Những điều tích cực mà giảm cân đem lại cho bản thân mình

Đối với nhiều người, ngoại hình là một vấn đề vô cùng quan trọng để có một cuộc sống như ý. Từ tình bạn, tình yêu cho đến sự nghiệp, mọi thứ sẽ dễ dàng đôi chút nếu chúng ta biết quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn những điều mình đã quan sát được kể từ khi bắt đầu hành trình giảm cân của bản thân.

Đối với nhiều người, giảm cân là một hành trình vô cùng gian nan (Ảnh: Internet)

1. Bạn có thể giảm cân ngay hôm nay (chứ không phải một ngày nào đó trong tương lai)

Phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ an toàn nhất… chính là giảm cân (Ảnh: Internet)

Một trong những tư duy phổ biến mà mình thấy ở những người xung quanh (trong đó từng có cả mình) đó chính là luôn chần chừ khi nghĩ đến việc giảm cân. Vào những năm cấp 3, mình đã từng nặng 80kg (trong khi bản thân chỉ cao 1m75). Mình rất hay ốm vặt, kèm theo đó là những lời chê bai về ngoại hình từ những người xung quanh khiến mình luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti. Mình biết rằng việc duy trì cân nặng ở mức hiện tại không hề tốt cho mình. Nhưng khi nghĩ đến việc giảm cân, mình luôn tự nghĩ ra những vấn đề như:

  • Mình yếu thế này thì tập gym làm sao được?
  • Năm nay là năm cuối cấp, mình phải tập trung để ôn thi đại học.
  • Mình học còn chưa xong thì lấy đâu thời giờ để đi tập gym…
  • Mình không có tiền…

Cứ thế, mình để quãng thời gian cấp 3 trôi đi trong sự mặc cảm và tù túng vì chính ngoại hình của bản thân. Nếu được quay lại thời điểm đó, mình sẽ nghĩ và hành động khác: mình sẽ tìm hiểu những bài gym phù hợp với thể trạng bản thân, hoặc dành 30 phút mỗi ngày để tập cardio, hoặc chia sẻ với người thân về vấn đề cân nặng của bản thân để nhận sự giúp đỡ. Phần lớn những vấn đề trong cuộc sống đều có lời giải, nếu chúng ta chịu khó ngồi xuống và hành động.

2. Tìm cho mình một mục tiêu để tập luyện

Đối với bản thân mình, quãng thời gian bắt đầu đi tập gym không hề dễ dàng và suôn sẻ. Giống như các môn thể thao khác, gym sẽ luôn có những kiến thức cơ bản. Nếu bạn không biết rõ về những kiến thức đó, khả năng cao là bạn sẽ gặp chấn thương khi tập luyện lâu dài. Bên cạnh đó, việc nhấc chân để đến phòng gym sau 8 tiếng ở công sở không phải là điều dễ dàng.

Để đối phó với vấn đề này, mình đã phải làm hai điều: thuê PT (huấn luyện viên cá nhân) và thay đổi thời gian tập luyện. Mình thuê PT 36 buổi, và con số này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kinh tế và nhu cầu của mỗi người. Huấn luyện viên cá nhân sẽ giúp mình vượt qua được khoảng thời gian đầu bỡ ngỡ với gym, cũng như là người “tạo động lực” để bạn đến phòng gym mỗi ngày.

Còn về thời gian tập, mình thường tập vào buổi sáng bởi đây là thời gian phòng tập có khá ít người, giảm thời gian mình phải đợi người khác dùng xong tạ hoặc máy tập, giúp tiết kiệm thời gian hơn.

Tuy vậy, tất cả những yếu tố trên vẫn chỉ là phụ. Tập gym hay bất kì môn thể thao nào khác cần sự kỉ luật và nỗ lực lâu dài nếu chúng ta muốn có được thành quả. Do vậy, bên cạnh những yếu tố kể trên, bạn phải tự hỏi rằng vì sao mình muốn tập những môn thể thao này: vì sức khoẻ, ngoại hình hay cả hai? Tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh và câu chuyện của chính bạn.

3. 30% tập luyện và 70% dinh dưỡng

Mặc dù tập luyện là một công việc tốn rất nhiều sức lực cũng như cần sự kiên trì rất lớn, tuy vậy chúng chỉ chiếm 30% quyết định đến quá trình giảm cân của bạn. Mọi công sức ở trên phòng tập sẽ đi tong nếu bạn không chú ý đến 70% còn lại: đó chính là dinh dưỡng. Rất nhiều người bạn của mình tập ở phòng gym gần 2 tiếng mỗi ngày, 6 ngày trong tuần, nhưng họ vẫn không thể giảm cân như mục tiêu đã đề ra. Và khi tìm hiểu kĩ, phần lớn họ thường không để ý đến khẩu phần ăn sau tập. Họ thường ăn gấp 2 hoặc gấp 3 lần khẩu phần nên ăn, từ đó dẫn đến tăng cân.

Lời giải cho vấn đề trên rất đơn giản. Các bạn nên chú ý đến lượng thức ăn nạp vào mỗi ngày. Bạn hoàn toàn có thể mua những chiếc cân tiểu ly (có giá vài chục nghìn đồng trên các trang thương mại điện tử). Việc đo lường lượng thức ăn nạp vào sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về những việc phải làm.

Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo Nutrition Facts (Bảng giá trị dinh dưỡng) được in trên bao bì thực phẩm. Đối với thực phẩm tươi sống, bạn hoàn toàn có thể tra trên Google. Bên cạnh kiểm soát calo, bạn cũng nên tìm hiểu các thành phần dinh dưỡng trong đồ ăn để giúp xây dựng chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất.

4. Cheat Day, nhưng hãy “cheat” trong kiểm soát

Không phải ai cũng sẵn sàng lên phòng tập 7 ngày một tuần hoặc ăn ức gà ngày này qua tháng khác. Bản thân mình cũng sẽ có những ngày không đến phòng gym hoặc có thể ăn đồ ngon (như đồ chiên ngập dầu, bún, bánh ngọt…) Những ngày nghỉ giúp bản thân mình được “thư giãn”, bên cạnh đó nghỉ ngơi điều độ sẽ giúp các mô trong cơ thể phục hồi để chúng ta có thể tiếp tục tập luyện.

Tuy vậy, chúng ta vẫn nên để ý đến lượng calo từ Cheat Day để không phá vỡ kế hoạch giảm cân của bản thân.

5. Ăn kiêng không nhất thiết phải quá khổ sở

Để nói về chủ đề ăn kiêng, một bài viết có lẽ sẽ không đủ. Có rất nhiều chế độ ăn kiêng hiện nay như ăn chay, low-carb, keto… Nếu bạn muốn giảm cân thì một nguyên tắc bất di bất dịch đó chính là lượng calo nạp vào luôn phải thấp hơn lượng calo tiêu thụ. Ngoài ra cũng nên theo dõi cơ thể phản ứng như thế nào qua từng chế độ ăn. Nếu việc ăn kiêng khiến cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi, không đáp ứng nhu cầu công việc thì khả năng cao là chế độ ăn kiêng của bạn chưa lành mạnh và đủ chất.

Bên cạnh đó, bạn có thể tìm kiếm nhiều loại thực phẩm khác nhau chứa loại chất mà cơ thể đang cần. Bên cạnh thịt, các loại hạt như lạc, hạnh nhân, chà là… cũng chứa hàm lượng protein khá lớn. Chỉ cần một chút tò mò, bạn hoàn toàn có thể biến quá trình giảm cân trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều phần.

6. Giảm cân thì tốt, nhưng nếu giảm quá nhanh thì… nên lo lắng thì hơn

Giảm cân là một tín hiệu rằng bạn đang có hướng đi đúng, nhưng nếu giảm cân quá nhanh thì nên cẩn trọng (Ảnh: Internet)

Đối với nhiều người, việc đứng lên chiếc cân và thấy trọng lượng cơ thể bớt đi là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên nếu bạn sụt cân quá nhanh (như 5 kg một tuần chẳng hạn), thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Nói một cách khái quát, cơ thể chúng ta có phần cơ và mỡ. Lượng thức ăn nạp vào cơ thể, nếu không được tiêu thụ ngay lập tức sẽ chuyển thành mỡ. Lượng mỡ được coi là vừa đủ là 14 – 24% (nam) và 21 – 31% (nữ).

Phần cơ chính là khối lượng mô, cơ bắp… của cơ thể. Phần cơ sẽ khiến cơ thể trở nên săn chắc cũng như giúp bản thân bạn trở nên khoẻ mạnh và dẻo dai hơn. Khi giảm cân, cơ thể bạn thường sẽ có xu hướng mất cơ và mỡ. Một chế độ giảm cân hay xây dựng cơ bắp nên hướng tới mục tiêu giảm tối đa lượng mỡ và tránh làm mất lượng cơ mà bạn đang có.

7. Dù như thế nào, bạn luôn xứng đáng được hạnh phúc

Học cách yêu và trân trọng chính cơ thể của mình là điều mình đã học được trong quá trình giảm cân (Ảnh: Internet)

Đối với nhiều người, giảm cân có thể là bước ngoặt khiến chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn. Đó có thể là sức khoẻ cải thiện, ngoại hình được nâng tầm… Nhưng dù thế nào, bạn cũng phải chấp nhận sự thực là quá trình giảm cân hay xây dựng cơ bắp không thể tính bằng ngày, mà có thể tính bằng nhiều tháng hoặc nhiều năm. Khi hiểu được điều này, bản thân sẽ bớt stress hơn trong hành trình giảm cân. Lúc đó, thay vì chờ đợi đến ngày bản thân thực sự thay đổi, bạn sẽ tìm cách để yêu và tự hào về chính cơ thể của mình.

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *