Thuốc tránh thai cho nam giới liệu có thực sự hiệu quả?

Mặc dù có nhiều nghiên cứu khuyến khích nhưng hiệu quả thực sự của thuốc tránh thai dành cho nam giới vẫn còn rất mơ hồ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy loại thuốc tránh thai này có hiệu quả tới 99% trong việc ngừa thai ở chuột. Tuy nhiên chúng ta không nên quá mong đợi loại thuốc tương tự dành cho con người sẽ sớm được bày bán rộng rãi.

Gần đây, một nghiên cứu trên động vật đã gây xôn xao khi đưa ra một “đối thủ” mới trong công cuộc tìm kiếm hình thức kiểm soát sinh sản mới dành cho nam giới. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota đã tạo ra một loại thuốc tránh thai cho chuột đực và hiệu quả được chứng minh lên tới 99%.

Biện pháp tránh thai này nhắm vào một loại protein trong cơ thể chuyên tiếp nhận vitamin A có liên quan đến quá trình sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản. Các nhà nghiên cứu đã đưa hợp chất có tên gọi YCT529 vào chuột đực trong 4 tuần và kết quả cho thấy số lượng tinh trùng ở chúng thấp hơn đáng kể. Sau khi ngưng nhận thuốc tránh thai trong 4 đến 6 tuần, những con chuột này có thể tiếp tục thụ thai cho chuột cái.

Thuốc tránh thai cho nam giới được thử nghiệm trên chuột (Nguồn: Internet)

Từ những năm 1970, các nhà khoa học đã nghiên cứu cách tạo ra thuốc tránh thai dành cho nam giới. Mặc dù nhóm thực hiện nghiên cứu mới này được khuyến khích tiếp tục bởi kết quả đầy hứa hẹn nêu trên, nhưng nhiều người lại nghi ngờ và chỉ coi đó như một tiến bộ mà nghe thì hấp dẫn nhưng không khả thi để thực sự cho ra sản phẩm bày bán trên thị trường. Các chuyên gia cũng khuyên chúng ta không nên mong chờ sự xuất hiện sớm của thuốc tránh thai nam.

Tiến sĩ Amin Herati — giám đốc chương trình sức khỏe và vô sinh ở nam giới thuộc Viện Tiết niệu Brady tại Johns Hopkins (Mỹ) nói về nghiên cứu này như sau: “Tôi sẽ còn hết sức nghi ngờ cho đến khi thực sự thấy được những dữ liệu khả quan trên người. Có rất nhiều điểm khác biệt then chốt về cách tương tác và vận hành trong hệ thống sinh sản của gene người và gene chuột.”

Tiến sĩ Christina Wang — một chuyên gia về các biện pháp tránh thai tại Viện Lundquist ở Trung tâm Y tế Harbour-UCLA cho biết: “Đây là những hợp chất mới, nếu không nghiên cứu độc chất học, chúng ta sẽ không thực sự biết chúng hoạt động như thế nào”. Vì thế, tuy các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu độc chất học trên chuột, tiến sĩ Wang vẫn nhấn mạnh cần phải thử nghiệm cả trên người để đánh giá mức độ an toàn của thuốc.

Cần phải thử nghiệm trên người để biết hiệu quả thực sự (Nguồn: Internet)

Thế nhưng kể cả khi loại thuốc này không thành công trong các thử nghiệm tương lai thì giờ đây, khi mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hợp chất kể trên, họ có thể tạo ra các phương án dự phòng cho nó. Bác sĩ Abdullah Al Noman — một nghiên cứu sinh tại Đại học Minnesota, người đã trình bày những phát hiện trên tại một cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Mỹ đã nhận định: “Đây là sản phẩm tiên phong trong việc kiểm soát sinh sản mà không cần tới hormone.”

Gunda Georg, giáo sư hóa học y tế tại Đại học Minnesota — người chỉ đạo cuộc nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt giữa nghiên cứu lần này và những nỗ lực trước đây nhằm thiết kế loại thuốc tránh thai dành cho nam giới: “Ngay cả khi đã thử nghiệm liều cao, các nhà nghiên cứu cũng không hề phát hiện bất kỳ tác dụng phụ rõ ràng nào ở chuột. Chúng ăn uống và giao phối ngay cả khi không có tinh trùng.”

Tiến sĩ Georg cũng cho biết loại thuốc này có thể được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ngay trong năm nay. Nhưng ngay cả với kế hoạch được đẩy nhanh tiến độ như vậy, thì động thái này mới chỉ là bước đầu trên con đường kéo dài nhiều năm nữa.

Các nhà khoa học đang thử nghiệm những hình thức kiểm soát sinh sản nào khác cho nam giới?

Trước nghiên cứu tại Minnesota nêu trên, đã có hàng loạt các nghiên cứu tìm kiếm thuốc tránh thai cho nam có tác dụng tương đương với thuốc tránh thai nữ.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang tài trợ cho một thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra công thức gel tránh thai cho nam giới có tên NES/T, sử dụng bằng cách thoa lên vai và bắp tay một lần một ngày. Tiến sĩ Wang, một trong những điều tra viên chính cho biết: “Gel nội tiết tố hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng II, ước tính lạc quan loại gel này có thể ra mắt trong 5 năm nữa – nhưng ngay cả vậy, việc này vẫn tiến triển quá nhanh”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Contraline, một công ty công nghệ sinh học ở Virginia, đang chờ thử nghiệm lâm sàng cho Adam, một loại gel dạng nước có thể tiêm vào cơ thể, tác dụng kéo dài một năm. Công ty này niêm yết nó với tên gọi IUD, dành cho nam giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ đang thử nghiệm một thủ thuật thắt ống dẫn tinh không cần tới phẫu thuật được gọi là “Ức chế tinh trùng có thể đảo ngược theo hướng dẫn”, viết tắt là R.I.S.U.G., trong đó tiêm một loại gel vào các ống dẫn trong dương vật để lưu trữ tinh trùng. Nhưng trước khi những nỗ lực này trải qua các nghiên cứu quan trọng và mang tính quyết định là các thử nghiệm trên người, thì vẫn rất khó để có một hình thức kiểm soát sinh sản dành cho nam giới có hiệu quả tương tự như các hình thức dành cho nữ hiện nay như uống thuốc tránh thai, dùng miếng dán tránh thai, tiêm thuốc và đặt vòng.

Tiến sĩ Bobby Najari, chuyên gia về tiết niệu và sức khỏe dân số, đồng thời là giám đốc Chương trình vô sinh nam giới tại N.Y.U Langone Health chia sẻ: “Thời gian qua tôi đã rất hào hứng về các nghiên cứu trên động vật chứng minh tiềm năng của biện pháp tránh thai cho nam giới. Và mỗi lần như thế, tôi lại thất vọng.”

Vậy có những cách kiểm soát sinh sản nào cho nam giới hiện nay?

Hiện chỉ có hai hình thức kiểm soát sinh sản cho nam giới được chấp thuận, đó là thắt ống dẫn tinh và sử dụng bao cao su.

Mặc dù quá trình thắt ống dẫn tinh vẫn có thể đảo ngược được bằng cách nối lại ống dẫn tinh, nhưng tiến sĩ Najari cho rằng không nên thắt ống dẫn tinh nếu có ý định sau này đảo ngược lại. Các hướng dẫn về thắt ống dẫn tinh của Hiệp hội Tiết niệu Mỹ cũng lưu ý rằng việc đảo ngược không phải lúc nào cũng thành công. Ông nói thêm: “Quá trình đảo ngược có xu hướng kéo dài lâu hơn so với quá trình thắt ống dẫn tinh ban đầu, với thời gian hồi phục lâu hơn và không phải lúc nào cũng có trong bảo hiểm. Thắt ống dẫn tinh còn liên quan đến các biến chứng như nhiễm trùng và đau ngắn hạn lẫn đau mãn tính.”

Tiến sĩ Najari còn nói: Lợi ích thêm của bao cao su là bảo vệ người dùng khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhưng nó lại không được ưa chuộng mấy.” Ngay cả khi sử dụng, bao cao su vẫn có thể bị hỏng và rách. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) ước tính rằng tỷ lệ thất bại của bao cao su là 13%.

Tại sao trước đây chưa có thuốc tránh thai dành cho nam giới?

Vào những năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành nghiên cứu về testosterone như một hình thức tránh thai tiềm năng và nhận thấy hiệu quả cao trong việc giảm số lượng tinh trùng. Nhưng nồng độ cao của hormone cần dùng để giảm tinh trùng lại dẫn đến các tác dụng phụ như: tăng cân, nổi mụn trứng cá, cáu kỉnh, tâm trạng bất thường.

Những tác dụng phụ đó giống với tác dụng phụ của thuốc tránh thai nội tiết tố được ghi nhận ở phụ nữ. Ngoài ra thuốc tránh thai cho phụ nữ cũng có liên quan với xuất hiện cục máu đông.

Các phương pháp tránh thai cho nam và nữ (Nguồn: Internet)

Thế nhưng một số nghiên cứu về tránh thai ở nam giới đã dẫn đến tác dụng phụ hết sức nghiêm trọng. Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tạm dừng một cuộc thử nghiệm về hormone progestogen và testosterone vì những người đàn ông tham gia cho biết họ gặp phải tình trạng nổi mụn kinh khủng, trầm cảm và đau sau khi tiêm.

Theo Tiến sĩ Herati: “Khi bắt đầu làm rối loạn các thụ thể testosterone, cơ thể sẽ trở nên rất mất cân bằng và rối loạn. Trong khi phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt có thể dự đoán được, thì cơ thể đàn ông lại sản xuất tinh trùng với nồng độ cao với tần suất hàng ngày làm cho việc điều chỉnh hormone trở nên phức tạp hơn.”

Khi nào chúng ta mới thực sự có thuốc tránh thai dành cho nam giới?

Heather Vahdat, giám đốc điều hành của Sáng kiến ​​tránh thai cho nam, một tổ chức phi lợi nhuận đã tài trợ cho nghiên cứu Minnesota nói trên, cho biết: “Có rất nhiều việc cần giải quyết trong vấn đề nghiên cứu này, bên cạnh đó phải song song với sự thay đổi xã hội”. Nhưng bà ước tính rằng phải mất ít nhất 10 năm nữa thuốc tránh thai dành cho nam giới mới xuất hiện trên thị trường.

Mặc dù thuốc cho hiệu quả cao khi thí nghiệm trên chuột, tuy nhiên những kết quả đó có thể không áp dụng thành công đối với con người.

Tiến sĩ Michael Eisenberg, giáo sư khoa tiết niệu tại Đại học Stanford cho biết: “Nếu mọi loại thuốc thành công trên chuột đều có tác dụng với con người thì bệnh ung thư đã được chữa rồi.”

Nguồn: Dani Blum

Tại sao làm thuốc tránh thai cho nam giới lại khó?

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *