Những thay đổi ở người mẹ liên quan đến dinh dưỡng trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn thai nhi, đặc biệt là khi những thay đổi này xuất hiện ở giai đoạn tiên quyết. Kinhnghiem360.edu.vn sẽ chỉ ra những thay đổi đó trong bài viết này nha!
Nghén
Các mẹ thường bị nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ, chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố và tăng cường hoạt động miễn dịch ở thai phụ. Hiện tại chưa có biện pháp nào để điều trị tình trạng thai nghén, các phương pháp điều trị chỉ có thể làm giảm triệu chứng và khắc phục bớt hậu quả của nghén như mất nước, suy kiệt, rối loạn điện giải,…
Các mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa thay vì 3 bữa lớn. Thường thì các loại thực phẩm lạnh, ngọt và có mùi vị nhẹ nhàng các mẹ sẽ thích hơn. Ngoài ra, tình trạng nghén cũng thường giảm dần về đêm. Chính vì vậy, các mẹ nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng thật sớm hay ăn khuya.
Phù, tê chân
Phù, tê chân thường là hậu quả của sự chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch và sự gia tăng tích lũy muối do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Các mẹ có thể uống 1-2 ly nước mát có tính lợi tiểu nhẹ như: Nước rễ tranh, mía lau, râu bắp, atiso,… mỗi ngày.
Vọp bẻ (chuột rút)
Vọp bẻ là dấu hiệu sớm của tình trạng thiếu vitamin D và canxi. Lúc này, các mẹ nên tăng cường uống sữa và ăn các thực phẩm giàu canxi trong khẩu phần mỗi ngày. Bên cạnh đó, phơi nắng vào buổi sáng sớm cũng là điều không nên bỏ qua để tổng hợp vitamin D. Nếu các mẹ thiếu vitamin D và canxi nhiều thì cần phải bổ sung thêm dưới dạng thuốc.
Việc bổ sung thêm vitamin D và canxi dưới dạng thuốc chỉ chiếm khoảng 50% so với nhu cầu của mẹ. Phần còn lại thì các mẹ vẫn phải cung cấp qua sữa và các thực phẩm giàu canxi. Các mẹ có thể mua viên uống bổ sung canxi ở đây
Táo bón
Các mẹ thường bị táo bón nhiều nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ. Lý do là vì khi đó tử cung của mẹ đã lớn, chèn ép lên đại tràng, trực tràng. Ngoài ra, táo bón cũng có thể là do chế độ ăn thiếu chất xơ. Các mẹ tuyệt đối không được dùng bất kỳ loại thuốc xổ nào trong thai kỳ. Tốt nhất là các mẹ nên ăn thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ, nên thay đổi tư thế khi nằm để giảm chèn ép ruột và tăng cường vận động đi lại để kích thích nhu động ruột.
Ợ nóng, ợ chua, trào ngược dịch dạ dày
Do tăng kích thích nhu động dạ dày và tăng tiết dịch vị nên các mẹ cần ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống nhiều sữa, canh rau. Tránh ăn uống các chất kích thích như hành, tỏi, tiêu, ớt; cà phê.
Pica
Các thai phụ mắc chứng Pica sẽ thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm như: Đất, than, vôi tường, nhựa,… Các vấn đề cần lưu ý nhất là nguy cơ về vấn đề vệ sinh và an toàn.
Phenylketouria (tăng phenylketo niệu ở mẹ)
Phenylketouria là rối loạn chuyển hóa trong thai kỳ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu người mẹ có nồng độ phenylalanin trong huyết thanh cao thì chỉ số IQ của con sẽ giảm. Các bác sỹ sản khoa chỉ có thể can thiệp chủ yếu thông qua theo dõi nồng độ phenylalanin trong huyết thanh và bác sỹ dinh dưỡng sẽ áp dụng chế độ ăn hạn chế phenylalanin nghiêm ngặt.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.