Khi nói đến kiểm tra sức khỏe tim mạch, ai cũng nghĩ rằng phải có nhiều loại máy móc thiết bị phức tạp và chỉ có bác sĩ mới làm được. Nhưng thực ra không phải lúc nào cũng cần đến máy móc, bạn có thể tự theo dõi một vài chỉ số quan trọng của bản thân chỉ với phép tính đơn giản.
Sức khỏe tim mạch là cực kỳ quan trọng đối với cơ thể nói chung, các bệnh tim mạch ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Để đánh giá toàn diện về tình trạng tim mạch, các bác sĩ cần biết nhiều thông số của người bệnh, ví dụ như huyết áp hay cholesterol trong máu.
Để đảm bảo theo dõi sức khỏe của bản thân hiệu quả nhất, bạn nên thường xuyên đi khám tổng quát định kỳ để đo các chỉ số một cách chính xác. Nhưng ngay tại nhà vẫn có cách để tự kiểm tra sức khỏe tim mạch của bản thân mà không cần máy móc thiết bị đặc biệt nào, chỉ cần vài hoạt động đơn giản và tính toán nhanh.
Bài test cầu thang
Cách thực hiện rất đơn giản: bạn có cảm thấy hụt hơi, khó thở khi đi lên cầu thang không? Theo một nghiên cứu năm 2020 của Hội Tim mạch Châu Âu, mỗi người có thể tự đánh giá sức khỏe tim mạch của mình bằng cách đo thời gian để leo lên 4 đoạn cầu thang, tổng cộng 60 bậc.
Tác giả của nghiên cứu, bác sĩ Jesús Peteiro chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Đại học A Coruna (Tây Ban Nha), giải thích: “Nếu bạn mất hơn 1 phút rưỡi để leo lên 4 đoạn cầu thang thì sức khỏe của bạn chưa đạt mức tối ưu và nên hỏi ý kiến bác sĩ.”
Khi so sánh kết quả của test cầu thang và các bài kiểm tra y tế chuyên sâu về sức khỏe tim mạch, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số kết quả giống nhau, ví dụ như trong số các bệnh nhân mất hơn 1 phút rưỡi để hoàn thành test cầu thang, có 58% số người có “chức năng tim bất thường khi kiểm tra trên máy chạy bộ”. Những người lên cầu thang nhanh hơn cũng có khả năng tập thể dục tốt hơn, do đó có liên quan với tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Bác sĩ Peteiro cũng là tác giả của một nghiên cứu năm 2018, trong đó những người tham gia được yêu cầu đi bộ lên 3 đoạn cầu thang. Kết quả cho thấy những người đi chậm có nguy cơ tử vong vì bệnh tim trong 5 năm sau đó cao hơn gần 3 lần (3,2% so với 1,7%).
Trong cả hai nghiên cứu trên, những người tham gia đều là người có triệu chứng bệnh mạch vành. Nhưng bác sĩ Peteiro nói rằng, khi đánh giá khả năng tập thể dục thì bài test cầu thang có thể áp dụng cho mọi người nói chung. Thực tế đã có nhiều bài test bước chân từ lâu đã được các chuyên gia y tế sử dụng để đánh giá sức khỏe của tim và phổi.
Tự đo nhịp tim
Nhịp tim được tính là số lần tim đập trong 1 phút, là một phép đo cơ bản về sức khỏe tim mạch được thực hiện thường xuyên khi khám bệnh và cung cấp nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe nói chung. Bất kỳ ai cũng có thể tự đo nhịp tim của mình tại nhà mà không cần máy móc phức tạp.
Nhịp tim của chúng ta thay đổi tự nhiên theo thời gian trong ngày và cũng phụ thuộc vào mức độ vận động của cơ thể. Ví dụ khi căng thẳng cao độ hoặc vận động mạnh thì tim đập nhanh hơn, còn khi thư giãn hoặc ngủ thì nhịp tim chậm hơn. Có hai chỉ số nhịp tim mang ý nghĩa khác nhau: nhịp tim lúc nghỉ và nhịp tim tối đa.
Nhịp tim lúc nghỉ
Đây là nhịp tim khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn và không vận động. Nghiên cứu cho thấy nhịp tim lúc nghỉ tăng cao có liên quan với sức khỏe thể chất kém hơn, huyết áp cao hơn, tăng nguy cơ đau tim và tử vong.
Nhịp tim lúc nghỉ như thế nào được coi là “bình thường”? Điều này còn tùy thuộc từng cá nhân, nhìn chung nhịp tim của người trưởng thành khỏe mạnh nằm trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút, ngoài ra cũng phụ thuộc vào độ tuổi. Dưới đây là chỉ số nhịp tim lúc nghỉ bình thường cho các nhóm tuổi khác nhau:
- 20 tuổi: 100-170 nhịp/phút
- 30 tuổi: 95-162 nhịp/phút
- 40 tuổi: 90-153 nhịp/phút
- 50 tuổi: 85-145 nhịp/phút
- 60 tuổi: 80-136 nhịp/phút
- 70 tuổi: 75-128 nhịp/phút
Nhịp tim tối đa
Trái với nhịp tim lúc nghỉ, nhịp tim tối đa được đo khi bạn đang tập thể dục. Chỉ số này cho biết tim đập nhanh như thế nào khi hoạt động mạnh và nó gần với “nhịp tim tối đa” thực sự của bạn – là giới hạn nhịp tim cao nhất có thể đạt đến. Để biết nhịp tim tối đa của bản thân là bao nhiêu, hãy lấy 220 trừ đi số tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), khi tập thể dục cường độ vừa phải thì nhịp tim nên nằm trong khoảng từ 64% đến 75% nhịp tim tối đa, và khi tập thể dục cường độ mạnh thì nên nằm trong khoảng từ 77% đến 93%.
Nhịp tim tối đa liên quan với khả năng tập luyện hiếu khí của cơ thể. Các nghiên cứu nhận thấy rằng khả năng tập luyện hiếu khí cao có liên quan với ít nguy cơ bị đau tim và tử vong hơn, theo Harvard Health.
Cách đo nhịp tim tại nhà
Trên cơ thể có một số vị trí dễ cảm nhận được nhịp mạch đập, trong đó phổ biến và dễ tìm nhất là động mạch quay ở cổ tay. Chỉ cần đặt ngón trỏ và ngón giữa của bạn vào mặt trong của cổ tay, ngay phía dưới ngón cái, bạn sẽ thấy nhịp mạch đập. Đếm số nhịp tim trong 60 giây hoặc đếm trong 15 giây rồi nhân 4 để ra được nhịp tim trong 1 phút của bạn là bao nhiêu.
Thời điểm tốt nhất để đo nhịp tim lúc nghỉ là vào buổi sáng khi bạn mới thức dậy và vẫn còn nằm trên giường. Còn đối với nhịp tim khi tập thể dục, bạn phải tạm dừng một lúc giữa buổi tập để đo, cũng có thể dùng máy đo nhịp tim chuyên dụng hoặc máy tập thể dục nếu có (chính xác nhất là máy đo nhịp tim đeo ở ngực).
Chú ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch
Nhiều người mắc bệnh tim mạch chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển đến mức quá muộn. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của cơn đau tim, bệnh tim, suy tim và các vấn đề sức khỏe tim mạch khẩn cấp khác mà bạn cần lưu ý, theo Mayo Clinic.
- Đau ngực, cảm giác căng tức ngực
- Hụt hơi
- Sưng phù ở tay, chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
- Đau lưng
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực)
- Nhịp tim thay đổi
- Yếu người
- Tê ở tay hoặc chân
- Chóng mặt
- Nhanh mệt khi vận động thể chất
- Ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn
- Ngất xỉu
Trên đây là cách tự kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà cùng với các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch mà bạn cần để ý. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!