Người tiêu dùng chúng ta hiếm khi đọc thông tin thành phần – thứ được viết bằng phông chữ nhỏ nhất – trên bao bì sản phẩm. Các nhà nghiên cứu nói rằng chỉ có 15% người thực sự chú ý đến thông tin dinh dưỡng trên các sản phẩm họ mua. Điều này cho phép một số nhà sản xuất sử dụng các chiến lược tiếp thị gây hiểu lầm để khiến chúng ta mua sản phẩm của họ. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu 8 sự thật về các thực phẩm đóng gói này nhé.
1. Thức ăn cho trẻ em có thể chứa nhiều đường hơn chúng ta nghĩ
Thực tế khi nói đến thức ăn cho trẻ em, các sản phẩm được quảng cáo là “lành mạnh” có thể chứa rât nhiều đường vì trong thành phần có cả trái cây chứ không chỉ có rau. Nhưng chúng ta chỉ thấy được nhãn “vị rau” mà nhà sản xuất in trên bao bì và tin rằng những thứ đó tốt cho trẻ em. Các sản phẩm như vậy đều được khẳng định là “không có đường” nhưng trên thực ra khi trái cây được thêm vào có nghĩa là nó chứa khá nhiều đường đấy.
2. Nhãn “không có nitrat” không đảm bảo an toàn
“Không có nitrat” là loại nhãn bạn thường thấy trên các loại thịt. Mặc dù nitrat thực sự có hại nhưng nhãn này cũng không đảm bảo được rằng thịt an toàn 100%. Ngoài nitrat, thực phẩm của chúng ta còn có thể chứa các hợp chất có hại như sunfat, phốt phát, BHT, BHA, v.v. Hãy đọc kỹ nhãn để tìm sản phẩm an toàn và nếu có thể thì cố gắng tránh ăn các sản phẩm thịt đóng hộp nhé.
3. “Không có chất béo” chưa chắc là thực sự không có chất béo
Thực phẩm “không có” một số thành phần nhất định không có nghĩa là hoàn toàn không chứa chúng, ví dụ như chất béo, đường hoặc cholesterol. Các quy định quản lý cho phép nhà sản xuất công bố rằng sản phẩm “không có chất béo” nếu nó chỉ chứa 0,5 gam chất béo trong mỗi khẩu phần ăn – với đường cũng tương tự như vậy. Đối với thực phẩm “không cholesterol”, một khẩu phần ăn được phép chứa tối đa 2 miligam.
4. Các nhãn ghi “tự nhiên” và “nhẹ” có thể gây hiểu lầm
Từ “tự nhiên” (natural) là một chiêu tiếp thị tốt nhưng lại không có nhiều ý nghĩa thực sự. Các chuyên gia nói rằng không có bất cứ ý nghĩa pháp lý nào khi sử dụng từ này trên nhãn sản phẩm cả.
Trái lại, việc sử dụng từ “nhẹ” (light) có được quy định trong pháp luật, nhưng nó chỉ liên quan đến chất béo mà thôi. Vì vậy về mặt pháp lý, đồ ngọt được gọi là “nhẹ” nghe có vẻ khá tốt cho sức khỏe, nhưng thực tế chưa chắc như vậy.
5. Thực phẩm có thể chứa nhiều hoặc ít dinh dưỡng hơn chúng ta nghĩ
Theo các quy định, có thể chênh lệch khá lớn giữa thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và lượng dinh dưỡng thực tế: có thể khác tới 20%. Ví dụ một thanh kẹo được quảng cáo là có 100 calo thì lượng calo thực sự có thể nằm trong khoảng từ 80 đến 120. Điều này cũng đúng với các chất dinh dưỡng khác.
6. “Gà thả vườn” chưa chắc tốt như ta vẫn tưởng
Khi nhìn thấy nhãn như “thả vườn” hoặc “không ở trong chuồng” trên các hộp trứng, chúng ta sẽ nghĩ rằng gà ở những trang trại này đang sống trong điều kiện giống như “khách sạn 5 sao”. Nhưng sự thật lại khác xa với những gì chúng ta nghĩ.
Những nhãn này không thực sự yêu cầu người nông dân thả gà đi lại tự do (thực tế đàn gà chỉ ở ngoài vườn khoảng 5 phút mỗi ngày và vẫn được coi là “thả vườn”). Tồi tệ hơn, một vài nơi còn sử dụng các biện pháp tàn ác như cắt mỏ hoặc bỏ đói gà để thay đổi chu kỳ đẻ trứng của chúng.
7. Lượng đường thực tế rất khó tính
Đường có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Đôi khi thông tin này được các nhà sản xuất sử dụng để che giấu lượng chất ngọt thực sự có trong sản phẩm. Dưới đây là các khái niệm thường được sử dụng.
- Các loại đường khác nhau: đường bơ, đường caster, đường dừa, đường vàng, v.v.
- Xi-rô: xi-rô carob, xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, mật ong, xi-rô cây phong, xi-rô yến mạch, xi-rô cám gạo, v.v.
- Các loại đường bổ sung khác: mật đường, lactose, chất làm ngọt ngô, dextran, ethyl maltol, fructose, galactose, glucose, disaccharides, maltose, và các loại khác
8. Không phải tất cả các sản phẩm có ngũ cốc nguyên hạt đều tốt
Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm mà chúng ta nên ăn nhiều hơn vì chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì, tiểu đường loại 2 và nhiều lợi ích khác. Nhưng cách lựa chọn thực phẩm chứa ngũ cố nguyên hạt không hề đơn giản. Mặc dù hiện nay có nhiều sản phẩm có nhãn “ngũ cốc nguyên hạt” nhưng tỷ lệ thực của chúng lại không đáng kể. Thay vào đó, bạn hãy tìm các sản phẩm in nhãn “100% ngũ cốc nguyên hạt” hoặc có một loại ngũ cốc được liệt kê đầu tiên trong danh sách thành phần.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!