Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, bạn không chỉ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước mà còn phải luyện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên khi đã quá bận rộn với công việc và các kế hoạch khác trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường vô thức bỏ qua hoạt động quan trọng này. Mặc dù ngay lập tức chúng ta có thể không nhận thấy bất cứ sự thay đổi rõ rệt nào, nhưng về lâu dài nó sẽ gây rất nhiều tác hại khôn lường. Dưới đây là 11 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu vận động thể chất và nhắc nhở bạn cần đứng lên tập luyện ngay lập tức.
1. Bạn thường xuyên bị táo bón
Khi cơ thể vận động, đại tràng của bạn cũng sẽ di chuyển theo và đây chính là mấu chốt giúp bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu bạn lười vận động, đại tràng “đứng im” quá lâu sẽ khiến hoạt động của nó bị rối loạn, ảnh hưởng đến chức năng bài tiết.
Ngoài ra, khi vận động, các nhóm cơ bụng khỏe mạnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động bài tiết diễn ra trơn tru hơn. Do đó tập thể dục đều đặn hàng ngày sẽ giúp bạn duy trì thời gian bài tiết cố định, kể cả khi cơ thể đã lão hóa do tuổi tác.
2. Cứng khớp
Đau nhức xương khớp và khó cử động đôi khi là dấu hiệu của tình trạng viêm khớp hoặc một số bệnh tự miễn khác. Nhưng trong vài trường hợp, nó cũng là lời cảnh báo rằng đã quá lâu bạn chưa vận động.
Giống như máy móc để lâu ngày không dùng đến, các bộ phận bị gỉ sét và khô dầu sẽ khiến chúng đơ cứng, khó khởi động. Vì thế bạn nên vận động thể chất thường xuyên để cơ khớp được linh hoạt, tránh tình trạng “kẹt cứng” có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
3. Thường xuyên cảm thấy khó thở
Cũng giống như cơ và khớp yếu đi khi lâu ngày không sử dụng, phổi của bạn cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nếu không được luyện tập thường xuyên.
Hít thở sâu và liên tục trong lúc luyện tập là phương pháp nâng cao dung tích phổi tuyệt vời. Khi tim đậm nhanh, cơ thể đốt cháy năng lượng, bạn buộc phải tận dụng tối đa khả năng của phổi để lấy oxi, giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng. Ngược lại nếu bạn ít vận động, phổi không được rèn luyện thường xuyên sẽ ngày càng yếu đi, khiến bạn cảm thấy khó thở và dễ mệt mỏi khi thực hiện bất cứ hoạt động thể chất nào.
4. Phần lớn thời gian cảm thấy buồn rầu
Bên cạnh sự yếu đuối về thể chất, lười vận động cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bạn. Nó có thể là nguyên nhân gây tăng cảm giác lo lắng và trầm cảm.
Để khắc phục, bạn cần phải làm gì đó giúp hoạt động tuần hoàn máu diễn ra năng suất hơn. Và vận động thể chất là lựa chọn dễ dàng nhất. Một số bài tập giúp bạn nâng cao tâm trạng bao gồm đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc chạy bền.
5. Thường xuyên mệt mỏi
Nếu bạn hay rơi và trạng thái uể oải, mệt mỏi và chán nản không rõ lý do, thì nguyên nhân chính là cơ thể bạn đang không được vận động đầy đủ.
Tập thể dục thúc đẩy lượng oxy và chất dinh dưỡng vận chuyển đến các tế bào. Nếu phần lớn thời gian trong ngày của bạn chỉ là ngồi và nằm, tế bào không nhận đủ oxy cần thiết chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Việc cần làm những lúc như vậy là hãy đứng lên tập một vài động tác giãn cơ nhẹ nhàng hoặc làm một việc gì đó cần dùng sức. Và nhớ phải dành ra ít nhất 30 phút tập luyện một cách nghiêm túc mỗi ngày.
6. Tiêu hóa kém
Những người vận động càng nhiều, khả năng tiêu hóa thức ăn của họ càng tốt. Vì khi vận động, các cơ quan tiêu hóa cũng được kích thích làm việc hiệu quả, xử lý thức ăn nhanh hơn, quá trình trao đổi chất nhanh hơn và cả quá trình đốt cháy năng lượng cũng nhanh hơn.
7. Khó ngủ hoặc ngủ chập chờn
Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi vì phải “đếm cừu” mỗi đêm hoặc ngủ không sâu giấc, điều đó cũng là dấu hiệu cơ thể muốn cảnh báo với bạn rằng bạn đang thiếu vận động thể chất.
Hãy thử dành ra 30 phút mỗi ngày luyện tập vào buổi sáng hoặc chiều, duy trì trong một tuần chắc chắn bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
8. Trí nhớ giảm sút, hay quên
Khi vận động thể chất, cơ thể bạn sẽ tiết ra những loại hormone tăng trưởng. Chúng thúc đẩy sản xuất và vận chuyển máu đến não, giúp duy trì và cải thiện khả năng ghi nhớ, sự tập trung cũng như quyết định độ nhanh nhẹn của trí não.
Ít vận động dẫn đến lượng máu lưu thông lên não kém, lâu ngày có thể gây suy giảm chức năng trí não của bạn.
9. Tăng huyết áp
Ngồi làm việc quá lâu là một trong số những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cụ thể là đau tim hoặc các bệnh mạch vành.
Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân chính là ít vận động sẽ khiến bạn dễ dàng bị mắc bệnh cao huyết áp.
10. Đau lưng
Các khớp cột sống cũng nằm trong danh sách có thể bị thoái hóa nếu ít khi được sử dụng. Khi các khu vực lõi trên cơ thể (là bụng, hông và lưng dưới) yếu ớt, chúng sẽ gặp “trục trặc” và khó khăn trong việc hỗ trợ cơ thể theo cách bạn muốn.
Một số bài tập đơn giản làm tăng chức năng của vùng cơ lõi như vươn người, yoga, Pilates sẽ là phương pháp “bảo trì” tốt nhất khi bạn gặp phải tình trạng đau lưng hoặc căng cứng khi ít vận động lâu ngày.
11. Luôn “cảm thấy đói”
Nếu bạn nghĩ rằng càng luyện tập nhiều càng thấy đói thì bạn đã nhầm. Khi vận động cơ thể, đặc biệt là với các hoạt động như thể dục nhịp điệu, đạp xe, bơi lội và chạy bộ, cơ thể bạn sẽ tiết ra một số loại hormone giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn.
Trong trường hợp bạn thường xuyên thấy “đói vặt” mặc dù đã ăn uống đầy đủ, đó chỉ là tín hiệu giả mà cơ thể đang đưa đến cho bạn. Do đó, mỗi khi “cơn đói” bất thình lình xuất hiện vào nửa buổi hoặc đêm muộn, bạn có thể uống một ly nước hoặc đứng dậy thực hiện một vài động tác vận động nhẹ nhàng.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!