7 loại trà tốt cho người bệnh tiểu đường, giúp giảm cân và kiểm soát đường huyết

Người mắc bệnh tiểu đường phải ăn uống cực kỳ cẩn thận để không làm thay đổi đường huyết đột ngột có thể gây nguy hiểm, phải tránh dùng nước ngọt, nước trái cây hay cà phê có đường. Tuy nhiên một số loại trà thảo mộc không đường có tác dụng rất tốt giúp giảm cân, giảm căng thẳng và kiểm soát đường huyết cho người bệnh. Hãy cùng xem đó là những loại trà nào nhé.

Những loại trà thảo mộc tự nhiên có hương vị thơm ngon mà lại không làm tăng đường huyết, đặc biệt còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do – là thủ phạm gây stress oxy hóa trong cơ thể và góp phần gây ra một số bệnh như tiểu đường type 2 và bệnh tim.

Trà thảo mộc rất tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet).

Ngoài ra trà còn có tác dụng cụ thể đối với bệnh tiểu đường type 2. Các nghiên cứu cho thấy: uống ít nhất 3 tách trà mỗi ngày có liên quan với giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Sau đây hãy cùng tìm hiểu những loại trà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này và giúp người bệnh cải thiện sức khỏe.

1. Trà xanh có thể giúp giảm cân

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy uể oải vào giờ nghỉ trưa thì hãy dùng một tách trà xanh có chứa khoảng 28 mg caffeine giúp tinh thần tỉnh táo và còn ngăn bệnh tiểu đường.

Trà xanh là thức uống phổ biến ở khắp mọi nơi (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu cho thấy dùng trà xanh ở dạng uống hoặc chiết xuất có thể làm giảm đường huyết, góp phần ngăn bệnh tiểu đường type 2 và béo phì. Trong đó một nghiên cứu phát hiện rằng những người uống trà xanh thường xuyên kéo dài hơn 10 năm có ít mỡ hơn và vòng eo nhỏ hơn so với những người không uống. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 gấp nhiều lần, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Diabetologia vào tháng 4/2020.

Trà xanh có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường một phần là nhờ hợp chất epigallocatechin gallate (EGCG) có hoạt tính mạnh, giúp các tế bào cơ tăng hấp thu glucose, từ đó làm giảm đường huyết và cũng có thể được ứng dụng để điều trị béo phì.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một tách trà xanh tự nhiên chỉ có 2,4 calo và không chứa carbohydrate, đường và chất béo, do đó rất tốt cho tất cả mọi người.

2. Trà đen có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin

Trà đen và trà xanh có cùng nguồn gốc và chỉ khác nhau về cách chế biến nên cũng có tác dụng tương tự với bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu cho thấy uống trà đen, trà xanh hay trà ô long đều có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và nguy cơ bị biến chứng của bệnh.

Trà đen được làm từ lá trà giống như trà xanh (Ảnh: Internet).

Các nhà khoa học cho rằng lợi ích của trà là do giảm tình trạng kháng insulin, tức là tăng tác dụng của insulin, cũng như làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Ngoài ra các nghiên cứu trên động vật cho thấy trà đen có thể làm giảm hấp thu carbohydrate vào cơ thể nên giúp kiểm soát đường huyết. Trà đen cũng được phát hiện làm giảm cân nặng ở động vật.

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương tháng 1/2017 cho thấy uống trà đen sau khi ăn đường sẽ giúp kiểm soát đường huyết. Các nghiên cứu khác cho thấy những người uống trà, trong đó có trà đen, giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2.

3. Trà hoa cúc La Mã (chamomile) có thể giúp dễ ngủ

Thiếu ngủ có hại cho người bệnh tiểu đường. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), chỉ một đêm ngủ không ngon cũng ảnh hưởng đến sự sản xuất insulin trong cơ thể và có nguy cơ làm tăng đường huyết.

Trà hoa cúc không chứa caffeine (Ảnh: Internet).

Khác với trà thông thường, trà hoa cúc tự nhiên không chứa caffeine nên có thể giúp ngủ ngon. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAN tháng 10/2015 cho thấy những phụ nữ mới sinh con gặp vấn đề về giấc ngủ sau khi uống trà hoa cúc trong 2 tuần đã giảm bớt tình trạng khó ngủ cũng như triệu chứng trầm cảm so với những người không uống.

Tác dụng này cũng có thể giúp ích cho người bệnh tiểu đường vì bệnh này đi kèm với phản ứng viêm trong cơ thể, mà chế độ ăn và giấc ngủ tốt là những yếu tố quan trọng giúp giảm viêm.

Trà hoa cúc cũng có thể giúp tăng độ nhạy insulin và kiểm soát đường huyết, giảm stress oxy hóa trong cơ thể. Một nghiên cứu vào tháng 12/2018 cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 uống trà hoa cúc 3 lần/ngày (sau mỗi bữa ăn) kéo dài 8 tuần đã có sự cải thiện về tình trạng viêm và kháng insulin.

Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy uống trà hoa cúc hàng ngày có thể ngăn xuất hiện các biến chứng của bệnh tiểu đường, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu trên người.

4. Trà gừng có thể làm giảm đường huyết lúc đói

Trà gừng không chỉ giúp tinh thần sảng khoái mà còn rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu trước đây cho thấy dùng sản phẩm bổ sung chứa nhiều gừng có thể làm giảm chỉ số đường huyết lúc đói và A1C ở những người bị tiểu đường type 2.

Trà gừng tốt cho người bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu quy mô nhỏ vào tháng 2/2015 phát hiện rằng những người bị tiểu đường không dùng insulin nhưng dùng sản phẩm bổ sung gừng trong 3 tháng đã kiểm soát đường huyết tốt hơn đáng kể so với những người không dùng.

Tác dụng của gừng có thể là do ức chế các enzym chuyển hóa carbohydrate và làm tăng độ nhạy insulin của cơ thể, giúp cho các mô mỡ ngoại vi và tế bào cơ hấp thu nhiều đường hơn, làm giảm lượng đường trong máu.

5. Trà hoa bụp giấm (hoa atisô đỏ) có thể làm giảm huyết áp

Loại trà này không chỉ mang lại hương vị chua và thơm đầy sảng khoái mà còn có thể giúp ích cho người bệnh tiểu đường.

Trà được làm từ nụ hoa bụp giấm (Ảnh: Internet).

Trà bụp giấm có thể giúp hệ tim mạch khỏe mạnh, trong khi những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy uống trà bụp giấm thường xuyên có thể làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương ở người bệnh tiểu đường.

6. Trà rooibos (hồng trà Nam Phi) có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường

Loại trà này được làm từ lá của một loại cây bụi có nguồn gốc ở Nam Phi. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy trà rooibos có thể giúp giảm cân, là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 và làm chậm tiến triển của bệnh.

Trà rooibos có nguồn gốc từ Nam Phi (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu phát hiện trà rooibos có thể ngăn hình thành tế bào mỡ, do đó có thể ngăn bệnh béo phì. Ngoài ra loại trà này có chứa hợp chất thực vật aspalathin giúp làm giảm đường huyết, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLoS One tháng 5/2019. Hợp chất này cũng có thể phục hồi các biến chứng do hội chứng chuyển hóa.

Thử nghiệm trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy aspalathin giúp cải thiện tình trạng không dung nạp glucose và có thể giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Một nghiên cứu trên người cho thấy uống trà rooibos giúp giảm cholesterol LDL và triglyceride, nhưng phải uống lượng rất lớn mỗi ngày.

7. Trà bạc hà

Trà bạc hà thường được dùng để thư giãn tinh thần, nhưng cũng rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Các chuyên gia cho rằng trà bạc hà có tác dụng giảm căng thẳng nên có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn. Theo Đại học California (Mỹ), stress là yếu tố có thể làm đường huyết tăng cao và khó kiểm soát.

Trà bạc hà giúp giảm căng thẳng rất tốt (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu cho thấy hương thơm bạc hà giúp giảm mệt mỏi, lo âu và khó chịu cho những người lái xe. Một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đau tháng 10/2019 cho thấy hương thơm bạc hà giúp giảm đau và giảm lo lắng cho những bệnh nhân được đặt ống thông tĩnh mạch, và đề xuất rằng nên áp dụng cho những người chuẩn bị được làm thủ thuật này.

Tổng kết

Dù bạn uống loại trà nào thì cũng nên nhớ các nguyên tắc: đối với người bị tiểu đường phải chọn đồ uống không đường, có thể dùng trà xanh, trà đen hoặc trà thảo mộc và hạn chế caffeine trước khi đi ngủ.

Ngoài ra hãy cẩn thận với các loại trà được quảng cáo là “giảm cân”, vì chúng có thể chứa các chất lợi tiểu hoặc gây tiêu chảy làm cơ thể mất đi cân nặng nhưng không hề tốt cho sức khỏe.

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *