Dòng phụ của biến thể omicron ký hiệu là BA.2, hay còn gọi là “omicron tàng hình”, có khả năng né tránh xét nghiệm PCR vốn được dùng để phát hiện ra omicron. Nhưng còn khả năng lây lan và gây bệnh nặng của nó có nguy hiểm hơn hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ 3. Trong khi độ phủ vaccine ngày càng cao và một số nơi đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường thì nhiều nơi khác vẫn phải chống chọi với số ca mắc tăng cao.
Thủ phạm làm gia tăng số ca mắc ở Trung Quốc và một số nước châu Âu hiện nay là chủng virus ký hiệu BA.2, hay còn gọi là “omicron tàng hình”, là một trong những dòng phụ của biến thể omicron. Thực tế có rất nhiều dòng phụ khác nhau đã được phát hiện, nhưng chỉ một số ít như BA.2 mới có đặc điểm đáng chú ý. Các nhà khoa học đang theo dõi BA.2 vì dường như nó có khả năng lây truyền mạnh hơn omicron gốc.
Tại sao gọi là “omicron tàng hình”?
Các nhà khoa học ở Nam Phi đã phát hiện ra biến thể omicron vào cuối năm 2021 nhờ các xét nghiệm PCR. Biến thể này tạo ra một dấu hiệu đặc biệt trong kết quả xét nghiệm khiến nó trở nên khác biệt với delta – vốn là biến thể chiếm ưu thế trước đó.
Tuy nhiên chủng virus BA.2 lại không tạo ra dấu hiệu giống như omicron gốc, do đó xét nghiệm PCR không phát hiện được nó là omicron mà phải dùng phương pháp giải trình tự gen vì phương pháp này có khả năng xác định tất cả các dòng phụ của omicron và các biến thể của virus nói chung.
“Omicron tàng hình” có gây bệnh nặng hơn không?
Một nghiên cứu sơ bộ tại Đan Mạch cho thấy không có sự sự khác biệt về tỷ lệ bệnh nhân nhập viện khi mắc biến thể omicron gốc và BA.2. Điều này trái ngược với một nghiên cứu sơ bộ khác của các nhà khoa học ở Nhật Bản, trong đó phát hiện rằng BA.2 khác biệt với omicron gốc đến mức có thể coi là một biến thể hoàn toàn mới, và cũng có thể gây bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi xem xét tất cả các dữ liệu hiện có, đã kết luận rằng không tìm thấy sự khác biệt về mức độ bệnh nặng giữa omicron gốc (BA.1) và biến thể “tàng hình” BA.2, mặc dù nó đang có xu hướng gia tăng.
Cần có thêm thời gian và số liệu để theo dõi số ca mắc COVID-19 do omicron sẽ diễn tiến như thế nào. Cũng cần có thêm nghiên cứu để kiểm tra xem các phương pháp điều trị COVID-19 hiện nay có còn giữ được hiệu quả với biến thể omicron và đặc biệt là chủng “tàng hình” hay không.
Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà nghiên cứu virus tại Trường Y Đại học Massachusetts Chan (Mỹ), cho biết trên tạp chí Nature vào tháng 2 vừa qua rằng BA.2 có tập hợp nhiều đột biến mới chưa từng được nghiên cứu trước đây. Giống như các biến thể và chủng mới đã từng xuất hiện từ đầu dịch đến nay, các nhà khoa học cần quan sát tác động của virus trong thực tế mới có thể kết luận về mức độ nguy hiểm của những đột biến đó. Hiện tại WHO vẫn coi BA.2 là một dòng phụ của biến thể omicron ban đầu.
“Omicron tàng hình” có kháng vaccine không?
Giống như omicron khi mới xuất hiện, chủng BA.2 cũng làm cho các loại vaccine hiện nay giảm khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó gây bệnh nặng hơn. Ngày 8/3 vừa qua WHO cho biết: mặc dù có những trường hợp bị nhiễm BA.2 sau khi đã từng nhiễm biến thể omicron, nhưng số liệu ban đầu cho thấy việc bị nhiễm omicron gốc sẽ tạo ra “sự bảo vệ đáng kể” chống lại BA.2, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo các chuyên gia, mọi người không nên hoảng loạn khi xuất hiện một biến thể hoặc chủng virus mới, vì đó là điều xảy ra thường xuyên và đã được dự báo trước. Tuy nhiên một biến thể có khả năng lây lan mạnh sẽ kéo theo nhiều ca tử vong hơn và cũng tạo cơ hội để virus đột biến thêm.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!