trống trong trí nhớ (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Chứng hay quên có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Kết quả chẩn đoán và điều trị sẽ chính xác hơn khi được bác sĩ khám và xác định nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của chứng hay quên.

Những người bị chứng hay quên nói chung phải dựa vào gia đình và bạn bè để lấp đầy những khoảng trống trong trí nhớ và hỗ trợ các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.

Nhớ theo dõi BloAnChoi để cập nhật thông tin về sức khỏe nhé!

  • Liều vắc xin COVID-19 tăng cường có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *