Xông hơi được xem là một trong những phương pháp “thải độc”, chữa cảm đơn giản của dân gian ta. Trong mùa dịch bệnh, việc xông hơi càng được yêu thích bởi khả năng “thanh lọc” cơ thể, ngăn ngừa cảm cúm, tăng sức đề kháng và hỗ trợ thư giãn, giảm stress hiệu quả. Cùng xem qua cách nấu nước xông hơi chanh, sả, gừng sao cho an toàn và hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé.
Chanh, sả, gừng – Những nguyên liệu tốt cho cơ thể
Xông là phương pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản có từ xa xưa của ông cha ta. Sự nóng ẩm từ hơi nước khi xông hơi giúp các lỗ chân lông giãn nở đồng thời kích thích tuyến mồ hôi hoạt động thông qua quá trình điều tiết thân nhiệt. Cùng với quá trình toát mồ hôi, các chất bẩn, độc tố bên trong cơ thể cũng được bài trừ.
Không đơn giản chỉ là hơi nước nóng ẩm, khi xông, nhiều người còn sử dụng thêm các loại thảo dược, nguyên liệu khác để tăng thêm hiệu quả. Trong đó, chanh, sả, gừng là “bộ ba” thành phần được sử dụng nhiều nhất. Chanh có tác dụng làm sáng da, mịn da, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị mụn. Tinh dầu từ sả có khả năng làm sạch da, trị cảm lạnh, giúp thư giãn, giảm stress. Gừng có công dụng kháng viêm, hỗ trợ dưỡng sáng da và chống oxy hóa hiệu quả.
Nguyên liệu để nấu nước xông chanh, sả, gừng
Nguyên liệu
- Nước: 1 lít
- Chanh: 1 quả
- Sả: 5-8 củ
- Gừng: 1 củ
Sơ chế nguyên liệu trước khi nấu
- Chanh rửa sạch, thái lát mỏng hoặc .
- Sả rửa sạch, cắt khúc khoảng 10cm, đập dập.
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
Nấu nước, xông hơi chanh, sả, gừng đúng cách
Bước 1: Cho chanh, sả, gừng vào nồi nước rồi đun sôi. Sau khi nước sôi, vặn nhỏ lửa và để thêm từ 5-7 phút để tinh dầu từ chanh, sả, gừng ra nhiều hơn.
Bước 2: Rửa sạch mặt và dùng khăn ẩm vệ sinh cơ thể để việc xông hơi được hiệu quả hơn.
Bước 3: Đặt nồi nước xông hơi vừa nấu trước mặt, lấy 1 cái khăn/chăn cẩn thận trùm kín đầu/người và nồi nước xông để hơi nóng không thoát ra ngoài quá nhiều.
Bước 4: Sau khi xông hơi khoảng 10 phút thì ngừng, rửa lại mặt bằng nước ở nhiệt độ thường và dùng khăn mềm thấm hết mồ hôi trên cơ thể.
Một vài lưu ý, mẹo nhỏ khi xông hơi chanh, sả, gừng
- Trước khi xông, bạn nên tìm hiểu cơ thể của bản thân có phù hợp với việc xông hơi hay không để hạn chế tối đa những tác hại đối với sức khỏe. Các trường hợp như sức khỏe yếu, mắc bệnh về tim mạch, huyết áp không ổn định, ra nhiều mồ hôi, mất nước, phụ nữ đang mang thai,…không nên xông hơi.
- Việc xông hơi nên thực hiện ngay sau khi nấu nước xông (nước còn nóng) để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Khi xông hơi, bạn nên giữ khoảng cách vừa phải với nồi nước xông để tránh bị hơi nước làm bỏng.
- Nên tìm những địa điểm bằng phẳng, vững chắc để thực hiện việc xông hơi, đồng thời, khi xông luôn phải chú ý cẩn thận với nồi nước xông để tránh các sự cố va chạm, đổ vỡ gây bỏng.
- Không nên tắm ngay sau khi xông để tránh gây hại cho cơ thể.