Bệnh đậu mùa – Nỗi kinh hoàng một thời liệu có còn tồn tại?

Bệnh đậu mùa từng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở thời xưa, gây tổn thương những mạch máu nhỏ ở da, miệng và cổ họng. Bệnh đậu mùa làm da xuất hiện những vết ban nổi sần đỏ, sau đó da bị phồng rộp những mụn nước. Căn bệnh này từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng trên khắp thế giới, tỷ lệ tử vong cực cao. Nhưng tại sao ngày nay chúng ta hầu như không còn nghe nói đến nó nữa?

1. Bệnh đậu mùa là gì?

Đậu mùa là một bệnh truyền nhiễm ở người, do virus gây ra, có khả năng lây lan rất cao và biểu hiện đặc trưng dễ nhận biết. Các tài liệu từ xưa ghi nhận bệnh đậu mùa có thể đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước ở nhiều nơi trên khắp thế giới.

Virus đậu mùa nhìn dưới kính hiển vi điện tử (Ảnh: Internet).

Nguy cơ tử vong của bệnh này là khoảng 30%, tức là cứ 10 người mắc bệnh thì có khoảng 3 người không qua khỏi.

2. Bệnh đậu mùa lây truyền như thế nào?

Bệnh đậu mùa chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Người mắc bệnh có thể lây cho người khác khi bắt đầu xuất hiện vết loét trong miệng và họng, khi ho hoặc hắt hơi sẽ làm bắn những giọt dịch tiết chứa virus ra ngoài. Nguy cơ lây bệnh vẫn còn cho đến khi các mụn nước trên da đã đóng vảy và rụng hết.

Bệnh đậu mùa chủ yếu lây qua đường hô hấp (Ảnh: Internet).

Ngoài ra việc tiếp xúc trực tiếp với dịch mụn nhọt của cơ thể người mắc bệnh hoặc những đồ vật của người bệnh chưa qua khử trùng như quần áo cũng làm lây bệnh. Những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và đồ dùng của họ phải đeo găng tay và đồ bảo hộ cẩn thận để tránh lây bệnh.

Bệnh đậu mùa cũng có thể lây lan qua không khí nếu nhiều người cùng ở trong không gian kín, nhưng rất hiếm. Cho đến nay các nhà khoa học không phát hiện đường lây qua trung gian động vật.

3. Triệu chứng của bệnh đậu mùa là gì?

  • Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài từ 10 đến 12 ngày, được tính từ lúc virus bắt đầu nhiễm vào cơ thể người nhưng hoàn toàn chưa có triệu chứng và cũng chưa thể lây cho người khác.
  • Giai đoạn triệu chứng ban đầu: bắt đầu xuất hiện triệu chứng, giai đoạn này kéo dài khoảng 2-4 ngày, có khả năng lây nhưng chưa mạnh. Trong giai đoạn này người bệnh thường bị sốt cao, đau đầu, đau lưng và cảm thấy vô cùng khó chịu. Một vài trường hợp có thể cảm thấy rất đau bụng và ói.
  • Giai đoạn phát ban: kéo dài khoảng 4 ngày, là giai đoạn lây lan mạnh nhất. Phát ban xuất hiện đầu tiên ở lưỡi và trong miệng dưới dạng nốt nhỏ màu đỏ, sau đó thành vết loét, vỡ ra làm giải phóng rất nhiều virus. Người bệnh vẫn bị sốt.
    • Khi các vết loét trong miệng vỡ ra cũng là lúc xuất hiện phát ban ở da, đầu tiên là ở mặt rồi lan xuống dưới, bàn tay và bàn chân là nơi cuối cùng. Trong khoảng 24 giờ toàn bộ cơ thể sẽ nổi ban, lúc này người bệnh bắt đầu giảm sốt và có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Sau khoảng 4 ngày, các vết loét trên da sẽ chảy dịch và thường có vết lõm ở giữa.

Tổn thương da của bệnh đậu mùa (Ảnh: Internet).

  • Giai đoạn mụn mủ và đóng vảy: kéo dài khoảng 10 ngày, các vết loét trở thành mụn mủ nổi rõ trên da. Sau khoảng 5 ngày, mụn mủ bắt đầu đóng vảy cứng. Khoảng 2 tuần kể từ khi nổi ban, các vết loét sẽ đóng vảy hết. Giai đoạn này vẫn có thể lây truyền bệnh.
  • Giai đoạn bong vảy: kéo dài khoảng 6 ngày, vảy bong ra để lại vết thâm trên da.

Hình vẽ minh họa người bị bệnh đậu mùa (Ảnh: Internet).

Tử vong khi mắc bệnh đậu mùa thường là do phản ứng viêm toàn cơ thể gây sốc và suy đa tạng, thường xảy ra vào tuần thứ 2 của bệnh.

4. Bệnh đậu mùa để lại biến chứng gì?

Khoảng 65-80% những người khỏi bệnh sẽ bị sẹo rỗ trên da, thường rõ nhất trên mặt. Các biến chứng khác của bệnh thường xảy ra ở phổi với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng như viêm phế quản dạng nhẹ hay viêm phổi, viêm não rất nguy hiểm.

Đặc biệt trong lúc phát bệnh những mụn mủ hình thành ở mi mắt, kết mạc và giác mạc có thể dẫn đến các biến chứng như viêm kết mạc, loét giác mạc, thậm chí tỷ lệ mù lòa rất cao khoảng 35-40%.

Bệnh đậu mùa (Ảnh: Internet).

Ở trẻ nhỏ bị mắc bệnh đậu mùa, virus thường di chuyển đến khớp, xương và gây tổn thương ở đó, thường đối xứng hai bên, nhiều nhất ở khuỷu tay, cẳng chân, đặc trưng là gây tách lớp màng xương và phản ứng màng xương rõ rệt và dẫn đến biến chứng như biến dạng chân tay, xương dị dạng, khớp chùng và ngón tay dị dạng.

5. Bệnh đậu mùa có còn tồn tại?

Vaccine ngừa bệnh đậu mùa (Ảnh: Internet).

Vaccine đậu mùa đã được tạo ra vào năm 1796 bởi bác sĩ Edward Jenner người Anh, bằng cách sử dụng một loại virus sống có tên là Vaccinia gần giống với virus gây bệnh đậu mùa nhưng hầu như không gây bệnh cho người.

Vaccine này được đưa vào sử dụng và nhanh chóng phủ khắp toàn cầu, nhờ vậy không còn trường hợp bệnh đậu mùa nào được ghi nhận kể từ năm 1977. Đến năm 1979 WHO công nhận bệnh đậu mùa đã được xóa sổ hoàn toàn và khuyến nghị không tiếp tục tiêm vaccine nữa.

Tuy nhiên virus gây bệnh đậu mùa hiện nay vẫn còn được lưu trữ ở 2 nơi duy nhất trên thế giới: Trung tâm nghiên cứu Virus học Quốc gia của Nga và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC). Các mẫu virus này được dùng vào mục đích nghiên cứu và được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt để không trở thành mối đe dọa khủng bố sinh học.

  • 6 bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng và cách phòng tránh
  • 10 mẹo nhận biết và xử lý bệnh đường hô hấp thường gặp
  • 5 cách hạ sốt nhanh tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, hi vọng những thông tin trên giúp các bạn hiểu hơn về căn bệnh đậu mùa. Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin mới hữu ích bạn nhé!

Nguồn tham khảo: MSD Manuals, Wikipedia, CDC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *