Test nhanh COVID-19 tại nhà là công cụ hữu ích để phát hiện sớm người bị nhiễm, góp phần ngăn chặn đại dịch lây lan. Tuy nhiên trên mạng xã hội đã lan truyền lời đồn nước ngọt và nước trái cây có thể làm kết quả dương tính giả, thậm chí nhiều trẻ em nước ngoài đã lợi dụng trò này để được nghỉ học. Vậy chuyện đó có thật không?
Video về trò lừa này đã lan truyền trên TikTok từ tháng 12 năm ngoái, thậm chí một trường học ở Liverpool (Vương quốc Anh) gần đây đã cảnh báo cho phụ huynh về vấn đề trẻ em lợi dụng trò này để nghỉ học.
Vậy tại sao nước trái cây và nước ngọt có thể đánh lừa test nhanh COVID-19, và có cách nào để phân biệt dương tính giả với dương tính thật hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Bạn có thể mua bộ test nhanh COVID-19 tại nhà trên Lazada tại đây
Test nhanh COVID-19 hoạt động như thế nào?
Que test nhanh sử dụng kháng thể để bắt lấy virus (kháng nguyên) có trong mẫu thử, dựa trên phương pháp gọi là dòng chảy bên (lateral flow test – LFT). Nếu mở lớp vỏ nhựa của que thử ra, bạn sẽ thấy bên trong có một dải mảnh bằng chất liệu nitrocellulose (gần giống như giấy) và một miếng màu đỏ.
Miếng màu đỏ chứa kháng thể có khả năng bám vào virus, đồng thời chúng cũng được gắn sẵn với các hạt vàng nano (các hạt vàng kích thước siêu nhỏ tạo ra màu đỏ). Khi làm test, bạn trộn mẫu dịch của mình với dung dịch đệm, sau đó nhỏ vài giọt vào ô vuông trên que thử. Xem hướng dẫn cách làm trong video này:
Sau khi thấm vào dải băng nitrocellulose, hỗn hợp sẽ di chuyển lên trên do hiện tượng mao dẫn, mang theo các kháng thể có gắn vàng (bạn sẽ thấy một đám màu đỏ di chuyển). Nếu trong mẫu thử có virus, các kháng thể này cũng sẽ gắn vào virus.
Ở phía trên, ngang mức chữ T (ký hiệu cho “test”) là nơi tập trung nhiều kháng thể hơn nhưng chúng không tự do di chuyển mà bị dính chặt vào dải băng. Khi đám màu đỏ đi tới đây, các kháng thể này cũng bắt lấy virus và do đó làm cho một số kháng thể ban đầu có gắn vàng bị giữ lại (do đã bị dính vào virus trước đó). Như vậy sẽ xuất hiện vạch màu đỏ ở chữ T.
Các kháng thể gắn vàng không dính với virus tiếp tục đi lên tới chữ C (control – đối chứng), tại đó cũng có một nhóm kháng thể có khả năng bắt lấy các hạt vàng mà không cần thông qua virus. Khi đó ở chữ C sẽ xuất hiện vạch màu đỏ, vạch này cho biết que thử vẫn hoạt động tốt và có thể dùng để test nhanh được. Nếu chữ C không có vạch đỏ thì que thử đã hư nên kết quả ở T cũng không chính xác.
Tại sao một số loại đồ uống có thể gây dương tính giả?
Rất nhiều video và bài đăng trên mạng đã “chứng minh” rằng khi nhỏ nước ngọt và nước trái cây lên que thử sẽ cho kết quả hai vạch. Tại sao lại như vậy?
Khả năng thứ nhất là trong nước có chứa thứ gì đó mà các kháng thể nhận diện và gắn vào giống như đối với virus. Nhưng điều này rất khó xảy ra, vì tính chất của các kháng thể là chỉ gắn với những thứ thật trùng khớp với nó, giống như chìa khóa với ổ khóa vậy. Trong dịch họng và nước bọt cũng có vô số chất khác nhau, nhưng kháng thể không hề phản ứng với bất kỳ thứ gì ngoài kháng nguyên chính xác của nó là virus.
Giáo sư Mark Lorch tại Đại học Hull (Anh) cũng khẳng định: “Các loại đồ uống và các dung dịch khác được sử dụng không chứa virus COVID”.
Khả năng thứ 2 hợp lý hơn là có một thứ gì đó trong đồ uống ảnh hưởng đến hoạt động của kháng thể. Có nhiều loại nước đã được sử dụng để đánh lừa que thử, nhưng chúng đều có một điểm chung: độ axit cao. Axit citric trong nước cam, axit photphoric trong nước ngọt và axit malic trong nước táo làm cho chúng có độ pH từ 2,5 đến 4,0. Trong khi đó kháng thể đã thích nghi với điều kiện trong dòng máu của con người là pH khoảng 7,4.
Giáo sư hóa học Andrea Sella tại Đại học London cho biết: “Khi nói đến các thành phần sinh học, hầu hết chúng đều có các thành phần rất nhạy cảm với pH. Ví dụ nếu thay đổi pH bạn có thể thay đổi hoàn toàn điện tích của protein như từ dương thành âm và kết quả là nó sẽ không bám dính chính xác nữa.”
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cảnh báo rằng xét nghiệm kháng nguyên có khả năng cho kết quả dương tính giả, chẳng hạn như khi người dùng không làm đúng hướng dẫn sử dụng.
Độ pH ảnh hưởng tới test nhanh COVID-19 như thế nào?
Độ pH phù hợp là yếu tố then chốt để các kháng thể thực hiện đúng chức năng của mình, và đó là lý do cần dùng dung dịch đệm để trộn mẫu lúc đầu. Dung dịch này được đóng gói chung với que thử, và thực tế là nếu trộn nước ngọt với dung dịch đệm thì que thử lại cho kết quả chính xác như mong đợi: âm tính với COVID-19. Nếu không có chất đệm, các kháng thể sẽ bị pH axit của đồ uống làm ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc và chức năng.
Kháng thể có bản chất là protein được cấu tạo từ các axit amin gắn với nhau thành chuỗi dài, sau đó những chuỗi này cuộn gấp lại thành cấu trúc rất phức tạp và đặc trưng. Những cấu trúc này được giữ vững bởi các liên kết và tương tác giữa các phần khác nhau của phân tử protein, ví dụ các phần tích điện âm bị hút vào vùng tích điện dương. Bất kỳ thay đổi nhỏ nào ở một vị trí cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của protein.
Trong môi trường axit, protein trở nên tích điện dương, làm cho nhiều vị trí liên kết bị phá vỡ, thay đổi cấu trúc và hoạt động không chính xác nữa, cụ thể trong trường hợp này là chức năng gắn với virus. Nhưng tại sao kết quả lại ra 2 vạch mà không phải là trắng hoàn toàn? Một cách giải thích là các kháng thể cố định ở vạch T bị thay đổi đến mức có thể gắn trực tiếp với các hạt vàng mà không cần thông qua virus, tạo ra kết quả dương tính giả.
Vậy có cách nào để phân biệt dương tính giả với dương tính thật không? Các kháng thể (giống như hầu hết các protein) có khả năng phục hồi như cũ khi được đưa trở lại điều kiện thích hợp. Một số người đã thử dùng dung dịch đệm để rửa que thử dương tính giả, và kết quả đúng là đã trở lại âm tính thật. Ngoài ra cách chính xác nhất là xét nghiệm PCR tìm virus có độ chính xác cao nhưng tốn chi phí và thời gian nhiều hơn.
Bạn có thể mua bộ test nhanh COVID-19 tại nhà trên Tiki tại đây
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!