Trong cuộc sống, không phải mối quan hệ nào cũng tích cực và đem lại cho chúng ta cảm giác vui vẻ tốt đẹp. Xây dựng, bồi đắp và sửa chữa các mối quan hệ xung quanh là điều vô cùng cần thiết, vì nó sẽ tác động lên chính cảm xúc và tinh thần của bạn. Các mối quan hệ độc hại cũng giống như căn bệnh mãn tính mà nếu không điều trị dứt điểm sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Mối quan hệ độc hại là gì?
Mối quan hệ độc hại (Toxic relationship) là một thuật ngữ dùng để chỉ các mối quan hệ giữa hai người trở lên mà một hoặc nhiều thành viên trong số đó không cảm thấy thoải mái và luôn ở trong trạng thái phòng bị, thiếu tự tin hay buồn rầu một cách vô thức. Các mối quan hệ độc hại có ở xung quanh chúng ta và tồn tại ngay giữa những người thân thiết với mình nhất.
Dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại là gì?
Các mối quan hệ khác nhau sẽ có các dấu hiệu khác nhau của sự không lành mạnh, nhưng nhìn chung có thể nhận thấy hầu hết các đặc điểm sau đây:
- Bạn luôn có cảm giác không an toàn và phải sống một cách tự ti, yếu đuối, không dám thể hiện cá tính và lời nói của mình.
- Bạn luôn cảm thấy mình là người sai trong mỗi vấn đề xảy ra hoặc bạn luôn bị chỉ trích và không thể phản bác được mặc dù bạn không phải là người tạo ra lỗi lầm.
- Bạn cô độc trong chính mối quan hệ của mình, không thể chia sẻ hay tâm sự về những tâm tư tình cảm của bản thân.
- Bạn đang bị lợi dụng. Những người còn lại chỉ tìm đến bạn khi họ cần, và sẽ không xuất hiện khi bạn cần họ, thậm chí những cuộc chơi bạn cũng bị cho ra rìa.
- Bạn không cảm thấy vui vẻ trong những cuộc đùa giỡn của họ về mình, ngược lại bạn chỉ cảm thấy xấu hổ, tức giận nhưng lại không thể nói ra.
- Bạn bị “đâm sau lưng”. Họ tỏ ra tốt đẹp trước mặt bạn nhưng sẵn sàng lôi bạn ra đùa cợt, nói xấu thậm chí làm những việc tồi tệ hơn sau lưng.
- Bạn cảm thấy mình không có ai ngoài họ, vì vậy dù họ có làm việc xấu gì đi chăng nữa bạn cũng phải tha thứ, dù bạn không hề cảm thấy tốt đẹp.
Tác hại của một mối quan hệ không lành mạnh
Từ những dấu hiệu trên có thể nhận ra những mối quan hệ này đều có mặt trái vô cùng đen tối, dù biểu hiện một cách âm thầm hay dễ thấy. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến bạn rất nhiều, thậm chí gây nên các bệnh cả về tinh thần lẫn thể chất.
Vì vậy, nhận ra tác hại của nó sớm cũng là một cách để bạn nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người”, sẵn sàng bỏ các mối quan hệ không lành mạnh để đón nhận những điều tốt đẹp hơn. Tác hại của các mối quan hệ này cũng rất nhiều và đa dạng, hầu hết sẽ có những đặc điểm dưới đây:
- Tạo ra trạng thái tự ti, luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, yếu đuối, làm việc gì cũng không xong. Từ đó tạo rào cản khiến bạn không dám tiến lên phía trước, bỏ lỡ nhiều cơ hội và những điều tốt đẹp
- Gây ra các rối loạn lo âu. Bạn sẽ luôn lo lắng phải làm thế nào để họ vui vẻ, làm thế nào để không bị chỉ trích, vì thế chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn sẽ đi xuống rất nhiều.
- Bị thao túng tâm lý (gaslighting). Biểu hiện thường thấy là bạn luôn phục tùng họ, làm theo tất cả những gì họ muốn dù làm tổn hại đến bản thân mình. Bạn bị doạ nạt, cảm thấy lo lắng và sợ hãi, thậm chí ghét bản thân vì luôn cảm thấy mình là người sai, mọi vấn đề xảy ra đều do mình.
- Cảm thấy buồn rầu, chán nản không rõ nguyên do, thậm chí có thể dẫn đến những bệnh tâm lý nguy hiểm như trầm cảm. Lý do là vì bạn luôn bị trêu chọc, chỉ trích nhưng lại không thể nói ra vì họ coi như đây là một “trò đùa”, từ đó bản thân bạn sẽ bị ảnh hưởng mỗi ngày và tác động tâm lý đó tất yếu dẫn đến bệnh tật.
Làm cách nào để thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại?
Hãy luôn nhớ rằng: quan hệ được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và tốt đẹp. Vì vậy nếu bạn cảm thấy tính chất mối quan hệ của mình không còn lành mạnh và vui vẻ thì đừng cố giam cầm mình trong chiếc lồng giả tạo đó, hãy dành thời gian suy nghĩ về nó và tìm lối thoát cho bản thân mình.
Đối với những người thực sự quan trọng
Những người quan trọng đối với bạn chưa chắc sẽ không làm tổn thương bạn, mặc dù đôi khi là do vô ý hoặc chưa hiểu rõ nhau. Điều này có thể xảy ra trong các mối quan hệ gần gũi thân thiết như bố mẹ, ông bà hay bạn thân, người yêu… và điều bạn cần làm ở đây là sửa chữa và hàn gắn.
Hãy nói chuyện với họ. Giải thích cho họ nghe về “ranh giới của bản thân” – nghĩa là sức chịu đựng của mình trước những lời nói và việc làm của họ, từ đó giúp cả hai bên hiểu nhau hơn và mối quan hệ có thể đi lên. Đôi khi sự đi xuống của mối quan hệ có thể do từ cả hai phía, vì thế những buổi nói chuyện nghiêm túc là rất quan trọng.
Tóm lại, đối với những người quan trọng, hãy hàn gắn và sửa chữa. Nếu họ thật sự cũng tôn trọng bạn và mối quan hệ này, chắc chắn họ sẽ có thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Đối với những người không quan trọng
Hãy dứt khoát từ bỏ. Một mối quan hệ không quan trọng, không là gì của nhau cả nhưng vẫn đủ sức làm tổn thương đến cảm xúc và tinh thần của bạn thì hãy dứt khoát bỏ nó đi. Đó là mối quan hệ vô cùng độc hại, không có lợi ích, chỉ có tác hại và những điều xấu.
Vì họ không thực sự cần bạn nên việc đưa ra ranh giới của mình cho họ là vô nghĩa. Thậm chí bạn có thể sử dụng biện pháp mạnh để bảo vệ bản thân khi bị họ chỉ trích hay làm tổn thương. Đừng im lặng cũng đừng quá mềm yếu nhẹ nhàng, vì họ sẽ không quan tâm đến cảm xúc của bạn đâu. Hãy dũng cảm thoát khỏi sự độc hại này và sẵn sàng tiến đến những mối quan hệ tốt đẹp khác. Bạn không cần phải níu kéo sự độc hại nhiều đến vậy!
Hãy nhớ rằng, điều đầu tiên bạn cần yêu thương và tôn trọng chính là bản thân mình. Kết thúc những mối quan hệ độc hại chính là một trong những biểu hiện của yêu thương và chiều chuộng bản thân. Chỉ như thế, bạn mới học được cách quý trọng và yêu thương mọi người xung quanh – những người cũng thực sự quan tâm và đối xử tốt với bạn, và tiến đến những mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp hơn.
- Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào?
- 6 thói quen “hại não” đúng nghĩa đen – Đừng để đến khi bộ não kiệt sức rồi mới hối hận!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!