Đau ngực có thể do bệnh gì? Có phải chỉ là bệnh tim?

Triệu chứng đau ngực có thể gặp ở nhiều đối tượng, đôi khi chỉ thoáng qua nhưng cũng có thể xuất hiện thường xuyên, dữ dội gây lo lắng cho mọi người. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu xem triệu chứng đau ngực là bệnh gì nhé!

Đau ngực do bệnh lý mạch vành

Động mạch vành là nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ, có chức năng đưa máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng nuôi các tế bào tim. Nếu động mành vành bị hẹp hoặc tắc, các tế bào tim không được nuôi dưỡng sẽ dẫn đến các cơn đau thắt ngực.

Bệnh ở động mạch vành có thể gây đau ngực (Ảnh: Internet).

Đau ngực bên trái thường gặp ở bệnh nhân có huyết áp cao, người bị rối loạn mỡ máu, do các mảng xơ vữa thành mạch dày lên gây hẹp lòng mạch. Tuy nhiên lòng mạch hẹp dần dần nên thường gây ra cơn đau thắt ngực ổn định.

Nếu các mảng xơ vữa này bị nứt vỡ tạo huyết khối trong lòng mạch hoặc huyết khối từ vùng khác di chuyển đến gây bít tắc động mạch vành, cơ tim bị thiếu máu đột ngột có thể gây nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu của cơn đau thắt ngực ổn định

  • Đau ngay sau xương ức hoặc đau ngực bên trái, cảm giác như bóp nghẹt.
  • Đau nhói ngực có thể lan lên cổ, cằm, vai trái đến mặt trong cánh tay và kết thúc ở ngón út hoặc áp út.
  • Đôi khi cơn đau ngực có thể lan ra sau lưng hoặc lan xuống vùng thượng vị.
  • Đau thắt ngực thường xuất hiện khi lao động nặng và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau thường kéo dài từ vài giây đến vài phút.

Đau ngực do hẹp lòng mạch vành gây cơn đau thắt ngực ổn định (Nguồn: Internet).

Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim

Xuất hiện cơn đau có tính chất gần giống với cơn đau thắt ngực ổn định nhưng:

  • Cơn đau thắt ngực kéo dài hơn 20 phút
  • Nghỉ ngơi không đỡ đau

Đau ngực do tắc mạch vành trong nhồi máu cơ tim (Nguồn: Internet).

Nếu bạn gặp tình trạng đau tức ngực như trên thì cần ngay lập tức liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, vì nhồi máu cơ tim diễn biến rất nhanh và gây nhiều hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe.

Đau ngực do phình tách động mạch chủ ngực

Ngày nay tỉ lệ mắc chứng phình tách động chủ ngực ngày càng gia tăng, đặc biệt với đối tượng có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Triệu chứng đau ngực trong bệnh lý này bao gồm:

  • Cơn đau thắt ngực dữ dội, cảm giác đau như bị đâm vào ngực
  • Có thể kèm theo đau bụng, đau các chi hoặc yếu liệt nửa người
  • Mệt mỏi nhiều hoặc ngất

Đau ngực do phình động mạch chủ ngực (Nguồn: Internet).

Khi có các dấu hiệu trên cần được xử trí y tế kịp thời vì dễ có biến chứng vỡ động mạch chủ gây mất máu nhanh và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Đau ngực do bệnh của tim

Các bệnh lý về tim gây đau ngực rất đa dạng như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.

Đau tức ngực thường kèm theo các biểu hiện khác như:

  • Khó thở nhất là về đêm
  • Da và môi thường kém hồng hào
  • Hay hồi hộp, đánh trống ngực

Tức ngực trong bệnh lý tim mạch có thể gặp ở trẻ em, người cao tuổi hoặc người trưởng thành sau một đợt nhiễm khuẩn.

Đau ngực bên trái do bệnh lý của tim (Nguồn: Internet).

Khi có các triệu chứng trên, bạn cần đến gặp bác sĩ tim mạch để được khám và điều trị kịp thời nhé!

Đau lồng ngực do bệnh lý hô hấp

Về mặt giải phẫu, tim và phổi đều nằm trong lồng ngực. Vì thế, đau tức ngực có thể gặp trong các bệnh lý đường hô hấp, bao gồm cả họng và phổi.

Theo thống kê, các bệnh lý về phổi ở nước ta chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cộng đồng. Các bệnh lý đường hô hấp gây đau ngực thường gặp:

  • Viêm đường hô hấp trên gây ho nhiều dẫn đến tức ngực
  • Viêm phổi
  • Tràn dịch màng phổi
  • Hen phế quản
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Thuyên tắc phổi

Đau ngực do bệnh lý đường hô hấp (Nguồn: Internet).

Các bệnh lý trên nếu không được xử trí kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết.

Đau ngực gặp trong bệnh lý đường tiêu hóa

Đau tức ngực do bệnh đường tiêu hóa thường không quá dữ dội, thường liên quan nhiều đến bữa ăn. Đau nhói ngực xuất hiện sau hoặc trong bữa ăn, cảm giác bỏng rát lan từ bụng lên đến cổ, kèm theo ợ hơi, ợ chua.

Các bệnh thường gặp có thể là:

  • Loét dạ dày tá tràng
  • Loét thực quản
  • Trào ngược dạ dày – thực quản

Đau ngực do bệnh lý đường tiêu hóa (Nguồn: Internet).

Đau ngực do cơ hoặc thần kinh liên sườn

Đau ngực do cơ thường xuất hiện 1-2 ngày sau khi vận động thể thao nhiều, đau khi cử động và không đau khi nghỉ ngơi, đau tức khi ấn vào cơ thành ngực.

Đau ngực do thần kinh liên sườn khá phổ biến, nhất là đau do zona thần kinh/giời leo – bệnh gây ra bởi Herpes zoster virus. Thường bệnh nhân sẽ đau theo đường đi của dây thần kinh, kèm theo mụn nước hoặc sưng nóng ngoài da.

Đau ngực do zona thần kinh (Nguồn: Internet).

Đau tức ngực trong trường hợp này thường khu trú và không quá nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó bạn đừng quá lo lắng nhé!

Đau ngực do yếu tố tâm lý

Đôi khi đau lồng ngực không xuất phát từ bệnh lý tại lồng ngực mà đến từ nguyên nhân tâm lý như căng thẳng, mệt mỏi. Bạn có thể gặp cơn đau nhói ngực kéo dài 1-2 giây, có thể kèm mệt mỏi. Nhất là với những người mắc bệnh trầm cảm, tinh thần bất ổn hoặc thường có các cơn hoảng sợ.

Để giảm tình trạng này, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, thực hiện lối sống lành mạnh và tâm sự với mọi người xung quanh để giải tỏa căng thẳng.

Tóm lại, đau ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, hi vọng Kinhnghiem360.edu.vn đã giải đáp giúp bạn câu hỏi: đau ngực là bệnh gì? Đừng quên theo dõi chuyên mục sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật những thông tin bổ ích mỗi ngày bạn nhé!

Tài liệu tham khảo: Healthvietnam, Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *