Có phải bạn thường cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn xong, nhất là bữa trưa? Bạn nghĩ chuyện đó là bình thường? Có thể là vậy, nhưng nếu mệt mỏi sau bữa ăn tái diễn liên tục hoặc mệt đến mức không thể làm được việc gì thì có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hãy cùng xem nguyên nhân làm bạn uể oải sau bữa ăn và cách khắc phục nhé!
Tại sao cơ thể thường mệt mỏi sau khi ăn?
1. Bữa ăn quá “no nê”
Nếu bạn để ý sẽ thấy: bữa ăn càng thịnh soạn thì sau khi ăn xong càng dễ buồn ngủ và uể oải. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì cơ thể cần dành nhiều năng lượng cho hệ tiêu hóa hoạt động để xử lý lượng thức ăn đã nạp vào, giảm bớt năng lượng cho các hoạt động khác. Ăn càng nhiều và càng dinh dưỡng thì hệ tiêu hóa càng hoạt động nhiều và càng dễ buồn ngủ.
Dạ dày và ruột của chúng ta mất khoảng 2 giờ để tiêu hóa toàn bộ bữa ăn, đặc biệt là sau bữa trưa chúng ta thường trở lại làm việc nên càng dễ bị mệt mỏi và buồn ngủ.
2. Ăn quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường đơn và hương liệu nhân tạo (như fastfood) được coi là kém dinh dưỡng mà lại nhiều calo dư thừa. Lượng carbs và chất béo quá nhiều khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc nặng nhọc, hơn nữa còn làm cho lượng đường trong máu tăng cao không ổn định nhưng sau đó cũng giảm nhanh. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng uể oải vào buổi chiều.
3. Ăn nhiều carbs và protein
Bạn nên ăn đủ protein và carbs mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe và ngăn cảm giác đói giữa các bữa ăn. Không nên kiêng những thực phẩm này, nhưng một số chúng có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn.
Thực phẩm giàu protein (như cá, thịt, các sản phẩm từ sữa, đậu nành, trứng và các loại hạt) có chứa nhiều tryptophan. Chất này cũng có trong thực phẩm giàu carbs như mì, gạo, bánh mì trắng và bánh quy, bánh ngọt đã qua chế biến. Tryptophan là một loại axit amin giúp cơ thể sản xuất ra serotonin – loại hormone tạo cảm giác thư giãn. Các nhà khoa học cho rằng cảm giác mệt mỏi sau bữa ăn là vì cơ thể chúng ta tạo nhiều serotonin hơn.
4. Tình trạng tăng đường trong máu
Lượng đường trong máu tăng giảm là hoàn toàn bình thường, nhưng các loại đường không tốt cho sức khỏe có thể khiến đường huyết tăng giảm đột ngột gây cảm giác uể oải. Đó là vì lượng đường trong máu đột ngột tăng cao khiến cơ thể phải tích trữ, nhưng tích trữ quá nhanh khiến đường tụt xuống rất thấp khiến chúng ta lại thèm ăn đường hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn rất có hại cho sức khỏe.
5. Nhịn đói, bỏ bữa
Ăn không đủ hoặc thậm chí bỏ bữa cũng là một lý do phổ biến có thể khiến bạn mệt mỏi sau khi ăn vì cơ thể không còn năng lượng để hoạt động nữa.
Các nghiên cứu cho thấy việc bỏ bữa khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và thèm ăn quá nhiều khi đến bữa tiếp theo. Kết hợp giữa nhịn đói và ăn bù lại quá nhiều khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.
6. Dùng quá nhiều caffeine
Bắt đầu ngày mới với một tách cà phê là thói quen bình thường của nhiều người và không có gì xấu. Cà phê có thể giúp chúng ta tỉnh táo để làm việc, nhưng nếu lạm dụng cà phê có thể gây phản tác dụng và khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, lý do là vì lượng caffeine quá cao sẽ làm mất tác dụng kích thích của nó. Điều này càng dễ xảy ra trong giờ nghỉ trưa hoặc sau bữa ăn trưa.
7. Ít tập thể dục
Điều này nghe có vẻ không liên quan gì, nhưng thực ra khi cơ thể ít vận động sẽ gây cảm giác buồn ngủ và uể oải, không chỉ yếu cơ bắp mà còn mệt về tinh thần.
8. Thói quen đi ngủ không điều độ
Ngủ không ngon cũng có thể khiến bạn mệt mỏi sau khi ăn. Cơ thể chúng ta cần nghỉ ngơi đầy đủ để hoạt động tốt và tỉnh táo vào ban ngày, do đó thiếu ngủ đêm hôm trước sẽ khiến bạn thèm ăn hơn vào ngày hôm sau và buồn ngủ vào khoảng giờ chiều.
9. Uống rượu bia
Bản thân rượu bia không phải là lý do chính khiến bạn mệt mỏi sau khi ăn, nhưng quan trọng là cách uống: nếu uống rượu trong bữa ăn hoặc uống vào đêm hôm trước sẽ gây buồn ngủ vào ngày hôm sau. Theo các chuyên gia tại đại học Harvard, chất cồn có tác dụng an thần và có thể gây cảm giác mệt mỏi.
10. Các vấn đề sức khỏe khác
Mệt mỏi quá mức sau khi ăn có thể là triệu chứng của các vấn đề sau:
Bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có thể thấy mệt sau khi ăn do lượng đường trong máu thay đổ bất thường. Khi đường huyết quá thấp hoặc quá cao có thể gây chóng mặt, uể oải.
Thiếu máu
Thiếu máu có nguyên nhân là do thiếu một số chất dinh dưỡng trong cơ thể như sắt, folate và vitamin B12. Một trong những dấu hiệu thường gặp của thiếu máu là cảm giác vô cùng mệt mỏi và chóng mặt.
Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
Buồn ngủ có thể là dấu hiệu của dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm, bên cạnh các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy và nôn ói. Do đó bạn nên để ý xem những loại thực phẩm mình đã ăn trước đó có liên quan với buồn ngủ hay không.
Các bệnh tuyến giáp
Những người bị mất cân bằng hormone tuyến giáp có thể biểu hiện buồn ngủ quá mức hoặc rối loạn giấc ngủ, ngoài ra có các triệu chứng khác như sụt cân bất thường, thay đổi thói quen đại tiện và yếu cơ.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng khiến cơ thể ngừng thở trong thời gian ngắn khi đang ngủ, làm gián đoạn giấc ngủ nhiều lần trong đêm và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Có nhiều yếu tố góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, đa số liên quan đến béo phì và huyết áp cao.
Bệnh celiac (không dung nạp gluten)
Không dung nạp gluten có thể gây mệt mỏi, đặc biệt là sau bữa ăn vì cơ thể không tiêu hóa được thức ăn chứa gluten, hấp thu được ít chất dinh dưỡng hơn và đường ruột thường xuyên bị kích thích. Một trong những triệu chứng chính của bệnh này là mệt mỏi.
Làm cách nào để không bị mệt sau bữa ăn?
Hiện tượng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số lời khuyên để tránh cảm giác mệt mỏi sau khi ăn.
1. Uống đủ nước
Nước là thành phần thiết yếu để giữ cho cơ thể hoạt động tốt, thúc đẩy trao đổi chất và tràn đầy năng lượng, ít mệt mỏi hơn.
2. Dùng thực phẩm nguyên chất và tránh các loại đã qua chế biến
Một trong những cách để tránh mệt mỏi là giữ lượng đường trong máu ổn định. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm nguyên chất và tránh các thực phẩm đã qua chế biến để giúp đường huyết không bị tăng đột biến, giảm cảm giác thèm ăn và thiếu năng lượng.
3. Ăn vừa đủ no
Ăn đủ no không chỉ giúp bạn giữ dáng mà còn hỗ trợ tiêu hóa và tăng mức năng lượng cho cơ thể. Bạn chỉ nên ăn cho đến khi vừa đủ no chứ không đến mức no căng. Ăn quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể sẽ khiến bạn dễ bị buồn ngủ.
4. Không nhịn đói hoặc bỏ bữa
Ăn uống điều độ và đúng giờ sẽ giúp cơ thể có nhiều năng lượng hơn trong suốt cả ngày. Đừng cố gắng nhịn đói vì sau đó bạn sẽ ăn quá nhiều trong bữa tiếp theo và rất uể oải sau khi ăn xong.
5. Tập thể dục thường xuyên
Hãy vận động bất cứ khi nào có thể. Bạn không cần phải chạy marathon để giữ sức khỏe tốt, nhưng ít nhất hãy thực hiện một số bài tập đơn giản để nâng cao mức năng lượng của mình.
6. Ngủ ngon và đủ giấc
Giấc ngủ tốt là chìa khóa của sức khỏe. Nên ngủ khoảng 7 đến 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm, không nên ăn quá muộn vào buổi tối và hạn chế ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ giúp bạn hình thành thói quen ngủ tốt.
7. Dùng caffeine ở mức vừa phải
Nếu bạn thích uống cà phê buổi sáng thì cũng không sao cả, nhưng chỉ nên uống khoảng 2 đến 3 cốc mỗi ngày là đủ để kích thích năng lượng cho cơ thể. Uống nhiều hơn có thể gây tác dụng ngược.
8. Chế độ ăn uống cân bằng
Ăn đủ thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn và tràn đầy năng lượng. Cố gắng bổ sung protein, chất xơ và chất béo tốt trong mỗi bữa ăn, làm cho bàn ăn đầy đủ nhiều màu sắc.
9. Uống rượu bia vừa phải
Khi giảm bớt rượu bia, nhất là bớt uống trong bữa ăn, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mình có cải thiện đáng kể. Chỉ uống không quá 1 đến 2 ly rượu mỗi ngày là đủ.
Tổng kết
Cảm giác mệt mỏi sau khi ăn là bình thường, nhưng bạn có thể thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày để giảm bớt tình trạng này, ví dụ như chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, vận động thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý và đi khám sức khỏe định kỳ.
- Bạn có biết cách tắm nước lạnh như thế nào để tăng cường sức khỏe?
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!