Nhu cầu omega 6, omega 9 và canxi trong thai kỳ giúp bé phát triển tối ưu

Như đã nói ở bài viết trước, bài viết này Kinhnghiem360.edu.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ hơn và sâu hơn về nhu cầu omega 6, omega 9 và nhu cầu chất khoáng quan trọng nhất trong thai kỳ là canxi. Vậy omega 6, omega 9 và canxi có vai trò gì đối với thai phụ và thai nhi? Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nha!

Nhu cầu chất béo không no

Linoleic Acid và ARA (Arachidonic Acid)

Linoleic Acid là một acid béo không no thuộc nhóm chất béo omega 6. Khi vào cơ thể, Linoleic Acid chuyển hóa thành Arachidonic Acid (AA hoặc ARA). Cùng với DHA, AA là loại acid béo chuỗi dài có vai trò quan trọng nhất trong cấu trúc của tế bào thần kinh. Các chất béo thuộc nhóm omega 6 nhìn chung đều là các nguyên liệu để cấu tạo nên hệ thần kinh.

Trong thai kỳ, omega 6 từ máu mẹ qua nhau thai cung cấp nguyên liệu cho sự hình thành và phát triển não bộ. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ nhất vào khoảng 3 tháng cuối thai kỳ khi não thai nhi đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Sau sinh, bé tiếp tục nhận Omega 6 từ sữa mẹ giúp phát triển và hoàn thiện não bộ.

Thực phẩm giàu omega 6 (Nguồn: Internet)

Đa số các acid béo thuộc nhóm omega 6 đều là acid béo thiết yếu, nghĩa là cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn bên ngoài. Các loại thực phẩm chứa nhiều Omega 6 bao gồm: Thịt, trứng, các loại dầu thực vật (dầu nành, dầu mè, dầu phộng). Bình thường, lượng omega 6 từ thực phẩm đã có thể cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể nếu chúng ta ăn uống cân đối và biết ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau.

Oleic Acid

Oleic Acid là một acid béo không no thuộc nhóm omega 9, có vai trò dẫn truyền thần kinh nhanh chóng và chính xác hơn. Quá trình này bắt đầu diễn ra từ trong bào thai, tiếp tục sau sinh và hoàn chỉnh khi bé 6 tuổi.

Bên cạnh đó, Oleic Acid còn có nhiều vai trò khác đối với sức khỏe như chống hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch, kiểm soát cholesterol máu, chống lại các gốc tự do có hại cho cơ thể nhờ các chất chống oxy hóa, giúp làm đẹp da và tóc,… Chất này có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm như: Dầu olive, dầu đậu phộng, dầu hướng dương, dầu mè, trái bơ,… Trong đó dầu olive cung cấp Oleic Acid dồi dào nhất.

Nhu cầu chất khoáng đa lượng

Canxi

Canxi là thành phần chính yếu để cấu tạo xương, răng và cũng là chất quan trọng tham gia vào hoạt động của tất cả các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào cơ (bao gồm cả cơ tim, cơ bắp và cơ trơn). Canxi còn là một yếu tố quan trọng của quá trình đông máu và có vai trò thiết yếu trong dẫn truyền thần kinh.

Nhu cầu canxi ở phụ nữ mang thai thường tăng gấp đôi bình thường vì phải cung cấp cho việc tạo xương và tế bào của thai nhi, vừa đảm bảo duy trì lượng canxi dự trữ trong cơ thể mẹ (canxi dự trữ trong xương) không bị sụt giảm trong suốt thời kỳ mang thai. Nhu cầu canxi cũng có thay đổi ít nhiều trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ.

Tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng ở các giai đoạn khác nhau của bào thai mà nhu cầu canxi cũng khác nhau. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu canxi là 800 mg/ngày nhưng 3 tháng giữa là 1000 mg/ngày, 3 tháng cuối và giai đoạn cho con bú là 1500 mg/ngày.

Thực phẩm giàu canxi (Nguồn: Internet)

Trong quá trình mang thai, nếu canxi không được cung cấp đủ từ khẩu phần ăn thì sẽ có hiện tượng phân hủy canxi dự trữ từ xương của mẹ để cung cấp cho thai nhi. Chính vì vậy, trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, khi lượng canxi dự trữ còn nhiều, các mẹ có thể gặp phải các triệu chứng thiếu canxi thường không rõ ràng hoặc chỉ thoáng qua như tê chân, mệt mỏi,…

Nếu tình trạng thiếu canxi kéo dài, bắt đầu từ 3 tháng giữa thai kỳ các mẹ có thể sẽ xuất hiện thêm triệu chứng như vọp bẻ, đau nhức các khớp và cơ, xương,… Trong tình huống này, mặc dù thai nhi được ưu tiên cung cấp canxi từ kho dự trữ của mẹ nhưng vẫn có nguy cơ chậm phát triển thể chất, mắc bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè bẩm sinh, dị dạng xương như lõm ngực, ức gà,…

Ngay sau sinh, trẻ thiếu canxi bẩm sinh có thể bị co giật cấp tính. Hậu quả của việc phá hủy kho dự trữ canxi của cơ thể người mẹ thường kéo dài, gây ảnh hưởng gần như suốt đời và rất khó hồi phục vì canxi cung cấp cho cơ thể sau giai đoạn trưởng thành thường rất khó đưa vào xương.

Hậu quả của tình trạng giảm dự trữ canxi trong xương là người phụ nữ dễ bị loãng xương, còng lưng, các bệnh lý về đốt sống như xẹp, vẹo,… trong giai đoạn sau tuổi trung niên, nhất là giai đoạn mãn kinh.

Thực phẩm chứa nhiều canxi rất quen thuộc với chúng ta (Nguồn: Internet)

Canxi có nhiều trong phô mai, sữa, yaourt, tôm, cua, trứng, cá hồi, bánh mì, các loại quả sấy khô, các sản phẩm làm từ đậu nành,… Canxi cũng có nhiều trong các loại rau như: cải xanh, xà lách xoong, súp lơ, rau diếp xoăn, rau diếp cá,… Ngoài ra sự hấp thu canxi tại ruột cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Hấp thu và chuyển hóa canxi luôn cần có vitamin D, do đó thai phụ cần phơi nắng mỗi ngày.
  • Sự hiện diện của đường lactose (đường sữa) làm tăng khả năng hấp thu canxi. Do vậy, các chế phẩm từ sữa mà thiếu đường lactose như sữa lactosefree, phô mai, sữa chua đã lên men lactic,… có thể chứa hàm lượng canxi cao hơn nhưng khả năng hấp thu và chuyển hóa canxi lại kém hơn so với sữa nguyên chất.
  • Lượng chất đạm cao trong khẩu phần ăn có thể làm giảm hấp thu canxi tại ruột và làm tăng quá trình thải canxi ở thận.
  • Các thực phẩm giàu muối làm giảm hấp thu canxi.
  • Cà phê, trà,… cũng ngăn cản hấp thu canxi.

Ở bài viết sau, Kinhnghiem360.edu.vn sẽ giúp các mẹ tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu các vi khoáng cùng nhiều chất dinh dưỡng khác. Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *