Tại sao phụ nữ cần ngủ nhiều hơn nam giới?

Tất cả chúng ta đều cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Có người ngủ ít, có người ngủ nhiều do cơ địa bẩm sinh khác nhau, nhưng bạn có biết rằng giữa nam và nữ cũng có sự khác biệt về thời gian ngủ? Tại sao phụ nữ cần ngủ nhiều hơn nam giới? Hãy cùng khám phá nhé!

Phụ nữ cần ngủ nhiều hơn nam giới

Nhìn chung, các nhà khoa học cho rằng người trưởng thành khỏe mạnh bình thường dù là nam hay nữ cũng cần ngủ ít nhất 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày để duy trì sức khỏe tối ưu. Nhưng khi tìm hiểu sự khác biệt về thời gian ngủ, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phụ nữ thường ngủ nhiều hơn nam giới khoảng từ 11 đến 13 phút.

Phụ nữ ngủ nhiều hơn vài phút so với nam giới (Ảnh: Internet).

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Nghiên cứu gợi ý rằng thời gian ngủ của nam giới và phụ nữ khác nhau có nguyên nhân từ nhiều yếu tố sinh học tự nhiên và hành vi xã hội trong cuộc sống, mà những yếu tố này cũng có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Tuy vậy vẫn cần thêm nghiên cứu về vấn đề này để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của giới tính đối với giấc ngủ.

Nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ

Một bản đánh giá năm 2014 cho thấy nguy cơ mắc chứng mất ngủ của phụ nữ cao hơn 40% so với nam giới, có thể đó là lý do khiến nữ giới phải ngủ nhiều hơn để bì lại cho thời gian trằn trọc không ngủ được.

Nữ giới dễ bị mất ngủ hơn (Ảnh: Internet).

Phụ nữ cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng chân không yên (RLS) và chứng ngưng thở khi ngủ, cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khiến nữ giới cần ngủ nhiều hơn để cơ thể được hồi phục thoải mái.

Ảnh hưởng của hormone

Sự thay đổi hormone theo chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến phụ nữ khó có được giấc ngủ ngon, đặc biệt là trong giai đoạn tiền kinh nguyệt (ngay trước khi có kinh). Tương tự, khi phụ nữ mang thai cũng xảy ra sự thay đổi hormone rất mạnh, có thể làm xuất hiện các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Buồn ngủ
  • Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu nhiều lần trong đêm làm mất ngủ
  • Hội chứng chân không yên (RLS)
  • Khó thở

Khi người phụ nữ có tuổi và bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, sự thay đổi hormone có thể gây ra các triệu chứng như bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm, cũng là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cũng tăng lên khi bước qua mãn kinh. Tất cả những yếu tố đó có thể khiến phụ nữ phải ngủ nhiều hơn.

Thay đổi hormone làm phụ nữ khó ngủ hơn (Ảnh: Internet).

Phụ nữ phải làm nhiều công việc lặt vặt

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy phụ nữ nói chung dành ít thời gian hơn cho công việc ngoài xã hội, nhưng phải làm nhiều việc lặt vặt không được trả công như chăm sóc gia đình và nội trợ.

Những người có công việc ngoài xã hội thường ngủ ít hơn, vì vậy những người phụ nữ ở nhà nội trợ có thể dành nhiều thời gian để ngủ hơn. Nhưng bù lại, phụ nữ có nhiều khả năng bị gián đoạn giấc ngủ do phải chăm sóc gia đình.

Lối sống khác nhau giữa nam và nữ

Một số chuyên gia cho rằng nam và nữ có lối sống khác nhau, từ đó dẫn tới nhu cầu ngủ không giống nhau. Cụ thể, phụ nữ thường ít làm những việc “mạo hiểm” hơn so với nam giới và quan tâm đến chăm lo sức khỏe nhiều hơn, ví dụ như đi ngủ sớm hơn và ngủ trưa đều đặn hơn.

Mỗi người cần ngủ bao nhiêu là đủ?

Giống như tất cả những yếu tố khác trong cơ thể, nhu cầu về thời gian ngủ của chúng ta cũng thay đổi theo tuổi tác do ảnh hưởng của các yếu tố như hormone, thói quen lối sống và tình trạng sức khỏe nói chung.

Trẻ em và người lớn có nhu cầu ngủ khác nhau (Ảnh: Internet).

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), mỗi nhóm tuổi có thời gian ngủ được khuyến cáo khác nhau như sau (không phân biệt nam nữ):

  • Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: 14 giờ đến 17 giờ
  • Từ 4 đến 11 tháng tuổi: 12 đến 16 giờ
  • Từ 1 đến 2 tuổi: 11 đến 14 giờ
  • Từ 3 đến 5 tuổi: 10 đến 13 giờ
  • Từ 6 đến 12 tuổi: 9 đến 12 giờ
  • Từ 13 đến 18 tuổi: 8 đến 10 giờ
  • Từ 18 đến 64 tuổi: 7 đến 9 giờ
  • Từ 65 tuổi trở lên: 7 đến 8 giờ

Làm cách nào để giấc ngủ ngon hơn?

Giấc ngủ ngon giúp cải thiện tâm trạng, thể lực và khả năng hoạt động trí óc, tăng năng suất làm việc và học tập, ngoài ra còn giúp cơ thể khỏe mạnh và có khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

Dưới đây là một số tip giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng, bất kể giới tính nam hay nữ:

  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy đều đặn: bạn nên cố gắng đi ngủ và thức dậy vào khung giờ cố định và duy trì đều đặn hằng ngày, kể cả ngày nghỉ.
  • Tạo môi trường tối ưu cho giấc ngủ: môi trường lý tưởng sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ ngon hơn, đó là căn phòng phải yên tĩnh, tối và tạo cảm giác thoải mái, có thể dùng rèm che bớt ánh sáng và chuẩn bị chăn ga gối nệm đầy đủ.
  • Lưu ý về ăn uống trước khi đi ngủ: ăn no hoặc dùng nhiều caffeine có thể làm bạn khó ngủ, do đó không nên ăn gì trong vòng ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ và hạn chế caffeine vào ban ngày, ngoài ra cũng tránh dùng rượu bia trước khi đi ngủ.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ: ánh sáng xanh khiến cho bộ não tưởng rằng đang là ban ngày, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Vì vậy hãy tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm bằng cách không dùng các màn hình điện tử như TV, điện thoại, máy tính ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ: ví dụ như tắm nước nóng đã được chứng minh là giúp chúng ta đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn. Hoặc bạn có thể đọc sách, hít thở sâu và tập thiền trước khi đi ngủ.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn dễ ngủ hơn, với điều kiện là không tập ngay trước khi đi ngủ. Cách này còn giúp giảm căng thẳng – là nguyên nhân có thể khiến bạn khó ngủ.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ: một số tình trạng bệnh lý và các loại thuốc có thể góp phần gây khó ngủ, do đó hãy đi khám nếu bạn cảm thấy thường xuyên khó ngủ hoặc thức dậy mệt mỏi.

Tổng kết

Phụ nữ có xu hướng ngủ nhiều hơn khoảng vài phút mỗi đêm so với nam giới và có thể do nhiều nguyên nhân, từ sinh học tới xã hội. Dù sao thì bất kể bạn là nam hay nữ, việc ngủ đủ giấc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Một vài biện pháp đơn giản có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, nhưng nếu chúng không có tác dụng thì bạn nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra các vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *