Bệnh sốt rét đã tồn tại từ thời xa xưa và luôn là một trong những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất cho con người đến tận ngày nay, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Mới đây các nhà khoa học đã đạt được thành tựu to lớn khi loại vaccine ngừa bệnh sốt rét đầu tiên được đưa vào sử dụng chính thức.
Vaccine ngừa sốt rét là “thời khắc lịch sử” của y học thế giới
Trẻ em trên khắp châu Phi sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh sốt rét – lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sau hơn một thế kỷ nỗ lực nghiên cứu của vô số nhà khoa học trên khắp thế giới, đây là cột mốc cực kỳ quan trọng và được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của y học hiện đại.
Loại vaccine ngừa sốt rét đầu tiên này tên là “RTS, S” và đã được công nhận có hiệu quả từ năm 2015. Một số khu vực của châu Phi như Ghana, Kenya và Malawi đã tổ chức tiêm thí điểm vaccine này và cho kết quả thành công, do vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định có thể tiếp tục triển khai diện rộng trên khắp châu Phi, đặc biệt ở các khu vực có bệnh sốt rét lây lan đáng kể.
Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đến mức Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO, đã nói rằng đây là “một thời khắc lịch sử”. “Vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em được chờ đợi từ lâu là một bước đột phá đối với khoa học, sức khỏe trẻ em và kiểm soát bệnh sốt rét. Nó có thể cứu sống hàng chục nghìn sinh mạng trẻ thơ mỗi năm.”
Bệnh sốt rét nguy hiểm như thế nào?
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do một loại ký sinh trùng gây ra. Chu kỳ sống của ký sinh trùng trả qua nhiều giai đoạn trong cơ thể người và cả cơ thể muỗi là vật trung gian truyền bệnh. Khi ở trong máu của chúng ta, ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào tế bào hồng cầu và phá hủy chúng khiến bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
Mặc dù có nhiều biện pháp truyền thống giúp phòng ngừa và chữa trị sốt rét như thuốc diệt ký sinh trùng, màn chống muỗi và thuốc diệt muỗi nhưng vaccine vẫn là một “mảnh ghép” quan trọng còn thiếu lâu nay. Đó là lý do khiến căn bệnh này vẫn hoành hành tại những khu vực chưa phát triển về kinh tế và y tế.
Thậm chí cơ thể người phải nhiễm ký sinh trùng sốt rét nhiều lần lặp lại trong thời gian dài mới có khả năng miễn dịch tự nhiên với nó, và khi đó cũng chỉ làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng mà thôi. Bệnh sốt rét có mặt ở gần như mọi nơi trên thế giới, nhưng gây tác hại lớn nhất là ở châu Phi: năm 2019 tại châu lục này có hơn 260.000 trẻ em tử vong vì sốt rét.
Vaccine ngừa bệnh sốt rét có tác dụng như thế nào?
Ký sinh trùng sốt rét có hơn 100 loại khác nhau, trong đó loại phổ biến nhất và cũng gây chết người nhiều nhất ở châu Phi tên là Plasmodium falciparum, cũng chính là mục tiêu mà vaccine RTS, S nhắm tới. Kết quả thử nghiệm hồi năm 2015 cho thấy vaccine này có thể ngăn được khoảng 40% trường hợp mắc bệnh sốt rét, 30% số ca bệnh nặng và giảm 1/3 số trẻ em cần truyền máu do bệnh này.
Tuy nhiên vẫn còn một vài vấn đề khi sử dụng vaccine này trong thực tế, vì phải tiêm 4 liều mới có hiệu quả, trong đó 3 mũi đầu tiên được tiêm vào thời điểm trẻ được 5, 6 và 7 tháng tuổi (cách nhau 1 tháng), mũi tăng cường cuối cùng vào khoảng 18 tháng tuổi.
Tại sao bệnh sốt rét lại lâu có vaccine đến thế?
Nếu so sánh với tốc độ phát triển vaccine COVID-19 được coi là “nhanh kỷ lục” mà chúng ta đang thấy thì nhiều người sẽ tự hỏi: tại sao đến bây giờ mới có vaccine ngừa bệnh sốt rét?
Lý do là vì ký sinh trùng sốt rét là sinh vật có cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều so với virus gây bệnh COVID-19. Đặc biệt chúng còn có khả năng né tránh hệ miễn dịch của con người, do đó cơ thể phải mắc bệnh sốt rét nhiều lần mới bắt đầu có miễn dịch nhưng cũng chỉ rất hạn chế mà thôi.
Ký sinh trùng sốt rét có vòng đời phức tạp, trải qua hai loài khác nhau là người và muỗi, khi ở trong cơ thể chúng ta nó cũng biến đổi qua nhiều dạng khác nhau ký sinh bên trong các tế bào gan và hồng cầu. Đó cũng là yếu tố khiến cho việc phát triển vaccine ngừa sốt rét từ trước tới nay gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay cả vaccine RTS, S cũng chỉ nhắm vào dạng bào tử của ký sinh trùng – đó là giai đoạn sau khi nó từ muỗi xâm nhập vào máu của người và trước khi vào gan. Đó là lý do khiến vaccine chỉ có hiệu quả 40%. Tuy vậy đây vẫn là thành tựu lớn và tạo tiền đề cho các loại vaccine mạnh hơn có thể được chế tạo trong tương lai.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng vaccine không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa sốt rét khác như ngủ màn và diệt muỗi. Vaccine này cũng sẽ không được sử dụng bên ngoài châu Phi, bởi nó không chống lại được các loại ký sinh trùng khác phổ biến ở các nước ngoài châu Phi.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!