Nhà bác học Charles Darwin từng nói rằng nếu được sống một lần nữa, ông sẽ duy trì thói quen đọc thơ và nghe nhạc ít nhất một lần mỗi tuần. Nhà vật lý Albert Einstein cũng nói, nếu không phải là nhà vật lý thì có lẽ ông sẽ là một nhạc sĩ. Còn nhạc công nổi tiếng Jimi Hendrix gọi âm nhạc là “tôn giáo” của mình. Thực tế khoa học đã phát hiện nhiều lợi ích kỳ diệu của việc nghe nhạc mang lại cho sức khỏe, hãy cùng khám phá nhé!
Nghiên cứu cho thấy nghe nhạc tốt cho cả tinh thần và thể chất của con người một cách đáng ngạc nhiên. Thậm chí việc học nhạc có thể giúp nâng cao IQ và giữ cho trí óc minh mẫn khi về già. Dưới đây là 15 lợi ích tuyệt vời của việc nghe nhạc đối với sức khỏe đã được khoa học chứng minh.
1. Âm nhạc làm chúng ta hạnh phúc hơn
Khi nghe những bản nhạc yêu thích, não sẽ tiết ra chất dopamine tạo cảm giác vui vẻ hạnh phúc. Một nghiên cứu của nhà thần kinh học Valorie Salimpoor tại Đại học McGill cho thấy khi mọi người nghe bản nhạc yêu thích của mình sẽ có một lượng lớn dopamine được giải phóng, khiến họ có những cảm xúc như hạnh phúc, vui sướng, phấn khích.
Vậy mỗi khi cần “lên dây cót” cho tinh thần, bạn hãy lắng nghe những giai điệu âm nhạc yêu thích của mình trong vài phút – cực kỳ đơn giản mà hiệu quả.
2. Nghe nhạc giúp chạy tốt hơn
Nhà nghiên cứu Marcelo Bigliassi đã phát hiện ra rằng những người nghe nhạc truyền động lực sẽ chạy được quãng đường 800 mét đầu tiên nhanh hơn những người nghe nhạc êm dịu hoặc hoàn toàn không có nhạc. Vì vậy nếu bạn muốn nạp thêm năng lượng cho bản thân trong lúc tập chạy thì hãy nghe những bài hát truyền cảm hứng mà bạn yêu thích.
3. Nghe nhạc giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe
Nghe những bản nhạc yêu thích giúp làm giảm hormone cortisol gây căng thẳng trong cơ thể, nhờ đó chống lại tác hại của căng thẳng mãn tính đối với sức khỏe. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì căng thẳng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra 60% tất cả bệnh tật.
Một nghiên cứu cho thấy khi mọi người chủ động tạo ra âm nhạc bằng cách gõ nhạc cụ và ca hát thì hệ miễn dịch được tăng cường tốt hơn so với nghe nhạc một cách thụ động.
Vì vậy nếu bạn muốn giảm stress và cải thiện sức khỏe của mình thì hãy bật những bản nhạc yêu thích, thậm chí hát theo và gõ chân theo nhịp để tăng thêm tác dụng hơn nữa cho sức khỏe.
4. Nghe nhạc giúp ngủ ngon hơn
Một nghiên cứu cho thấy những người nghe nhạc cổ điển thư giãn trong 45 phút trước khi ngủ sẽ có giấc ngủ tốt hơn nhiều so với những người nghe sách nói hoặc làm những việc khác như thường ngày.
Vì vậy nếu bạn thường xuyên bị khó ngủ thì hãy thử bật nhạc cổ điển vào buổi tối để xem tác dụng như thế nào nhé.
5. Âm nhạc làm giảm trầm cảm
Cũng trong nghiên cứu về giấc ngủ nêu trên, những người được nghe nhạc cổ điển trước khi đi ngủ đã giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm, còn những người khác thì không.
Một nghiên cứu khác ở Đức cũng cho thấy âm nhạc có thể ảnh hưởng tới các bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm, trong đó thể loại nhạc thiền và nhạc cổ điển giúp cải thiện tâm trạng, nhưng nhạc techno và heavy metal lại khiến họ buồn hơn.
Vì vậy nếu bạn đang cảm thấy buồn chán thì hãy nghe nhạc cổ điển hoặc nhạc thiền để lên tinh thần trở lại nhé.
6. Âm nhạc giúp giảm thèm ăn
Nghiên cứu tại Đại học Georgia Tech cho thấy môi trường có ánh sáng êm dịu và âm nhạc nhẹ nhàng sẽ khiến mọi người ăn ít hơn và tập trung thưởng thức vị giác tốt hơn. Vì vậy nếu bạn muốn kiềm chế sự thèm ăn để không ăn quá nhiều thì hãy thử để đèn yếu và nghe nhạc êm khi ăn.
7. Âm nhạc giúp tâm trạng tích cực trong lúc lái xe
Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy nghe nhạc có thể giúp tâm trạng trở nên tích cực trong lúc lái xe, từ đó có thể khiến người lái xe chú ý an toàn hơn so với người không nghe nhạc.
8. Âm nhạc giúp tăng khả năng học tập và trí nhớ
Nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể giúp quá trình học và nhớ lại thông tin tốt hơn, nhưng còn tùy vào thể loại nhạc và bạn có phải là người biết chơi nhạc hay không. Cụ thể, những người biết chơi nhạc sẽ học tốt hơn khi nghe nhạc bình thường nhưng nhớ lại thông tin tốt hơn khi nghe nhạc mà họ thích. Ngược lại, những người không biết chơi nhạc có kết quả học tốt hơn khi nghe nhạc mà họ thích nhưng nhớ lại tốt hơn khi nghe nhạc bình thường.
9. Âm nhạc giúp thư giãn cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật
Nghiên cứu cho thấy nghe nhạc thư giãn trước khi phẫu thuật giúp làm giảm lo lắng cho người bệnh, thậm chí còn hiệu quả hơn so với thuốc midazolam dùng đường uống – một loại thuốc thường được dùng để gây ngủ cho bệnh nhân trước mổ nhưng có tác dụng phụ như ho và nôn.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy nghe nhạc êm dịu khi nằm nghỉ trên giường giúp tăng sự thư giãn cho các bệnh nhân sau phẫu thuật tim mở.
10. Âm nhạc làm giảm đau
Nghiên cứu tại Đại học Drexel ở Philadelphia (Mỹ) cho thấy sử dụng âm nhạc giúp giảm đau tốt hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống ở người bệnh ung thư. Ngoài ra âm nhạc cũng có thể giảm đau cho các bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh nhân được chăm sóc lão khoa, nhưng với điều kiện phải là nhạc cổ điển, nhạc thiền hoặc những bản nhạc mà chính họ yêu thích.
11. Âm nhạc giúp cải thiện bệnh Alzheimer
Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Music & Memory đã cho những người mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ do tuổi già khác nghe những bài hát mà họ thích nhất, kết quả cho thấy có những trường hợp hồi phục trí nhớ một cách thần kỳ.
Các chuyên gia cho rằng đó là vì âm nhạc kích thích nhiều khu vực của não và làm hồi phục những đường truyền vẫn còn hoạt động tốt trong não của người bệnh.
Bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác rất phổ biến trong xã hội, vì vậy nếu bạn cũng có người thân gặp tình trạng tương tự thì hãy thường xuyên cho họ nghe những bản nhạc mà họ yêu thích.
12. Âm nhạc giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi tốt hơn
Nghiên cứu tại Đại học Helsinki cho thấy những bệnh nhân đột quỵ được nghe nhạc theo ý thích trong khoảng 2 giờ một ngày đã cải thiện đáng kể chức năng nhận thức so với những người nghe sách nói hoặc không nghe gì cả. Hầu hết trong số đó là nhạc có lời, tức là sự kết hợp âm nhạc và lời nói đã giúp cải thiện trí nhớ thính giác và lời nói của người bệnh.
13. Âm nhạc giúp tăng trí thông minh ngôn từ
Một nghiên cứu tại Đại học York cho thấy chỉ sau 1 tháng học âm nhạc đã giúp cho 90% trẻ em từ 4-6 tuổi tăng đáng kể về trí thông minh ngôn từ. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc học nhạc có tác dụng giúp trẻ em hiểu các từ và giải thích ý nghĩa của chúng tốt hơn.
Nghiên cứu khác cho thấy những phụ nữ trưởng thành và trẻ em được học nhạc có kết quả kiểm tra trí nhớ ngôn từ vượt trội so với những người không học nhạc. Vì vậy dù là người lớn hay trẻ em thì cũng nên học nhạc để tăng cường các kỹ năng ngôn từ của mình.
14. Âm nhạc giúp tăng IQ và kết quả học tập
Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ được học âm nhạc sẽ có thành tích học tập và IQ cao hơn trong tương lai. Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ 6 tuổi được học hát hoặc chơi nhạc trên bàn phím trong 36 tuần có chỉ số IQ và kết quả kiểm tra cao hơn đáng kể so với những đứa trẻ học kịch hoặc không học gì cả. Trong đó những đứa trẻ học hát có kết quả tốt hơn.
Vì vậy nếu bạn muốn giúp con mình phát triển trí thông minh để học tập tốt hơn thì hãy khuyến khích con học hát hoặc học chơi nhạc cụ.
15. Âm nhạc giúp bộ não minh mẫn khi về già
Một nghiên cứu trên những người lớn tuổi khỏe mạnh cho thấy những người có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hiểu biết về âm nhạc sẽ đạt điểm cao hơn khi làm bài kiểm tra nhận thức so với những người có ít kinh nghiệm hơn. Những người hoàn toàn không biết chơi nhạc có số điểm thấp nhất.
Các nhà khoa học cho rằng việc học chơi nhạc cụ đòi hỏi bộ óc phải hoạt động để học hỏi và thực hành thường xuyên, tạo ra các liên kết mới trong não để bù đắp lại sự thoái hóa do tuổi già.
Trên đây là những lợi ích tuyệt vời của âm nhạc đối với sức khỏe thể chất và cả trí não. Bạn có hay nghe nhạc khi học tập và làm việc không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!