Ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh có thể bảo vệ tim mạch và giúp bạn hấp thụ nhiều loại vitamin. Dưới đây là 13 thực phẩm giàu chất béo lành mạnh mà bạn có thể thưởng thức để bảo vệ sức khỏe của mình.
Chất béo lành mạnh là gì?
Chất béo là một loại chất dinh dưỡng trong thực phẩm và đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của chúng ta.
Chất béo cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động hiệu quả, giữ cho làn da và mái tóc khỏe mạnh, giúp hệ tiêu hóa hấp thụ vitamin A, D, E, K, dự trữ trong các tế bào mỡ và giúp cơ thể giữ ấm, cung cấp các axit béo thiết yếu cho sự phát triển của não bộ, kiểm soát phản ứng viêm và đông máu.
Chất béo có nhiều dạng có ảnh hưởng khác nhau với cơ thể:
- Chất béo không bão hòa: có dạng chất lỏng ở nhiệt độ phòng và thường được coi là tốt cho tim mạch. Loại chất béo này được tìm thấy trong thực vật như các loại hạt cũng như trong dầu thực vật và hải sản. Trên các nhãn dinh dưỡng, bạn hãy lưu ý các từ “chất béo không bão hòa đa” và “chất béo không bão hòa đơn”.
- Chất béo bão hòa: dạng rắn ở nhiệt độ thường và có trong thực phẩm động vật như thịt và bơ, cũng như dừa và dầu cọ. Loại chất béo này thường được coi là “không lành mạnh” cho tim mạch, nhưng “một số loại chất béo bão hòa thực sự tốt cho chúng ta”, theo Brianna Elliott, một chuyên gia dinh dưỡng tại Minnesota (Mỹ) cho biết.
- Chất béo chuyển hóa hay “chất béo trans”: Chất béo lỏng được chuyển thành rắn thông qua một quá trình được gọi là hydro hóa. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấm loại chất béo này, chúng thường có trong đồ chiên, bánh nướng và đồ ăn nhanh chế biến sẵn.
Chất béo có trong đồ ăn vặt chế biến sẵn và đồ nướng mua ở cửa hàng không tốt cho sức khỏe, trong khi chất béo từ các loại thực phẩm tự nhiên như quả bơ, thịt bò tự nhiên, và ô liu có thể có lợi. Không phải chất béo nào cũng như nhau, dưới đây là một số thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh.
1. Dầu ô liu
Dầu ô liu là chất béo lành mạnh nguyên chất. Nghiên cứu đã phát hiện rằng nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Các thành phần trong dầu ô liu như axit oleic và secoiridoids bảo vệ tế bào của chúng ta giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Để có được nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe, hãy chọn dầu ô liu nguyên chất vì nó được chiết xuất bằng phương pháp tự nhiên và không qua chế biến nhiều trước khi đến tay bạn.
2. Cá
Bạn có thể đã nghe nói cá là “thức ăn cho não”, đó là bởi vì chúng chứa nhiều axit béo omega-3 rất cần thiết cho chức năng của não. Bộ não của chúng ta được tạo thành bởi phần lớn là chất béo, vì vậy bạn cần phải ăn chúng để giữ cho não khỏe mạnh.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyên bạn nên ăn 8 ounce (khoảng 226 g) cá mỗi tuần để nhận được lượng axit béo omega-3 không bão hòa đa, axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA), tất cả đều cung cấp dinh dưỡng cho não, chống viêm và bệnh mãn tính. Hãy chọn cá hồi, cá cơm, cá trích, cá tuyết, cá mòi, hàu và cá thu.
3. Quả bơ
Bơ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn bạn nghĩ. Chúng giúp giảm viêm, bảo vệ tim mạch. Bơ cũng có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày, giúp bạn no lâu hơn.
Bạn cần ăn chất béo lành mạnh để cơ thể hấp thụ vitamin A, D, E, K hòa tan trong chất béo, có thể kết hợp bơ với món salad để nhận được lợi ích của tất cả các loại rau. Có thể làm món bánh mì nướng bơ như một bữa sáng hoàn chỉnh, bữa ăn nhẹ, bữa trưa hoặc thậm chí là bữa tối.
4. Trứng
Hướng dẫn Chế độ ăn uống trong những năm 2015-2020 đã bỏ giới hạn về thực phẩm chứa cholesterol như trứng, vì các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng chất béo bão hòa (như thịt mỡ) và đặc điểm di truyền là nguyên nhân dẫn đến cholesterol cao chứ không phải quá nhiều cholesterol trong khẩu phần ăn.
Nghiên cứu phát hiện rằng ăn trứng vào buổi sáng có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Trứng từ gà mái được nuôi thả vườn hoặc cho ăn thức ăn giàu omega-3 thường chứa nhiều omega-3 hơn.
5. Các loại hạt
Các loại hạt là món ăn nhẹ tiện lợi hoàn hảo nhất, chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm axit amin, vitamin E và axit béo không bão hòa. Một nghiên cứu năm 2018 được đăng trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ cho thấy rằng ăn các loại hạt làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hãy chọn các loại hạt không có bất kỳ thành phần nào được thêm vào như đường và các loại dầu thực vật khác, không cần thêm dầu vào các loại hạt vì chúng đã có sẵn rồi.
6. Bơ hạt
Đậu phộng chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn có liên quan đến giảm cholesterol và giảm nguy cơ bệnh tim, ngoài ra bạn có thể mua bơ hạt các loại bao gồm hạnh nhân, hạt điều,… Chất béo lành mạnh trong bơ hạt có thể giúp bạn no lâu, nhưng tránh những sản phẩm được thêm đường hoặc dầu thực vật.
7. Dầu dừa
Dầu dừa thường bị cho là không tốt vì lượng calo của nó chủ yếu đến từ chất béo bão hòa. Nhưng hiện nay các nhà nghiên cứu cho rằng loại chất béo bão hòa chính trong dầu dừa là axit lauric, được biết đến với đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn.
Dầu dừa cũng rất đặc biệt so với các nguồn chất béo bão hòa khác vì nó chứa chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCTs) có thể được sử dụng như một nguồn năng lượng nhanh chóng thay vì dự trữ lại thành mỡ. Nó cũng là một loại chất béo rất ổn định và rất tốt để nấu với nhiệt độ cao.
8. Sôcôla đen
Một lượng nhỏ sôcôla đen hàng ngày cung cấp chất béo lành mạnh có tác dụng bảo vệ tim mạch. Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khi bạn ăn sôcôla đen, các vi sinh vật tốt cho đường ruột như Bifidobacterium và vi khuẩn axit lactic sẽ ăn nó và lên men tạo ra các hợp chất chống viêm giúp bảo vệ tim mạch.
9. Sữa chua Hy Lạp
Khoảng 70% chất béo trong sữa chua Hy Lạp là chất béo bão hòa, nhưng bạn có thể thấy khoảng 1 gam chất béo chuyển hóa trên nhãn thành phần. Đừng lo vì đó là một loại chất béo chuyển hóa tự nhiên được gọi là axit linoleic liên hợp (CLA).
Các chuyên gia giải thích: Mặc dù chất béo chuyển hóa do con người tạo ra rất có hại cho sức khỏe, nhưng chất béo chuyển hóa tự nhiên như CLA có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim và ung thư. Để có được nhiều lợi ích nhất, hãy chọn sữa chua được làm từ sữa bò ăn cỏ, sữa chua nguyên chất béo. Bạn cũng nên chọn sữa chua nguyên chất vì sữa chua có hương vị thường chứa nhiều đường bổ sung và chất làm ngọt nhân tạo.
10. Quả ô liu
Bên cạnh dầu ô liu thì bản thân loại quả này cũng nên có trong khẩu phần ăn của bạn. Chúng rất giàu axit oleic, loại axit béo không bão hòa đơn bảo vệ tim mạch. Chúng cũng giàu polyphenol chống oxy hóa, bảo vệ bạn khỏi tổn thương tế bào, cùng với sắt, chất xơ và đồng. Nhưng lưu ý rằng chúng có thể chứa nhiều natri.
11. Các loại hạt mầm
Các loại hạt rất nhỏ được rắc vào món salad hoặc bánh mì nhưng chúng không chỉ có tác dụng trang trí mà còn chứa nhiều dinh dưỡng. Các loại hạt như bí ngô, cây gai dầu, hạt lanh, hạt chia và hướng dương rất giàu chất béo không bão hòa đơn như axit béo omega-3, có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm.
Chúng cũng là một nguồn cung cấp protein, chất xơ, các vitamin và khoáng chất như vitamin E, sắt và magiê. Hạt bí ngô được phát hiện là đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
12. Đậu nành
Đậu nành là một trong số ít các loại đậu không chỉ giàu protein mà còn cung cấp các axit béo thiết yếu, vì vậy chúng là thực phẩm thay thế thịt rất tốt. Đậu nành khô hoặc tươi đều cung cấp protein hoàn chỉnh lành mạnh cũng như isoflavone (một dạng estrogen thực vật), chất xơ, vitamin và khoáng chất. Điều đó cũng đúng với sữa đậu nành, miso và đậu phụ.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thịt chay làm từ đậu nành là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Các loại thịt chay chủ yếu là protein đậu nành mà không có các thành phần khác có lợi cho sức khỏe, vì vậy hãy chọn thực phẩm từ đậu nành nguyên chất để tốt nhất cho sức khỏe.
13. Phô mai
Phô mai từ lâu đã được coi là không tốt vì chứa nhiều chất béo xấu có thể làm xơ vữa động mạch. Hạn chế các sản phẩm pho mát đã qua chế biến chứa nhiều natri là đúng, nhưng bạn vẫn có thể dùng pho mát tươi.
Phô mai lâu năm như Parmesan cũng là một nguồn cung cấp men vi sinh tốt, giúp hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng. Phô mai chứa đầy các chất dinh dưỡng tốt như phốt pho, protein và canxi mà mọi người thường không để ý vì vấn đề chất béo. Nó cũng làm tăng nồng độ axit butyric trong cơ thể, có liên quan với giảm nguy cơ béo phì và trao đổi chất tốt hơn.
Một trong những cách lành mạnh nhất để chế biến pho mát là trang trí cho món salad, tăng thêm hương vị cho món ăn và chất béo của nó giúp bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng trong rau.
Đừng quên theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật tin tức sức khỏe mới nhất nhé!