Hầu hết chúng ta rất ít khi chú ý đến hơi thở của mình, mặc dù đó là thứ cơ bản nhất để duy trì sự sống. Nhưng bạn có biết rằng hơi thở còn có tác dụng quan trọng hơn nữa, nó thay đổi như một phản ứng tự nhiên đối với áp lực từ môi trường và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Vậy tập thở như thế nào để giảm stress nhanh chóng và nâng cao sức khỏe? Hãy cùng khám phá nhé!
Tập thở đã có nguồn gốc từ xưa
Tập thở từ lâu đã được coi là phương pháp chăm sóc sức khỏe dễ thực hiện nhưng có thể đem lại tác dụng không ngờ. Có rất nhiều kỹ thuật thở khác nhau được sử dụng với mục đích nâng cao thể chất và tinh thần, trong đó sớm nhất có thể kể đến Pranayama xuất phát từ phương pháp tập yoga của đạo Hindu ở Ấn Độ. Prana trong tiếng Phạn có nghĩa là “sinh lực thiết yếu”, còn yama có nghĩa là “kiểm soát.”
Đến ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh rằng hít thở đúng cách có thể tác động tới sức khỏe của con người, và điều hay nhất là bất cứ ai cũng có thể tập tại nhà hoặc ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, hoàn toàn miễn phí.
Tập thở là gì?
Về cơ bản, tập thở là hành động thở một cách có kiểm soát và có ý thức, bạn phải chú ý điều chỉnh các cử động thở của mình để từ đó tác động tới trạng thái thể chất, tinh thần và cảm xúc. Bất kỳ bài tập thở nào cũng yêu cầu người tập phải cảm nhận hơi thở của mình và cảm giác mà nó mang lại đối với cơ thể và tâm trí. Mỗi kỹ thuật khác nhau sẽ có tác dụng cụ thể riêng.
Tập thở có tác dụng gì cho sức khỏe?
Nếu bạn đang tìm cách để giảm bớt căng thẳng lo âu trong cuộc sống hoặc cải thiện sức khỏe nói chung thì tập thở là phương pháp rất phù hợp, vì nó giúp tăng cường sức khỏe về tất cả mọi mặt: thể chất, tinh thần, cảm xúc.
Nghiên cứu cho thấy tập thở có thể cải thiện khả năng nhận thức và giảm căng thẳng ở những người trưởng thành khỏe mạnh, đồng thời việc thở có kiểm soát có thể giúp giảm các vấn đề sức khỏe liên quan đến stress mãn tính.
Các nghiên cứu về tác dụng của tập thở đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cho thấy rằng bệnh nhân COPD thực hành phương pháp thở mím môi sẽ tăng sức chịu đựng tốt hơn khi vận động thể chất.
Thở chậm và đều đã được chứng minh là có liên quan với:
- Cải thiện tâm trạng
- Tỉnh táo và hoạt bát hơn
- Thư giãn nhiều hơn
- Giảm lo lắng và trầm cảm
- Giảm các triệu chứng tức giận
Các bài tập thở cho người mới bắt đầu để giảm stress và tăng cường sức khỏe
Có rất nhiều bài tập thở đơn giản mà bạn có thể thực hiện tại nhà, đặc biệt thích hợp cho người mới bắt đầu vì kỹ thuật rất đơn giản.
Nhịp thở 4-7-8: Giúp giảm bớt căng thẳng
Kiểu thở 4-7-8 được đưa ra bởi bác sĩ Andrew Weil và được biết đến là “hơi thở thư giãn”. Đây là một kỹ thuật đơn giản nhưng giúp giảm căng thẳng hiệu quả gồm hít vào trong 4 nhịp đếm, giữ hơi trong 7 nhịp rồi thở ra trong 8 nhịp. Nhiều người sử dụng kỹ thuật này để giảm bớt lo lắng và ngủ ngon hơn.
Trên trang web của mình, bác sĩ Weil nói rằng “tập luyện một bài tập thở đều đặn, có ý thức có thể giúp bình tĩnh và tiếp thêm sinh lực, thậm chí có thể giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến stress, từ các cơn hoảng sợ đến rối loạn tiêu hóa.”
Cách thực hiện
Đầu tiên bạn hãy đặt đầu lưỡi chạm lên vòm miệng, ngay phía sau răng cửa và ngồi thẳng lưng thoải mái. Sau đó hãy làm theo các bước sau đây:
- Ngậm miệng, hít vào từ từ bằng mũi và đếm từ 1 tới 4
- Giữ hơi thở và đếm từ 1 tới 7
- Thở ra bằng miệng phát ra tiếng thổi nhẹ và đếm từ 1 tới 8
- Lặp lại các bước trên 4 lần, tức là 4 chu kỳ thở
Nhịp thở hình vuông: Giúp thanh lọc tâm trí
Nhịp thở hình vuông là một kỹ thuật bắt nguồn từ yoga thường được dùng để điều hòa và làm chậm hơi thở. Tên gọi của nó là do các động tác thở trong chu kỳ có thời gian bằng nhau giống như các cạnh của hình vuông.
Bài tập thở này có tác dụng tốt đến nỗi những người làm công việc căng thẳng cao độ như trong quân đội cũng thường thực hiện để lấy lại sự bình tĩnh khi gặp tình huống nguy hiểm. Nguyên tắc chính của phương pháp này là đánh lạc hướng tâm trí để tập trung và việc đếm nhịp thở và hít đầy không khí vào phổi.
Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp thở hình vuông vì nó mới xuất hiện chưa lâu, nhưng đã có những nghiên cứu cho thấy các bài tập thở tương tự giúp tâm trí tĩnh lặng và tăng khả năng tập trung.
Cách thực hiện
Đây là một trong những kỹ thuật hít thở đơn giản nhất và có thể làm ở mọi lúc mọi nơi – ở chỗ làm việc, khi lái xe ô tô, thậm chí ở những nơi công cộng đông người. Bạn chỉ cần làm theo các bước sau:
- Thở ra hết toàn bộ không khí trong phổi
- Hít vào trong 4 nhịp đếm
- Giữ hơi thở trong 4 nhịp
- Thở ra trong 4 nhịp
- Lặp lại 3-4 chu kỳ như trên
Thở bằng mũi luân phiên: Giúp tăng sức bền hô hấp
Thở bằng 2 bên lỗ mũi luân phiên, còn được gọi là Nadi Shodhana, là một bài tập thở có tác dụng làm dịu tâm trí và cơ thể, kiểm soát cảm xúc. Phương pháp thở này rất phổ biến trong yoga và thiền, Nadi Shodhana trong tiếng Phạn có nghĩa là “thở dọn sạch đường”, tức là mỗi lần thở chỉ dùng một bên lỗ mũi để làm thông thoáng tối đa.
Một nghiên cứu năm 2017 tìm hiểu tác dụng của kiểu thở này đối với các vận động viên bơi lội trình độ cao. Kết quả cho thấy việc tập thở bằng lỗ mũi luân phiên trong 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần, kéo dài 30 ngày sẽ giúp tăng sức bền hô hấp. Mặc dù kết quả này là rất hứa hẹn nhưng cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu tác dụng lâu dài của phương pháp này.
Cách thực hiện
Bạn có thể tự tập phương pháp này tại nhà, nhưng tốt nhất là nên tìm một người hướng dẫn có kinh nghiệm để kiểm tra các động tác của bạn chính xác hay không. Đầu tiên hãy ngồi với tư thế thoải mái, lưng thẳng rồi làm theo các bước sau:
- Đặt lòng bàn tay trái trên đùi và đưa tay phải ra trước mặt.
- Dùng ngón tay cái bên phải bịt lỗ mũi bên phải. Có thể đặt ngón trỏ và ngón giữa lên giữa trán nếu bạn thấy thoải mái.
- Nhắm mắt và hít vào từ từ bằng lỗ mũi bên trái.
- Khi đã hít vào sâu, hãy bịt lỗ mũi bên trái bằng ngón áp út và giữ hơi trong vài giây.
- Mở lỗ mũi bên phải và thở ra.
- Từ từ hít vào bằng lỗ mũi bên phải.
- Bịt lỗ mũi bên phải bằng ngón cái (ngón đeo nhẫn vẫn đang bịt lỗ mũi trái) và giữ hơi trong vài giây.
- Mở lỗ mũi bên trái và từ từ thở ra, khi đã thở ra hết thì tạm dừng vài giây rồi lặp lại các bước.
Bạn có thể thực hiện kiểu thở này trong tối đa 5 phút.
Thở bằng bụng: Khi bạn cần thư giãn
Còn được gọi là thở bằng cơ hoành, phương pháp này sử dụng toàn bộ các cơ bụng, cơ hoành và phổi để hít thở. Trái với thở bằng ngực bình thường, thở bằng bụng làm phần bụng phình to ra hơn là lồng ngực. Hơi thở bình thường của chúng ta thường nhanh và không sâu, nhưng thở bằng bụng giúp nạp đầy không khí vào phổi một cách từ từ và khiến cho hơi thở sâu hơn.
Thở bằng bụng tạo cảm giác thư giãn sâu và có liên quan chặt chẽ với thiền. Nghiên cứu cho thấy tập thiền có thể làm giảm huyết áp, giảm bớt lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và các triệu chứng đau mãn tính.
Cách thực hiện
- Bạn có thể tập thở bằng bụng khi nằm hoặc ngồi với tư thế thoải mái.
- Đặt bàn tay trái trên ngực và bàn tay phải trên bụng
- Hít vào từ từ, tưởng tượng không khí được đẩy xuống bụng và bụng phình to lên
- Mím môi và thở ra từ từ, cảm nhận bụng đang co lại
- Lặp lại tối đa 10 chu kỳ thở như trên
Thở mím môi: Để kiểm soát tình trạng khó thở
Thở mím môi là một kỹ thuật thường được dùng để kiểm soát tình trạng giảm thông khí và khó thở đối với một số bệnh hô hấp như COPD. Kỹ thuật này làm cho hơi thở trở nên chậm và sâu hơn, mang nhiều oxy hơn vào phổi và giúp tinh thần thư giãn.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy thở mím môi có thể giảm bớt tình trạng khó thở, giúp kiểm soát nhịp thở và tăng cảm giác thư thái. Tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu để kết luận về tác dụng về lâu dài của bài tập thở này.
Cách thực hiện
Đầu tiên bạn hãy ngồi xuống với tư thế thoải mái, lưng thẳng và thả lỏng vai. Thả lỏng các cơ trên mặt và để lưỡi tự do không chạm vào vòm miệng.
- Nhắm mắt lại, hít vào bằng mũi trong 2 giây.
- Mím môi giống như khi ngậm ống hút.
- Thở ra bằng miệng trong lúc đếm 4-6 nhịp.
- Lặp lại từ 5 đến 10 chu kỳ.
Lời khuyên cho người mới bắt đầu tập thở
Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tập
Các bài tập thở được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp mới nào, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc mắc bệnh tự miễn. Có bằng chứng cho thấy các bài tập thở có thể liên quan với tăng nhịp tim ở người bị bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus.
Tìm hiểu các bài tập thở khác nhau
Trên đây chỉ là 5 kỹ thuật thở cho người mới bắt đầu, ngoài ra còn có nhiều kỹ thuật khác mà bạn có thể thử, vì vậy hãy tìm hiểu để chọn được cách thở phù hợp với mình.
Lắng nghe cơ thể mình
Khi bạn đã bắt đầu tập thở thường xuyên, hãy chú ý cảm nhận cơ thể mình thay đổi như thế nào, thậm chí các bộ phận khác nhau có cảm giác khác nhau. Ví dụ như cảm nhận xem tâm trí có thư giãn và giảm bớt căng thẳng hay không, hoặc có bị đau và khó chịu bất thường ở đâu hay không. Nếu phát hiện điều gì không ổn thì hãy tạm dừng việc tập luyện tập và hỏi ý kiến bác sĩ.
Trên đây là những bài tập thở đơn giản tại nhà để bạn giảm stress nhanh chóng và tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!